Trang chủ > 046. Gia phả họ Sầm (khu phố 1, phường 2, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh)

046. Gia phả họ Sầm (khu phố 1, phường 2, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh)

19/08/2022 18:24:56

Gia phả họ Sầm ở khu phố 1, phường 2 (thôn Thái Bình) thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2009.

LỜI NÓI ĐẦU

Theo lời kể của các bậc cao niên họ Sầm: 

“Các bậc Nguyên Tổ họ Sầm phát tích từ huyện Phiên Ngung, phủ Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc; sang Việt Nam tìm cơ hội làm ăn. Lúc đầu vào phương Nam cư trú tại Mỹ Tho. Người mang họ Sầm rất ít, lại chuyên sống bằng nghề buôn bán nhỏ không tập trung nên dần dần xa nhau, mối quan hệ họ tộc cũng không gắng bó”

Hiện nay lớp hậu duệ họ Sầm chỉ còn biết ông Tổ Sầm Lái về đất Cẩm Giang, Tây Ninh, cưới vợ sống bằng nghề quay vịt gánh đi bán ở càc vùng lân cận.

Để đáp ứng nguyện vọng của bà con họ tộc, cháu hậu duệ đời IV Sầm Thanh Liêm xin phép cùng họ tộc được phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và thực hành Gia phả thành phố Hồ Chí Minh tìm nơi phát tích của các bậc tổ tiên và liên hệ mọi thông tin họ Sầm, xây dựng bộ gia phả họ Sầm này.

Do lớp hậu duệ họ Sầm phát triển ít, lưu cư nhiều nơi trong và ngoài nước, khi truy tìm tthông tin gặp vô vàn khó khăn, nay bộ gia phả đã hoàn thành. 

Để  tỏ lòng kính cẩn tổ tiên đã dày công vun đắp họ tộc phát triển như ngày hôm nay, việc lập gia phà họ sầm xuất phát từ tấm lòng, từ yêu thương kính trọng ông bà, cha meẹ. Từ công đức cao dày của các bậc tiền nhân, để lại con cháu sau này hiểu biết nhiều hơn, quan hệ thế thứ họ tộc, từ đó quan tâm giúp đỡ lẫn nhau; chắc chắn khi xây dựng bộ gia phả còn nhiều điểm thiếu sót. 

Xin kính mong tất cả họ tộc hiểu cho và từng bước bổ sung cho gia phả họ Sầm ngày càng hoàn chỉnh hơn. Đồng thời cám ơn Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả đã có nhiều công sức hỗ trợ gia tộc họ Sầm hoàn thành quyển Gia phả họ Sầm.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 04 năm 2009

Hậu duệ đời IV

Kính cẩn

SẦM THANH LIÊM

 

PHẢ KÝ

Gia phả là quyển sách lịch sử ghi chép sự phát triển của một dòng họ. Từ xa xưa gia phả đã được xem là một báu vật thiêng liêng, được các bậc trưởng tộc cất giữ cẩn thận, chứa đựng trong đó cả yếu tố tâm linh. 

Gia phả là bằng chứng vật thể qua đó con cháu biết rõ về tổ quán của mình, biết cội nguồn và sự phát triển của dòng họ và tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên. Gia phả góp phần giáo dục các thế hệ kế tiếp phát huy truyền thống tốt đẹp, đồng thời cũng là nơi lưu giữ những bài học quý giá  sự trường tồn phát triển của gia đình dòng tộc. 

Ghi chép gia phả, từ đời ông Tổ dòng họ cho đến hậu duệ đời nay không phân biệt sang hèn, chính kiến mà ghi chép rành rẽ, chỉ tôn thờ một thứ đạo duy nhất là “đạo làm người”, đạo thờ cúng ông bà, tổ tiên. Làm người phải biết đến tổ tông, biết đến cội nguồn, biết đến họ hàng nội ngoại, biết đến anh em chú bác. 

Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết hạnh làm câu trao mình

Chữ trung mỗi thời có cách hiểu khác nhau, nhưng chữ hiếu thì muôn đời vẫn vậy. Ai mà chẳng do cha mẹ sinh ra, làm con, làm cháu, là hậu duệ của các bậc tổ tiên? Cách thể hiện chữ hiếu trong mỗi giai đoạn của cuộc đời tựu trung lại vẫn là thể hiện lòng biết ơn và kính trọng với các bậc sinh thành. Biết rõ cội nguồn và phát huy những gì tốt đẹp của dòng họ, là cách thể hiện chữ hiếu trọn vẹn  nhất.

