049. Gia phả Họ Trần (xã Tân Hạnh, TP Biên Hòa & xã An Phú, Thuận An, Bình Dương)
19/08/2022 20:15:16Gia phả Họ Trần ở xã Tân Hạnh, TP Biên Hòa & xã An Phú, huyện Thuận An, Bình Dương được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2010.
LỜI NÓI ĐẦU
Nước có sử, nhà có phả. Sử để ghi lại những sự kiện của đất nước còn gia phả là để ghi lại sự thăng trầm của một họ tộc.
Gia phả ghi lại những thành quả của các bậc tiền nhân để con cháu nhìn vào đó mà học tập không ngừng để tiếp tục phấn đấu xây dựng dòng họ vững mạnh, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp. Những gương lao động, phấn đấu vượt qua những khó khăn của các bậc tiền nhân cũng là điều để con cháu soi rọi vào đó mà sống tốt, không làm điều gì sai trái ảnh hưởng đến uy tín dòng họ, tủi hổ vong linh ông bà nơi chín suối. Gia phả còn là một cuốn sách ghi lại tên tuổi, hành trạng của tất cả mọi người trong dòng họ. Lật giở từng trang gia phả, ta biết được gốc gác của mình, biết được mối quan hệ ruột thịt và biết được thế thứ của từng người trong mối quan hệ gia tộc.
Trong thời gian khá dài đất nước trải qua chiến tranh, bà con ly tán, ở tản mác khắp nơi, ngày nay nếu chúng ta không khẩn trương truy tìm để ghi chép lại, khi những bậc cao tuổi qua đời, chúng ta khó lòng có thể truy tìm đầy đủ bà con dòng họ mình. Hơn nữa, ngày nay với hoàn cảnh khách quan của cuộc sống, bà con dòng họ chúng ta, không phải tất cả mọi người đều sống quần cư bên nhau ở quê hương tổ quán, mà một số khá lớn đang sinh sống và làm việc ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Những điều như đã nêu, phần nào hạn chế việc gặp gỡ giữa bà con với nhau và qua nhiều thế hệ, nguy cơ không nhận ra thân tộc là điều có thể xảy ra. Việc lập cuốn gia phả họ Trần được xem như một cuộc “tổng điều tra dân số” của dòng họ, truy tìm khá đầy đủ bà con của các chi, nhánh, bước đầu tạo mối quan hệ liên lạc, thắt chặt tình đoàn kết hầu có thể giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn, trắc trở của cuộc sống.
Được sự hợp tác giúp đỡ của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM, cuốn gia phả họ Trần của dòng họ chúng ta được khởi dựng từ tháng 11 năm 2009. Qua nhiều đợt điền dã thu thập tài liệu tại xã Tân Hạnh (TP biên Hòa), xã An Phú (huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) và một số địa phương khác có bà con họ Trần chúng ta sinh sống. Nay cuốn gia phả đã bước đầu được hoàn thành.
Tuy nhiên, vì dòng họ chúng ta không có gia phả gốc, tư liệu của dòng họ cũng không có gì đáng kể, kể cả những địa bạ của làng Tân Hạnh được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia (đường Lý Văn Phức, Q.1, TP.HCM) cũng không tìm được những thông tin liên quan đến các bậc tiền nhân của chúng ta ngày xưa sống ở Tân Hạnh và An Phú. Việc truy tìm lại những chi, nhánh và ông Tổ của dòng họ chủ yếu là nhờ vào ký ức của những bậc cao tuổi của dòng họ hiện còn sống. Tuy nhiên, trí nhớ của con người cũng có hạn, nên một số vấn đề liên quan đến tổ phụ và tổ quán chưa được xác định một cách chắc chắn. Đó cũng là điều mà con cháu dòng họ phải tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu để bổ sung cho cuốn gia phả ngày càng hoàn chỉnh.
