051. Biệt phả họ Trần nhánh II, đời 11 (Gio Linh, Cam Lộ, Quảng Trị và ở TP.HCM)
19/08/2022 20:44:23Biệt phả họ Trần nhánh II, đời 11 (có mộ, nơi lưu cốt và nhà thờ họ ở Gio Linh, Cam Lộ (Quảng Trị) và ở TP.HCM) được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2011.
MỞ ĐẦU
Tập Gia phả có nhan đề “Trần Tôn thế thứ trưởng kí phả” (đúng ra là Trần tông, nhưng vì kiêng húy Miên Tông Thiệu Trị nên đổi thành chữ Tôn. Có nghĩa là bộ phả chép về thế thứ ngành trưởng tộc Trần). Nguyên văn tập Gia phả chữ Hán do một vị tổ phụ đời thứ 11 là ông Trần Quang Anh, đậu tú tài Hán học viết và cho khắc in từ tháng 9 năm Nhâm thìn - 1892, năm Thành Thái thứ tư. Tập Gia phả bắt đầu từ đời 1, kết thúc vào đời 10 và không rõ in bao nhiêu bản. Nhưng ông nội tôi là Trần Trọng Tấn đậu tú tài Hán học giữ một bản và được trân trọng đặt lên bàn thờ khi đến trú ngụ tại phường An Hưng, thuộc tổng Cam Vũ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
Sau khi ông nội tôi là Trần Trọng Tấn mất thì cha tôi là Trần Trọng Hách người biết cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ tiếp tục lo việc gìn giữ tập Gia phả. Năm 1947, giặc Pháp đánh chiếm quê nhà, gia đình tôi bỏ nhà cửa, vườn tược ở phường An Hưng, huyện Cam Lộ tham gia kháng chiến. Gia đình lúc đó có bẩy người gồm cha tôi - Trần Trọng Hách, mẹ tôi - Nguyễn Thị Lăng, ba em: Trần Trọng Đăng Đàn, Trần Đăng Thọ, Trần Thị Kim Khánh, cô ruột - Trần Thị Duân và bà ngoại Trần Thị Liêm. Gia đình tôi đã từng tản cư đến làng Ba Thung (quê mẹ tôi), đi ra Vĩnh Linh, xuống vùng đồng bằng huyện Triệu Phong, Hải Lăng rồi lên chiến khu Na Tiên (huyện Hải Lăng). Cuối cùng trở về Cùa (làng Mai Lộc) là chiến khu của huyện Cam Lộ. Dưới mưa bom, bão đạn phải nhiều lần tránh giặc Pháp hành quân càn quét, cha tôi vẫn luôn mang bản Gia phả theo mình.
Năm 1954, sau khi có Hiệp định Genève, tỉnh ủy ĐảngLao động Việt Nam tỉnh Quảng Trị chủ trương giữ cha mẹ tôi cùng vợ tôi là Nguyễn Thị Chức và chị dâu cả của tôi là Trần Thị Hồng Diệm ở lại, bám trụ quê nhà để hoạt động bí mật. Nhưng là gia đình có con làm cán bộ cách mạng, kẻ địch đã biết nên không thực hiện được. Tỉnh ủy Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã bố trí đưa người trong gia đình tôi lần lượt ra tập kết ở miền Bắc. Vì đi tập kết vào lúc địch đã kiểm soát chặt ở vùng giới tuyến quân sự tạm thời (Vĩnh Linh) nên từ vùng Cùa - Cam Lộ, người trong gia đình phải đi theo đường giao thông liên lạc bí mật, trèo đèo, lội suối vượt qua vùng rừng núi ở biên giới Việt Lào mới đến được vùng giải phóng Vĩnh Linh, rồi ra trú ngụ ở thành phố Vinh. Năm 1961, cha mẹ tôi ra Hà Nội.
Trong những năm ở Hà Nội, cha tôi cùng bác tôi là Trần Quang Điến (con cụ Trần Quang Anh) cán bộ nghiên cứu của trường trung học Xây dựng Hà Tây, học qua bậc đại học và biết chữ Hán đã cố gắng dịch bản Gia phả từ chữ Hán ra chữ Việt và có viết thêm. Đến năm 1976 sau ngày miền Nam hòan tòan giải phóng thì cha mẹ tôi vào thành phố Hồ Chí Minh.
