Trang chủ > 063. Gia phả họ Nguyễn (ấp Tiền, Tân Thông Hội, Củ Chi, TP.HCM)

063. Gia phả họ Nguyễn (ấp Tiền, Tân Thông Hội, Củ Chi, TP.HCM)

21/08/2022 11:26:18

Gia phả họ Nguyễn ở ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2011.

LỜI MỞ ĐẦU

Ông bà ta thường nói “Quốc hữu quốc sử. Gia hữu gia phả”, được dịch là “Nước có sử, nhà có phả”.

Sử ghi công lao của tổ tiên đã dày công dựng và giữ nước, ghi sự thăng trầm của các triều đại, các đời vua chúa, ghi lịch sử chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc để con cháu tự hào, tri ân tổ tiên, để có trách nhiệm bảo vệ và xây dựng đất nước mình cường thịnh hơn lên. Phả ghi lại lịch sử dòng họ, bắt đầu từ lai lịch và công lao ông bà thủy tổ cho đến hành trạng của từng thành viên trong họ tộc cho đến thế hệ hôm nay, ghi chuyện làm ăn, chuyện phụng thờ tổ tiên, chuyện bảo vệ và xây dựng tổ quốc của dòng họ, chuyện cây đa, bến nước, đình làng, chuyện hay, chuyện chưa làm được của họ tộc.

Đọc gia phả để biết lịch sử của dòng họ, công lao của tổ tiên, biết được thế thứ của những người trong họ, biết được truyền thống tốt đẹp của dòng họ mình để con cháu tự hào, tri ân, phụng thờ và có trách nhiệm làm cho dòng họ mình phát triển hơn lên để góp phần xây dựng quê hương đất nước.

Ông tổ họ Nguyễn ta từ Đàng Ngoài xa xôi cùng vợ và 7 người con (5 trai, 2 gái) bỏ quê hương vào Nam lập nghiệp. Không rõ ông cùng vợ con đi bằng phương tiện đường bộ hay đường thủy mà dọc đường ông bị bệnh rồi vĩnh viễn ra đi không bao giờ đến được quê hương mới. Bà cùng các con tiếp tục cuộc hành trình đầy gian nan, nguy hiểm vào đến đất Gia Định, dừng chân tại vùng đất Tân Thông, thuộc tổng Long Tuy Hạ, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Tại đây, bà cùng các con lao động cật lực, đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt và thú dữ để tìm kế sinh nhai, tạo lập ruộng vườn, gây tình thân ái với bà con láng giềng, tạo tình làng nghĩa xóm. Bà dựng vợ gả chồng cho con để tạo ra các thế hệ nối tiếp, tạo ra quy mô dòng họ Nguyễn đông đảo trên vùng đất tổ và các vùng đất lân cận trong huyện Củ Chi.

Trải qua nhiều thế hệ, con cháu họ Nguyễn noi gương tổ tiên lao động cần cù để sống, giữ gìn truyền thống gia tộc, tham gia vào hai cuộc chiến tranh đánh Pháp, đuổi Mỹ giải phóng và xây dựng quê hương.

Công lao của tổ tiên, truyền thống của dòng họ đáng được ghi vào gia phả để con cháu các thế hệ sau gìn giữ và phát huy.

Cũng do chiến tranh kéo dài hơn một thế kỷ, ác liệt nhất là hai cuộc chiến tranh đánh thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bà con ta có người đã tham gia vào hai cuộc kháng chiến, cũng có người đã hy sinh. Người ở địa phương vừa lo sản xuất, vừa chiến đấu dưới mưa bom lửa đạn của kẻ thù, có người phải tha phương cầu thực vì cuộc mưu sinh nên họ hàng ít gặp nhau, tình thân tộc ngày càng nhạt phai. Vì họ Nguyễn ta không có gia phả nên quan hệ dòng họ chỉ còn trong ký ức của các bậc lão thành trong họ tộc. Nhưng các bậc cao niên cũng lần lượt qua đời. Nếu không sớm ghi lại thì những mối quan hệ gia tộc sẽ đi vào lãng quên, các thế hệ mai sau hiểu một cách mơ hồ về cội nguồn dòng họ và bà con xa gần, và cũng không tránh khỏi việc kết hôn những người cùng họ.

Biết đến công ơn và tri ân tổ tiên là đạo lý của người Việt Nam, cho nên ông bà ta hay nhắc nhở:

“Chim có tổ, người có tông

Làm người phải biết tổ tiên ông bà”.

Nghĩ đến lời dạy của ông bà, tôi càng xót xa. Cho nên sau khi hòa bình lập lại, tôi có bàn với một số người trong họ định lập gia phả nhưng  không được sự đồng thuận trong họ tộc.

Và thật là vinh dự, họ Nguyễn đã được Ủy ban Nhân dân xã chọn là một trong 10 họ tộc cố cựu mà Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thành phố Hồ Chí Minh đã tình nguyện dựng 10 bộ gia phả tặng xã nhà nhằm góp phần xây dựng xã nông thôn mới theo quyết định số 5464/QĐ-UBND ký ngày 2/10/2009.

Do điều kiện khách quan nên gia phả này chỉ được thực hiện từ trực hệ ông Nguyễn Văn Mọt (đời III) trở lên ông tổ và trở xuống thế hệ thứ IX. Khi có điều kiện, có sự đồng thuận của họ tộc, sẽ dựng gia phả cho toàn dòng họ.

Nội dung bộ gia phả gồm:

• Lời tựa: Nêu nguyên nhân dựng bộ gia phả.

• Phả ký: Ghi tóm tắt lịch sử của dòng họ, gồm quá trình xây dựng sự nghiệp và sự phát triển của dòng họ cùng những truyền thống của họ tộc và tổ quán của dòng họ.

