Trang chủ > 062. Gia phả họ Đinh (ấp Chánh, Tân Thông Hội, Củ Chi TP.HCM)

062. Gia phả họ Đinh (ấp Chánh, Tân Thông Hội, Củ Chi TP.HCM)

20/08/2022 22:56:56

Gia phả họ Đinh ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi TP.HCM được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2011.

LỜI NÓI ĐẦU

Đã từ lâu, tôi mong muốn ghi chép lại tên tuổi, sự nghiệp của tất cả những thành viên trong dòng họ Đinh chúng ta, lưu lại để con cháu các đời sau biết rõ về tổ tiên của mình. Việc đó thật không dễ dàng, vì không phải ai cũng có khả năng viết lách, không phải ai cũng có cùng ý tưởng ghi lại toàn bộ dòng họ mình như tôi.

Những người lớn tuổi trong họ Đinh đã lần lượt qua đời, mang theo những ký ức về quá trình sinh cơ lập nghiệp của tổ tiên chúng ta....

Ông tổ chúng ta là ai?

Đến vùng đất này từ đâu?

Đã sinh sống trên vùng đất này như thế nào?....

Tất cả những câu hỏi tương tự như vậy, ngày nay chúng ta không thể trả lời được. Có lẽ thời các ông tổ chúng ta đến đây lập nghiệp, cuộc sống còn quá nhiều gian khó nên ông bà đã không nghĩ đến việc ghi chép lại tên họ, những công việc mà ông bà đã làm để lưu truyền lại cho con cháu đời sau. Hoặc cũng có thể ông bà cũng đã có ghi chép, nhưng trải qua thời gian, với nhiều biến cố như thiên tai, chiến tranh..., những ghi chép đó nay không còn nữa.

Điều thiệt thòi nhất cho chúng ta ngày nay là không biết nhiều về quá trình sinh cơ lập nghiệp, quá trình chiến đấu với thiên nhiên khắc nghiệt, quá trình lao động gian khó của ông cha ta. Đó chính là lịch sử của dòng họ, mà những bài học lịch sử luôn là những bài học quý giá không gì có thể thay thế được, giúp cho các thế hệ đời sau học tập những điều hay lẽ phải, biết tự hào về những thành quả mình có được hôm nay, để từ đó luôn biết nâng niu, gìn giữ và tiếp nối.

Tôi sinh ra và lớn lên khi đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh khắc nghiệt. Thời tuổi trẻ của tôi là những tháng ngày cùng đồng đội tham gia hoạt động cách mạng, vào tù ra khám. Sau ngày đất nước thống nhất, là những tháng ngày vất vả lao động để ổn định cuộc sống cùng vợ con. Đến hôm nay, các con đã trưởng thành, các cháu cũng đã lớn khôn, tôi mới có nhiều thời gian để suy nghĩ về tổ tiên, ông bà. Tôi bỗng giật mình khi thấy rằng mình biết về ông bà của mình quá ít. Ngay cả năm sinh, năm mất của ông bà nội mình tôi cũng không biết rõ. 

Và chắc rằng nhiều thành viên khác trong họ cũng có những lo lắng giống tôi.

Những năm gần đây, tôi luôn trăn trở với việc làm sao để có được một ghi chép đầy đủ về ông bà, về dòng họ của mình, để mai này, nếu tôi có theo ông bà thì cũng thanh thản vì biết rằng con cháu mình sẽ có cơ sở để tìm hiểu, để nhớ, để tự hào. Nhưng thật sự tôi cũng không biết bắt đầu từ đâu, không biết phải thực hiện bằng cách nào.

Thật may mắn cho tôi và cho dòng họ Đinh chúng ta, khi Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thành phố Hồ Chí Minh, thông qua Ủy ban Nhân dân xã Tân Thông Hội, có một việc làm vô cùng ý nghĩa là dựng gia phả cho các dòng họ tiêu biểu của xã. Họ Đinh chúng ta thật vinh dự khi được chọn là một trong mười họ đó.

Những ngày mưa nắng điền dã, những tháng ngày ròng rã đầy nhiệt huyết của các chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thành phố Hồ Chí Minh, sự hợp tác nhiệt tình của con cháu họ Đinh... đã dần tạo nên cuốn gia phả như hôm nay.

Nội dung cuốn gia phả này bao gồm:

• Lời nói đầu: Nêu nguyên nhân dựng bộ gia phả.

• Phả ký: Ghi tóm tắt lịch sử của dòng họ, gồm quá trình xây dựng sự nghiệp và sự phát triển của dòng họ cùng những truyền thống của họ tộc và tổ quán của dòng họ.

• Phả hệ: Ghi tên tuổi, hành trạng của các thành viên trong họ.

• Ngoại phả: Ghi lại việc thờ cúng tổ tiên, danh sách ngày giỗ trong họ, đình Tân Thông....

Tuy muộn, nhưng cuốn gia phả họ Đinh chúng ta cũng đã hoàn thành. Giở từng trang lịch sử của dòng họ, chúng ta sẽ thấy được hình ảnh của cha ông cùng quá trình lao động, làm việc, sinh hoạt, thấy được những điều hay, lẽ phải mà cha ông đã dày công vun đắp.... Qua những trang lịch sử này, chúng ta sẽ học tập được những điều hay, học hỏi kinh nghiệm làm người, biết tránh xa những điều sai trái, càn quấy có thể làm tủi hổ vong linh ông bà.

Tôi cám ơn bà con họ tộc đã nhiệt tình cùng cộng tác với Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thành phố Hồ Chí Minh để cuốn gia phả được hoàn thành. Tôi cũng xin trân trọng sự nhiệt tình của các chuyên viên của trung tâm và sự quan tâm của Ủy ban Nhân dân xã Tân Thông Hội đã tạo điều kiện cho họ Đinh có được cuốn gia phả này.

Chúng tôi xin dâng lên tổ tiên cuốn gia phả này, như món quà thể hiện lòng tri ân của con cháu đối với tổ tiên.

Con cháu họ Đinh chúng ta hãy luôn gìn giữ và phổ biến gia phả trong họ tộc và hãy xem đây như là một sợi dây gắn kết các thành viên họ tộc lại với nhau, bỏ qua những hiềm khích, giận hờn để cùng chung tay xây dựng một dòng họ văn hóa, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau để các thế hệ sau có điều kiện phát triển hoàn thiện về nhân cách và tài năng.