Suốt cả thời kì có nhiều biến động như kể trên, cha tôi luôn coi tập Gia phả là vật không rời người.
Ngày 22 tháng 9 năm 1980 (tức 14 tháng 8 năm Canh thân), cha tôi mất. Trước khi qua đời, cha tôi đã giao tập Gia phả cho anh cả tôi là Trần Trọng Biền, cán bộ nghiên cứu của bộ Ngoại thương, dặn phải giữ gìn kĩ lưỡng, tiếp tục lo việc dịch Gia phả từ chữ Hán ra chữ Việt để con cháu có thể đọc được, rồi theo đây mà viết tiếp. Anh tôi cho kiểm tra lại bản dịch Gia phả gốc từ chữ Hán ra chữ Việt, chỉnh lý và viết thêm. Đồng thời cung cấp nội dung cho người chú là Trần Quang Biên để ghi vào các bia ở khu mộ họ Trần được xây dựng ở Tân Lâm nay là ấp Tân Xuân 2, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
Công việc còn dang dở thì anh tôi mất (năm 1997). Chị dâu cả của tôi là Trần Thị Hồng Diệm - Cán bộ Phụ nữ trung ương về hưu đã tiếp tục giữ gìn cẩn thận tập Gia phả. Sau khi tôi hòan thành những công việc Đảng giao ở Căm Pu Chia, ở Trung ương, ở thành phố Hồ Chí Minh và được nghỉ hưu, lúc đó chị tôi giao lại bản Gia phả cho tôi để tiếp tục biên sọan.
Chú em tôi là Trần Trọng Đăng Đàn - Tiến sĩ, phó giáo sư và vợ là Nguyễn Thị Kim Hoa - Cán bộ nghiên cứu viện Khoa học xã hội cũng đã để công nghiên cứu đóng góp cho công việc này. Đặc biệt vợ chồng chú em tôi đã dựng lên một bản vẽ về “Cây Gia hệ 15 đời họ Trần” với nhiều công phu.
Tôi cũng đã giao cho cháu Trần Trọng Đức - Tiến sĩ Xã hội học, con trai của anh chị tôi liên hệ nhờ ông Võ Văn Sổ, nhà chuyên môn thuộc Chi hội Khoa học lịch sử - Gia phả - Hồi ký thành phố Hồ Chí Minh giúp sức. Ngoài tôi - Trần Trọng Hoãn cùng vợ tôi - Nguyễn Thị Chức còn có sự đóng góp ý kiến của chị tôi - Trần Thị Hồng Diệm và cháu tôi - Trần Trọng Đức. Vợ cháu Đức là Nguyễn Thị Thúy Hà đã góp phần đánh máy, chỉnh lý bản thảo.
Trong quá trình lập lại và viết tiếp bản Gia phả, chúng tôi cũng đã tham khảo bản “Gia phả tộc Trần Văn” do người chú họ là Trần Quang Biên trú ngụ ở Tân Lâm, Cam Lộ, Quảng Trị cung cấp. Chú Trần Quang Biên cùng người em họ tôi là Trần Quang Tám trú ngụ ở Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị đã xây dựng và đang gìn giữ khu mộ họ Trần ở Tân Lâm, Cam Thành, Cam Lộ, Quảng Trị và ngôi mộ cụ Trần Quang Tề ở trên chóp “Động mây đắng” (Tân Lâm, Cam Thành, Cam Lộ, Quảng Trị). Ở đó có nhiều cây mây đắng nên được gọi là “Động mây đắng”.
Chúng tôi cũng đã tham khảo bản “Gia phả gia đình Trần Đăng Sanh” cư ngụ tại thôn An Khê, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Gia đình ông Trần Đăng Sanh là những người xây dựng và giữ gìn nhà thờ Họ Trần chúng tôi và chăm sóc ngôi mộ tổ - Cụ ông Trần Văn Bồng ở Động Cồn Tiên, phường Mai Xá Thuợng, Gio Linh, Quảng Trị.
