047. Gia phả họ Lê (ấp Xóm Lớn, xã Mỹ Hương, Mỹ Tú, Sóc Trăng)
19/08/2022 18:49:43Gia phả họ Lê ở ấp Xóm Lớn, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2008.
LỜI NÓI ĐẦU
Nước có Sử, nhà có Phả. Tại sao phải viết Gia phả?
Thiết nghĩ: “ Mộc bản thủy nguyên thiên cổ niệm” (Muôn thuở: con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn). Vì thế, có Gia phả để ghi chép lại cội nguồn dòng họ, cho đời sau biết đến gốc tích, công lao đức độ của ông bà đã tạo dựng, phát triển họ tộc; biết mối quan hệ họ hàng, thân tộc giúp cho con cháu đương thời và nối tiếp hiểu được quá khứ, truyền thống tốt đẹp của dòng họ. Gia phả còn ghi chép những thành đạt hoặc thất bại của từng thành viên trong chi họ để các thế hệ sau phấn đấu giữ gìn và rèn luyện ngày càng làm rạng danh cho bản thân, gia đình, họ tộc.
Gia đình là tế bào xã hội, mỗi gia đình phát huy tốt truyền thống yêu thương dòng họ, yêu quê hương, tổ tiên sẽ là mầm mống tốt đẹp là điều thiết thực giáo dục con cháu các thế hệ lòng yêu nước, yêu giống nòi.
Với ước nguyện và mong mỏi sâu xa nêu trên, con ông năm Lê Quang Lạc là Lê Quang Hùng, từ năm 1995, đã ý thức được sự cần thiết lập gia phả họ tộc, nên cất công truy tầm tư liệu thân tộc. Bắt đầu từ gia đình mình, ông hệ thống đời ông cố, ông nội, đến các cô, chú, cha mẹ, anh chị, con cháu. Chủ yếu là lập bảng ghi tên họ, kèm theo hình ảnh , ngày giỗ những người đã mất. Thấy ông tập hợp, các chi khác cũng nhờ làm dùm. Không tiếc công lao, nhưng ông Hùng chưa tìm được phương pháp dựng phả. May sao có bạn bè giới thiệu, ông Hùng cùng bà Nguyễn Thị Hoài Xuân con ông tám Lê Bảo Toàn (Nguyễn Việt Khánh) hậu duệ đời thứ IV, thuộc tộc Lê, tìm đến Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thành phố Hồ Chí Minh, nơi đã dựng nhiều bộ gia phả cho các dòng họ. Trung tâm tiếp nhận dựng Gia phả theo yêu cầu của gia đình. Ý định của ông Lê Quang Hùng, được sự đồng thuận nhiệt tình của mẹ là bà Võ Thị Yêm, dâu thứ năm, bà Nguyễn Thị Nghĩa dâu thứ tám (Đời IV), cùng các anh chị em: Nguyễn Thị Hoài Xuân, Lê Văn Chín, Lê Thị Thanh Xuân và bà con thân tộc.
Tộc Lê - xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng - tạo dựng, lập nghiệp trên vùng đất nầy từ bao lâu, con cháu rất muốn biết, nhưng chưa có nguồn thông tin. Thế hệ thứ IV chỉ biết được ông cố là LÊ VĂN THỂ , bà cố là NGUYỄN THỊ QUÝ do gia đình ông thứ năm Lê Quang Lạc (cháu nội ông Thế) lưu giữ hình ảnh, tổ chức giỗ chạp hằng năm, hơn nữa dấu tích còn ghi trên bia mộ ông bà tại ấp Xóm Lớn, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Trước khi tìm được gốc gác tổ tiên xa hơn, ông LÊ VĂN THỂ là gốc ĐỜI I của họ Lê ở xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng ( Tổ tiên trước nữa khi có điều kiện các thế hệ sau sẽ truy tìm). Từ ông Lê Văn Thể (Đời I), sinh hạ 9 người con, mất 2 người lúc còn nhỏ, 7 người còn lại (2 gái, 5 trai), lập nên 5 chi (Đời II):
Chi thứ nhứt : Ông năm Lê Văn Thình.
Chi thứ hai : Ông bảy Lê Văn Mão.
Chi thứ ba : Ông tám Lê Văn Vinh.
Chi thứ tư : Ông chín Lê Tâm Hảo.
Chi thứ năm : Ông mười Lê Văn Thỏa
Thân tộc tiếp tục nối tiếp các Đời IV và Đời V. Như vậy, từ đời ông Lê Văn Thể, đến thời gian dựng phả, thân tộc họ Lê, đã phát triển đến 5 đời.
Điều đáng nói, tộc Lê ta luôn gắn liền với sự phát triển của địa phương, cùng xây dựng quê hương, tham gia các phong trào yêu nước, đánh giặc ngoại xâm. Trong dòng họ có ông chín Lê Tâm Hảo, ông mười Lê Văn Thỏa (Đời II), ông năm Lê Quang Lạc, ông tám Lê Bảo Toàn, ông chín Lê Công Sự, ông mười Lê Thành Tâm(Đời III), bà Lê Ngọc Hường, Lê Hoài Xuân (Đời IV)… đều tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Do chiến tranh bị địch truy bức, cùng công việc mưu sinh, thân tộc tứ tán khắp nơi: Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Ôn, Vĩnh Long, Bến Tre, Tây Ninh, Sài Gòn, Vũng Tàu, Nha
Trang… cũng có gia đình định cư nước ngoài, nhưng đều giữ mối liên hệ trong thân tộc và cùng nuôi dạy con cháu nên người. Đến nay, trong dòng họ, đã có người là bác sĩ, dược sĩ, luật sư, kỹ sư, hiệu trưởng, giáo viên, kế toán, có người làm kinh tế, dịch vụ du lịch, nhà hàng, điện tử... những gia đình còn ở lại quê nhà gắn liền với nông nghiệp, mọi người đều có cuộc sống ổn định.