Do nhiều điều kiện khách quan, cuốn gia phả này chắc hẳn còn nhiều thiếu sót. Mong rằng con cháu họ Đinh không ngừng bổ sung cho gia phả được hoàn chỉnh và đầy đủ hơn.

Tân Thông Hội, ngày 20 tháng 12 năm 2011

Hậu duệ đời thứ V

Đinh Văn Điệm

 

PHẢ KÝ

I. Lịch sử vùng đất nơi ông tổ họ Đinh khởi nghiệp

1. Lịch sử hình thành

Vào thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên 1613 – 1635, với ý đồ mở rộng cõi bờ, Chúa Nguyễn đã gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Cao Miên Chey Chetta II, đổi lại là một đồn thu thuế được thiết lập tại Prey Norkor, tức Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.

Đến thời Chúa Nguyễn Phúc Tần 1648 – 1687, đã có hai lần quân đội của Chúa Nguyễn hành quân vào giúp Cao Miên giải quyết tranh chấp nội bộ. Việc yên, Chúa Nguyễn đã đóng một số đồn binh ở Tân Thuận và đưa dân Việt đến lập làng xóm, phố chợ….

Cùng thời gian đó, năm 1679, hai nhóm quân nhà Minh, dẫn đầu bởi Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch, được cho vào định cư, khai khẩn vùng Biên Hòa và Mỹ Tho. Đất miền Nam đã dung nạp 3000 nhân khẩu, sau này thành người Minh Hương.

Đến năm 1698, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam, lập ra phủ, huyện, xã, thôn và chính thức di dân miền Ngũ Quảng vào khai khẩn vùng đất hoang vắng, thưa người của vùng Sài Gòn – Gia Định. 

Theo sử sách đã ghi lại, dấu chân người Việt đặt chân lên đất Sài Gòn Gia Định từ đầu thế kỷ XVII. Thoạt đầu, họ chọn vùng đất cao từ Chợ Quán đến gò Cây Mai, từ Tân Định, Bà Chiểu đến Gò Vắp lên Hóc Môn rồi men theo đường thiên lý lên phía Củ Chi, Trảng Bàng. Cho đến đầu thế kỷ XVIII, khi những vùng đó đã chật kín người, người ta mới quay về ở vùng đất thấp quanh Sài Gòn và tiếp tục mở rộng các vùng khai phá trước nay. Khi dân cư đã định hình, làng xóm có danh xưng, ta thấy Hanh Thông xã xuất hiện năm 1679, An Lộc năm 1746, Phú Thọ năm 1747, Tân Sơn Nhứt năm 1749, An Lợi Đông năm 1751. Lần lượt cho đến 1805, sau khi Gia Long lên ngôi, trong 74 xã thôn của tổng Dương Hòa, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình đã có tên Tân Thông thôn, Tân Thông Tây Giáp và Tân Thông Trung.

Qua năm 1836, Minh Mạng cho lập địa bạ sáu tỉnh Nam kỳ, từ đó mới có tài liệu ghi rõ vị trí, duyên cách các tổng, thôn. Theo địa bạ Minh Mạng, tổng Dương Hòa Thượng có 2 xã và 20 thôn có địa giới rõ ràng, trong đó có các thôn nằm dọc theo phía trái của đường thiên lý thuộc địa phận tổng, từ đông sang tây, bắt đầu từ thôn Tân Phú Trung đến thôn Tân Thông, rồi Tân Thông Tây (về sau là Tân An Tây) cuối cùng là Tân Thông Trung có xóm Bàu Tre, để đến thôn Phước Mỹ. Vị trí các thôn đó như sau:

a. Tân Thông thôn: 

- Đông giáp địa phận thôn Tân Phú Trung.

- Tây giáp địa phận thôn Tân Thông Tây.

- Nam giáp thôn Mỹ Hạnh (tổng Long Hưng Thượng – Tân Long).

- Bắc giáp địa phận thôn An Thuận Tây.

b. Tân Thông Tây thôn: 

- Đông giáp địa phận thôn Tân Thông.

- Tây giáp địa phận thôn Tân Thông Trung.

- Nam giáp địa phận thôn Hòa Mục (tổng Tân Phong Trung – Tân Long).

- Bắc giáp địa phận 2 thôn Tân Thông Trung và Tân Thông.

c. Tân Thông Trung thôn ở xứ Bàu Tre: 

- Đông giáp địa phận thôn Tân Thông Tây.

- Tây giáp địa phận thôn Phước Mỹ.

- Nam giáp địa phận thôn Tân Thông Tây.

- Bắc giáp địa phận thôn Trung Lập và Vĩnh An Tây.

d. Vĩnh An Tây thôn (là thôn sau này thành ấp Cây Sộp nhập vào làng Tân An Hội).

- Đông giáp địa phận 2 thôn Vĩnh An và An Thuận Tây.

- Tây giáp địa phận thôn Trung Lập.

- Nam giáp địa phận thôn Tân Thông Trung.

- Bắc giáp rừng rậm.

Theo địa giới hành chánh của 4 thôn, có thể thấy, thôn Tân Thông chính là vùng đất nay thuộc ấp Chánh, ấp Tiền xã Tân Thông Hội, là nơi ông tổ đời I của họ Đinh sinh sống, lập nghiệp.

Theo tiến trình lịch sử, từ phong kiến nhà Nguyễn đến Pháp đô hộ, rồi qua hai cuộc chiến tranh, tên làng, tên thôn lúc nhập vào, lúc tách ra. Qua bao biến thiên của thời cuộc, xóm Tân Thông nơi họ Đinh ta cư ngụ cũng chung số phận, chịu nhiều thay đổi.

Sau năm 1931, các thôn Tân Thông, Tân Thông Trung, Tân Thông Tây và Vĩnh An Tây nhập lại thành làng Tân An Hội thuộc tổng Long Tuy Hạ, quận Hóc Môn tỉnh Gia Định. 