Nguyên văn bản phả gốc chỉ ghi bằng chữ Hán đến 10 đời là kết thúc (năm 1892). Phần kế tiếp cũng được người sau lần lượt viết thêm, nhưng việc ghi chép cũng còn sơ lược. Lần dựng mới này, chúng tôi vẫn tôn trọng và giữ nguyên phần mục lục các hệ từ đời 1 đến đời 10 trong đó có 7 đời không ghi niên đại của các ông bà. Qua đời 8 mới có ghi năm sinh, năm mất. Dù sao, biết được danh tính của vị Tổ mở đầu khai phá cuộc sống với 10 đời dòng họ cũng là hạnh phúc cho hậu duệ chúng ta lắm rồi. Việc ghi chép từ đời 11 về sau này đã cố gắng bổ sung nhiều.
Đây là bộ Biệt phả nhánh II đời thứ mười một nên chỉ viết chủ yếu theo nhánh trực hệ cho riêng một hệ phái, không viết hết cả tòan bộ họ tộc. Theo di sản về bộ Biệt phả này, từ đời thứ 9 về trước, viết đủ các nhánh. Đến đời thứ 10 thu hẹp lại chỉ còn 4 nhánh. Bản Biệt phả viết theo nhánh trực hệ bằng chữ Hán đến đời thứ 9 là cụ Trần Quang Khiêm. Sau đó được viết tiếp đến đời thứ 14.
Trong bộ Biệt phả này, từ đời thứ 8 có mở rộng dựa vào “Gia phả gia đình Trần Đăng Liêm và Trần Đăng Sanh ở Gio Linh, chỉnh sửa ngày 8 tháng 9 năm 2004” do chúng tôi tập họp và ghi chép lại.
Đến đời thứ 14, trở lại theo yêu cầu của bộ Biệt phả, chỉ ghi tóm lược các nhánh là cháu ông Trần Trọng Hách và bà Nguyễn Thị Lăng. Trong nhánh đó, nếu có người thuộc đời thứ 15, 16 cùng ghi luôn vào cụm gia đình. Về sau ai cần lập biệt phả, sẽ tách ra để viết tiếp thành đời và nhánh mới.
Do bản phả gốc được mô tả theo phương pháp ngang, nghĩa là viết hết thế hệ này xong mới viết tiếp đến thế hệ kế tiếp. Viết theo phương pháp này là để thấy mối quan hệ kết cấu một dòng họ từ xưa đến nay, thể hiện được sự tôn ti trật tự trong việc sắp xếp thế thứ. Nay phần tiếp theo, chúng tôi cũng theo phương pháp đã dựng ở bản phả gốc.
Là những kẻ sinh sau nhưng được thừa hưởng nền nếp gia phong tốt đẹp, tôi và cháu Trần Trọng Đức xin cố gắng hòan thành tâm nguyện của cha ông.
Bản Biệt phả này cứ sau 5 năm một lần có bổ sung. Lần bổ sung năm 2016 sẽ do cháu Trần Trọng Đức lo.
Hỏi ra gốc tổ, tìm được dòng họ là việc trọng đại, khó khăn, không phải chỉ một vài người hay một vài ngày tháng mà làm xong được, nhưng tôi và cháu Trần Trọng Đức xin đứng ra đảm nhiệm công việc đầy trọng trách này. Chú cháu tôi mong được bà con dòng họ đóng góp ý kiến để tập Biệt phả nhà ta ngày càng thêm đầy đủ, chính xác giúp cho sự hiểu biết về tổ tiên, mối quan hệ bà con họ tộc.
Chúng tôi cũng hy vọng tập Biệt phả sẽ có ý nghĩa giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ con cháu nối tiếp, thể theo ước nguyện của tổ tiên.
TP. Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 8 năm 2011
Trần Trọng Hoãn và cháu Trần Trọng Đức
TỔNG QUÁT VỀ SỰ PHÁT TRIỂN DÒNG HỌ
Nhờ công ghi chép, biên sọan và giữ gìn, mặc dầu đã phải trải qua những tình huống rất khó khăn, tập “ Trần tôn thế thứ trưởng ký phả…” của tộc họ ta ấn hành từ năm 1892 đã được gìn giữ cẩn thận, đến nay vẫn còn nguyên vẹn và tồn tại được hơn trăm năm.