• Phả hệ: Ghi tên tuổi, hành trạng từ trực hệ ông Nguyễn Văn Mọt.

• Ngoại phả: Ghi lại việc thờ cúng tổ tiên, danh sách ngày giỗ trong họ, đình Tân Thông.

Quy mô dòng họ Nguyễn ta rất lớn, quyển gia phả này không thể hiện hết bà con họ Nguyễn cùng những đóng góp của dòng họ cho quê hương đất nước. Do vậy, tôi rất mong các chi họ còn lại nên lập gia phả cho chi họ mình để toàn họ tộc ta có 1 bộ gia phả hoàn chỉnh.

Tôi cám ơn bà con họ tộc, và đặc biệt là cháu Lê Văn Rôn, dù là cháu ngoại nhưng đã nhiệt tình cùng cộng tác với Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thành phố Hồ Chí Minh để cuốn gia phả được hoàn thành. Tôi cũng xin trân trọng sự nhiệt tình của các chuyên viên của trung tâm và sự quan tâm của UBND xã Tân Thông Hội đã tạo điều kiện cho chi họ Nguyễn có được cuốn gia phả này. Và xin dâng lên tổ tiên như món quà thể hiện lòng tri ân của con cháu đối với tổ tiên và mong bà con gìn giữ và phổ biến gia phả trong họ tộc, không ngừng bổ sung cho gia phả được hoàn thành.

Gia phả này có thể được phổ biến rộng rãi.

Củ Chi, ngày 23 tháng 11 năm 2011

Hậu duệ đời V trực hệ ông Nguyễn Văn Mọt

Nguyễn Văn Khỏe

 

PHẢ KÝ

Qua tìm hiểu trong tộc họ Nguyễn ở xã Tân Thông Hội thì được biết tổ quán của họ Nguyễn là làng Tân Thông xưa, tổng Long Tuy Hạ, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định, nay là ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Tìm hiểu lịch sử hình thành xã Tân Thông Hội là tìm hiểu lại quá trình hình thành làng Tân An Hội xưa.

I. Lịch sử hình thành xã Tân Thông Hội – Tổ quán họ Nguyễn

Năm 1832, sách Đại Nam Nhất thống chí viết về Gia Định như sau: “Năm 1832, thành Gia Định được đổi tên là thành Phiên An, cắt ra hai huyện Thuận An và Phước Lộc lập ra phủ Tân An, cắt hai huyện Bình Dương và Tân Long thuộc phủ Tân Bình. Sau năm 1835, thành Phiên An được đổi ra thành Gia Định”.

Năm 1836, Khâm sai Trương Đăng Quế vâng lệnh vua Minh Mạng vào Nam đo đạc, lập sổ địa bạ, thì tỉnh Gia Định có 2 phủ là Tân Bình và Tân An. Phủ Tân An có 2 huyện Bình Dương và Tân Long. Huyện Bình Dương có 2 tổng khi đo đạc chia thành 6 tổng: Bình Trị Thượng, Bình Trị Trung, Bình Trị Hạ, Hương Hòa Hạ, Dương Hòa Trung và Dương Hòa Thượng.

Tổng Dương Hòa Thượng có 2 xã và 20 thôn có địa giới rõ ràng, trong đó có các thôn có vị trí, có tên các vị tổng thôn, hào mục và tên các điền chủ được phân canh, phụ canh trong thôn như sau:

1. Tân Thông thôn

- Đông giáp địa phận thôn Tân Phú Trung.

- Tây giáp địa phận thôn Tân Thông Tây.

- Nam giáp thôn Mỹ Hạnh (tổng Long Hưng Thượng – Tân Long).

- Bắc giáp địa phận thôn An Thuận Tây.

Ruộng mới khẩn 1 sở (4 mẫu).

Đất gò đồi có nhà cửa dân cư 1 khoảnh

Đất hoang nhàn 1 khoảnh

4 mẫu ruộng mới khẩn này do Trần Văn Lem, Trần Văn Hương, Nguyễn Văn Thọ phân canh và Nguyễn Văn Bài dân ở Phú Hòa Đông phụ canh. 

Những người đứng khai là:

- Thôn trưởng Trần Văn Hương ấn ký.

- Dịch mục: Lê Văn Tại điềm chỉ

- Dịch mục: Nguyễn Văn Thọ điềm chỉ.

2. Tân Thông Tây thôn

- Đông giáp địa phận thôn Tân Thông.

- Tây giáp địa phận thôn Tân Thông Trung.

- Nam giáp địa phận thôn Hòa Mục (tổng Tân Phong Trung – Tân Long).

- Bắc giáp địa phận 2 thôn Tân Thông Trung và Tân Thông.

Ruộng mới khẩn 13 mẫu rưởi (3 sở cùng 1 chủ).

Đất gò đồi có nhà cửa dân cư 2 khoảnh

Đất hoang nhàn 2 khoảnh

Chủ ruộng được phân canh là Lê Văn Tích 1 sở 4 mẫu rưởi, 1 sở 5 mẫu và 1 sở 4 mẫu.

Những người đứng khai là :

- Thôn trưởng Lê Văn Tích ấn ký.

- Dịch mục Nguyễn Văn Khiêm điềm chỉ.

Nguyễn Văn Giao điềm chỉ.

Nguyễn Văn Non điềm chỉ.

Nguyễn Văn Mưu điềm chỉ.

3. Tân Thông Trung thôn ở xứ Bàu Tre

- Đông giáp địa phận thôn Tân Thông Tây.

- Tây giáp địa phận thôn Phước Mỹ.

- Nam giáp địa phận thôn Tân Thông Tây.

- Bắc giáp địa phận thôn Trung Lập và Vĩnh An Tây.

Ruộng mới khẩn 7 sào 7 thước 5 tấc (1 chủ).