Ngoài ra, do thời gian có hạn và những khó khăn khách quan như đã nêu, chắc chắn cuốn gia phả lần đầu hình thành này sẽ còn nhiều thiếu sót. Rất mong bà con nhiệt tình bổ khuyết.
Nhân đây tôi xin chân thành cám ơn toàn thể bà con dòng họ đã nhiệt tình hợp tác và giúp đỡ tổ thực hiện gia phả trong thời gian vừa qua và xin chân thành cám ơn Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM đã hợp tác với dòng họ để dựng cuốn gia phả này.
Trân trọng kính chào.
Tân Hạnh, tháng 12 năm 2010
TRẦN VĂN BÁ
(Đời IV)
PHẢ KÝ
I. ĐƯỜNG VỀ TÂN HẠNH VÀ AN PHÚ
Xã Tân Hạnh ngày nay là một xã trực thuộc thành phố Biên Hòa. Còn xã An Phú thuộc huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nhưng thời xa xưa Tân Hạnh là một thôn (làng) thuộc tổng Chánh Mỹ Thượng, huyện Phước Vĩnh, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa và An Phú thì nguyên là ấp An Phú thuộc tổng Bình Chánh Trung, huyện Bình An, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa (trong sắc phong Thần Thành hoàng cho Đình Tân Hạnh thời Tự Đức thì Tân Hạnh thuộc tổng Chánh Mỹ Thượng, huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa). Tuy hai địa danh An Phú và Tân Hạnh cả ngày xưa và ngày nay đều “xa cách” nếu nhìn ở góc độ đơn vị hành chánh, nhưng trên thực tiễn đây là 2 địa danh nằm khá gần nhau. Tân Hạnh chỉ cách An Phú chừng 5-6km.
Ngày nay cả Tân Hạnh và An Phú đều có thể đến bằng nhiều đường khác nhau. Từ Tân Uyên (Bình Dương) qua, từ khu công nghiệp Sóng Thần băng qua huyện Dĩ An để về An Phú hoặc từ xa lộ Đại Hàn, đến đoạn ngã tư Thủ Đức rồi đi vào quốc lộ 1K. Đây cũng là con đường giao thông khá phổ biến để mọi người đến Biên Hòa, sau đó có thể qua Tân Hạnh và An Phú.
Nếu từ ngã tư Thủ Đức, theo quốc lộ 1K đi về hướng thành phố Biên Hòa, đến ngã tư cầu Hóa An, rẽ tay trái vào đường Bùi Hữu Nghĩa (ngày xưa con đường này là Liên tỉnh lộ 16, sau đó đổi thành đường DT760 trước khi mang tên Bùi Hữu Nghĩa), qua trạm thu phí, đi dọc theo sông Đồng Nai khoảng 2km thì đến ngã ba Bùi Hữu Nghĩa - Phạm Văn Diêu, rẽ tay trái vào đường Phạm Văn Diêu là địa phận của xã Tân Hạnh.
Đường Phạm Văn Diêu trước đây là đường làng đất đỏ, sau ngày giải phóng được trải nhựa, rộng khoảng 3m. Khoảng năm 2007, để phát triển cụm công nghiệp Gốm Đồng Nai tọa lạc ở xã Tân Hạnh, con đường được mở rộng 12m và có tên Bùi Hữu Nghĩa như ngày nay (nếu đi thẳng đường Phạm Văn Diêu này chúng ta sẽ băng qua địa phận của huyện Dĩ An và ra khu công nghiệp Sóng Thần).
Năm 1930, Tân Hạnh là 1 làng thuộc tổng Chánh Mỹ Thượng, quận Châu Thành, tỉnh Biên Hòa. Từ năm 1957, xã Tân Hạnh thuộc về huyện Dĩ An tỉnh Biên Hòa cho đến năm 1976, trực thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Nếu từ ngã ba Bùi Hữu Nghĩa - Phạm Văn Diêu, chúng ta đi thẳng khoảng hơn 1km nữa thì đến cầu Ông Tiếp, cây cầu bắc qua một nhánh của sông Đồng Nai, đây cũng là ranh giới giữa hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Từ cầu Ông Tiếp đi thẳng khoảng hơn 2km nữa thì đến ngã ba xã Thái Hòa - Tân Ba. Rẽ trái vào đường DT747 là khu vực thuộc thị trấn Thái Hòa của huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Nơi đây một số khá lớn con cháu họ Trần thuộc chi ông út Trần Văn Tửng (đời II) sinh sống.