Bộ phả viết bằng chữ Hán đã liệt kê được từ ông Tổ đầu tiên vào khai cơ dựng nghiệp tại vùng đất Gio Linh (xưa thuộc huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong) cho đến đời thứ 10, lúc kết thúc bộ phả là đã có khoảng thời gian gần 300 năm.
DÕI TÌM TÔNG TÍCH NGƯỜI XƯA
ừ khi Ông Thượng cao tổ họ Trần chúng ta có húy danh là Trần Văn Bồng đến định cư nơi vùng đất mà về sau có địa danh là phường Mai Xá Thượng (để phân biệt với phường Mai Xá Hạ giáp biển), huyện Gio Linh, thuộc tỉnh Quảng Trị cho đến nay đã được 14, 15 đời.
Phả gốc từ đời thứ nhất là ông Trần Văn Bồng đến đời thứ 7 không ghi được năm sinh. Một số vị có ghi ngày làm giỗ (ngày kị). Đến đời thứ 8 mới biết ông tổ phụ Trần Quang Lý sinh năm Mậu Thân tức là năm 1788 dương lịch. Nếu dùng phép ước tính khoảng cách giữa mỗi thế hệ là 25 năm để tính ngược lên, thì đời thứ nhất là ông Trần Văn Bồng được sinh ra vào khoảng năm 1603 dương lịch.
Ta nói ông Tổ đầu tiên vào ở tại phường Mai Xá Thượng, huyện Gio Linh là đúng. Vì hiện nay nơi Động Cồn Tiên còn di tích mộ Ông Thủy tổ ở đó. Nếu hiểu cho chính xác thì từ đời nhà Lê, nơi đây là huyện Vũ Xương thuộc phủ Triệu Phong. Đến đời chúa Nguyễn đổi thành Đăng Xương, sau đó cắt đất Đăng Xương và Minh Linh đặt thêm huyện Địa Linh. Đến năm 1886 mới đổi thành Do Linh (nay viết là Gio Linh).
Thời kì Nguyễn Hòang (1525 - 1613), sử có ghi: Vào năm Nhâm Thân 1572, tướng nhà Mạc là Lập Bạo đi đường biển trên 60 chiếc thuyền vào đánh chúa Nguyễn Hòang (còn gọi là chúa Tiên) và bị giết chết ở Hồ Xá (nay là huyện Vĩnh Linh). Số quân đầu hàng được bố trí định cư nơi vùng Cồn Tiên và họ lập ra 36 phường; trong đó có phường Mai Xá. Có thể phường Mai Xá này là Mai Xá Thượng, nơi có Động Cồn Tiên mà sử ghi là Núi Tiên, là quê gốc của họ ta.
Từ thế kỉ XVII, đất nước bị phân chia ra Đàng Trong và Đàng Ngòai, lấy sông Linh Giang (sông Gianh ở Quảng Bình) làm ranh giới. Phường Mai Xá, quê gốc của Họ ta là Đàng Trong.
Theo gia phả gia đình Trần Đăng Sanh, người hiện nay chăm sóc ngôi mộ Tổ ở Động Cồn Tiên và nhà thờ họ ở thôn Trung An nay là thôn An Khê, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh, có ghi:
“Đệ nhất thế: Hiển thủy tổ khảo Trần Văn Bồng, Hòang triều truy tặng sắc phong: Dực bão trung hưng linh phò đoan túc tôn thần” “ là vị thủy tổ họ Trần Văn ngày nay” “ người quê ở làng Thạch Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An theo chúa Nguyễn Hòang vào Nam. Sau lập nghiệp tại làng Trung An, tổng An Xá, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị” “ Nguyên tiền gia phổ Trần tộc thế hệ phổ lục đã được thiết lập, ghi chép rõ ràng, tánh danh, húy kỵ, mộ chí rất đầy đủ”.