Đến năm 1957, chính quyền Sài Gòn ấn định lại các đơn vị hành chính của tỉnh Gia Định, lập ra quận Củ Chi thuộc tỉnh Bình Dương thì làng Tân An Hội thuộc quận Củ Chi.

Năm 1963, quận Củ Chi được chuyển sang tỉnh Hậu Nghĩa mới được thành lập. Đồng thời, chính quyền Sài Gòn cũng lập quận Phú Hòa thuộc tỉnh Bình Dương.

Sau ngày 30/4/1975, đất nước được thống nhất, Củ Chi trở thành một huyện thuộc thành phố Hồ Chí Minh, trên cơ sở sáp nhập quận Củ Chi của tỉnh Hậu Nghĩa và quận Phú Hòa của tỉnh Bình Dương. Cùng lúc này, làng Tân An Hội được tách ra làm 3 đơn vị hành chánh là xã Tân Thông Hội, xã Tân An Hội và thị trấn Củ Chi. Cả ba đơn vị hành chánh này đều thuộc huyện Củ Chi.

2. Lịch sử đấu tranh

Nói đến hai cuộc kháng chiến, ta không thể không nhắc đến quá trình đấu tranh anh dũng của người dân Củ Chi trong công cuộc bảo vệ quê hương của mình.

Ngay từ những ngày đầu thực dân Pháp đặt chân lên đất thành Gia Ðịnh, người dân Hóc Môn – Củ Chi đã đứng lên phản kháng, sử dụng vũ khí thô sơ bằng gậy tầm vông, giáo mác. Nghĩa binh chống thực dân Pháp đa phần xuất thân từ nông dân, thường ngày họ là người nông dân lam lũ với ruộng nương, nhưng lúc đối mặt với kẻ thù, họ trở thành những nghĩa binh dũng mãnh, gan góc. Các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Ánh Thủ, Phan Công Hớn đều có nghĩa sĩ Củ Chi - Hóc Môn. Chính họ là tiền thân của lực lượng du kích Củ Chi sau này.

Lòng yêu nước của người dân Củ Chi chính là mảnh đất màu mỡ để những hạt giống đỏ đầu tiên của Ðảng nảy mầm, phát triển. Ngay sau khi Ðảng Cộng sản Ðông Dương ra đời, ngày 4/2/1930, Chi bộ Ðảng đầu tiên ở Củ Chi được thành lập tại xã Tân Phú Trung, đã lãnh đạo các hoạt động cách mạng ở địa phương, tổ chức ra các hiệp hội đoàn thể, hình thành lực lượng đấu tranh chính trị đến đấu tranh vũ trang, cùng nhân dân cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu, quân Pháp quay lại đánh chiếm Nam Bộ. Quân, dân Củ Chi lại bước vào cuộc chiến đấu mới.

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, người dân Củ Chi khẩn trương chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Thanh niên các xã tình nguyện xung phong vào du kích. Vùng Tân Mỹ – Bình Lý (nay là xã Bình Mỹ), xã An Phú (nay là xã Trung An) trở thành căn cứ của Tỉnh ủy Gia Ðịnh và căn cứ địa của lực lượng giải phóng Nam Bộ. Tại đây hình thành công binh xưởng sản xuất vũ khí tự tạo trang bị cho du kích địa phương đánh giặc. Thực dân Pháp bắt đầu lấn chiếm vùng ngoại ô Sài Gòn, lực lượng du kích Củ Chi (còn gọi là dân quân tự vệ, tự vệ đỏ, thanh niên xung kích) chiến đấu, chặn đứng các cuộc càn quét của giặc, cùng nhân dân địa phương đào đường, đắp ụ, cản trở các cuộc hành quân của địch, đồng thời xây dựng ấp, xã chiến đấu kết hợp làm giao thông hào làm ổ chiến đấu. Lúc đầu, người dân đào hầm bí mật, bố trí, ngụy trang để ẩn tránh, sau dân quân du kích quyết tâm bám trụ đánh giặc, cho nên sáng tạo ra các hầm bí mật liên hoàn trong lòng đất, nối một số gia đình với nhau, dần dần các nhánh địa đạo nối dài ra, cả những hướng bố trí trận đánh, tự tạo ra các kiểu hầm tránh đạn giặc mà lực lượng du kích có thể trú ẩn an toàn, đánh giặc trong nhiều ngày, làm kẻ thù không thể đoán biết thế trận của dân quân du kích...

Sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam, hất cẳng Pháp, dựng nên chính quyền tay sai Ngô Ðình Diệm. Củ Chi trở thành cái "gai" trong mắt chúng, bởi chúng coi đây là "vùng đất thánh" của cộng sản. Chúng dồn dân, lập ấp chiến lược, gài do thám, gián điệp, bọn chỉ điểm trong các thôn, ấp, xây dựng đồn bốt, đàn áp, khủng bố nhân dân, giết hại cán bộ của Ðảng và người dân vô tội.

Ðảng bộ và nhân dân Củ Chi, một mặt tổ chức liên tiếp các cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh trực diện với Mỹ – ngụy, chống khủng bố, chống bắt lính, chống đuổi dân ra khỏi nhà, đòi được tự do đi lại, tự do buôn bán, tự do ra đồng sản xuất, mặt khác, tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang, lực lượng du kích, đội thanh niên tự vệ. Ða số thanh niên Củ Chi, cả trai lẫn gái, đều tham gia lực lượng vũ trang. Tòng quân giết giặc trở thành phong trào rộng khắp, là lý tưởng, là phương châm hành động của thanh niên địa phương. Nhiều xã có 100% số thanh niên nam, nữ đăng ký gia nhập lực lượng cứu nước.

Phong trào xây dựng xã, ấp chiến đấu diễn ra rầm rộ. Tất cả mọi người, trẻ già, trai gái đều nô nức tham gia. Lực lượng du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không chỉ có thanh niên trai tráng, mà còn có lực lượng nữ du kích, có cả những người trung niên tham gia. Họ vốn là những nông dân chân chất hiền lành, nhưng đứng trước cảnh nước mất, nhà tan, nhìn đồng bào vô tội bị kẻ thù giết hại dã man, khiến lòng căm thù, uất hận trào dâng, biến họ thành những dũng sĩ diệt Mỹ – ngụy. Tay cày, tay súng, vừa sản xuất tự cấp tự túc, vừa bám vườn, bám đất chiến đấu. Du kích Củ Chi chính là nhân dân, nhân dân chính là du kích. Ngày cày cấy, đêm vót chông, đào địa đạo, giặc càn quét thì cầm súng, ôm mìn chiến đấu, phục kích tiêu diệt bọn cường hào gian ác.