Trong gia tộc luôn tôn trọng quan điểm: Làm người phải nhớ công ơn tổ tiên, ông bà, quí trọng cha mẹ, đi xa không quên nơi chôn nhau, cắt rún. Đó là truyền thống, là cội nguồn, bảo đảm mối quan hệ bền vững, cha con chồng vợ thủy chung, hiếu hạnh, tình làng nghĩa xóm xây dựng trên cơ sở nhân nghĩa đạo đức, ghét gian tà, bất chánh.
Việc CHĂM SÓC MỒ MẢ, xây PHỦ THỜ và dựng GIA PHẢ là kết nối giềng mối vững chắc trong thân tộc.
Được sự nhất trí của bà con dòng họ, bộ gia phả lần nầy ghi chép trực hệ về họ tộc và vùng đất Mỹ Hương, Mỹ Tú, Sóc Trăng là Tổ quán họ Lê với nhiều kỷ niệm gắn bó sâu đậm.
Gia phả tộc Lê được dựng theo bố cục sau:
Phần thứ nhất : Phả ký.
Phần thứ hai : Phả hệ.
Phần thứ ba : Phả đồ.
Phần thứ tư : Ngoại phả.
Lập gia phả dòng họ là điều cần thiết phải làm, tuy nhiên, các đời tổ tiên ta không ghi chép những biến chuyển của dòng họ, nên việc lập phả chủ yếu dựa vào ký ức, chuyện kể và lịch sử địa phương. Hiện nay, trong họ còn nhiều cô, bác, chú, anh chị biết và nhớ gốc tích ông bà kể lại, để ghi những điều quý giá, những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ và hiện tại. Gia phả hoàn thành, gia tộc ta có quyển sử TỘC LÊ.
Đây là quyển sách vàng của dòng họ, sẽ vô cùng giá trị cho lớp lớp con cháu đời sau. Nghiên cứu gia phả, tình cảm họ hàng sẽ thêm thân thương, đoàn kết. Với những gương sáng trong họ tộc, thế hệ mai sau sẽ phát huy điều tốt, sống có ích, tránh điều sai quấy, làm rạng danh tộc Lê ta.
Trong quá trình dựng phả, anh chị em trong Ban Biên tập nhận được nội dung, tư liệu quý báu ngày càng nhiều qua hệ thống mạng hoặc trực tiếp, kể cả các gia đình định cư ở nước ngoài. Điều hết sức cảm động, là trong chuyến đi thu thập tư liệu, cũng là điều kiện thân tộc gặp gỡ nhau với tình cảm thân thiết, thương yêu. Tuy nhiên, dẫu có nhiều cố gắng đảm bảo tính chính xác của lịch sử nhưng chắc chắn chưa thể ghi chép đầy đủ. Kính mong các bậc trưởng lão, con cháu các thế hệ đóng góp bổ sung, để Gia Phả họ Lê ngày càng đầy đủ và có giá trị. Quyển gia phả tộc Lê chủ yếu lưu truyền trong dòng họ.
Trong trường hợp đặc biệt, những nhà nghiên cứu cũng có thể sử dụng tư liệu, sau khi trao đổi trong gia tộc.
Những người lập phả:
Đời III: Quả phụ Lê Quang Lạc, Lê Bảo Toàn (Nguyễn Việt Khánh)
Đời IV: Lê Quang Hùng (Con ông Lê Quang Lạc)
Nguyễn Thị Hoài Xuân (Con ông Lê Bảo Toàn - Nguyễn Việt Khánh)
Lê Thị Thanh Xuân (Con ông Lê Thành Tâm)
ĐỨC THỪA TIÊN TỔ - THIÊN NIÊN THẠNH
PHƯỚC ẤM NHI TÔN - BÁCH THẾ VINH
(Tổ tiên tích đức ngàn năm thạnh
Con cháu nhớ ơn vạn đại vinh)
PHẢ KÝ
Dòng họ Lê tại xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng sinh cơ lập nghiệp đến năm Mậu Tý 2008, đã trải qua 5 đời. Nếu tính đời I, ông LÊ VĂN THỂ sinh cơ lập nghiệp tại vùng đất nầy cuối thế kỷ 18, đến nay đã qua gần 200 năm.
Lần giở những chuyện cũ, tích xưa, con cháu mang dòng máu tổ tiên trong huyết quản, có chung tình cảm thiêng liêng đối với các bậc tiền nhân, càng thắm thía mối quan hệ bà con, họ hàng thân tộc với xóm làng. Dòng họ Lê không chỉ lập nghiệp mà còn gắn bó với địa phương, với đất nước, không tiếc bao công sức, máu xương xây dựng và bảo vệ quê hương.
Trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, trong dòng họ, tộc Lê ta chưa thấy những ghi chép để lại, mà chủ yếu dựa vào ký ức và truyện kể của các bậc trưởng lão.
Vì vậy, phần phả ký nầy tập trung các vấn đề sau:
- Xác định thủy tổ và tổ quán.
- Quá trình phát tích và phát triển dòng họ.
- Những đặc điểm và mối quan hệ của dòng họ đối với xã hội.
PHÁT TÍCH DÒNG HỌ
1. ÔNG LÊ VĂN THỂ, ĐỜI I, HỌ LÊ (XÃ MỸ HƯƠNG, HUYỆN MỸ TÚ, TỈNH SÓC TRĂNG)
Theo lời kể của ông Lê Văn Thông (Thomas), hậu duệ (đời III) con thứ mười ông Lê Văn Thỏa (đời II), và các bà Võ Thị Yêm vợ ông năm Lê Quang Lạc, bà Nguyễn Thị Nghĩa vợ ông tám Lê Bảo Toàn (đời III) kể rằng: Khi các bà về làm dâu tại gia tộc họ Lê, ông bà Lê Văn Thể đã qua đời, gia đình không còn của dư, của để, nhưng vẫn còn dấu vết những tháng ngày giàu sang, khá giả khi xưa. Trước hết, nơi ở của gia tộc tại xã Mỹ Hương là Xóm Lớn, xóm những người giàu có (ngược với Xóm Dưới là xóm gia đình nghèo). Trong bút tích, bài thơ, của ông tám Lê Bảo Toàn - Nguyễn Việt Khánh viết về cha mình là ông Lê Văn Thình (Đời II), con thứ năm, nhưng là trưởng nam ông Lê Văn Thể (Đời I):
“ ….Cha sinh trưởng trong giai tầng địa chủ
Ruộng vườn nhiều, nhà dãy dọc dãy ngang.
Mở miệng ra, có kẻ dạ người vâng
Bước khỏi cửa, có Quan đưa Làng rước
Nhà hằng bữa chật bà con thân thuộc
Tủ hằng năm tiền bạc cứ tuôn vào….
Tưởng cuộc đời nhàn hạ hưởng sang giàu
Cứ truyền mãi hết đời con đến cháu….”
Một yếu tố khác được con cháu trân trọng gìn giữ là những tấm hình được thờ phụng của ông bà Lê Văn Thể còn rất rõ ràng (một điều mà thời bấy giờ rất hiếm có người chụp ảnh) Các cơ sở trên cho thấy từ Đời I, tổ tiên tộc Lê, ông Lê Văn Thể, có cuộc sống giàu sang truyền đến Đời II.
Con cháu các đời sau chắc chắn sẽ lưu tâm tận cội nguồn tổ tiên của mình. Điều nầy rất cần thiết! Tuy chưa biết chính xác, nhưng chúng ta lần giở lại những trang lịch sử thời ấy: Theo nội dung bia mộ, con cháu biết ông Lê Văn Thình (Đời II) sinh năm 1887, là người con thứ năm của ông Lê Văn Thể; 3 người chị trước, mỗi người có thể lớn hơn 2 năm, vậy, người chị thứ hai của ông Thình sinh khoảng năm 1881. Theo phương pháp tính toán đã nghiên cứu của nhiều Sử gia, mỗi đời cách nhau 25 năm, ông Lê Văn Thể (Đời I) sinh khoảng năm 1856, tức giữa thế kỷ 19.
2. TỔ QUÁN, NƠI SINH CƠ LẬP NGHIỆP
Lịch sử tỉnh Sóc Trăng ghi: Tên hành chính tỉnh Sóc Trăng ra đời từ khi Pháp xâm lược xong Nam kỳ Lục tỉnh, 1883. Trước đó, mảnh đất Sóc Trăng cùng với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long còn hoang hóa nhiều, dân cư thưa thớt.
Từ năm 1744, trở về sau, các chúa Nguyễn nối nhau cố công mộ dân, khai khẩn đất hoang ở vùng nầy và xác lập vùng đất đồng bằng sông Cửu Long thành đơn vị hành chánh thuộc quyền cai trị của Chúa Nguyễn (Đàng Trong). Chúa Nguyễn Phúc Khoát chia vùng đất mới nầy thành ba Dinh: Dinh Trấn Biên, Dinh Phiên Trấn, Dinh Long Hồ cùng một Trấn phụ thuộc là Hà Tiên. Năm Minh Mạng thứ XVII (tức 1836) nhà Nguyễn đo đạc lại ruộng đất, điều chỉnh lại địa giới và đổi tên dinh thành trấn thì vùng Sóc Trăng thuộc Trấn Giang, sách cũ chép là Trấn Nguyệt Giang (T9-10 Tỉnh Sóc Trăng 38 năm đấu tranh Cách mạng Sở VHTT Hậu Giang-1991).
