Trang chủ > 050. Gia phả họ Cao (xã Thái Mỹ; xã Phước Hiệp, Củ Chi, TP.HCM & xã An Tịnh, Trảng Bàng, Tây Ninh)

050. Gia phả họ Cao (xã Thái Mỹ; xã Phước Hiệp, Củ Chi, TP.HCM & xã An Tịnh, Trảng Bàng, Tây Ninh)

19/08/2022 20:25:32

Gia phả họ Cao ở ấp Tháp, ấp Mỹ Khánh, xã Thái Mỹ; ấp Phước An, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP.HCM; ấp Suối Sâu, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2010.

LỜI NÓI ĐẦU

Thôn Mỹ Khánh và Thái Bình Thượng nay là xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi TP.HCM, đã thấy xuất hiện từ năm 1834 thời Minh Mạng thứ 17 trong lần đo đạt lập sổ địa bạ cho sáu tỉnh Nam Kỳ, xưa nay vẫn giữ địa giới như cũ, cũng là phần đất cuối cùng của Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh giáp với tỉnh Tây Ninh và Long An nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến phân hóa xã hội và phân bố dân cư trong vùng.

Tuy thời 1836 đã có tên làng thôn, có nhà cầm quyền cai trị, nhưng là vùng đất khô cằn, hoang vu chưa có mấy người Việt đến định cư khai phá và cũng qua rồi cái thời di dân từ miền đất Ngũ Quảng vào theo sự kêu gọi của triều đình, nhưng lưu dân Việt vẫn không ngừng đi tìm vùng đất mới. Khi mà Bến Nghé, Đồng Nai, Gò Vấp, Hóc Môn đã kín người thì Củ Chi, Trảng Bàng mới được chú ý tới. Và theo thói quen, khi dấu chân người Việt đến đâu thì cư dân thiểu số bản địa đã rút bỏ đi nơi khác, chứng tích còn lưu lại là địa danh Gò Tháp…

Rất tiếc, chưa biết được húy danh của ông tổ đời I, nhưng đối chiếu về niên đại thì ông cũng như các họ khác hiện diện ở đây vào khoảng thập kỷ 40 của thế kỷ XIX và thuộc thành phần nghèo với đôi bàn tay trắng.

Lẽ thường, đất lành chim đậu, với bản chất cần cù lao động, dĩ nông vi bản, ông và các con đã định cư nơi quê mới và phát triển miêu duệ đến ngày nay đã được 7, 8 đời trong bối cảnh đất nước chẳng mấy lúc được yên bình, tất nhiên việc phát triển muộn hơn vùng Bến Nghé, Đồng Nai.

Nhưng vốn dĩ bản chất nguời dân Việt luôn có truyền thống đấu tranh, tự chủ, quật cường, họ Cao ta cũng không ngoại lệ, hễ động vi binh, tịnh vi dân, khẳng khái hiên ngang chống lại kẻ thù và thế hệ này đã kết thúc thắng lợi từ năm 1975.

Thời gian cứ trôi qua, tre tàn măng mọc, lớp già vãng đi thì thế hệ sau nối tiếp, đất nước nhiều nỗi tang thương, cái nghèo luôn dai dẳng, đàn bà con trẻ xuôi ngược tản cư, thanh nhiên lên đường tranh đấu, có người vĩnh viễn không về, chiến tranh ngày càng gia tăng, không ai có thời gian nghĩ đến việc họ việc làng.

Nhưng đêm dài rồi cũng sáng, không ai giàu ba họ, cũng không ai khó ba đời, đến nay đã qua 35 năm có hòa bình, quê hương ta dọn sạch bom, mìn, màu xanh phủ kín, nhà mái ngói tường vôi, đường nhựa thẳng bon, lung linh ánh điện, trẻ con hớn hở đến trường, mồ mả ông bà đã được tôn tạo, trùng tu, ngày giỗ chạp đông vui họ hàng con cháu. Nhưng chợt nhớ chuyện tầm tông vấn tổ, chuyện cây có cội nước có nguồn, chuyện thân sơ quan hệ việc nhớ, việc quên, đâu là thế thứ, đâu là trật tự kỷ cương, việc giỗ chạp ông bà cũng chưa thành nếp, bất giác nghĩ tới cũng thêm chạnh lòng...