Cuộc chiến đấu với đế quốc Mỹ xâm lược trên đất này là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện... Củ Chi trở thành nơi giằng co quyết liệt giữa ta và địch ở cửa ngõ phía tây bắc Sài Gòn. Bọn Mỹ – ngụy muốn hủy diệt mầm sống trên đất, hủy diệt con người và ý chí chiến đấu của người dân Củ Chi. Chúng đưa đến chiến trường Củ Chi đội quân tinh nhuệ, thiện chiến nhất, sử dụng các loại thiết bị chiến tranh, vũ khí hiện đại, có sức công phá lớn để đối phó với du kích Củ Chi, những người chỉ có vũ khí thô sơ tự tạo. Ý chí đối đầu với bom đạn, lòng dân, lòng đất đối chọi với xe tăng, máy bay, thiết giáp và cuối cùng quân dân Củ Chi đã thắng...

30 năm chiến đấu, biết bao người con kiên trung của Củ Chi đất thép anh hùng đã ngã xuống. Toàn thắng thuộc về dân tộc ta, tự do thuộc về nhân dân ta. 30 năm sau, Củ Chi đã thay mầu áo mới. Mặt đất lành lặn, vết tích chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ. Ở thời bình, người dân Củ Chi vẫn phát huy truyền thống kiên cường bám đất, bám dân, luôn keo sơn gắn bó với dân, cùng nhân dân xây dựng quê hương, xây dựng đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Khi hòa bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân xã Tân Thông Hội đã cùng nhân dân Củ Chi nhanh chóng bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng kinh tế, kiến tạo cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân trong xã. Ngày nay xã được chọn để xây dựng xã nông thôn mới, hứa hẹn ngày mai cuộc sống nhân dân trong xã được nâng cao hơn.

3. Xã Tân An Hội, ấp Chánh

Xã Tân Thông Hội ngày nay nằm phía Nam huyện Củ Chi, phía Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh. Phía Bắc của xã giáp xã Phước Vĩnh An, phía Đông giáp xã Tân Phú Trung, phía Tây giáp xã Tân An Hội và thị trấn Củ Chi, phía Nam giáp ranh với huyện Hóc Môn thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An.

Diện tích tự nhiên của xã là 1.108,8ha, chiếm 4,11% diện tích tự nhiên của huyện Củ Chi, trong đó đất nông nghiệp chiếm 1.122,9ha. Dân số toàn xã là 823 nhân khẩu. Dân số phân bố không đều, tập trung ven quốc lộ 22 và các trục lộ giao thông trong xã.

Xã Tân Thông Hội ngày nay là vùng đất triền, hướng Tây Bắc nghiêng dần về phía đồng bưng Mỹ Hạnh (Đức Hòa) và Mũi Lớn (Tân An Hội). Đây vốn là vùng đất phèn chua, nước mặn (sau này gọi là đồng bưng Tam Tân), phía Đông Nam giáp với cánh đồng Tân Phú Trung chuyên trồng lúa, chen với những vạt đất trồng rau, đậu phộng, tre trúc, cây thuốc lá. Đến năm 1900, dân cư vùng này còn thưa thớt, dân khẩn đất trồng trọt và sinh sống hai bên đường thiên lý, vừa cất nhà, vừa làm các điểm dừng chân cho khách bộ hành, tạo thành vừa nhà ở, vừa bán quán.

Qua hai cuộc kháng chiến, toàn xã có 21 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 400 là liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng quê hương. Ngoài ra, còn có trên 115 người là thương binh, trên 500 người có công với cách mạng, có hàng trăm cán bộ chiến sĩ bị địch bắt vào tù ra khám, có trên 2.000 người dân thường tử nạn, thương tật do hậu quả chiến tranh gây ra.

Xã Tân Thông Hội bao gồm 10 ấp là ấp Tiền, ấp Hậu, ấp Chánh, ấp Thượng, ấp Trung, ấp Bàu Sim, ấp Tân Định, ấp Tân Tiến, ấp Tân Lập và ấp Tân Thành.

Ấp Chánh, một trong 10 ấp của xã Tân Thông Hội, là tổ quán của họ Đinh, đã được hình thành và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của xã Tân Thông Hội. Hiện nay ấp có vị trí như sau: Phía Đông và phía Tây giáp ấp Trung, phía Nam giáp ấp Tiền, phía Bắc giáp quốc lộ 22. 

Diện tích ấp chiếm 99,36ha. Đa số dân sống về nghề nông. Đình Tân Thông xưa, nay đã được nguyên thủ tướng Phan Văn Khải và các mạnh thường quân xây mới lại hoàn toàn. Đa số dân trong ấp theo đạo Phật, thờ cúng ông bà. Trong hai cuộc chiến tranh, xã đã có 6 liệt sĩ, 4 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Từ nhiều năm qua, ấp Chánh liên tục đạt danh hiệu là ấp văn hóa, nằm trong dự án xây dựng nông thôn mới của xã Tân Thông Hội.

II. Lịch sử họ Đinh

Đến nay (2011), việc thực hiện bộ gia phả họ Đinh mới có điều kiện thực hiện. Việc thực hiện gia phả càng muộn, càng gặp nhiều khó khăn do những người lớn tuổi am hiểu về họ tộc đã lần lượt ra đi, những người còn lại cái nhớ, cái quên, những người trẻ hơn thì phải bươn chải lo cuộc sống.

Điều quan trọng hơn, hiện không ai trong họ còn giữ được chút tư liệu nào nói về họ. Do vậy, việc xây dựng gia phả họ Đinh gặp một số khó khăn bởi những lý do như: Dòng họ không có gia phả gốc, không tìm thấy giấy tờ tương phân ruộng đất, di chúc hay bất kỳ giấy tờ nào để có thể xác định được tên của những ông tổ các đời cao hơn.