Từ thị trấn Thái Hòa tiếp tục đi thẳng đường DT747 này khoảng 4-5km là đến xã An Phú, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Từ An Phú tiếp tục đi băng qua địa phận huyện Dĩ An và ra khu công nghiệp Sóng thần. Tại xã An Phú ngày nay có khá nhiều con cháu của ông út Trần Văn Tửng sinh sống.
II. VỀ TỔ QUÁN HỌ TRẦN
Ông Tổ họ Trần chúng ta có 8 người con:
- Thứ hai : Chết nhỏ
- Thứ ba : Trần Văn Khanh
- Thứ tư : Chết nhỏ
- Thứ năm : Trần Văn Sâm
- Thứ sáu : Chết nhỏ
- Thứ bảy : Trần Văn Đăng (Bảy Mù)
- Thứ tám : Trần Thị ...
- Thứ chín : Trần Văn Tửng
Chúng ta thấy rằng trong 8 người con của ông Tổ thì có 3 người chết nhỏ. 5 người còn lại thì ông thứ bảy Trần Văn Đăng bị mù (bà con thường gọi là ông Bảy Mù) không có vợ con, người thứ tám là gái (không biết tên, hiện nay cũng chưa tìm ra con cháu). Như vậy còn 3 người con trai có con cái truyền nối họ Trần cho đến ngày nay là: ông ba Trần Văn Khanh, ông năm Trần Văn Sâm và ông chín (út) Trần Văn Tửng.
Con cháu ông ba Trần Văn Khanh và ông năm Trần Văn Sâm hiện nay chủ yếu sống tại xã Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa. Còn con cháu ông út Trần Văn Tửng chủ yếu sinh sống tại Tân Ba (nay là thị trấn Thái Hòa thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) và xã An Phú, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Như vậy tổ quán của họ Trần là ở Tân Hạnh hay An Phú? Qua công tác điền dã của tổ thực hiện gia phả thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả (thuộc Hội Sử học TP.HCM), hiện nay cả ở Tân Hạnh và An Phú, con cháu họ Trần không ai biết mồ mả của ông Tổ đời I ở đâu. Chỉ biết rằng, trước đây con cháu ông út Trần Văn Tửng ở Tân Ba có giỗ ông Tổ. Ông Trần Văn Bá (đời IV), hiện ở Tân Hạnh kể rằng: Thời ông còn nhỏ, có vài lần qua Tân Ba ăn giỗ ông cố, tức ông Tổ đời I, nhưng sau khi cha ông Trần Văn Bá qua đời, cộng với thời chiến tranh loạn lạc, bà con ly tán, ông không còn qua Tân Ba dự giỗ nữa. Bà Bùi Thị Hạnh, vợ của ông Trần Văn Một (ông Một mới qua đời năm 2009), ông Một là cháu nội ông Trần Văn Tửng. Bà Hạnh nói rằng thời bà mới về làm dâu, cha mẹ chồng còn giỗ ông cố (tức ông Tổ), nhưng sau này thì không còn giỗ nữa.
Như vậy hiện nay chúng ta chưa tìm được tên tuổi của ông bà Tổ, và do không có mộ, nên việc xác định tổ quán cũng gặp nhiều khó khăn. Việc đoán định nơi ông Tổ sinh sống (tức tổ quán) càng khó khăn hơn khi 4 người con trai của ông Tổ thì có 3 người là Trần Văn Khanh, Trần Văn Sâm và Trần Văn Đăng sinh sống ở Tân Hạnh, nhưng không làm giỗ cho cha. Trong lúc đó chỉ một mình ông út Trần Văn Tửng ở An Phú lại làm giỗ cha.