Bao trăn trở cũng xem chừng nan giải?

Nhưng rồi, nhân dịp tết Nguyên Đán Kỷ Sửu (2009) vừa qua, người cháu họ ngoại Võ Văn Một từ quê hương Tân Thông Hội, đưa bà thân mẫu của mình về Thái Mỹ để thăm lại họ hàng, mà từ thời còn trẻ đến giờ bà ít đi về thăm viếng. Trong lần này, hai mẹ con đã đề xuất với các bậc trưởng bối nên xây dựng bản gia phả cho họ Cao của mình, vì trước đây anh Võ Văn Một đã làm xong bộ gia phả trực hệ của họ mình ở Tân Thông, Bà Giã và kế đó dựng thành công bản gia phả họ Lê bên phía bà nội mình ở Xóm Huế, Củ Chi.

Mọi người đều nhiệt tình hưởng ứng, tiếp theo là nhóm chuyên viên của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM bắt đầu triển khai thực hiện trong hoàn cảnh không có nguồn tư liệu lưu trữ nào của gia đình, nên chỉ còn cách duy nhất là đi điền dã từng nhà, phỏng vấn từng người qua ký ức, đi nhiều lần thu thập thông tin để về sàng lọc lại, qua 10 tháng trời nay đã hoàn thành vào dịp Tết Canh Dần 2010, xin trân trọng giới thiệu với họ tộc.

Khi chưa có gia phả, việc hiểu biết về nguồn cội, về tên tuổi mọi người,  về quan hệ thế thứ, về ngày giỗ chạp thì mọi người rất mơ hồ, ngày nay gia phả đã xong, ta giở ra từng trang, từng trang thì hành trạng từng người lần lượt hiện lên, ta cứ chiêm nghiệm, soi rọi vào đấy mà học tập theo gương sáng của tiền nhân trong cuộc sống.

Trước mắt, qua gia phả ta sẽ biết được tên tuổi, hành trạng, nơi an táng, ngày giỗ chạp, quan hệ thế thứ của từng người đối với mình, sâu xa hơn, nó là một gia bảo, một trung tâm đoàn kết họ tộc, một quyển kinh nhật tụng cho mọi người, từ đó ta thấm nhuần “một giọt máu đào hơn ao nước lả”, bầu thương lấy bí, chị ngã em nâng, phụ tử từ hiếu, huynh hữu đệ cung, biết điều hay lẽ phải, hoàn thành trách nhiệm người con trong gia đình và làm người công dân ưu tú ngoài xã hội.

Vì mới lập lần đầu, không tránh khỏi những điều sai sót, mong rằng bà con dòng họ chúng ta hãy cùng nhau góp sức tiếp tục điều chỉnh bổ sung để gia phả ngày càng hoàn thiện và cứ 5, 3 năm một lần nên có sự cập nhật những đổi thay trong họ tộc. Quan trọng chính là truy nguyên được nguồn gốc phát tích của tổ tiên.

Thay mặt cho họ Cao, chúng tôi xin nhận nơi đây lòng tri ân đối với nhóm chuyên viên đã hoàn thành tập gia phả này, cũng xin ghi nhận sự đóng góp tích cực của các cháu Cao Kiện Phú (Cường) và Phan Văn Thôi (Năm Thôi), những người đã cùng nhóm chuyên viên sát cánh trong gần một năm điền dã thu thập thông tin để hoàn thành tập gia phả này. Đồng thời ghi nhận ý tưởng khởi xướng việc lập gia phả dòng tộc của gia đình cháu Võ Văn Một và việc góp phần cho kết quả hôm nay.