Theo lời kể của hai thành viên lớn tuổi thuộc đời V của họ Đinh là ông Đinh Văn Điệm và bà Đinh Thị Biệu, ông tổ đời I (mà mọi người gọi là ông sơ) là ông Đinh Văn Lê. Hiện nay, không ai biết ông có bao nhiêu anh em, cha mẹ là ai, nguồn gốc của ông là từ đâu tới, hay ông là người sinh trưởng tại nơi này.... Con cháu hiện chỉ biết mộ của ông hiện ở đồng mả ấp Chánh (đồng mả ông Sáu Sào). Trước đây mộ của ông bằng đá ong, vào tháng 3 năm Tân Mão 2011, con cháu họ Đinh, kẻ góp của, người góp công, đã xây lại mộ của ông bằng xi măng và ghi bia là:

ÔNG SƠ KIẾN HỌ ĐINH

Hiện con cháu cũng không biết mộ của bà tổ đời I ở đâu, và vì sao ở đồng mả này chỉ có mộ của ông. Dù đã nhiều lần tìm hiểu, con cháu cũng không có thông tin gì về quê quán, cũng như hành trạng bà sơ của mình.

Theo lời bà Đinh Thị Biệu, sinh thời, cha của bà là ông Đinh Văn Chùm có kể lại rằng, ông bà tổ Đinh Văn Lê do không có con nên đã xin một người con nuôi, về cho mang họ Đinh và đặt tên là Đinh Văn Cu. Từ ông Đinh Văn Cu (mọi người gọi là ông cố), dòng họ Đinh bắt đầu sinh sôi, phát triển đông đúc qua 8 đời đến ngày nay.

Con cháu hiện nay cũng không biết gì nhiều về hành trạng của ông Đinh Văn Cu: Không biết nguồn gốc của ông là từ nơi nào, cha mẹ ruột là ai, gia đình có mấy anh em.... Chỉ biết rằng ông có hai người vợ, và hiện ông được an táng song hồn với người vợ thứ nhất tại đồng mả ấp Chánh (đồng mả ông Sáu Sào). Trước đây mộ của ông bà bằng đá ong, cũng trong tháng 3 năm Tân Mão 2011, con cháu họ Đinh đã làm lại mộ ông bà bằng xi măng và ghi bia:

ÔNG BÀ CỐ KIẾN HỌ ĐINH

Cũng theo lời bà Đinh Thị Biệu, trước đây bà đã chứng kiến có người về nhập vào mẹ của bà là Mai Thị Rận – người làm nghề thầy cúng – tự xưng tên là Đinh Văn Bành, là ông cố của họ Đinh. Ông nói rằng, ông có hai anh em vào lập nghiệp tại vùng đất này, nhưng đã lạc mất người em cùng đi với mình, hiện không rõ tung tích. Tuy nhiên, lời kể này đến giờ vẫn chỉ là lời truyền miệng chứ nếu so trong thực tế, vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng, cần được tìm hiểu thêm. Chẳng hạn như, ông cố đây là ông cố nào? Ông từ nơi nào vào đây? Vì sao từ trước đến nay, trong thông tin về ông tổ của mình, chưa hề có thông tin nào nói về người anh em của ông?

Dù sao những lời kể của bà Đinh Thị Biệu cũng phản ánh một thực tế phù hợp với lịch sử về nguồn gốc của các họ tộc phương Nam: Họ chính là những lưu dân từ miền ngoài vào khai hoang, định cư, lập nghiệp tại nơi này. Việc có người nhập xác, kể về xuất xứ của mình, phải chăng cũng là một cách phản ánh nỗi mong muốn xác định nguồn gốc, thân phận của họ Đinh?

Trong tương lai, nếu có điều kiện, con cháu trong họ Đinh cần tiếp tục tìm hiểu thêm những tư liệu mà có thể hiện nay chưa được phát hiện, để từ đó ta có thêm nhiều thông tin về gốc gác dòng họ của mình. Còn hiện nay, chúng ta tạm chấp nhận ông tổ đời I của họ Đinh là ông Đinh Văn Lê qua ngôi mộ của ông đã được con cháu chăm sóc, tu bổ nhiều năm qua.

Năm sinh, tuổi tác của ông tổ đời I không có tư liệu nào ghi lại, nên con cháu ngày nay không biết rõ. Đành phải căn cứ theo cách tính của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TPHCM là các thế hệ cách nhau 25 năm, các con cách nhau 2 tuổi, để có thể tạm tính ra năm sinh của ông.

Trước hết, căn cứ vào năm sinh của ông Đinh Văn Mối (đời IV, con thứ ba của ông Đinh Văn Cường), là 1904, thì có thể tính ra năm sinh của ông Đinh Văn Cường là:

1904 – 2 – 25 = 1877

Ông Đinh Văn Cường là con thứ ba của ông Đinh Văn Cu (đời II), như vậy có thể tính ra năm sinh của ông Đinh Văn Cu là khoảng năm:

1877 – 2 – 25 = 1850

Như vậy, ông tổ đời I Đinh Văn Lê, cha nuôi ông Đinh Văn Cu, có thể tính ra năm sinh là:

1850 – 25 = 1825

Tuy nhiên, năm sinh 1825 của ông tổ Đinh Văn Lê chỉ là mốc thời gian để ta có thể hình dung thời gian ông được sinh ra là khoảng đầu thế kỷ XIX. Trong thực tế, do ông Đinh Văn Cu là con nuôi của ông tổ, nên chưa chắc rằng tuổi của ông cách người con nuôi của mình là 25 năm như cách tính của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc nhận con nuôi, có thể ông đã 30 hoặc 40, 50 tuổi..., hiện chưa thể xác định chính xác được điều này.

1. Lịch sử phát triển các đời, các chi họ Đinh

Như ta đã biết, đời I họ Đinh là ông Đinh Văn Lê. Ông bà không có con nối dõi nên đã xin người con nuôi về đặt tên là Đinh Văn Cu, lập nên đời II của họ Đinh.