Trong Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ do Giáo sư Huỳnh Lứa chủ biên ghi rằng: Triều Tự Đức, năm Quý Sửu 1853 ban hành chiếu chỉ: Nay cho đóng quân đồn điền, dựng kho chứa thóc ở địa hạt tỉnh, một là để dự trù quân lương cho đủ, hai là để giữ vững việc biên phòng, rồi nhân đấy chiêu tập dân phiêu bạt, xây dựng thôn ấp. Những người đứng ra mộ dân lập đồn điền được ban thưởng chức vụ như sau:
Ai mộ được 50 người thì tổ chức thành một đội, người mộ được làm suất đội. Khi cày cấy có kết quả, mặc nhiên trở thành ấp trưởng. Ai mộ được 500 người thì tổ chức thành một cơ (gồm 10 đội), người mộ dân được bổ nhiệm thành chánh đội, cơ.. sau nầy trở thành một tổng, người đứng mộ trở thành cai tổng. Trong chuyến đi sưu tầm tư liệu trong thân tộc, theo phương pháp điền dã, gắn kết lịch sử địa phương, con cháu biết được một thông tin gắn với dòng họ là: ông Lê Văn Thể thuở xưa là ông Hương Cả, người đứng đầu trong 14 chức vụ hương chức, hội tề làng xã (Thông tin do ông Sáu Thiện, Hội Đình, bà Marie, và các bậc trưởng lão trong họ ghi nhận) thời Tự Đức ngũ niên 1853 phong Sắc đình Mỹ Hương, trước khi ông Lê Văn Thể ra đời (ông sinh năm 1856).
(Rất tiếc, chúng ta chưa được xem Sắc phong và đình qua bao cuộc trùng tu đã không còn lưu giữ những gì có thể minh chứng danh sách tiền hiền, hậu hiền, tiền vãng để biết được những liên quan của địa phương với gia tộc). Nhưng từ chức vụ được biết của ông Lê Văn Thể, chúng ta suy đoán tổ tiên họ Lê ta chính là người đứng ra mộ dân khai khẩn được nhiều đất xã Mỹ Hương và được bố trí: Trưởng mục tức Cả trưởng, Hương trưởng là trưởng của mọi chức việc, điều hành chung công việc làng thôn, chọn cử các viên chức – Minh điều hương ước Tự Đức Ngũ niên ban hành 1853. Hương cả là Chủ tịch Hội đồng Hương chức, nên người dân nơi đây còn gọi là ông Hội đồng Thể, ngoài ra, ông còn là Ủy viên Hội đồng tỉnh Sóc Trăng.
Đời II, ông Lê Văn Thình còn gọi là Hào Thình giữ chức Hương Hào: là người hào hiệp trong làng, cửa nhà khá giả, mọi người có thể nhờ cậy, vay mượn, lo việc sửa chữa cầu đường, trùng tu nhà cửa, tuần phòng xóm ấp, bắt kẻ gian trá để mọi người an cư lập nghiệp và là Thường trực chuyên lo việc hành chánh thuế khóa. Những cơ sở nêu trên, chứng minh từ đời I, tổ tiên ta đã chọn đất Mỹ Hương là Tổ quán sanh cơ lập nghiệp, với bao công lao khai phá và phát triễn dòng họ. Tên xã Mỹ Hương trước còn gọi là Thiện Mỹ, dân chúng nơi đây còn gọi là vùng Xẻo Gừa và có chợ Xẻo Gừa.
Năm 1867, là năm thực dân Pháp đến xâm chiếm mảnh đất Sóc Trăng, chúng chia Nam Kỳ Lục Tỉnh của Nhà Nguyễn ra thành từng Hạt, mỗi Hạt tương đương cấp tỉnh sau nầy. Xâm lược Nam Kỳ, thực dân Pháp phải đối phó với phong trào nông dân khởi nghĩa suốt 37 năm, đến năm 1904 chúng mới lập được trật tự.
Căn cứ vào tài liệu Pháp lưu trữ, năm 1939, tỉnh Sóc Trăng, Pháp thiết lập thành 3 quận: Châu Thành, Kế Sách, Long Phú) với 12 tổng và 36 làng. Tổng Nhiêu Mỹ là nơi Tổ quán Tộc Lê. Tổng Nhiêu Mỹ có 7 làng: Bồ Liêng, Hòa Hương, Tạ Ân, Tâm Sóc, Thiện Hòa, Thiện Mỹ, Thuận Hòa. Thiện Mỹ là Tổ Quán họ Lê, vùng này còn gọi là Xẻo Gừa (Xẻo: rạch nhỏ; Gừa: loại cây dùng làm củi). Trên thực địa, vùng này có một rừng gừa, lối vào rừng là một xẻo.
Ngày nay, tỉnh Sóc Trăng có 1 thị xã Sóc Trăng và 6 huyện: Huyện Kế Sách, huyện Long Phú, huyện Mỹ Tú, huyện Mỹ Xuyên, huyện Thạnh Trị, huyện Vĩnh Châu.
Huyện Mỹ Tú có các xã: An Ninh, An Hiệp, Phú Tân, Phú Tâm, Thuận Hòa, Hồ Đắc Kiện, Long Hưng, Hưng Phú, Thiện Mỹ, Mỹ Hương, Mỹ Tú, Mỹ Phước, Mỹ Thuận, Thuận Hưng, Phú Mỹ. Về vị trí, huyện Mỹ Tú, Bắc giáp huyện Kế Sách, Nam giáp huyện Thạnh Trị và huyện Mỹ Xuyên, Đông giáp Thị xã Sóc Trăng, Tây giáp huyện Phụng Hiệp tỉnh Cần Thơ. Diện tích toàn huyện là 587,9 km2, dân số 194.300 người.