Thái Mỹ, ngày cuối Đông năm Kỷ Sửu 2009

Cháu đời IV họ Cao

CAO VĂN XẸT

Cẩn bút

 

PHẢ KÝ

VỀ TỔ PHỤ HỌ CAO

Hiện nay, chúng ta biết có bốn người con trai của vị Tổ phụ họ Cao, mỗi người có hậu duệ và cư trú tại ấp Tháp và những khu vực lân cận ấp Tháp. Bốn người con trai của vị Tổ phụ, hiện đều có mồ mả và con cháu biết tên của các ông (ngoại trừ ông thứ năm). Nhưng vị Tổ phụ của họ Cao thì không ai biết tên tuổi, hành trạng và mồ mả.

Theo lời ông bà Cao Văn Xẹt (đời IV), lúc cha của ông là ông Cao Văn Lách, người con trai thứ năm của ông Cao Văn Nghê (tức cháu nội của ông bà tổ đời I) còn sống, ông Cao Văn Lách có cúng giỗ ông tổ vào ngày 7/8 Âm lịch. Lúc đó lễ cúng cũng giống như người cháu cúng giỗ ông nội chứ không phải là giỗ tổ. Chỉ làm đơn sơ trong phạm vi gia đình, tuy đôi lúc cũng có mời bà con ở ấp Suối Sâu. Nhưng hiện nay thì không ai cúng giỗ nữa.

Không biết mồ mả, họ tên của Tổ phụ, chúng ta chỉ có thể phỏng đoán năm sinh của Tổ phụ để biết, nếu ông đến xã Thái Mỹ thì vào thời kỳ nào trong lịch sử? 

Tạm lấy ông Cao Văn Cát, đời IV, sinh năm 1915, để phỏng tính năm sinh của Tổ phụ đời I, chúng ta có thể lần lượt tính như sau:

Ông Cao Văn Cát, sinh năm 1915 (đời IV), là con thứ sáu của ông Cao Văn Lách. Như vậy người con thứ hai của ông Cao Văn Lách sinh khoảng năm 1907 (giả thiết mỗi người sinh cách nhau 2 năm). Và năm sinh của ông Cao Văn Lách sẽ là: 1907 - 25 = 1882 (giả thiết mỗi thế hệ cách nhau 25 năm).

Ông Cao Văn Lách, sinh năm 1882 (đời III) là con thứ năm của ông Cao Văn Nghê. Như vậy người con thứ hai của ông Cao Văn Nghê sinh khoảng năm 1876 và ông Cao Văn Nghê sinh khoảng năm 1851.

Ông Cao Văn Nghê, sinh năm 1851 (đời II) là con thứ tám của Tổ phụ đời I. Như vậy người con thứ hai của Tổ phụ sinh khoảng năm 1839 và Tổ phụ đời I sinh khoảng năm 1814. 

Nếu giả thiết vị Tổ phụ họ Cao đến xã Thái Mỹ khi ông khoảng từ 20 đến 25 tuổi thì thời gian ông đặt chân đến đây trong khoảng từ năm 1834 đến 1839. Thời gian này nằm trong khoảng thời gian của triều vua Minh Mạng và không phải là giai đoạn mà cư dân vùng đất Ngũ Quảng di cư ồ ạt vào vùng đất Nam bộ. 

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA HỌ CAO QUA CÁC THỜI KỲ

Đời II họ Cao có 4 người con trai, các ông đời II sinh rất nhiều con nhưng lại ít con trai. Ông Năm ở ấp Suối Sâu, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh chỉ có một người con trai là Cao Văn Vạn, ông Cao Văn Vạn có 7 người con trong đó có 3 trai là Cao Văn Sửa, Cao Văn Hớn và Cao Văn Hở. Ông Cao Văn Sửa hiện giờ chỉ có một người cháu nội trai là Cao Văn Thất. Ông Cao Văn Hớn thì có 2 người con trai Cao Văn Hoặc và Cao Thái Bốc là có con trai nối dõi, nhưng gia đình 2 ông này lại ly huơng sống ở một vùng quê nghèo tại tỉnh Tây Ninh. Còn ông Cao Văn Hở, người ở tại quê nhà ấp Suối Sâu chăm lo mồ mả tổ tiên thì lại không có người con trai nào.