Theo thông lệ nếu trong gia đình có nhiều con, những người con lớn lập gia đình và ra riêng, nên người con út khi lập gia đình thì ở lại với cha mẹ, vừa phụng dưỡng tuổi già cha mẹ vừa kế thừa nhà cửa đất đai và lo chuyện kỵ giỗ về sau. Nếu theo suy luận này thì ông Tổ sinh sống tại xã An Phú nay thuộc huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương (vì người con út sống ở An Phú), hay nói các khác An Phú là tổ quán của họ Trần chúng ta.
Có thể nêu ra một giả thuyết khác để làm rõ điều này: phải chăng khi người con út lập gia đình rồi do điều kiện làm ăn sinh sống, hoặc do một lý do nào khác mà ông Tổ bán đất, nhà và đi theo sinh sống cùng người con út Trần Văn Tửng ở An Phú? Dù rằng trước đây ông Tổ ở Tân Hạnh.
Những điều nêu trên cho chúng ta thấy rằng, dù chưa có những cơ sở làm chứng cứ một cách thuyết phục, nhưng tổ quán của họ Trần chúng ta nghiêng về phía là xã An Phú, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, hơn là ở xã Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa ngày nay.
III. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA HỌ TRẦN QUA CÁC THỜI KỲ
1. Năm sinh của Tổ phụ họ Trần
Tuy chưa biết tên tuổi của ông Tổ họ Trần, nhưng chúng ta cũng có thể ước đoán ông sinh vào năm nào, hiện diện ở vùng đất An Phú (hoặc Tân Hạnh) vào thời nào trong lịch sử.
Nếu lấy năm sinh của ông Trần Văn Đống (đời III, tức cháu nội của ông Tổ), ta có thể dự đoán năm sinh của ông Tổ như sau:
- Ông Trần Văn Đống sinh năm 1893 là con thứ năm của ông Trần Văn Khanh (ông Trần Văn Khanh là con thứ ba của ông Tổ). Giả thiết nếu mỗi người con của ông Trần Văn Khanh sinh cách nhau 2 năm thì năm sinh của người con đầu (thứ hai) ông Khanh là: 1893 - 6 (cách nhau 3 người) = 1887.
- Nếu giả thiết mỗi thế hệ cách nhau 25 năm, thì từ người con đầu của ông Trần Văn Khanh (đời III) đến ông Tổ (đời I) cách nhau 2 thế hệ là: 25 năm x 2 = 50 năm.
- Như vậy chúng ta có thể dự đoán năm sinh của ông Tổ bằng cách lấy năm sinh của người con đầu ông Trần Văn Khanh (cháu nội ông Tổ) trừ cho 50 năm (1887 - 50 = 1837). Như vậy ông Tổ họ Trần chúng ta sinh khoảng vào năm 1837. Tức ông sinh ra trong thời kỳ vua Minh Mạng trị vì đất nước (1820-1840). Và chúng ta cũng cần biết thêm rằng, trong lịch sử vùng đất Nam bộ, năm 1836 là năm mà Trương Đăng Quế và Trương Minh Giảng vâng lệnh triều đình nhà Nguyễn vào lập địa bạ cho vùng đất này. Tức ông Tổ chúng ta sinh ra khi địa bạ Minh Mạng bắt đầu được xác lập.