Chữ trung được định nghĩa là trung với tổ tiên, sau đó mới trung với nước, chỉ mong con cháu làm được điều vinh danh cho dòng họ, tránh những việc làm mang ô nhục cho tổ tiên. 

Gia phả phản ánh quá khứ dòng họ, từ đó làm bệ phóng cho các thế hệ hậu duệ vươn tới tương lai; làm điểm tựa tinh thần cho con cháu trước mỗi quyết định nhằm hướng tới cái đúng, điều tốt; tránh cái sai, cái xấu. 

Giữ gìn thanh danh của dòng họ cũng là một phần của đạo đức xã hội. Người tốt người tài được vinh danh trước hết trong dòng họ, sau đó mới ra ngoài xã hội.

Quá trình dựng phả là quá trình tìm kiếm những tư liệu mang tính chân thực của lịch sử dòng họ, kết hợp với những gì đã in sâu bén rể trong tâm thức của các vị cao niên, tạo thành cơ sở để kết nối các sự kiện, diễn biến phát triển của dòng họ Sầm tại Tây Ninh. 

PHÁT TÍCH DÒNG HỌ

Theo tư liệu của ông Sầm Tấn Phước, hậu duệ đời III, thì họ Sầm tại Tây Ninh có vị Tổ cao niên nhất tên là Sầm Lái sinh năm 1848 mất năm 1937, thọ 89 tuổi. 

Với những điều đã in sâu trong tâm thức các vị cao niên, như ông Sầm Văn Giàu sinh năm 1928 hậu duệ đời thứ 3, thì luôn nhắc đến một sự kiện là các cụ tổ họ Sầm gốc người Quảng Đông (Trung Quốc) sang Việt Nam tìm cơ hội làm ăn.

Các vị Tổ tiên họ Sầm sang Việt Nam rồi định cư ở Mỹ Tho, biết được hai anh em, người anh tên là Sầm Nái, người em là Sầm Lái. Do việc làm ăn không được thuận lợi nên ông Sầm Lái trở ngược về Bến Nghé (Gia Định), rồi theo đường Thiên lý Tây tìm về Tây Ninh, đến vùng Rạch Rể Cẩm Giang có nhiều lò gạch, dân cư đông đúc, mới dừng chân tại đây (Nay thuộc ấp Trường Ân, xã Trường Đông, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh). Ông Sầm Lái sinh sống với nghề quay vịt, gánh hàng đi bán khắp vùng.

Nếu tính lúc ông Sầm Lái về xứ Rạch Rể sinh sống là 30 tuổi thì năm đó là năm 1878, tức cách nay 131 năm. 

Để tiếp tục tìm về các bậc tổ tiên họ Sầm, ông Sầm Thanh Liêm và các chuyên viên của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP. Hồ Chí Minh đã đi đến những nơi có người họ Sầm cư trú như Mỹ Tho, Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Tây, Cần Thơ và tại thành phố Hồ Chí Minh; đã gặp các vị cao niên thăm hỏi về ông Sầm Nái mong tìm ra những thông tin và tư liệu kết nối, nhưng vẫn chưa tìm được. 

Tư liệu của gia tộc truyền lại viết bằng chữ Hán đã ghi rõ gốc tích họ Sầm:  

Làng Sa phố, tổng Lục Bộ, huyện Phiên Ngung, tỉnh Quảng Đông. Như vậy xuất xứ của họ Sầm là huyện Phiên Ngung, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Với nội dung tư liệu kể trên, chúng tôi đã có một chuyến “về nguồn” đến tận Phiên Ngung, Trung Quốc để dò tìm nguồn gốc họ Sầm. Nhưng kết quả không được như ý, chúng tôi chỉ chụp được hình bàn thờ Tổ họ Sầm ở Quảng Đông không kết nối được với họ Sầm đầu tiên qua ViệtNam. 