Ông Đinh Văn Cu có 2 đời vợ, sinh 8 người con thuộc đời thứ III, trong đó có 3 người chết nhỏ, còn lại 3 người con trai và 4 người con gái:

- Thứ hai : Chết nhỏ

- Thứ tư : Chết nhỏ

- Thứ năm : Chết nhỏ

- Thứ sáu : Đinh Văn Cho

- Thứ bảy : Đinh Văn Để

- Thứ tám : Đinh Thị Tàng

- Thứ chín : Đinh Thị Đâu

- Thứ mười : Đinh Thị Đó

- Thứ út : Đinh Thị Nhiễn

Từ đời III, 3 người con trai của ông Đinh Văn Cu đã lập 3 chi đời IV, từ đó phát triển con, cháu, chắt đến các đời V, đời VI, đời VII và đời VIII, hiện sinh sống chủ yếu ở vùng đất thuộc ấp Chánh, ấp Tiền xã Tân Thông Hội. Những người con, cháu, chắt này là những người có huyết thống trực tiếp từ ông tổ đời II là ông Đinh Văn Cu, đồng thời là những người thừa hưởng họ Đinh của ông tổ đời I là ông Đinh Văn Lê.

- Chi thứ nhất là chi của ông Đinh Văn Cường. Ông Cường có 3 người con (thuộc đời IV), trong đó có 2 trai, 1 gái. Hai người con trai của ông là Đinh Văn Gặp và Đinh Văn Mối.

+ Ông Đinh Văn Gặp lấy vợ ở ấp Trung, xã Tân Thông Hội ngày nay, có được 3 người con (thuộc đời V), trong đó có 1 con trai và 2 con gái. Tuy nhiên, người con trai của ông tham gia cách mạng và hy sinh lúc chưa có vợ. Vì vậy nhánh này không có con trai nối dõi.

+ Ông Đinh Văn Mối lấy vợ ở Bến Mương, Nhuận Đức và chỉ có 1 con trai tên Đinh Văn Tơ (thuộc đời V). Ông Tơ lấy vợ ở ấp Trung, sinh được 2 người con, 1 trai, 1 gái. Ông tham gia cách mạng từ sớm, nên hai con của ông đều mang họ Mai của mẹ. Hiện nay, con trai của ông (đời VI) có 3 người con, 1 gái, 2 trai. Hai người cháu nội trai của ông Tơ (thuộc đời VII) hiện mới 1 người lập gia thất, chưa có con nối dõi.

- Chi thứ hai là chi ông Đinh Văn Cho. Ông Cho có 7 người con (thuộc đời IV), trong đó có 2 người chết nhỏ, còn lại 2 trai, 3 gái. Hai người con trai của ông là Đinh Văn So và Đinh Văn Kích. Ông Kích là con trai út của ông Cho, có vợ, nhưng sau khi sinh con đầu lòng thì cả vợ và con ông đều qua đời. Sau đó không lâu thì ông cũng mất.

Còn ông Đinh Văn So là con trai trưởng của ông Cho, lấy vợ ở Mỹ Hạnh, Đức Hòa, Long An và sinh được 3 người con (thuộc đời V), 1 gái, 2 trai, trong đó con trai út tham gia cách mạng và hy sinh lúc chưa có vợ con. Người con trai thứ ba là ông Đinh Văn Điệm lấy vợ và sinh được 10 người con, trong đó có 5 con trai (có 1 người chết lúc nhỏ) và 5 con gái.

4 người con trai của ông Điệm (thuộc đời VI), đều đã lấy vợ, sinh ra tổng cộng 13 người con thuộc đời VII, trong đó có 9 con trai và 4 con gái. Trong số những người cháu trai này, có 6 người đã lập gia đình, và hiện đã sinh 6 người con thuộc đời VIII, trong đó có 3 con trai và 3 con gái.

- Chi thứ ba là chi ông Đinh Văn Để. Ông Để có 7 người con (thuộc đời IV), trong đó có 2 người chết nhỏ, còn lại 3 trai, 2 gái.

+ Người con trai trưởng của ông Để là ông Đinh Văn Chùm lấy vợ cùng quê, sinh được 7 người con (thuộc đời V), 1 chết nhỏ, còn lại 3 gái, 2 trai.

Người con trai thứ sáu của ông Chùm là ông Đinh Văn Bảnh lấy vợ ở Xóm Huế, sinh 5 người con (thuộc đời VI), trong đó 3 con trai (1 người chết nhỏ), 2 con gái. Người con trai trưởng của ông Bảnh hiện đã lập gia đình và sinh được 1 con gái. Người con trai út hiện còn độc thân.

Còn con trai út của ông Chùm là Đinh Văn Lướt lấy vợ và sinh được 2 người con gái.

Trong các con gái của ông Đinh Văn Chùm, người con gái thứ ba là bà Đinh Thị Biệu lấy chồng ở ấp Tiền và sinh được 2 người con (thuộc đời VI), do chiến tranh nên các con của bà đều mang họ Đinh của mẹ. Con trai của bà là Đinh Văn Điềm lấy vợ, sinh 2 con (đời VII), 1 trai, 1 gái, và cũng mang họ Đinh của bà nội.

+ Người con trai thứ năm của ông Để là ông Đinh Văn Giờ có 2 người vợ, sinh được tất cả 10 người con (thuộc đời V), trong đó có 3 người chết nhỏ, còn lại 2 con trai và 5 con gái. Người con trai thứ tư là ông Đinh Văn Chừa lấy vợ ở Giồng Ông Hòa, Đức Hòa, Long An, có được 2 người con nhưng hiện không rõ hành trạng. Con trai út là Đinh Văn Út lấy vợ ở Tân Phú Trung, sinh được 3 con trai (thuộc đời VI), trong đó có 1 người đã lập gia đình và sinh được 1 con gái (đời VII).

+ Con trai thứ sáu của ông Để là Đinh Văn Mờ, lấy vợ ở ấp Tiền, sinh 4 con (thuộc đời V), trong đó có 1 con gái và 3 con trai. Người con trai thứ ba là Đinh Văn Ước lấy vợ ấp Tiền, nhưng ông bà không có con. Người con trai thứ tư là Đinh Văn Xước tham gia cách mạng và hy sinh lúc chưa có vợ. Con trai út là Đinh Văn Xược lấy vợ ở Tân Phú Trung, sinh được 2 người con (thuộc đời VI), trong đó có 1 con trai cũng đã lập gia đình và có 2 con nhưng hiện chưa rõ hành trạng.