Theo giọng nói con cháu cho đến hiện nay ở quê nhà thì cụ Tổ từ Nghệ An vào là có lý. Nhưng cụ theo chúa Nguyễn Hòang vào Nam là không đúng.
Theo sử ghi chép thì năm 1558, năm Mậu Ngọ, đời vua Lê Anh Tông, Trịnh Kiểm tâu vua cho Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa. Nguyễn Hoàng vào đóng ở xã Ái Tử (sau gọi là Kho Cây Khế, thuộc huyện Đăng Xương nay là Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Nguyễn Hòang mất năm Quí sửu (1613). Như vậy cụ tổ Trần Văn Bồng sinh năm 1603 tức là 45 năm sau khi Nguyễn Hòang vào Nam, thì không thể “theo chúa Nguyễn Hòang vào Nam”. Lúc Nguyễn Hoàng mất thì cụ Trần Văn Bồng mới 10 tuổi và có thể là lúc đó ở vào thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, con thứ 6 của Nguyễn Hoàng trị vì từ 1613 đến 1635. Bỏ quê cũ ở Nam Đàn, Nghệ An vào Nam, vào cho đến Quảng Trị cũng khá xa thì phải từ ý thức chọn Chúa để phò, không phải vào Nam vì mưu sinh lập nghiệp. Cụ tổ nhà ta chắc phải nhận một chức vị nào đó trong bộ máy chính quyền của chúa Nguyễn và có lập công nên mới được Hoàng triều chúa Nguyễn truy tặng sắc phong. Vùng Mai Xá Thượng thời đó phải là vùng đất dễ sinh sống nên cụ Tổ họ ta thuộc hàng quan chức mới chọn về đó ở và mất ở đó, có mộ ở Động Cồn Tiên. Con cháu các đời nối tiếp cụ chắc là có học nên có ghi chép được gia phả để lại, như gia phả gia đình Trần Đăng Sanh và mới có tư liệu để cụ Trần Quang Anh ghi được tập tiểu phả 10 đời nối tiếp từ đời I với cụ tổ là Trần Văn Bồng.
VỀ NHỮNG CHỮ “BIỆT PHẢ” TRONG NGUYÊN BẢN
Ông Trần Văn Bồng đời thứ nhất có 5 người con trai. Người con trưởng Trần Văn Thuyền được ghi vào gia phả. Bốn người còn lại thì hai người là con nuôi nên không được ghi. Hai người lập phả riêng gọi là “Biệt phả”.
Ông Trần Văn Thuyền đời thứ hai sinh được 9 người con. Trong phả chỉ ghi người thứ tư là Trần Công Lễ. Một người sinh con gái, một người vô tự, sáu người lập phả riêng. Ông Lễ là vị Tổ phụ duy nhất dùng chữ đệm là “ Công”.
Ông Trần Công Lễ đời thứ ba sinh 4 người con. Người con trưởng Trần Quang Tuyển được ghi. Một con trai lập phả riêng, hai con gái không tính.
Ông Trần Quang Tuyển đời thứ tư, người bắt đầu dùng chữ đệm là “Quang” chỉ sinh được một gái, một trai. Người con trai duy nhất là Trần Quang Diên được ghi vào gia phả.
Ông Trần Quang Diên đời thứ năm sinh ra ba trai, một gái. Có hai trai vô tự, con gái không tính. Chỉ tính người con thứ ba là Trần Quang Niên có con nối dòng nên được ghi vào gia phả.
Ông Trần Quang Niên đời thứ sáu sinh đông con. Nhưng có ba trai vô tự, hai gái không tính. Ba người con trai được viết đủ là Trần Quang Nguyên, gọi là chi 2, Trần Quang Biểu là chi 3, Trần Quang Đạt là chi 6.