Do đó khi bắt tay dựng bộ Gia phả nầy, chúng tôi xác định họ Sầm chi phái Tây Ninh được hình thành với ông Tổ đời 1 là Sầm Lái và nơi phát tích của chi họ Sầm tại Tây Ninh là trên thửa đất ông Sầm Văn Giàu hậu duệ đời thứ 3 đang sinh sống, trước đây thuộc xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh nay thuộc khu phố II, phường 2, thị xã Tây Ninh.

VỀ VÙNG ĐẤT TỔ QUÁN XƯA

Rạch Rể -Cẩm Giang là nơi dừng chân đầu tiên của ông Tổ Đời 1 họ Sầm và cũng là quê quán của bà Cao tổ tỷ Đỗ Thị Bản. Đây là nơi có đời sống kinh tế khá phát triển so với các vùng lân cận, thời bấy giờ. 

Với tinh thần tự lập, giàu lòng nhân ái; cụ tổ Sầm Lái, một thanh niên từ Mỹ Tho lên, đã sớm được chấp nhận và hòa mình trong cộng đồng dân cư tại đây. 

Là người Việt gốc Hoa với nghề bán vịt quay, heo quay tại vùng Rạch Rễ, bản chất cần cù chăm chỉ làm ăn, cụ Tổ không chỉ được cộng đồng dân cư ở đây thương mến mà gia đình người Việt dòng họ Đỗ còn gả con gái cho làm vợ. Người phụ nữ đó chính là bà Cao Tổ tỷ Đỗ Thị Bản người đã sinh ra và góp phần nuôi dưỡng các thế hệ họ Sầm phát tích từ Tây Ninh. 

Căn cứ vào năm sanh của ông Sầm Văn Sỏi đời thứ hai, sanh năm 1886 là con đầu của Cao tổ khảo, suy ra cụ tổ Sầm Lái tuổi gần bốn mươi mới gặp cao tổ tỷ Đỗ Thị Bản. Cao tổ khảo có người con đầu khi 38 tuổi còn cao tổ tỷ lúc đó 19 tuổi. 

Do sinh sống bằng nghề bán vịt quay, heo quay nên cụ Tổ đã chuyển đến sanh sống tại xã Thái Bình nơi có lò mổ heo cho thuận tiện việc sản xuất và buôn bán. Mặt khác, vào giai đoạn lịch sử này việc giao thương buôn bán giữa Tây Ninh với các tỉnh miền Tây Nam bộ chủ yếu dựa vào giao thông đường thủy chuyên chở bằng ghe qua đường sông và kênh rạch. Do giao thông đường bộ kém phát triển, đi lại vận chuyển khó khăn nên đi lại và giao thương buôn bán chỉ trông vào phương tiện thủy.

Sông rạch Tây Ninh lúc đó là một nơi buôn bán tấp nập các sản phẩm trái cây, cá mắm từ các tỉnh miền tây đưa lên cùng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ vải, muối, đường, dầu hỏa từ Sài Gòn mang lên, củi, than, cây gỗ, các mặt hàng lâm sản từ Tây Ninh chuyển xuống. Giao lưu buôn bán tấp nập trên bến ghe gần lò mổ. Cụ tổ sớm nhìn ra vị trí đắc địa đó “ Nhất cận thị, Nhị cận giang” nên việc chuyển đến định cư và sinh sống tại đây đặt nền tảng cho việc phát triển kinh tế, nuôi dưỡng và phát triển các thế hệ tiếp theo. 

Theo lời kể lại của các bậc cao niên trong buổi đầu lập nghiệp của cụ Cao Tổ họ Sầm, xã Thái Bình là một vùng kinh tế thị tứ trên bến dưới thuyền, có tổ chức đời sống xã hội khá quy củ và văn minh, có quy hoạch lò mổ tập trung và riêng rẽ. Ở đây còn có bác sỹ thú y quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Người bác sỹ thú y làm công việc đó là ông Granouillit người Pháp, sau này là con rể nhà họ Sầm.

Cạnh lò mổ heo cũng thuộc xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, nay thuộc khu phố II phường 2, nơi ông tổ Sầm Lái hành nghề bán thịt heo quay, vịt quay và đã từng cư ngụ. 