Đất gò đồi có nhà cửa dân cư 1 khoảnh.

Chủ ruộng được phân canh 7.7.5 là ông Dử Văn Vửng.

Những người đứng khai là:

- Thôn trưởng Dử Văn Vửng ấn ký.

- Dịch mục Nguyễn Văn Đông điềm chỉ.

Cao Văn Bôi điềm chỉ.

4. Vĩnh An Tây thôn (là thôn sau này thành ấp Cây Sộp nhập vào làng Tân An Hội).

- Đông giáp địa phận 2 thôn Vĩnh An và An Thuận Tây.

- Tây giáp địa phận thôn Trung Lập.

- Nam giáp địa phận thôn Tân Thông Trung.

- Bắc giáp rừng rậm.

Chưa có ruộng, chỉ là đất gò đồi có nhà cửa dân cư 1 khoảnh

Những người đứng khai là:

- Thôn trưởng Trần Văn Lẩm ấn ký

- Dịch mục: Lê Văn Sơn điềm chỉ

Nguyễn Văn Ký điềm chỉ.

Theo địa giới hành chánh, thôn Tân Thông là vùng bà tổ họ Nguyễn đến định cư lập nghiệp, nay là ấp Tiền.

Tân Thông Tây là vùng Xóm Chùa, Xóm Huế, thị trấn Củ Chi đến Mũi Lớn (Tân An Hội), Tân Thông Trung là vùng Bàu Tre, Truông Viết (Phước Hiệp).

Sau năm 1931, bốn thôn Tân Thông, Tân Thông Trung, Tân Thông Tây và Vĩnh An Tây nhập lại thành làng Tân An Hội.

Các thôn Tân Thông là vùng đất triền, hướng Tây Bắc nghiêng dần về phía đồng bưng Mỹ Hạnh (Đức Hòa) và Mũi Lớn (Tân An Hội) vốn là vùng đất phèn chua, nước mặn (sau này gọi là đồng bưng Tam Tân), phía Đông Nam giáp với cánh đồng Tân Phú Trung chuyên trồng lúa, chen với những vạt đất trồng rau, đậu phộng, tre trúc, cây thuốc lá. Đến năm 1900, dân cư vùng này còn thưa thớt, dân khẩn đất trồng trọt và sinh sống hai bên đường thiên lý, vừa cất nhà, vừa làm các điểm dừng chân cho khách bộ hành, tạo thành vừa nhà ở, vừa bán quán.

Đường Thiên lý Tây, tức quốc lộ 1 cắt ngang các thôn Tân Thông, Tân Thông Trung, Tân Thông Tây nối mạch giao thông từ Bến Nghé với Trảng Bàng, Tây Ninh, đem lại sự trù phú cho vùng chợ Củ Chi và xóm ấp xung quanh.

Đến vùng Tân Thông, tổ mẫu họ Nguyễn và các con cùng các họ khác đã lao động cật lực, khai khẩn đất hoang, biến vùng đất hoang vu thành vùng đất màu mỡ, tạo thành đồng ruộng phì nhiêu, cảnh quang xinh đẹp, xây dựng tình làng nghĩa xóm gian khổ có nhau với các họ khác thành một khối đoàn kết nhất trí, quyết bảo vệ thành quả lao động quý báu mà mình đã dày công xây dựng.

Năm 1957, chính quyền Sài Gòn ấn định lại các đơn vị hành chính của tỉnh Gia Định, lập ra quận Củ Chi thuộc tỉnh Bình Dương thì làng Tân An Hội thuộc quận Củ Chi, tỉnh Bình Dương.

Sau ngày 30/4/1975, đất nước được thống nhất, huyện Củ Chi thuộc thành phố Hồ Chí Minh, xã Tân An Hội được tách ra làm 3 đơn vị hành chánh:

• Thị trấn Củ Chi là trung tâm huyện Củ Chi.

• Xã Tân An Hội từ Xóm Huế lên ấp Mũi Lớn, ấp Bàu Tre, ấp Cây Sộp và Xóm Việt kiều Campuchia.

• Xã Tân Thông Hội gồm 10 ấp: Ấp Tiền, ấp Hậu, ấp Chánh, ấp Thượng, ấp Trung, ấp Bàu Sim, ấp Tân Định, ấp Tân Tiến, ấp Tân Lập, ấp Tân Thành.

Tổ quán họ Nguyễn ở ấp Tiền xã Tân Thông Hội, con cháu hiện nay vẫn còn trên đất tổ và các ấp, xã lân cận. Mộ bà tổ vẫn được hậu duệ cải tạo xây mới lại ở ấp Tiền.

Rồi chiến tranh cũng đã xảy ra trên vùng đất này: Cuộc nội chiến đã xảy ra kéo dài giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh và khốc liệt nhất là hai cuộc kháng chiến của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Vốn mang trong người dòng máu bất khuất chống giặc ngoại xâm, lưu dân vùng đất Củ Chi, trong đó nhân dân xã Tân An Hội, Tân Thông Hội quyết tâm bảo vệ  quê hương mà họ đã dày công vun đắp. Năm 1859, Pháp từ Đà Nẵng kéo vào Gia Định rồi đến 18 Thôn Vườn trầu, nhân dân Tân An Hội, trong đó có Tân Thông Hội đã theo các cuộc khởi nghĩa của Trương Định, rồi Trương Quyền, Án sát Đặng Văn Duy, Võ Văn Nhâm ở xã Phước Vĩnh An lập đội nghĩa tử đánh Tây. Tiếp theo là cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Ảnh Thủ, Phan Công Hớn, Phan Xích Long, rồi Hội kín Nguyễn An Ninh.