Ông bảy Cao Văn Ngãi (đời II) ở ấp Mỹ Khánh, xã Thái Mỹ. huyện Củ Chi có 9 người con, trong đó có 2 trai là ông Cao Văn Kiếm và Cao Văn Chuyện. Ông Cao Văn Chuyện hiện ở Tây Ninh không biết tin tức. Còn ông Cao Văn Kiếm chỉ có một người con trai là Cao Văn Nghỉ. Ông Cao Văn Nghỉ có 8 người con, trong đó có 5 trai, tất cả các con hiện ở quận Bình Thạnh chứ không ở ấp Mỹ Khánh, xã Thái Mỹ.

Ông tám Cao Văn Nghê (đời II) ở ấp Tháp, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi có 9 người con thì chỉ có một người con trai là Cao Văn Lách. Ông Lách có 11 người con, trong đó có 6 người con trai (nhưng chết nhỏ 2 người). Đây được xem là chi đông nhất của họ Cao mà trong đó phần lớn là con cháu ngoại.

Ông út Cao Văn Út (đời II) ở ấp Phước An, xã Phước Hiệp (nay là Phước Thạnh), huyện Củ Chi có 7 người con, trong đó chỉ có 1 trai là ông Cao Văn Viết. Ông Cao Văn Viết có 5 người con trong đó có 2 trai là Cao Văn Hòi và Cao Văn Hiểu.

Đời III và đời IV của họ Cao, con trai khá ít ỏi, qua đời V và đời VI đa số lại trùng vào thời điểm sau ngày đất nước thống nhất 1975, với quan niệm đời sống mới, mỗi gia đình chỉ có 2 con vì vậy sự phát triển về số lượng con người của dòng họ trong giai đoạn này cũng có những hạn chế nhất định. 

Có thể nói rằng: sự phát triển về số lượng họ Cao qua các đời, con cháu ngoại thì rất đông, nhưng con cháu nội thì khá khiêm tốn.

Trong 4 chi nói trên, chi ông tám Cao Văn Nghê ở ấp Tháp, xã Thái Mỹ, được xem là chi có số lượng con cháu nội ngoại đông nhất. Trong đó có ông Võ Văn Một là con cháu ngoại, là người đứng ra lo việc xúc tiến dựng bộ gia phả họ Cao này. Ông Võ Văn Một là con trai của bà Nguyễn Thị Hòn (đời V), bà Nguyễn Thị Hòn là con của bà Văn Thị Bạn (đời IV) bà Văn Thị Bạn là con của bà hai Cao Thị Chời (đời III) - và bà Cao Thị Chời là con gái đầu của vị tổ phụ đời II Cao Văn Nghê ở ấp Tháp.

ĐƯỜNG VỀ TỔ QUÁN…

Như trên đã nói, cho đến nay chúng ta vẫn chưa biết được tên tuổi và nhất là mồ mả của vị Tổ phụ đời I họ Cao. Trong lúc những người đời II thì có mồ mả rõ ràng, mồ mả được chôn nơi mà họ đã từng sinh sống. Bốn người sống ở bốn địa phương khác nhau, đó là ấp Mỹ Khánh, ấp Tháp thuộc xã Thái Mỹ, ấp Phước An (xã Phước Hiệp) và ấp Suối Sâu (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng). Trong số 4 địa danh trên thì có 3 là thuộc tổng Long Tuy Hạ trước đây và cả 4 nơi này đều là những vùng đất lân cận nhau. Có thể nói rằng, các anh em đời II họ Cao đã sinh sống và dựng nghiệp ở các vùng đất nằm sát nhau, nay chúng thuộc địa phận các xã Thái Mỹ, Phước Hiệp (Củ Chi) và An Tịnh (Trảng Bàng). 