Như vậy từ đời thứ hai có 2 người lập phả riêng, đời thứ ba có 6 người, đời thứ tư có 1 người. Thế là trong ba thế hệ có 9 bộ Gia phả tiểu chi, cộng với bộ “ Trần tông thế thứ trưởng ký phả”, ta thấy trong họ có 10 bộ Gia phả. Riêng Phả nhánh Họ ta được thể hiện như sau:
Đời thứ nhất, Trần Văn Bồng → Đời thứ 2 nhánh thứ nhất, Trần Văn Thuyền → Đời thứ 3 nhánh thứ tư, Trần Công Lễ → Đời thứ 4 nhánh thứ nhất, Trần Quang Tuyển → Đời thứ 5, Trần Quang Diên → Đời thứ 6 nhánh thứ ba, Trần Quang Niên → Đời thứ 7: nhánh thứ hai, Trần Quang Nguyên; nhánh thứ ba, Trần Quang Biểu; nhánh thứ sáu, Trần Quang Đạt. Từ ba Ông này thuộc đời thứ 7 trở về sau được ghi đủ cho đến đời thứ 10 và bổ sung cho đến hiện nay, đời thứ 14.
Về chữ “Biệt phả” ta có thể hiểu là đã có sự phân công từ xưa theo tục lệ của Họ. Mỗi Nhánh tự viết riêng cho Nhánh mình. Do về sau không có điều kiện tập họp lại nên chưa thấy có bộ Gia phả Đại tộc.
THỜI ĐIỂM BIẾT RÕ NIÊN ĐẠI CỦA ÔNG BÀ
Cho đến đời thứ 8, nguyên bản chữ Hán mới ghi được Tổ phụ Trần Quang Lý sinh năm Mậu Thân tức 1788 dương lịch, lúc đại quân Tây Sơn đã ra Bắc đánh thắng quân Thanh rồi vào Nam truy kích Nguyễn Phúc Ánh.
Khi ông Trần Quang Khiêm đời thứ 9 hiện diện là năm Tân Mùi (1811), vua Gia Long đã ở ngai vàng được gần 10 năm. Trên đường họan lộ, ông Khiêm có giữ chức Thông lại nơi huyện Thành Hóa khoảng năm Tự Đức thứ 6(1854). Thông lại như chức thư kí ngày nay, không cần thi cử, có nhiệm vụ sọan thảo giấy tờ, công văn, thư trát của huyện.
Đời thứ 10, ông Trần Quang Tề sinh năm Mậu Thân 1848 là năm đầu vua Tự Đức. Ông Tề là người có công vận động 40 hộ dân trong và ngòai tộc từ phường Trung An quê cũ ở huyện Gio Linh lên vùng đất đỏ huyện Cam Lộ lập nơi ở mới, đặt tên là phường Tân Mỹ. Ông là người có học nên được mời ra làm Thư lại, rồi chuyển sang làm Lại Mục Thí Sai cho Nha Sơn Phòng về sau đổi thành huyện Hướng Hóa. Thư lại là chức vụ lo về văn thư ở phủ, Huyện, Nha. Lại mục với hàm Chánh cửu phẩm là chức vụ giúp việc cho Tri Huyện. Thí sai là chế độ thực tập cho người mới tạm tuyển trong vòng ba năm, qua sát hạch mới được bổ chính thức.
Đến đời thứ 11, con ông Trần Quang Tề là Trần Quang Tấn (sinh năm Canh Ngọ 1870) từ phường Tân Mỹ chuyển về làm dân ngụ cư ở phường An Hưng cùng huyện Cam Lộ, nơi có điều kiện sinh sống thuận lợi. Để đánh dấu việc chuyển nơi ở của cánh mình, ông Trần Quang Tấn bèn đổi chữ đệm thành Trần Trọng Tấn, nên chữ Trọng từ đây về sau đã thành chữ lót cho hệ này. Phường An Hưng nay thuộc xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
Ông Trần Trọng Tấn là người thi đỗ hai khóa tú tài (nhị trường). Theo phép thi hương được sửa đổi từ năm 1851 gọi là thi tứ trường. Đỗ trường nhất mới qua trường nhì. Đỗ trường nhì mới thi trường ba. Qua được trường tư là đỗ Cử nhân. Ông Tấn chỉ qua trường nhì nên chưa được bổ dụng, chỉ được ưu đãi là miễn sưu dịch. Từ đó ông ở nhà dạy học, xây dựng vườn tược và chăm nom con cái. Ông có nhiều học trò đỗ đạt làm quan.