Qua tìm hiểu về sự phát triển của họ Đinh qua các đời, có thể thấy họ Đinh có quy mô trung bình.

2. Quan hệ hôn nhân

Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa biết ông tổ đời I và ông tổ đời II của họ Đinh kết hôn với người họ nào. Tuy nhiên, qua tìm hiểu gia phả dòng họ, ta có thể thấy rằng, các đời từ đời IV trở lên, hầu hết các ông bà đều lập gia thất với người cùng quê Tân Thông Hội, hoặc ở các vùng xung quanh như Tân Phú Trung, Mỹ Hạnh – Long An.... Trong số các họ kết tình xui gia với họ Đinh chúng ta, phần lớn là họ Nguyễn, kế tiếp là họ Lê, rồi đến họ Phạm, họ Mai, họ Trần, họ Võ, họ Phan, họ Ngô, họ Phan, họ Bùi.... Ngoài ra, còn có các họ như Hồ, Châu, Huỳnh, Liêu, Hà, Đặng, Đoàn, Đỗ....

Các lớp con cháu họ Đinh sau này, có điều kiện đi làm ăn xa, mối quan hệ rộng mở, nên quan hệ hôn nhân đã không chỉ trong phạm vi huyện Củ Chi hay các vùng lân cận như cha ông mình. Từ đời VI, đời VII, các dâu, rể của họ Đinh là người xuất thân từ nhiều vùng miền trên đất nước như Thanh Hóa, Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh....

Đó là các mối quan hệ hôn nhân, dù là do sự mai mối, sự sắp đặt của cha mẹ hay là tình yêu tự nguyện, nhưng khi đã thành vợ chồng, thì những người con họ Đinh luôn cùng vợ hoặc chồng của mình sống có trách nhiệm, quan tâm việc giáo dục con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc.

III. Đặc điểm dòng họ Đinh

- Lòng hiếu thảo, yêu kính tổ tiên. Tuy trong họ cũng có những người con xa quê lâu năm không thấy trở về, cũng có số ít người dường như quên đi nguồn cội của mình, nhưng phần lớn con cháu họ Đinh vẫn là những người con hiếu thảo, người cháu hết lòng kính trọng đối với ông bà, cô bác... của mình. Chính những con người hiếu để đó, với những hành động thiết thực của mình đối với sự phát triển dòng họ, đã viết nên nét truyền thống đáng tự hào cho gia tộc.

Ngay sau ngày đất nước thống nhất, có điều kiện, con cháu họ Đinh đã nghĩ ngay đến việc xây dựng miếu thờ của dòng họ. Đó là nơi hàng năm con cháu trở về, tụ họp để cùng tưởng nhớ ông tổ có công tạo lập cơ ngơi cho dòng họ ngày nay. Ngày giỗ tổ cũng là lúc con cháu họ Đinh ôn lại truyền thống dòng họ, thế hệ trước truyền lại cho các thế hệ sau những bài học đạo đức về lòng biết ơn tổ tiên, về việc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ.

Lòng hiếu thảo của con cháu họ Đinh còn được thể hiện qua việc chăm sóc, tu bổ mồ mả của tổ tiên. Mặc dù bệnh tật, mất sức lao động nhưng ông Đinh Văn Ước (đời V) vẫn dành dụm lương hưu ít ỏi của mình đề cùng các anh, các cháu của mình như ông Đinh Văn Điệm (đời V), Đinh Văn Mum (đời VI)..., kẻ góp công, người góp của trùng tu lại mộ của ông tổ đời I và ông bà tổ đời II của dòng họ cho khang trang hơn.

Bà Đinh Thị Tàng (đời III), mặc dù đông con, nhưng vì nhiều lý do, cuối đời không ở cạnh các con. Dù vậy, các cháu của bà tại quê nhà là ông Đinh Văn Chùm và ông Đinh Văn Kích (đời IV) đã thay nhau chăm sóc bà những ngày bệnh cuối đời và lo an táng bà chu đáo.

Bà Đinh Thị Đối (đời IV), lấy chồng xa, nhưng chồng con đều mất sớm, bà sống một mình. Khi lớn tuổi, lâm bệnh nặng, người cháu gọi bà bằng bà cô là ông Mai Văn Hóa (đời VI) đã đưa bà về để chăm sóc cho đến lúc qua đời, cùng dòng họ lo an táng và hiện cúng giỗ hàng năm.

Tại các gia đình, việc chăm sóc mồ mả, thờ cúng, giỗ quảy tổ tiên, chăm sóc cha mẹ luôn được coi trọng. Vào ngày giỗ của những thành viên họ Đinh quá vãng, con cháu họ tộc luôn đến thắp hương tưởng nhớ người đã mất với lòng thành kính. Những người con họ Đinh xa xứ, phần lớn vẫn nhớ về nguồn cội. Do nhiều điều kiện khách quan, có thể vẫn có người ít về thăm quê, nhưng chắc hẳn trong lòng mỗi người vẫn dành một tình cảm thiêng liêng cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên của mình.

- Lao động cần cù, sáng tạo. Đây cũng là một truyền thống tốt đẹp của họ Đinh. Sinh ra trên một địa bàn đất đai nhỏ hẹp, thiên nhiên không hề dễ dãi, lại còn bị ngoại xâm, người trong họ tộc Đinh đã rèn luyện cho mình những đức tính quý báu khác như kiên nhẫn, cần cù trong lao động, thanh bạch giản dị, tiết kiệm trong cuộc sống. Chính tinh thần lao động cần cù đã giúp các thành viên họ Đinh đứng vững trong cuộc sống từ thời chiến tranh đầy gian khó đến thời bình.

Cũng như mọi người dân Củ Chi khác, tinh thần yêu lao động được thể hiện trong mỗi người con họ Đinh. Cuộc sống càng khó khăn họ càng hăng say lao động để ổn định cuộc sống, xây dựng cơ ngơi ngày càng vững vàng. Các mẹ, các chị họ Đinh không chỉ sống với nghề ruộng rẫy. Ngoài giờ lao động miệt mài trên đồng ruộng, họ còn chăm chỉ thể hiện tài năng khéo léo của mình qua những nghề thủ công truyền thống như đan lát, tráng bánh....