Từ khi có Đảng, nhân dân Tân An Hội và Tân Thông Hội dũng cảm, sáng tạo dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng nhân dân Củ Chi góp phần thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong đánh Pháp, nhân dân Củ Chi không quên trận Kỳ tập của Chi đội 6, dùng lính lê dương theo ta ngụy trang đột nhập giữa ban ngày vào căn cứ Franchinie đánh Pháp thu toàn bộ vũ khí về lập nên bộ đội Tân Thông, đánh sập Tourmère (tháp canh mẹ), Quán Đôi bằng trọng pháo 20 ly của quân khu 7, rồi lập địa đạo xã chiến đấu để đánh tiếp 9 năm kháng chiến. Điện Biên Phủ thắng lợi, dân chúng trở về quê nhà, đất cũ và cuộc biểu tình đòi Pháp thực hiện Hiệp định Genève đã bị thảm sát tại Quán Đôi ngày 8 tháng 8 ngăn 1954. Bao nhiêu dân chúng tay không ngã xuống! Ngày nay còn bia căm thù ở Quán Đôi. Mới đây bia được dời vào đền liệt sĩ của xã tại ấp Bàu Sim.

Hiệp định Genève bị Mỹ can thiệp, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, chúng thực hiện nhiều chiến lược thâm độc, từ chiến lược Chiến tranh đặc biệt, Cục bộ rồi Việt Nam hóa chiến tranh, với bao nhiêu lính chư hầu, vũ khí tối tân, cùng nhiều cuộc hành quân ác liệt Jhonson City, Crimp, Cedarfall. Nhưng rồi chính nghĩa cũng thắng hung tàn. Mỹ cút, ngụy nhào, bà con lo xây dựng lại quê hương. Qua hai cuộc chiến tranh, nhân dân Củ Chi đã góp phần làm nên địa danh Củ Chi Đất Thép Thành Đồng với khu địa đạo vang danh thế giới. Đất Củ Chi đã sản sinh ra những nhân vật chống giặc ngoại xâm như Đặng Văn Duy, Đặng Thúc Liêng – nhân sĩ, nhà báo yêu nước, anh hùng Phan Trung Kiên, người Bàu Sim. Đặc biệt là nguyên thủ tướng Phan Văn Khải, người ấp Chánh, đã nghỉ hưu, bao nhiêu anh hùng lực lượng vũ trang, bà mẹ Việt Nam Anh hùng cần được tôn vinh, ghi ơn.

Ngày nay, xã Tân Thông Hội nằm phía Nam huyện Củ Chi, phía Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh, phía Bắc giáp xã Phước Vĩnh An, phía Đông giáp xã Tân Phú Trung, phía Tây giáp xã Tân An Hội và thị trấn Củ Chi, phía Nam giáp ranh với huyện Hóc Môn và tỉnh Long An.

Diện tích tự nhiên là 1.108,8ha, chiếm 4,11% diện tích tự nhiên của huyện, trong đó đất nông nghiệp chiếm 1.122,9ha. Dân số toàn xã là 823 nhân khẩu. Dân số phân bố không đều, tập trung ven quốc lộ 22 và các trục lộ giao thông trong xã. Qua hai cuộc kháng chiến, toàn xã có 21 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 400 là liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng quê hương. Còn có trên 115 người là thương binh, trên 500 người có công với cách mạng, có hàng trăm cán bộ chiến sĩ bị địch bắt vào tù ra khám, có trên 2.000 người dân thường tử nạn, thương tật do hậu quả chiến tranh gây ra.

Khi hòa bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân xã Tân Thông Hội đã nhanh chóng bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng kinh tế, kiến tạo cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân trong xã và nay xã được chọn để xây dựng xã nông thôn mới hứa hẹn ngày mai cuộc sống nhân dân trong xã được nâng cao hơn.

Ấp Tiền là một trong 10 ấp của xã Tân Thông Hội, là tổ quán của họ Nguyễn ta, đã được hình thành và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của xã Tân Thông Hội. Hiện nay ấp có vị trí như sau: Phía Đông giáp xã Tân Phú Trung, phía Tây giáp ấp Chánh và ấp Thượng, phía Nam là kinh Thầy Cai, phía Bắc giáp quốc lộ 22. 

Đa số dân ấp Tiền sống về nghề nông. Đa số dân trong ấp theo đạo Phật, thờ cúng ông bà. Trong hai cuộc chiến tranh, ấp đã có 54 liệt sĩ, 2 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Ấp Tiền liên tục đạt danh hiệu là ấp văn hóa, nằm trong dự án xây dựng nông thôn mới của xã Tân Thông Hội.

II. Phát tích dòng họ

Theo ông Nguyễn Văn Khỏe (hậu duệ đời V) thì người cao tuổi nhất của họ Nguyễn từ Quảng Nam cùng vợ và 7 người con vào Nam lập nghiệp nhưng dọc đường không rõ đến địa phận nào ông bị bệnh và qua đời. Sau khi chôn cất ông, bà dẫn con tiếp tục cuộc hành trình gian khổ vào Nam và dừng chân tại vùng đất Tân Thông, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định, nay là ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Trong cuộc hành trình, ông bà không mang theo gia phả, vốn liếng chỉ có 7 người con (5 trai, 2 gái). Bà tổ qua đời không để lại di chúc hay giấy tờ tương phân ruộng đất. Do vậy con cháu chỉ biết ông tổ mình đã qua đời trên con đường vào Nam lập nghiệp nhưng không rõ tên ông. Do vậy, hậu duệ họ Nguyễn hiện nay của ông ở ấp Tiền và các xã lân cận coi ông là ông tổ đời I của họ Nguyễn.