Riêng xã Mỹ Hương, Bắc giáp xã Thiện Mỹ, Nam giáp xã Mỹ Tú và xã Thuận Hưng, Đông giáp xã An Ninh, Tây giáp xã Long Hưng và xã Hưng Phú. Nghề sống chính của dân cư toàn xã là làm ruộng, làm vườn.
Huyện Mỹ Tú ngày nay có nhiều đổi mới: Đường chính liên huyện tráng nhựa, hệ thống giao thông thuận lợi, lưới điện, nước máy vào đến tận mỗi nhà, hệ thống truyền thông như: truyền hình, truyền thanh hầu như nhà nào cũng trang bị. Chợ Xẻo Gừa được xây dựng khang trang, bà con mua bán tấp nập. Nhà dân chúng Xóm Trên, Xóm Dưới đều được xây cất lại vững chắc. Cuộc sống nhân dân ổn định. Đó là điều tốt cho xã hội ta ngày một phát triển.
ĐẶC ĐIỂM VÀ SỰ PHÁT TRIỂN DÒNG HỌ Ở MỸ HƯƠNG , MỸ TÚ, SÓC TRĂNG
1. SỰ PHÁT TRIỂN DÒNG TỘC
Theo các tư liệu thu thập trong dòng họ, những người sinh tiền kể chuyện về người đã khuất cho biết: ông Tổ họ Lê ở xã Mỹ Hương là ông LÊ VĂN THỂ (Đời I) kết duyên với bà NGUYỄN THỊ QUÝ (con cháu có lúc nhớ bà là họ Hồ, hay họ Bùi nhưng trên bia mộ ghi họ Nguyễn) sinh hạ 9 người con, (3 gái, 5 trai) 5 người con trai lập nên 5 chi (Đời II):
Chi thứ nhứt : Ông năm Lê Văn Thình.
Chi thứ hai : Ông bảy Lê Văn Mão.
Chi thứ ba : Ông tám Lê Văn Vinh.
Chi thứ tư : Ông chín Lê Tâm Hảo.
Chi thứ năm : Ông mười Lê Văn Thỏa.
Đời II:
- Ông năm Lê Văn Thình kết duyên với bà Huỳnh Thị
Kiên và bà Nguyễn Thị Muôn sinh 9 người con (4 gái, 5 trai):
Tuy có 2 dòng con, nhưng vẫn theo tuần tự ngôi thứ (Đời III) :
Thứ hai: Lê Thị Thời, thứ ba: Lê Thị Thuận,thứ tư: Lê Duy Tự, thứ năm: Lê Quang Lạc, thứ sáu: Lê Thị Phải, thứ bảy: Nguyễn Thị Thêm (theo họ mẹ), thứ tám Lê Bảo Toàn, thứ chín: Lê Công Sự, thứ mười: Lê Thành Tâm. Bốn người con trai của ông Lê Văn Thình lập nên 4 nhánh Đời IV.
- Ông bảy Lê Văn Mão kết duyên với bà Trương Thị Ngọc sinh 3 người con (Đời III): Thứ hai: Lê Văn Sáng, thứ ba: Lê Thị Sua, thứ tư: Lê Thị Kim Anh. Một người con trai của ông Lê Văn Mão lập 1 nhánh Đời IV.
- Ông tám Lê Văn Vinh sinh 1 người con là Lê Hy Sinh, nhưng mất sớm, nên không có thông tin về bà và ông Lê Hy Sinh. Chi nầy không tiếp nhánh cho đời sau.
- Ông chín Lê Tâm Hảo kết duyên với bà Trần Thị Của sinh 12 người con (7 gái, 5 trai): Thứ hai: Lê Thị Nở, thứ ba: Lê Vinh Hoa, thứ tư Lê Ngọc Điệp, thứ năm: Lê Thị Kim Chi, thứ sáu: Lê Ngọc Diệp, thứ bảy: Lê Thị Cúc, thứ tám: Lê Thị Thu Hồng, thứ chín Lê Vinh Quang, thứ mười: Lê Vinh Hiển, thứ 11: Lê Vinh Hiền, thứ 12: Lê Vinh Vang. Năm người con trai của ông Lê Tâm Hảo có 1 người mất lúc 3 tuổi, nên lập 4 nhánh (Đời IV).
Ông mười Lê Văn Thỏa kết duyên với bà Lê Thị Marie sinh 6 người người con (3 gái, 3 trai): Thứ hai: Lê Ngọc Diệp, thứ ba: Lê Ngọc Anh, thứ tư: Lê Ngọc Nữ, thứ năm: Lê Văn Trí, thứ sáu: Lê Văn Huệ, thứ bảy: Lê Văn Thông. Ba người con trai của ông Lê Văn Thỏa có 1 người mất sớm, 1 người làm linh mục, nên chỉ lập 1 nhánh (Đời IV).
Như vậy, từ đời ông Lê Văn Thể sinh các con Đời II, cháu Đời III, chắt Đời IV và hiện nay đến đời V. Do chiến tranh và nhu cầu mưu sinh, các thế hệ họ Lê đi khắp các tỉnh thành trong cả nước, từ Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Ôn – Vĩnh Long, Tây Ninh, Vũng Tàu, Nha Trang… Có gia đình định cư ở nước ngoài: Mỹ, Pháp, Hà Lan, Úc, NewZealand. Tất cả đều có công ăn việc làm, trong đó có những người khá giả, cũng có gia đình còn khó khăn, nhưng nhìn chung mọi người đều có cuộc sống ổn định.