Ấp Tháp là nơi sinh sống của ông Cao Văn Nghê, một trong 4 người con của vị Tổ phụ. Trước đây ông Cao Văn Lách (đời III) có làm đám giỗ ông nội mình (chính là vị Tổ phụ họ Cao), tuy mồ mả Tổ phụ lại không có ở ấp Tháp (đồng mả Cây Cầy) nhưng theo truyền thống của người nông dân Việt Nam, lo giỗ cho cha mẹ thường là người được thừa kế đất đai hoặc là người cùng sống nơi địa phương mà cha mẹ sinh sống thuở sinh thời. 

Theo ông Cao Văn Xẹt thì ông Tổ đời I họ Cao không có đất đai để lại cho con cái, nên những người đời II phải tự lập. Vì vậy đất, nhà của ông Cao Văn Nghê tại ấp Tháp là do ông tạo dựng nên nhưng khả năng ấp Tháp là nơi sinh sống của Tổ phụ đời I là rất lớn. Bởi vì sau khi ông mất thì con cháu ông tại ấp Tháp làm giỗ chứ không phải ở địa phương khác. 

Hay nói cách khác, có thể xem ấp Tháp, xã Thái Mỹ là tổ quán của họ Cao?

Ngày nay, nếu xuôi Quốc lộ 22 theo hướng từ TP.HCM đi Tây Ninh, đến ngã ba Tân Phú Trung đi thẳng khoảng 10km nữa thì đến ngã tư Phước Thạnh, quẹo tay trái vào Tỉnh lộ 7, đi khoảng hơn 1 km, băng qua một cánh đồng nhỏ là đến địa phận ấp Mỹ Khánh của xã Thái Mỹ, từ đầu ấp Mỹ Khánh này đã bắt đầu có hậu duệ của họ Cao sinh sống.

Từ ấp Mỹ Khánh, tiếp tục Tỉnh lộ 7 đi khoảng hơn 1km nữa thì đến ngã ba đường Đoàn Minh Triết, rẽ phải vào đường Đoàn Minh Triết là đến địa phận của ấp Tháp thuộc xã Thái Mỹ, nơi được xem là tổ quán của họ Cao.

Xã Thái Mỹ (nơi có ấp Tháp), vị trí nằm ở vùng cực Tây của huyện Củ Chi, cũng là cực Tây của TP.HCM, giáp với tỉnh Tây Ninh. Phía Đông của xã Thái Mỹ là xã Phước Thạnh tên dân gian gọi là Suối Cụt. Phía Tây và Nam giáp xã Tân Mỹ thuộc huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) cách bởi cánh đồng bưng và kinh Thầy Cai. Phía Bắc giáp xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh).

Vùng đất Thái Mỹ chia thành 2 phần rõ rệt, vùng phía Bắc cận Quốc lộ 22 là phía cuối của đất gò phù sa cổ Đông Nam bộ, vùng phía Nam giáp với vùng trũng và đồng bưng Tân Mỹ. Ảnh hưởng của vùng chua mặn Đồng Tháp Mười.

Theo Sách Gia Định thành thông chí thì từ năm 1910, tỉnh Gia Định có 18 tổng, trong đó có tổng Long Tuy Hạ. Tổng Long Tuy Hạ có 11 xã thôn là: 1. Mỹ Khánh, 2. Phước An, 3. Phước Mỹ, 4. Tân Thông, 5. Tân Thông Đông, 6. Tân Thông Tây, 7. Tân Thông Trung, 8. Thái Bình Thượng, 9. Thái Bình Hạ, 10. Trung Lập, 11. Vĩnh An Tây. Trong 11 xã, thôn này chúng ta thấy có 3 địa danh sau này thuộc xã Thái Mỹ, đó là Mỹ Khánh, Thái Bình Thượng, Thái Bình Hạ (sau này là các ấp Bình Thượng và Bình Hạ). Trong 11 xã thôn này chưa thấy có tên ấp Tháp.