Bà tổ là người ở tỉnh Quảng Nam. Con cháu không rõ bà họ tên gì, tuổi tác bao nhiêu, chỉ biết bà dắt díu 7 con vào khai hoang lập nghiệp tại vùng đất Tân Thông, định cư tại vùng đất nay là ấp Tiền. Bà và các con sống về nghề nông. Bà qua đời được an táng tại ấp Tiền. Mộ bà bằng đá ong, được con cháu cải táng xây mới lại hoàn toàn. Mộ ông không rõ tại đâu. Ông bà có 7 người con:

• Thứ hai : Nguyễn Văn Tuấn

• Thứ ba : Nguyễn Văn Tú

• Thứ tư : Nguyễn Văn Vui

• Thứ năm : Nguyễn Thị Vẻ

• Thứ sáu : Nguyễn Văn Duyên

• Thứ bảy : Nguyễn Thị Tròn

• Thứ tám : Nguyễn Văn Dầu

Bốn người con trai lập gia đình tại vùng đất Tân Thông, tạo ra 4 chi truyền nối đến nay là đời thứ VIII, thứ IX, tạo ra quy mô dòng họ rất lớn. 

Không rõ ông bà tổ sinh, mất năm nào và đi vào Nam lúc nào. Nhưng căn cứ theo năm sinh của ông Nguyễn Văn Hỷ (đời V), con đầu lòng của ông Nguyễn Văn Tỷ, là năm 1906, và theo cách tính của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TPHCM thì các thế hệ cách nhau 25 năm, các con cách nhau 2 tuổi, thì ông Nguyễn Văn Tỷ sinh khoảng năm:

1906 – 24 = 1881

Ông Nguyễn Văn Mọt (cha ông Nguyễn Văn Tỷ) là con thứ chín của ông Nguyễn Văn Vui, thì anh hai của ông (là ông Nguyễn Văn Vững) năm sinh là khoảng năm:

1881 – 14 = 1842

Ông Nguyễn Văn Vui (đời II), thứ tư, là cha ông Nguyễn Văn Mọt sinh khoảng năm:

1842 – 25 = 1817

Và năm sinh ông tổ khoảng:

1817 – 4 – 25 = 1788

Để được vào Nam, đứa con đầu lòng ít nhất cũng phải 20 tuổi, tức khoảng năm 1833 (năm Minh Mạng thứ 34). Vào thời điểm này nước ta còn chủ quyền, nhưng chính sách cai trị khắc nghiệt, chính sách ngoại giao lỗi thời làm cho triều đình dần dần suy yếu. Dù vậy, ông cũng có chỉ dụ cho dân vào miền Nam khẩn hoang. Không rõ ông bà tổ có đi theo chính sách của triều đình hay tự tổ chức đi.

Đến thế hệ thứ III, ông Nguyễn Văn Mọt, con thứ chín của ông Nguyễn Văn Vui lấy vợ họ Lê ở ấp Mũi Lớn, xã Tân An Hội sinh được 7 người con, chết nhỏ 1, còn lại 3 trai, 2 gái:

• Thứ hai : Nguyễn Văn Tỷ

• Thứ ba : Nguyễn Thị Tất

• Thứ tư : Nguyễn Văn Tập

• Thứ năm : Nguyễn Văn Phương

• Thứ sáu : Nguyễn Văn Trương

• Thứ bảy : Chết nhỏ

• Thứ tám : Nguyễn Thị Mì

Bà Nguyễn Thị Tất lấy chồng họ Hồ ở ấp Cây Da, Tân Phú Trung, sinh con nối dòng cho họ Hồ. Bà Nguyễn Thị Mỳ lấy chồng khác họ, không có con. Nối dòng cho ông Nguyễn Văn Mọt là 4 người con trai của ông.

Ông Nguyễn Văn Trương có 1 con trai nhưng đã qua đời lúc chưa vợ nên không có người nối dõi tông đường, chỉ dừng lại ở đời thứ IV, nhưng hiện nay cháu ngoại là Lê Văn Rôn cúng giỗ ông bà ngoại, chăm sóc mồ mả và sớm hôm hương khói ông bà.

Riêng ông Nguyễn Văn Tỷ lập gia đình với và Phan Thị Buội, có 1 con trai duy nhất là Nguyễn Văn Hỷ, đời thứ VI, phát triển dần đến đời thứ VII phát triển mạnh nhất và truyền nối đến nay là đời thứ IX.

Ông Nguyễn Văn Tập có hai đời vợ. Đời thứ nhất không rõ tên. Bà mất, ông tục huyền với bà họ Trần là Trần Thị Ích ở Xóm Đông xã Tân Phú Trung, truyền nối đến nay là đời thứ VIII.

Ông Nguyễn Văn Phương có hai đời vợ. Đời thứ nhất họ Phan ở ấp Tiền. Bà qua đời, ông tục huyền với bà họ Lê ở ấp Chánh. Ông có hai dòng con, có hậu duệ đến nay là đời thứ VIII. Hậu duệ của 3 ông phần lớn ở ấp Chánh, ấp Tiền xã Tân Thông Hội và các xã lân cận, thành phố Hồ Chí Minh.

Chỉ có trực hệ ông Nguyễn Văn Mọt mà quy mô họ hàng khá đông đúc. Nếu lập gia phả hết toàn chi thì quy mô dòng họ rất rộng lớn.

III. Quan hệ hôn nhân và sự phát triển dòng họ

Quan hệ hôn nhân tạo ra gia đình là nơi con người được sinh ra và lớn lên, tiếp tục kết hôn với các họ khác để tạo ra dòng họ.

Ngoại trừ bà tổ họ Nguyễn và một số ít người trong dòng họ, con cháu không biết quan hệ hôn nhân với họ nào, nhưng phần lớn họ Nguyễn khi cưới dâu, chọn rể nhiều nhất là họ Nguyễn, kết tiếp là họ Trần, họ Lê, họ Phan, họ Huỳnh, họ Mai và các họ Trương, Võ, Hồ, Phạm, Đặng, Cao, Hứa, Hà..., là những họ có phẩm chất đạo đức tốt, cần cù lao động, có truyền thống yêu nước, có tinh thần cách mạng triệt để.