2. Sự phát triển qua các thời kỳ
Ông Tổ họ Trần chúng ta từ đâu đến, sinh sống bằng nghề gì, điều đó ngày nay đối với con cháu là những câu hỏi khó khăn, không dễ giải đáp. Chỉ biết rằng trong 8 người con của ông Tổ, 3 người con trai có con cháu nối dõi đến ngày nay là ông Trần Văn Khanh, Trần Văn Sâm và Trần Văn Tửng, mà Theo ông Trần Văn Bá (đời IV hiện ở Tân Hạnh), thì cánh họ Trần ở đây thời trước khá khó khăn, không có nhiều ruộng đất. Khu nhà hiện nay của ông Bá ở cũng là đất của bên ngoại chứ không phải đất của họ Trần. Nhưng ông Trần Văn Tửng ở An Phú thì khá hơn, có rất nhiều ruộng đất để lại cho con. Bà Trần Thị Mì con gái thứ tư của ông Trần Văn Tửng cũng được cha mẹ chia cho một khu đất khá lớn nằm sát đường lộ chính của xã An Phú ngày nay, các người con trai đều có ruộng đất của cha mẹ để lại. Đó là tình hình kinh tế của đời II và đời III họ Trần.
Qua đời IV và một phần đời V của họ Trần là giai đoạn chiến tranh, mặt khác làng mạc dân cư đã ổn định, không còn khai phá vỡ hoang như trước, nên chủ yếu đất đai nếu có được là do làm ăn khấm khá mới tậu được ruộng vườn. Giai đoạn này và cho đến ngày nay, không thấy có ai ở họ Trần có nhiều đất đai như trường hợp ông Trần Văn Tửng trước đây.
Nhìn chung đa số con cháu họ Trần là sống tại 2 địa danh xã An Phú và xã Tân Hạnh, những người sống tại quê nhà đa số làm ruộng rẫy. Những năm gần đây, khi một số khu công nghiệp được xây dựng ở quê nhà hoặc các địa phương lân cận, một số chuyển qua buôn bán nhỏ hoặc làm công nhân tại các khu công nghiệp.
Cũng có một ít con cháu họ Trần học hành thành đạt rồi làm việc và sinh sống ở các tỉnh, thành phố khác, cá biệt có vài người định cư ở nước ngoài.
Về quy mô số lượng con người, ông Tổ chúng ta có 8 người con trong đó có 3 người con trai. 3 người con trai này có khá nhiều con: ông ba Trần Văn Khanh có 8 người con, trong đó có 4 người là trai; ông năm Trần Văn Sâm có 6 người con, trong đó có 2 trai và ông út Trần Văn Tửng có 8 người con, trong đó có 3 trai. Vì vậy có thể nói vào đời III và đời IV của họ Trần là giai đoạn phát triển khá đông đúc về số lượng người.
Qua đời V và đời VI, đa số trưởng thành trong giai đoạn sau ngày giải phóng 1975 với chế độ mới, khuyến khích mỗi gia đình chỉ nên có 1 hoặc 2 con để có điều kiện chăm sóc tốt cho thế hệ trẻ, nên họ Trần trong giai đoạn này và hiện nay với sự phát triển bình thường về số lượng như các dòng họ khác.
3. Đặc điểm của họ Trần
Cánh họ Trần ở Tân Hạnh như đã nói trên, đa số là nông dân nghèo, lam lũ với ruộng vườn, còn cánh họ Trần ở An Phú, ông Trần Văn Tửng (đời II) khá giàu có, nhiều ruộng đất, nhưng ông không phải là địa chủ mà sự giàu có là do cần cù lao động, khai phá, vỡ hoang đất đai mà có. Nên có thể nói họ Trần cơ bản là mang bản chất nông dân.
Con người họ Trần cũng như phần đông nông dân của vùng đất Nam bộ: chất phát, hiền hòa, hiếu khách. Trong dòng họ cơ bản là đoàn kết thương yêu nhau. Qua tiếp xúc với bà con họ Trần ở Tân Hạnh, An Phú, Biên Hòa, TP.HCM… tất cả bà con đều cởi mở, có tinh thần dòng họ cao, rất phấn khởi và hợp tác nhiệt tình để xây dựng cuốn gia phả của dòng họ mình. Đặc biệt những người sống xa quê rất mong muốn có dịp hội tụ để gặp gỡ bà con.