Trong thời gian sưu tầm tư liệu, con cháu tộc Lê biết thêm: Ông Lê Văn Thể còn có bà vợ trước là Bùi Thị Năng, bà là mẹ 3 người con đầu: Thứ Hai mất lúc còn nhỏ, thứ Ba tên Lê Thị Giáng, thứ Tư là Lê Thị Tỵ mất khoảng 4 tuổi do bệnh tả. Bà Lê Thị Giáng có chồng tên Phạm Văn Chánh, quê ở Ngã tư Chùa (Kinh cũ) sanh 6 người con, nhưng biết được 3 người là Phạm Văn Nhang (có 10 người con) Phạm Văn Tăng (không có con), và người thứ Tư chưa biết tên. Con ông mười Tâm là Lê Thị Thanh Nga gặp bà Huỳnh Thị Marie, nhà cạnh đất ông bà cung cấp thông tin.
Khi biết được mối liên hệ nầy, bà Nga đã truy tìm và gặp được con ông Phạm Văn Nhang là bà Phạm Thị Huội. Trong ngày khánh thành, bà Thanh Nga tìm mọi cách liên hệ và mời được bà Huội về dự. Được biết 10 người con của ông Phạm Văn Nhang: Thứ ba, thứ thứ bảy, thứ mười mất lúc còn nhỏ còn những người sau: Thứ hai: Phạm Văn Minh, thứ tư: Phạm Thị Liễu, thứ năm: Phạm Văn Nhành, thứ sáu: Phạm Thị Mai, thứ tám: Phạm Văn Mới, thứ chín Phạm Thị Huội. Những người cháu bà Lê Thị Giáng có liên hệ với bà Lê Ngọc Diệp và Lê Thị Kim Chi, con ông Lê Tâm Hảo.
2. SỰ PHÁT TRIỂN VỀ KIẾN THỨC
Thân tộc họ Lê xã Mỹ Hương từ đời I đã biết chữ để làm Hội đồng, rõ nhất là từ đời II, các ông: Lê Văn Thình, Lê Văn Mão, Lê Văn Vinh, Lê Tâm Hảo, Lê Văn Thỏa đều được đi học, chủ yếu học trường làng, thuở ấy còn học chữ Hán và chữ Nôm. Đời III, đều đến trường, học nhiều nhất là ông mười Lê Thành Tâm học xong Dipplom, làm trợ lý quận trưởng. Đời IV, sự học được phát triển, con cháu học đến Bác sĩ: Lê Ngọc Nga, Lê Thị Liên Hương, Lê Thị Kim Chi; nữ hộ sinh, Lê Thanh Nga. Dược tá: Trịnh Thị Lan Chi, Trịnh Nam Tùng.
Ngoài ra còn học các ngành: Cử nhân kinh tế: Lê Quang Hùng, Nguyễn Thị Hoài Xuân, cử nhân Quản trị kinh doanh Lê Ngọc Ánh; Đại học sư phạm. Làm Hiệu trưởng, Giáo viên giỏi như Trịnh Pên Liếm, Trịnh Thị Luối, Chuyên viên cao cấp Trịnh Thị Nhung, Phó Giám đốc trường Chính trị Bạc Liêu: Lê Hải Lâm. Những người đi nước ngoài đều học cao: Gia đình bà Lê Thị Kim Anh, cháu ông Lê Văn Mão: Nguyễn Kim Mỹ là Nha sĩ; Nguyễn Tấn Thạnh: Cử nhân Luật, Kỹ sư Điện toán; Nguyễn Tấn Phước: Cử nhân Kinh tế, làm việc Công ty xe hơi tại San Diego (Mỹ); Nguyễn Tấn Lộc: Kỹ sư Điện máy ở Hà Lan, Nguyễn Tấn Tài: Thạc sĩ Điện toán, Nguyễn Quốc Trung: Kỹ sư Điện toán, Nguyễn Thị Kim Thanh: Tiến sĩ, Giáo sư Đại học Harvard; Nguyễn Thị Kim Trang Đại học Dược; Nguyễn Thị Kim Út: Dược sĩ.
Trong họ cũng có những ngưới kinh doanh thành đạt như: Lê Thị Thanh Xuân, chủ Nhà hàng Thanh Trà và trường Mẫu giáo Ngôi Sao Nhỏ; Lê Quang Trí, Lê Tuấn Khanh, chủ hệ thống Nhà hàng Ngọc Sương; hoạt động dịch vụ âm thanh nổi tiếng như Lê Văn Chín (Dũng), trong ngành còn gọi là Dũng Martin chuyên thiết kế, tư vấn phục vụ âm thanh nhiều chương trình nổi tiếng trên toàn quốc. Dẫn chứng việc học tập, phấn đấu và thành đạt của thành viên trong dòng tộc để con cháu tự hào và tiếp tục phấn đấu làm rạng danh họ tộc.
3. TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC:
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, con cháu họ Lê đều có người tham gia. Từ những phong trào Thanh niên Tiền Phong, Thanh niên Cứu Quốc, đến kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ có các ông: Lê Tâm Hảo, đời II; ông năm Lê Quang Lạc, Ông tám Lê Bảo Toàn, ông chín Lê Công Sự, ông mười Lê Thành Tâm, đời III; Lê Ngọc Hường, Lê (Nguyễn) Hoài Xuân, đời IV thoát ly đi kháng chiến, công tác bí mật nội thành, tham gia du kích địa phương.
Vốn có trình độ văn hóa và nhiệt tình cách mạng, thân tộc ta giữ nhiều trọng trách trong kháng chiến như Trưởng Ban Tuyên truyền, Trưởng Ban An ninh, mở lớp huấn luyện, làm công an, nữ hộ sinh… Các bà mẹ ở nhà nuôi dạy con nhưng cũng là cơ sở cách mạng, gián tiếp nuôi cháu cho anh hoặc giúp đỡ các em, cháu khi ra công tác hợp pháp hay lúc gặp khó khăn.
Trong kháng chiến chống Mỹ, trước sự truy bức của Ngô Đình Diệm với Luật 10/59, con cháu họ Lê phải bỏ làng Mỹ Hương tứ tán khắp nơi. Để tạo thế hợp pháp và chấp hành phân công của tổ chức, ông năm Lê Quang Lạc, đem gia đình lên Sài Gòn mướn nhà làm bình phong cho cánh Trí vận. Ông Lê Bảo Toàn đổi họ Nguyễn hoạt động trong Nghiệp đoàn ngành may, ông gặp bà Nguyễn Thị Nghĩa cùng công tác chung, đôi bên kết bạn trăm năm. Thế hệ đời IV nối tiếp có Chị Lê Ngọc Hường cùng chồng là Võ Văn Nhị, chị Nguyễn Thị Hoài Xuân, sớm tham gia hoạt động cách mạng. Nhiều người bị địch bắt tù đày: như ông Lê Tâm Hảo (đời II), Lê Quang Lạc, Lê Bảo Toàn (đời III), Lê Ngọc Hường, Nguyễn Thị Hoài Xuân (đời IV); có người hy sinh, nay được công nhận là Liệt sĩ: ông Lê Tâm Hảo, ông tám Lê Bảo Toàn (Nguyễn Việt Khánh), ông chín Lê Công Sự và con là Lê Quốc Việt.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử – 1975, thân tộc họ Lê cùng nhân dân tham gia giành chính quyền và nhanh chóng ổn định tình hình. Con cháu đời IV, tích cực tham gia hoạt động tại địa phương làm các ngành: Đoàn thể, Mặt trận, phòng Lương thực, xung phong tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự…
4. GỐC HỌ LÊ, NHƯNG CHUYỂN ĐỔI HỌ
Từ gốc họ Lê Đời I, Đời II, đến Đời III, Đời IV, đời V con cháu có nhiều thay đổi họvới nhiều lý do sau:
- Con theo họ mẹ: Con thứ bảy ông Lê Văn Thình dòng 2, bà Nguyễn Thị Thêm, các con theo họ mẹ là bà Nguyễn Thị Muôn
- Do hoàn cảnh chiến tranh, thay đổi họ tên để hoạt động cách mạng:
Ông Lê Bảo Toàn, đổi tên họ là Nguyễn Việt Khánh. Các con ông theo họ Nguyễn: Nguyễn Thị Hoài Xuân, Nguyễn Thị Liên Hương, Nguyễn Việt Thái Nguyên, Nguyễn Việt Thái Hưng, Nguyễn Thị Thái Hòa, Nguyễn Thị Xuân Bình.
- Thay đổi họ khi làm giấy tờ:
Ông Lê Vinh Vang Đời III, con ông Lê Tâm Hảo Đời II, tên trong giấy là Trần Vinh Vang, vì thế các con ông đều theo họ Trần: Trần Thị Huỳnh Lan, Trần Thị Huỳnh Mai, Trần Lê Hưng, Trần Vĩnh Lợi, Trần Thị Sáu, Trần Thị Cẩm.
5. TRUYỀN THỐNG TÌM VỀ CỘI NGUỒN
a. Chăm lo mộ phần ông bà tổ tiên:
- Sau khi đất nước thống nhất các ông Lê Quang Lạc , Lê Thành Tâm (đời III) trở về quê hương, giữ lại mảnh đất cha ông, xây cất tạm để hương khói thờ phụng ông bà. Đời IV, ông Lê Quang Hùng, tìm cách truy tập và hệ thống các bản thống kê các đời từ ông cố, đến con cháu, đồng thời gắn kết bà con họ tộc.
- Tộc Lê rất quan tâm chăm sóc mộ phần ông bà cha mẹ. Trong khu mộ tập trung của dòng họ tại xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng có mộ phần các bậc đời I và đời II. Vào năm 2000, trước khi qua đời, ông Lê Thành Tâm (con thứ mười ông Lê Văn Thình, tôn tạo các ngôi mộ ông bà (vào lúc bấy giờ, trị giá 15 lượng vàng), khu mộ khang trang, lát đá granic xám, bia mộ mạ chữ vàng, ghi đầy dủ các chi tiết, năm sinh, năm mất.