Hôn nhân đời I, II, III, IV cha mẹ định đoạt theo lễ giáo phong kiến nhưng tiến bộ, không theo môn đăng hộ đối. Đời V, VI, VII, hôn nhân trên cơ sở tình yêu chân chính do quen biết nhau trong lao động, trong học tập nhưng vẫn có vai trò tích cực của cha mẹ hay người thân trong gia đình trong việc cưới hỏi.

Dâu, rể họ Nguyễn là những cô gái, chàng trai cùng trong tổ quán ấp Tiền và các ấp, các xã lân cận như ấp Chánh, ấp Mũi Lớn xã Tân An Hội, ấp Cây Da, Bàu Sim, ấp Bến Đò xã Tân Phú Trung, xã Nhuận Đức, thị trấn Củ Chi. Đến đời VI, con cháu đi lao động xa tổ quán, định cư tại Hoa Kỳ, Canada nhưng lúc nào cũng nhớ về quê cha đất tổ. Qua hôn nhân với các họ khác đã tạo ra cộng đồng người cùng huyết thống nối dòng họ Nguyễn qua quá trình phát triển sau:

• Đời I: 1 người.

• Đời II: 1 người.

• Đời III: 1 người.

• Đến đời IV, số lượng bắt đầu tăng lên 7, chết nhỏ 1, còn 4 trai và 2 gái.

• Đời V số lượng tăng đáng kể, gồm 20 người, chết nhỏ 4, còn 19 trai, 6 gái.

• Đến đời VI số lượng 50, chết nhỏ 7, còn lại 17 trai và 36 gái.

• Đời VII số lượng 46 người, chết nhỏ 1, còn 24 trai và 21 gái.

• Đời VIII còn nhiều người chưa lập gia đình, nhưng số lượng cũng đã 21 người (16 trai, 5 gái).

• Đời IX chỉ mới có 1 người.

Phát triển số lượng mạnh nhất là đời VI, trong đó đáng kể là hậu duệ ông Nguyễn Văn Hỷ (đời VII).

Toàn bộ trực hệ ông Nguyễn Văn Mọt từ đời I đến đời IX gồm 175 người, trong đó có 75 trai và 70 gái, chết nhỏ 13 người, là một lực lượng lao động, học tập khỏe mạnh, không ai mắc bệnh hiểm nghèo.

Con dâu họ Nguyễn là con của những dòng họ tử tế, biết lo việc nhà, việc ruộng nương, rẫy bái và nuôi dạy con tử tế, biết phụng sự tổ tiên nhà chồng, tiêu biểu là bà tổ đời I.

Ông tổ qua đời trên đường vào Nam, bà lặn lội dẫn con vào Nam, cùng 7 người con ra sức khẩn hoang, cuốc đất, đắp bờ, tạo cơ ngơi cho các con, cưới vợ gả chồng cho con yên bề gia thất, được các con phụng dưỡng tuổi già, nay thì mồ yên mả đẹp, là một tấm gương để con cháu noi theo.

Bà Phan Thị Buội, vợ ông Nguyễn Văn Tỷ làm dâu nhà khá giả, ông làm xã trưởng. Ông bà có một con nhưng bà hiền hậu, dạy con rất tốt. Con một, nhà giàu, cha có địa vị trong xã hội nhưng bà dạy con lễ phép, không kiêu căng, không rượu chè, hút xách.

Bà Huỳnh Thị Năm, vợ ông Nguyễn Văn Mợi đời VI, bà là con một nhưng về làm dâu họ Nguyễn biết lo việc ruộng nương, đặc biệt là bà nuôi dạy 9 người con nên người.

Bà Cao Thị Dết, chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi 14 người con, lao động quần quật, làm ruộng, tráng bánh, đương đệm để nuôi sống gia đình cho đến năm 2006 tuổi già sức yếu mới qua đời.

Bà Nguyễn Thị Măng, vợ ông Nguyễn Văn Khỏe (đờiV), con gia đình nông dân có truyền thống cách mạng. Ngoài việc ruộng nương, bà còn nuôi dạy con ăn học đàng hoàng, ủng hộ cách mạng để chồng yên tâm làm cách mạng và hoạt động xã hội.

Các chú rể họ Nguyễn hầu hết là rể thảo, biết lo cho gia đình mình, gia đình bên vợ. Tiêu biểu là gia đình ông Nguyễn Văn Ria, chồng bà Nguyễn Thị Bí. Gia đình bà Nguyễn Thị Bí không có con trai lo việc thờ tự, ông Ria cùng con cháu lo việc phụng thờ tổ tiên nhà vợ chu đáo.

Việc giáo dục gia đình họ Nguyễn theo Nho giáo nhưng không khắc khe nệ cổ. Ông Nguyễn Văn Tỷ tuổi nhỏ đã theo học chữ Nho, dạy con theo sách thánh hiền, lễ giáo phong kiến nhưng tiến bộ, con cháu từ đó sống giữ nếp nhà, kính trên nhường dưới, hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, giữ tôn ti trật tự trong gia đình. Đó là nét đẹp văn hóa cần được giữ gìn.