Từ năm 1931, tỉnh Gia Định lại chia làm 4 quận là Hóc Môn, Thủ Đức, Gò Vấp và Nhà Bè.

Quận Hóc Môn có 5 tổng là Long Tuy Thượng, Long Tuy Trung, Long Tuy Hạ, Bình Thạnh Hạ và Bình Thạnh Trung. Tổng Long Tuy Hạ có 4 xã là Thái Mỹ, Trung Lập, Phước Hiệp và Tân An Hội. 

Tên Thái Mỹ bắt đầu có từ đây do nhập 3 làng Mỹ Khánh, Thái Bình Thượng và Thái Bình Hạ, tên làng xưa đã thành 3 ấp của xã Thái Mỹ là ấp Mỹ Khánh, Bình Thượng, Bình Hạ, sau này thêm một ấp nữa là ấp Tháp. Như vậy cái tên ấp Tháp xuất hiện khá trễ (sau năm 1931). Theo một vài bậc cao tuổi họ Cao sống ở ấp Tháp, họ nói rằng có lẽ ngày xưa nơi đây có nhiều mộ tháp của người Miên nên mới có địa danh là ấp Tháp?! 

Ấp Tháp được xem là tổ quán của họ Cao, hiện nay khá nhiều con cháu họ Cao sống tại đây và đặc biệt có một khu mộ gia tộc an táng một số người họ Cao nhánh ông Cao Văn Nghê (đời II) và những người thuộc đời II, đời III được di dời từ đồng mả Bàu Sen từ năm 1986 khi con kênh thủy lợi xuất hiện cắt ngang khu đồng mả này.

Như vậy tổ quán ấp Tháp của họ Cao ngày xưa thuộc xã Thái Mỹ, tổng Long Tuy Hạ, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Còn ngày nay ấp Tháp thuộc xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM và ấp Tháp là 1 trong 7 ấp của xã Thái Mỹ gồm: Mỹ Khánh A, Mỹ Khánh B, Bình Thượng 1, Bình Thượng 2, Bình Hạ Đông, Bình Hạ Tây và ấp Tháp.

Cuối cùng, chúng ta xác định ông tổ đời I họ Cao là khuyết danh, không biết mộ, trước đây hàng năm có giỗ. Đến các vị đời II về ở 4 nơi là: ấp Tháp, Mỹ Khánh, Phước An và Suối Sâu.

ĐẶC ĐIỂM CỦA DÒNG HỌ

1. Cư dân xã Thái Mỹ, xã Phước Hiệp (nay là Phước Thạnh) ngày xưa chủ yếu sống bằng nghề ruộng vườn, còn nghề đươn đát được xem như nghề phụ phổ biến của cư dân trong vùng. Nhất là thời chưa có kênh thuỷ lợi, mỗi năm chỉ làm một vụ lúa, thời gian rãnh rỗi nhiều, nghề đươn đát tuy là nghề phụ nhưng rất phổ biến. Ngày nay, lớp trẻ đa số vào làm công nhân ở các khu chế xuất, công nghiệp, không còn nhiều thời gian rảnh nên nghề đươn đát không phổ biến lắm, chỉ dành cho những người già cả. Bà con họ Cao cũng nằm trong tình hình chung đó của nhân dân các xã Thái Mỹ, Phước Hiệp, An Tịnh. Nhìn chung đa số bà con họ Cao mang bản chất của người nông dân, hiền lành, chất phát, cần cù lao động…

2. Tuy ngày nay có một số bà con sống ở tỉnh Tây Ninh, TP.HCM hoặc một số địa phương khác. Nhưng nhìn chung, bà con họ Cao chủ yếu vẫn sống quây quần ở các xã Thái Mỹ, Phước Hiệp (nay là Phước Thạnh), An Tịnh (Trảng Bàng), nơi mà các ông đời II họ Cao đã chọn sinh sống và lập nghiệp. Người họ Cao đa phần là mến khách, hòa nhã và có tinh thần họ tộc cao. Tổ thực hiện gia phả đã được bà con nội ngoại ở các xã Thái Mỹ, Phước Hiệp, An Tịnh… một số khác ở Tây Ninh và TP.HCM đã hợp tác và tích cực giúp đỡ tạo điều kiện để tổ thực hiện hoàn thành tập gia phả này.