Còn những ông bố và con trai họ Đinh cũng không ngơi nghỉ, lúc trên cày cấy trên đồng ruộng, lúc giăng câu, thả lưới để cải thiện đời sống và tăng thu nhập cho gia đình.

Tinh thần yêu lao động đã ăn sâu vào con người họ Đinh. Hôm nay, cuộc sống đã ổn định phần nào, con cháu cũng đã trưởng thành, nhưng ông Đinh Văn Điệm, mặc dù đã lớn tuổi vẫn chưa muốn nghỉ ngơi mà ngày ngày vẫn miệt mài trên ruộng, tự cày cấy sản xuất, tự nuôi sống bản thân mình và giúp đỡ con cháu. Bà Đinh Thị Biệu cũng đã hơn 70 tuổi nhưng vẫn cùng con cháu lao động, đan lát để tăng thêm thu nhập....

Đó là những tấm gương lao động đầy tự hào mà con cháu họ Đinh cần học tập, noi theo.

Lớp trẻ con cháu họ Đinh hiện nay phần lớn đã xa rời đồng ruộng. Người làm công chức, người trở thành quân nhân, công nhân, người bươn chải lao động bằng nhiều nghề khác nhau nhưng tất cả đều cần cù, sử dụng chính sức lao động của mình để không chỉ nuôi sống bản thân, gia đình mà còn góp phần làm ra sản phẩm làm giàu cho xã hội.

Đặc biệt, trong số các thành viên họ Đinh thuộc thế hệ trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất, đã có những người nỗ lực trong học tập, trở thành những trí thức thành đạt, đóng góp trí tuệ cho sự phồn vinh của xã hội như bà Mai Ngọc Yến (đời VI), Đinh Hoài Phong (đời VII)....

- Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường bất khuất. Đây là đặc điểm chung của hầu hết các dòng họ Việt Nam, đặc biệt là các dòng họ ở vùng đất Củ Chi được mệnh danh là Đất Thép Thành Đồng. Người đầu tiên trong họ Đinh tham gia hoạt động cách mạng là ông Đinh Văn Mối (đời IV) ông làm giao liên cho cách mạng, bị bắt giam nhưng vẫn giữ vững chí khí kiên cường của người chiến sĩ cách mạng. Tiếp nối ông, người cháu gọi ông bằng chú là ông Đinh Văn Cỏn (đời V) cũng kiên cường cùng đồng đội cố thủ trong hầm, sẵn sàng hy sinh thân mình để giữ vững chí khí chiến đấu.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến, họ Đinh đã có ít nhất 15 người tham gia hoạt động với nhiều vai trò khác nhau như du kích xã, bộ đội chủ lực, giao liên.... Có 6 người trong số đó (trong đó có 1 cháu rể) hy sinh và được công nhận là liệt sĩ.

Không chỉ nam giới mà cả những phụ nữ họ Đinh cũng chứng minh họ xứng đáng là con cháu Bà Trưng, Bà Triệu. Nhiều người trong số họ đã có nhiều thành tích. Bà Đinh Thị Biệu, tham gia hoạt động cách mạng, tải thuốc nổ, tài liệu cho tổ chức, đã mưu trí tìm nhiều cách để qua mắt địch như nhét thuốc nổ vào bánh xe đạp, đạp từ Củ Chi về nội thành Sài Gòn, làm thúng 2 mê để giấu tài liệu đưa tài liệu an toàn từ An Tịnh – Trảng Bàng về căn cứ....

Qua hai cuộc kháng chiến, trong họ Đinh đã có nhiều người được ghi danh tại Đền Tưởng niệm Bến Dược, tại bia liệt sĩ xã Tân Thông Hội, bia liệt sĩ tại đình Tân Thông như : Ông Đinh Văn Cỏn, ông Đinh Văn Mờ, ông Đinh Văn Trọ, ông Đinh Văn Xước, bà Đinh Thị Mướt.

IV. Phương hướng xây dựng dòng họ văn hóa

Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Vậy một dòng họ cũng có thể ví như một tập họp các tế bào. Để có được một xã nông thôn mới vũng mạnh và phồn vinh, họ Đinh chúng ta không thể không quan tâm đến việc xây dựng dòng họ mình.

- Điều chúng ta cần quan tâm trước hết là cần tiếp tục ghi chép, bổ sung cho cuốn gia phả này hoàn chỉnh, đầy đủ hơn. Đó là cơ sở để duy trì và tăng cường tình cảm giữa các thành viên trong họ tộc. Cần phải phổ biến cho con cháu biết rõ về dòng họ, tổ tiên của mình, để mỗi người con họ Đinh đều có thể học tập tấm gương lao động cần cù, tình cảm yêu quê hương đất nước, yêu gia đình của những người đi trước. Đó chính là cơ sở để mỗi người người thấy được trách nhiệm phải sống tốt, sống có ích, sao cho xứng đáng với công sức xây dựng, duy trì dòng họ của cha ông mình.

- Bên cạnh đó, các gia đình thuộc họ Đinh chúng ta cần quan tâm đến việc giáo dục con cháu, sao cho mỗi thành viên họ Đinh đều là những con ngoan trò giỏi, khi trưởng thành sẽ là những công dân hữu ích, có những đóng góp thiết thực cho xã hội.

- Trong họ cũng cần phải quan tâm, chia sẻ nhau về những khó khăn trong cuộc sống, sẵn sàng tương trợ giúp đỡ nhau những khi có thành viên gặp khó khăn. Có lẽ chúng ta cũng cần quan tâm đến việc lập nên quỹ tương trợ trong họ để họ Đinh cùng giúp nhau vượt khó, thoát nghèo, vươn lên đóng góp cho xã hội.

- Để động viên thế hệ trẻ của họ Đinh có điều kiện học tập, kích thích tinh thần cầu tiến, ham học, chúng ta cũng cần lập quỹ khuyến học để kịp thời tuyên dương, động viên những tấm gương học tập của con cháu, tạo động lực để các con cháu họ Đinh luôn nỗ lực trong học tập  để trở thành những công dân toàn vẹn đức, tài, góp phần làm cho quê nhà ngày càng phát triển, giàu mạnh.