IV. Việc làm ăn sinh sống và việc bảo vệ quê hương

1. Việc làm ăn sinh sống

Sự hiện diện của bà tổ đời I và các con cháu đời II, III, IV từ đầu thế kỷ XIX (1833) thì vùng đất Nam bộ dưới sự cai trị của triều đại Minh Mạng, nước ta còn chủ quyền, vua có chính sách khẩn hoang cho dân vùng Ngũ Quảng. Bà tổ và con cháu cùng lưu dân vào khẩn hoang ở vùng đất Tân Thông, sống về nghề ruộng rẫy. Dù chính sách cai trị của vua Minh Mạng, Thiệu Trị có khắc nghiệt, chính sách ngoại giao có lỗi thời, song cuộc sống của lưu dân ở Mười Tám Thôn Vườn trầu vẫn sống thanh bình trong vùng nông thôn Nam bộ với những thửa ruộng phì nhiêu, vườn cây ăn trái, những liếp rau, đậu, tre, trúc xanh tươi rợp bóng.

Do chính sách ngoại giao thiển cận, chính sách cấm đạo, giết giáo sĩ và nhiều nguyên nhân khác đã dẫn đến việc các nước phương Tây xâm lược Việt Nam. Bắt đầu từ năm 1858, liên quân Pháp và Tây Ban Nha bắn vào cửa Đà Nẵng, mở đầu cho thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Năm 1859, Pháp vào Gia Định, bắt đầu đánh và chiếm 3 tỉnh niền Đông Nam kỳ, triều đình chủ hòa ký Hòa ước Nhâm Tuất 1862 giao 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường cho thực dân Pháp. Đến năm 1867, ta mất thêm 3 tỉnh miền Tây. Thế là toàn bộ Nam kỳ lục tỉnh trở thành thuộc địa của thực dân Pháp. Rồi chúng đánh chiếm miền Bắc, can thiệp vào triều đình Huế, dẫn đến Hòa ước Patenôtre năm 1884 thì nước ta mất chủ quyền, triều đình Tự Đức chỉ là hư vị. Chúng bắt đầu khai thác thuộc địa, bóc lột tài nguyên, nhân lực, đặt ra thuế má nặng nề, vô lý, nhân dân ta sống vô cùng khổ sở, điêu đứng, tính mạng bị đe dọa.

Đời sống con cháu họ Nguyễn đều bị sưu cao thuế nặng, có chút ít đất đai cũng không tránh khỏi kiếp sống nô lệ của người dân mất nước.

Đời IV, V bắt đầu có người xa rời việc ruộng nương, không canh tác, sống bằng nghề khác như làm thợ hồ, chạy xe lam, làm tiểu thương.... Đến đời VI là lúc đất nước được giải phóng hoàn toàn, con cháu có điều kiện học hành tốt hơn, làm nhiều nghề khác nhau, nhưng ruộng thì chỉ có vài gia đình canh tác, còn đại đa số cho mướn ruộng lấy lúa, còn bản thân người đi làm công nhân ở các xí nghiệp, tài xế xe khách, xe tải, thợ hồ, thợ may, tiểu thương, hợp tác xã mua bán.... Người có học thì làm thư ký ủy ban xã, nhân viên bưu điện, y tá. Đi làm xa hơn là hợp tác lao động ở Liên Xô, Hàn Quốc. Đặc biệt có người bán đất gởi tiền ngân hàng để sống khỏi phải lao động. Nhìn chung con cháu họ Nguyễn – hậu duệ ông Nguyễn Văn Mọt (đời III) ai cũng lao động kiếm sống một cách chân chính, không ai làm gì có hại đến danh dự dòng họ, quê hương, người già được con cháu phụng dưỡng.

2. Bảo vệ quê hương

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, con cháu họ Nguyễn cũng đã có người tham gia đánh thực dân Pháp và đế quốc Mỹ như ông Nguyễn Văn Bông (đời IV) đi bộ đội lúc 16 tuổi thuộc Tiều đoàn Quyết thắng quận Củ Chi, hy sinh tại xã Trung An.

Ông Nguyễn Văn Khỏe (đời V) tam gia Thanh niên Cứu quốc Đoàn xã Tân An Hội từ năm 1945. Đến năm 1950 ông được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 1954, ông được ở lại tiếp tục công tác cho đến ngày giải phóng. Gia đình ông là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng. Sau giải phóng, ông tiếp tục công tác ở xã nhà, có thời gian ông là chủ tịch xã Tân Thông Hội, rồi Bí thư Đảng ủy xã và nay thì về hưu.

Ông Nguyễn Văn Phưởng (đời V) làm cách mạng bị bắt, ông tự tử để bảo mật cho tổ chức.

Ông Nguyễn Văn Khoắn (đời V) cũng tham gia cách mạng rất sớm. Ông bị bắt, khi ra tù ông bệnh nên không tiếp tục công tác. 

Ông Đào Văn Bên, chồng bà Nguyễn Thị Ri (đời VI) đi bộ đội bảo vệ cơ quan Thành ủy ở Củ Chi cho đến 30/4/1975 tiếp tục chuyển công tác về quận 5, rồi về huyện Củ Chi cho đến khi về hưu.

Ông Nguyễn Văn Khánh đi bộ đội.

Bà con ở quê thì ủng hộ cách mạng. Trong họ cũng có người đi quân dịch nhưng sau giải phóng thì được về với gia đình làm ăn chân chính. Đó là những gì mà lịch sử để lại. Con cháu họ Nguyễn không ai theo giặc, gây nợ máu cho nhân dân.

V. Đặc điểm của dòng họ

Qua gần 200 năm lao động và chiến đấu bảo vệ quê hương, họ Nguyễn trong tiểu chi ông Nguyễn Văn Mọt đã để lại cho những thế hệ sau những truyền thống tốt đẹp của họ tộc mình.

- Trước tiên phải nói đến tính cần cù, siêng năng trong lao động, lối sống bình dân, giản dị của người nông dân Nam bộ.

Sau khi ông tổ qua đời trên đường vào Nam lập nghiệp, bà tổ dắt díu 7 người con vào vùng đất Tân Thông của tỉnh Gia Định ra sức khai hoang, đấu tranh chống thiên nhiên khắc nghiệt và thú dữ để lấy đất lập nên ruộng vườn, định cư lập nghiệp cho con cháu.