Tại đây còn tồn tại một ngôi nhà do một bác sỹ thú y người Pháp có tên là Granouillit chồng bà Sầm Thị Thù con rể cụ Tổ Sầm Lái xây cất, ngôi nhà này hiện thuộc quyền quản lý và cư trú của bà Lộc là hậu duệ đời thứ 3, là con gái bà Sầm Thị Sanh có chồng là Trần Văn Huê. Hai bà Lộc và Ngọc đều được mang họ ông ngoại là Sầm Thị Lộc và Sầm Thị Ngọc.

Cụ tổ định cư tại vùng đất Thái Bình khi tuổi đời trên dưới 40 là tuổi đủ độ chín về kinh nghiệm nghề nghiệp cũng như hiểu biết về thương trường. Việc nhà cửa đất đai còn để lại cho đến hậu duệ đời thứ 3 của cụ tổ cho thấy một sự nỗ lực rất lớn và kinh doanh cũng thành đạt cụ sống khỏe mạnh và thọ tới 89 tuổi. 

Vào giai đoạn lịch sử này tuổi thọ bình quân ở nước ta là 50 tuổi, điều đó một phần nào phản ánh được đời sống kinh tế tinh thần có nhiều thuận lợi. 

Các đời thứ hai tức là các con của cụ Tổ chỉ duy nhất có một người con trai là ông Sầm Văn Sỏi, số còn lại là con gái, nhưng như các cụ thường nói “con độc cháu đàn” sang đến thế hệ thứ 3 cụ có tới 9 người cháu trong đó có 8 người cháu trai (các con của ông Sầm Văn Sỏi) theo truyền thống quan niệm xưa, đông con là có phúc. Điều này phù hợp với giai đoạn lịch sử lúc đó, dân cư của vùng đất mới. 

Nét nổi bật mang tính truyền thống trong gia đình dòng họ Sầm là: Can trường quả cảm nhân ái trong đời sống thường ngày đã tạo nên những thế hệ tiếp theo thành đạt trong hoạt động kinh tế cũng như thành đạt con đường học vấn. 

QUAN HỆ HÔN NHƠN - VĂN HÓA GIA ĐÌNH  

Con cháu họ Sầm lớn lên sinh sống cùng cha mẹ, chịu sự dạy dỗ và ảnh hưởng nghể nghiệp của gia đình; cộng thêm đời sống xã hội phát triển, nơi sinh sống là vùng đất mua bán thuận lợi nên sự giao tiếp với chung quanh không bị hạn chế. Họ Sầm có quan hệ hôn nhơn với nhiều họ khác như Trần, Nguyễn, Huỳnh, Lý… đều có tính tự nguyện, kết hợp vì tình cảm hơn là vì của cải, đất đai và quen biết nhau qua công việc làm ăn, tiếp xúc lâu ngày sanh tình cảm.

Con cháu Đời thứ 2 họ Sầm, con trai duy nhứt của ông Sầm Lái là ông Sầm Văn Sỏi cưới vợ là bà Trần Thị Khương quê quán Mỹ Tho, là người đưa hàng hóa lên bán cạnh lò heo; bà Sầm Thị Sanh lấy ông Trần Văn Huê là lái củi thương hồ từ Long An lên bán ở Tây Ninh. 

Bà Sầm Thị Thù sau khi không chung sống với chồng là ông Hơn, sanh con lấy họ mẹ; sau tái giá cùng ông bác sĩ thú y người Pháp 

Ở đời thứ 4 họ Sầm, nhiều người có học vị cao do có điều kiện học hành, cuộc sống gia đình ổn định; nhiều người là doanh nhân thành đạt. Có khá nhiều người đang định cư ở nước ngoài, nhiều nhất ở Mỹ, ở Úc; tiếp tục sanh con cái và hòa nhập vào cộng đồng dân cư mới. Ở đâu cũng vậy, dù sau này mang họ gì đi nữa thì tình cảm con cháu họ Sầm đều hướng về cội nguồn, đều biết được ông Tổ của mình là ông Sầm Lái và Tổ quán là vùng đất Rạch Rể Tây Ninh… 

Đó là điều quý báu mang tính truyền thống từ cha ông truyền lại. Đó còn là một nét văn hóa đẹp đẽ của con cháu họ Sầm vậy.

Làm người có Tổ có Tông

Như cây có cội, như sông có nguồn.