3. Đời IV và đời V của họ Cao rơi vào giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, một số con cháu họ Cao đã tham gia vào 2 cuộc kháng chiến này như ông Cao Văn Khít con ông Cao Văn Vạn của chi ông Năm ở ấp Suối Sâu; các ông Cao Văn Cát, Cao Văn Đằng, Cao Văn Phăng (chi ông Cao Văn Nghê ở ấp Tháp)… Tuy dòng họ Cao chưa có ai làm những chức vụ lớn giữ những địa vị quan trọng trong xã hội, nhưng nhìn chung họ Cao là một dòng họ có uy tín trong vùng, dòng họ có gia phong. Con cháu hiện nay đa số làm công nhân, kỹ thuật cho các khu công nghiệp lân cận trong vùng, một số ít cũng học hành thành đạt, là kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo… Đặc biệt con cháu ngoại họ Cao có một số người thành đạt và giữ những địa vị quan trọng, có nhiều đóng góp cho xã hội như ông Võ Văn Một (thuộc chi ông Cao Văn Nghê) hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bà Trương Mỹ Dung (chi ông Cao Văn Nghê), Phó Giáo sư, Tiến sĩ giảng viên khoa Công nghệ Thông tin trường Đại học Khoa học tự nhiên…

4. Những người họ Cao tuổi về già thường có tàn nhang lớn ở mặt và tay chân (như ông Cao Văn Phăng và ông Cao Văn Xẹt hiện nay), các ông thuộc chi ông Năm ở ấp Suối Sâu cũng thế. Đây là đặc điểm nhân dạng của dòng họ giúp con cháu nhận dạng bà con mình. Khi ông Cao Văn Xẹt cùng tổ thực hiện gia phả đến điền dã tìm bà con tại ấp Suối Sâu, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, con cháu ở đây đã nhận ra ông Cao Văn Xẹt bởi ông có những tàn nhang giống các ông già chi ông Năm tại ấp Suối Sâu trước đây.

5. Trong họ Cao, có trường hợp đáng lưu ý là cánh ông Cao Văn Út ở ấp Phước An, xã Phước Hiệp, vào đời IV, những người con của ông Cao Văn Viết, do cha mẹ chết sớm, vì sợ “chết yểu” nên hai người con trai của ông Cao Văn Viết là Cao Văn Hòi và Cao Văn Hiểu đổi sang họ Nguyễn (họ mẹ). Vì vậy, con cháu của hai người này đều mang họ Nguyễn dù gốc gác chính là họ Cao.

***

Hiện nay họ Cao chưa có nhà thờ tộc, việc xây dựng một nhà thờ cho dòng họ là điều rất cần thiết, bởi hiện nay con cháu họ Cao ngoài số người sống tại các xã Thái Mỹ, Phước Thạnh, An Tịnh, còn một số khác sống ở Tây Ninh, TP.HCM và một vài tỉnh thành khác. Dòng họ khá đông đúc (phả hệ của gia phả này đã nói lên điều đó), nhà thờ họ là nơi để con cháu có điều kiện hội tụ gặp gỡ, là nơi chốn để con cháu xa quê hướng về tổ quán của mình, nhằm tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp của dòng họ và để bà con thắt thặt tình cảm hơn nữa nhằm giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, xây dựng gia đình, dòng họ vững mạnh, góp phần vào việc xây dựng đời sống mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Để con cháu tiếp tục phấn đấu làm rạng danh dòng họ và cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội.

Cũng xin nói thêm, theo yêu cầu của họ tộc, trên tinh thần “nội ngoại tương tề”, nên tập gia phả này viết thêm rộng rãi về những người con gái họ Cao lấy chồng về họ khác, để rộng đường tham khảo.