“Đồng Nai xứ sở hãi hùng

Dưới chân cá lội, trên bờ cọp um”

Con cháu các thế hệ nối tiếp noi gương bà cần mẫn, siêng năng trong lao động. Người sống bằng nghề nông còn làm thêm nghề thủ công như đan rổ, đan đệm, chằm nón, tráng bánh tráng, chăn nuôi gà vịt, bắt cá tôm..., còn thêm công tác cách mạng như gia đình ông Nguyễn Văn Khỏe. Cũng có người ngoài việc ruộng nương còn làm thêm nghề chạy xe lam. Người sống nghề buôn bán thì thức khuya dậy sớm mua đồ hàng bông chở xuống chợ đầu mối để bán sỉ như gia đình ông Nguyễn Văn Dợi (đời VI). Có gia đình thu mua bánh tráng đi bỏ mối ở các chợ, con cái lớn nhỏ đều chung tay phụ cha mẹ lựa, cột, cắt bánh tráng không ngơi tay như gia đình ông nguyễn Văn Hiệp (đời VII). Con cháu làm ngành nghề khác thì tận tâm với nghề. Người làm công nhân, cán bộ thì có tinh thần trách nhiệm.

Đó là điểm đáng quý, con cháu cần giữ gìn và phát huy.

- Điều đặc biệt trong cách làm ăn sinh sống của con cháu họ Nguyễn là biết thay đổi cách làm ăn theo sự phát triển của xã hội. Khi nông thôn dần được đô thị hóa, con cháu họ Nguyễn đời VI đem ruộng đất cho mướn, chuyển từ nghề nông sang buôn bán, cho rằng “phi thương bất phú”.

Con cháu đời VI chuyển sang buôn  bán đồ hàng bông, bán bánh tráng, bán tạp hóa như gia đình ông Nguyễn Văn Dợi, Nguyễn Văn Mợi và con cháu, cuộc sống ngày càng khá hơn.

- Nét đẹp trong đời sống văn hóa trong họ Nguyễn là tấm lòng hiếu thảo, biết tri ân và phụng thờ tổ tiên, cải tạo mồ mả bà tổ và các đời kế tiếp lại khang trang, phân công nhau cúng giỗ đúng ngày, quy tụ được đông đảo con cháu đến dự. Bà tổ qua đời đã lâu nhưng hiện nay con cháu vẫn cúng giỗ.

- Điểm đáng quý nữa là tinh thần cách mạng triệt để của con cháu trong hai cuộc kháng chiến.

Gia phả này chỉ khảo sát trực hệ ông Nguyễn Văn Mọt (đời III) nhưng con cháu cũng đã có người theo cách mạng từ tuổi thanh niên xuyên suốt hai thời kỳ, dù khó khăn, gian khổ vẫn không nản lòng, thối chí. Sau khi hòa bình vẫn nhiệt tình trong công tác chính quyền (chủ tịch xã) và công tác Đảng (Bí thư xã), rồi Chủ tịch mặt trận. Đó là ông Nguyễn Văn Khỏe cùng vợ. Tuổi ông nay đã hơn 80 nhưng ông vẫn gắn bó với đình Tân Thông và vẫn sinh hoạt Đảng ở địa phương. Ông Nguyễn Văn Khoắn, em ông Khỏe, cũng theo cách mạng từ Cách mạng Tháng Tám 1945. Ông bị địch bắt, bị đánh đập dã man. Khi ra tù ông bị bệnh, không tiếp tục được nhưng ông vẫn ủng hộ cách mạng.

Ông Nguyễn Văn Phưởng (đời V) làm cách mạng bị bắt, để bảo mật, ông tự tử để địch không khai thác được.

- Hậu duệ họ Nguyễn không ai đỗ đạt cao nhưng khi hòa bình lập lại, con cháu có điều kiện học hành, có bằng đại học, làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp, ngân hàng, đóng góp cho việc xây dựng địa phương.

Trên đây là truyền thống tốt đẹp, con cháu cần tiếp tục phát huy đề góp phần xây dựng xã nông thôn mới và xây dựng dòng họ văn hóa.

VI. Phương hướng xây dựng dòng họ văn hóa của hậu duệ ông Nguyễn Văn Mọt

- Con cháu họ Nguyễn nên phổ biến gia phả này cho toàn chi họ để con cháu biết được cội nguồn, bà con trong họ mình động viên toàn họ lập gia phả cho toàn họ Nguyễn để con cháu biết hết quy mô dòng họ, biết được nhiều gương sáng trong họ tộc để cùng nhau noi gương đoàn kết nhau để xây dựng dòng họ mình tốt hơn.

- Họ Nguyễn ta cần tiếp tục xây dựng nếp sống gia đình, dòng họ, gìn giữ gia phong, chăm lo phụng thờ tổ tiên, giỗ chạp đúng ngày, xây nhà thờ tổ để có nơi giỗ tổ, quy tụ được đông đảo dòng họ để biết được việc làm ăn, việc học hành để cùng giúp nhau tiến bộ hơn và cũng không quên bổ sung cho gia phả được hoàn chỉnh, không đặt tên con trùng tên với tổ tiên, ông bà.

- Cha mẹ cần định hướng cho con việc hôn nhân, không cưới gả trong họ, cùng với các họ khác đoàn kết giúp nhau xây dựng tình làng nghĩa xóm, tôn trọng luật pháp, tăng gia sản xuất, lập quỹ khuyến học, khuyến tài giúp nhau trong họ tộc có điều kiện học hành vươn lên, có công ăn việc làm, không ai đói nghèo, thất học. Đó là mục tiêu xây dựng dòng họ văn hóa của họ Nguyễn ta.