Đời IV và đời V họ Trần nằm trong giai đoạn đất nước chiến tranh. Con cháu họ Trần có rất nhiều người tham gia 2 cuộc kháng chiến, góp phần vào cuộc chiến tranh thống nhất đất nước như các ông Trần Văn Trưng xã đội trưởng xã Tân Hạnh thời kháng chiến chống Pháp, hy sinh; ông Trần Văn Huỳnh, an ninh T4 hoạt động ở Sài Gòn, ông Trần Văn Bá tham gia kháng chiến chống Pháp, ủy viên tuyên huấn xã Tân Hạnh…
Một số con cháu sống tại quê nhà Tân Hạnh và An Phú đi lính nghĩa quân, thậm chí có người là sĩ quan chế độ cũ, nhưng nhìn chung là vì thời cuộc, và điều quan trọng là không có ai là “ác ôn” hoặc có nợ máu với nhân dân.
Một số con cháu họ Trần (nhiều nhất là ở đời V và đời VI) đã có ý chí phấn đấu vươn lên, rời quê nghèo lên các thành phố học tập. Đến nay đã có nhiều người thành đạt, trở thành bác sĩ, kỹ sư… đã có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước. Có người giữ những chức vụ quan trọng trong xã hội như ông Trần Minh Phúc (đời V), hiện là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Trần Minh Hùng (đời V), thạc sĩ, Quyền Hiệu trưởng trường Đại học Đồng Nai…
IV. PHẦN KẾT
Nhìn lại lịch sử họ Trần, ông Tổ với hai bàn tay trắng dựng nghiệp ở An Phú (hoặc Tân Hạnh), ngày xưa đó là vùng đất nghèo, hoang vu. Ông Tổ không có gì để lại cho con cái, nhưng từ đời II, các bậc tiền nhân họ Trần đã phần đấu vượt qua những khó khăn của cuộc sống, xây dựng cơ nghiệp và nuôi dạy con cháu nên người, góp phần vào việc cống hiến cho đất nước và xã hội.
Đó là cả một quá trình cần cù lao động và ý chí phấn đấu vươn lên được hun đúc qua nhiều thế hệ. Vì vậy con cháu hiện nay phải ra sức gìn giữ gia phong, thương yêu đùm bọc giúp đỡ nhau trong cuộc sống, không làm những điều sai trái để phải tủi hổ vong linh ông bà nơi chín suối.
Tấm gương phấn đấu vươn lên của những thế hệ trước là hành trang cho con cháu ngày nay trên con đường dựng nghiệp để tiếp tục viết nên trang sử của dòng họ ngày càng vẻ vang.
Xây dựng gia đình vững mạnh để tạo nên một dòng họ vững mạnh, đó cũng là hình thức góp phần xây dựng xã hội ngày càng ổn định, văn minh và phát triển…
Các tin cũ
- » 048. Gia phả họ Vi (ấp Bình Hưng, Bạch Đằng, Tân Uyên, Bình Dương) 19/08/2022 20:04:19
- » 047. Gia phả họ Lê (ấp Xóm Lớn, xã Mỹ Hương, Mỹ Tú, Sóc Trăng) 19/08/2022 18:49:43
- » 046. Gia phả họ Sầm (khu phố 1, phường 2, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) 19/08/2022 18:24:56
- » 045. Gia phả họ Đặng (xã Đức Lập, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) 19/08/2022 17:58:11
- » 044. Gia phả họ Nguyễn (thôn Vĩnh Tú, Vĩnh Trường, Vĩnh Linh, Quảng Trị) 19/08/2022 17:38:58
- » 043. Họ Phạm (Sơn Cao, Xã Thái Hòa, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) 19/08/2022 17:21:59
- » 042. Gia phả họ Lê (ấp 2, Bình Lợi, Vĩnh Cửu, Đồng Nai) 19/08/2022 11:24:01
- » 041. Gia phả họ Phạm (làng Lương Quán, xã Thủy Biều, thành phố Huế) 19/08/2022 11:07:57
- » 040. Gia phả họ Đỗ (xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) 19/08/2022 10:01:37