Những nơi con cháu đến lập nghiệp sau nầy, đều xây mộ cha mẹ khang trang. Phần lớn các ngôi mộ đều xây gạch cát, xi măng, có mộ còn sơn nước quét vôi, nhiều mộ ốp đá hoặc lát gạch tráng men. Đặc biệt là mộ ông bà, cha mẹ đều chôn cất gần nhà, con cháu sớm hôm, hương khói, quét dọn.
b/ Xây dựng nhà Từ Đường
Đến xã Mỹ Hương, cách chợ Xẻo Gừa chừng 100m, trên nền đất ông bà khi xưa, con cháu đời thứ IV xây dựng nhà Từ Đường. Người đứng xây cất là bà Võ Thị Yêm, vợ ông Lê Quang Lạc, người chịu kinh phí xây dựng trên 180 lượng vàng là bà Lê Thị Thanh Xuân, con gái thứ ba của ông Lê Thành Tâm.
Không chỉ xây nhà Từ đường họ Nội, bà Xuân còn xây nhà Từ Đường họ Ngoại – Phủ thờ tộc Trang ở xã An Ninh, huyện Mỹ Tú, và xây nhà thờ cha mẹ ở số 9/12, đường số 18, Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
Từ đường do kiến trúc sư Ngô Thanh Nhu thiết kế theo ý tưởng của bà Xuân. Bà Xuân có thời gian kinh doanh nhà đất, được đi nhiều nơi, biết nhiều kiểu nhà, bà quan tâm và mơ ước được về quê cha đất tổ xây dựng ngôi nhà thờ phụng tổ tiên và để con cháu có chỗ sum họp nhớ về cội nguồn, như là cách báo hiếu với dòng họ.
Ngày 20 tháng 6 năm 2008, Từ đường khánh thành, bà con thân tộc về dự đông đủ, từ đây con cháu chọn ngày giỗ ông Lê Văn Thể, đời I, làm ngày giỗ Họ, cũng là ngày con cháu sum họp ôn lại truyền thống cha ông để dòng họ ngày càng đoàn kết gắn bó.
6. PHÁT HUY XÂY DỰNG DÒNG HỌ
Có TỪ ĐƯỜNG, GIA PHẢ, trước khí thiêng MỒ MẢ
ÔNG BÀ cho phép bộ gia phả đề ra phương hướng xây dựng dòng họ tộc Lê như sau:
1. Con cháu các thế hệ cùng phấn đấu gìn giữ truyền thống lao động yêu nước quý báu của dòng họ. Giữ gìn và phát huy việc thờ cúng ông bà là đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam
2. Xây dựng dòng họ vẹn toàn trong ấm, ngoài êm.
Mỗi Chi, Nhánh, mỗi gia đình phát huy những mặt tích cực đóng góp , xây dựng quê hương giàu đẹp trong đó có họ tộc
chúng ta.
3. Chăm lo khuyến học, khuyến nghiệp, khuyến tài một cách thiết thực trong dòng họ.
4. Trong họ tộc cùng chăm lo:
- Nhà thờ họ Lê nghiêm túc.
- Mồ mả khang trang.
- Bộ gia phả hoàn chỉnh.
Trước mắt chúng ta cần tổ chức Ban liên lạc Họ Lê để thường xuyên liên kết thông tin cho nhau. Hằng năm, nhân ngày Giỗ Họ, Ban Liên lạc sẽ tổ chức nhiều hoạt động như:
Liên kết họ Lê trong vùng, họ Lê miền Nam và cả nước, nhằm mở rộng vòng tay thân tộc. Ban liên lạc sẽ xây dựng quỹ giúp đỡ gia đình gặp khó khăn, quỹ học bỗng cho con cháu học giỏi và chúc thọ các cụ lớn tuổi…
Tất cả những việc làm có ích sẽ gắn bó thân tộc trong mái nhà chung, làm cho dòng họ mãi mãi trường tồn, vinh danh.
Bộ Gia phả nầy hoàn thành vào tháng 11 năm 2008 tức tháng 10 năm 2008, để luôn cập nhật thông tin thân tộc, cứ 5 năm một lần, con cháu các thế hệ tiếp tục cung cấp diễn biến và phát triển từng chi nhánh bổ sung kịp thời vào Gia phả.
Các tin cũ
- » 046. Gia phả họ Sầm (khu phố 1, phường 2, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) 19/08/2022 18:24:56
- » 045. Gia phả họ Đặng (xã Đức Lập, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) 19/08/2022 17:58:11
- » 044. Gia phả họ Nguyễn (thôn Vĩnh Tú, Vĩnh Trường, Vĩnh Linh, Quảng Trị) 19/08/2022 17:38:58
- » 043. Họ Phạm (Sơn Cao, Xã Thái Hòa, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) 19/08/2022 17:21:59
- » 042. Gia phả họ Lê (ấp 2, Bình Lợi, Vĩnh Cửu, Đồng Nai) 19/08/2022 11:24:01
- » 041. Gia phả họ Phạm (làng Lương Quán, xã Thủy Biều, thành phố Huế) 19/08/2022 11:07:57
- » 040. Gia phả họ Đỗ (xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) 19/08/2022 10:01:37
- » 039. Gia phả họ Huỳnh (KP2, xã Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM) 19/08/2022 07:44:52
- » 038. Gia phả họ Bùi (ấp 3, Mỹ Tân, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) 19/08/2022 07:10:18