Đến đời thứ 11 là đã ở vào sau nửa thế kỉ 19, lớp ông bà hiện diện là:
• Con ông Trần Quang Tề: Trần Thị Trâm, Trần Quang Anh, Trần Quang Tấn, Trần Quang Thân.
• Con ông Trần Quang Chỉnh là Trần Quang Duệ.
• Con ông Trần Quang Thĩnh là Trần Quang Hoa, Trần Quang Lộc.
• Con ông Trần Quang Khải là Trần Quang Quỳnh, Trần Quang Cư, Trần Quang Hổ, Trần Quang Hòang.
• Con ông Trần Quang Long là Trần Quang Hành.
• Con ông Trần Quang Sự là Trần Quang Hàm, Trần Quang Điều, Trần Quang Nhận.
Theo sự sắp xếp trong nguyên bản thì kể từ đời thứ bảy, qui định hệ ông Trần Quang Nguyên là chi hai, ông Trần Quang Biểu là chi ba, ông Trần Quang Đạt là chi sáu. Xuống đời thứ 8 sẽ gọi là phái. Dù cho phái nào cũng sẽ thuộc vào ba chi trên. Biên sọan lần này chỉ ghi đời và nhánh. Ví dụ: ông Trần Quang Khiêm đời thứ 9, nhánh I.
Đời thứ 12, ông Trần Trọng Hách sinh năm 1901. Ông đọc thông, viết thạo hai thứ chữ Hán và chữ Quốc ngữ nên được dân làng cử ra làm Lý trưởng phường Tân Mỹ.
Vùng Đông Hà, Cam Lộ, Gio Linh của tỉnh Quảng Trị là nơi đầu sóng ngọn gió trong hai cuộc kháng chiến, với dải đất hẹp nơi eo thắt nhất của tổ quốc. Quảng Trị là nơi hội tụ đủ các yếu tố địa hình phức tạp như đồi núi, đồng bằng, cồn cát, bờ biển, hải đảo. Trong lịch sử được coi là trọng trấn, là trấn biên, là phên dậu phía nam của Đại Việt, là thủ phủ Ái Tử nơi buổi đầu xây dựng vương triều Nguyễn, là ranh giới của mấy cuộc chia cắt phân li, là căn cứ Tân Sở của nhà vua yêu nước Hàm Nghi, là trụ sở của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bởi vậy nó còn có bề dày lịch sử văn hóa vững bền mà dù khắc nghiệt của thiên nhiên hoặc phong ba của xã hội cũng không gì lay chuyển nổi.
Trong hai cuộc kháng chiến vừa qua có bao tên núi, tên sông, tên làng, tên đất của Quảng Trị đã đi vào lịch sử như: đường số 9, Khe Sanh, Ái Tử, La Văng, Thành Cổ, Cửa Việt, Đông Hà, Hiền Lương, Bến Hải, Dốc Miếu, Cồn Tiên. Đó là vốn liếng di sản về văn hóa lịch sử của nhân dân Quảng Trị nói chung và của dòng họ ta nói riêng. Truyền thống cần cù, chịu thương, chịu khó, bản tính lạc quan, yêu đời và hướng niềm tin vào tương lai tươi sáng là đức tính tốt đẹp của người Quảng Trị và dòng họ ta.
Miền đất truyền thống ấy có thể gọi là “địa linh nhân kiệt” đã sản sinh biết bao nhân tài về quân sự, khoa học kĩ thuật, tóan học, thiên văn, văn hóa và chính trị kiệt xuất. Dù đang ở đâu, cương vị nào họ cũng một lòng, một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Những điều đó báo hiệu cho Qủang Trị một sự tốt đẹp khi đang ở kỷ nguyên xây dựng và đổi mới, kỷ nguyên hội nhập với thế giới.
QUI CÁCH ĐẶT TÊN VÀ CHỮ ĐỆM TRONG HỌ
Ông Tổ đầu tiên lấy chữ “Văn “ làm chữ đệm: Trần Văn Bồng, Trần Văn Thuyền….Đến đời thứ 3, ông Tổ trực hệ chi chúng ta là người đứng hàng thứ tư trong chín anh em đã lấy chữ “Công” làm chữ đệm. Đó là ông Trần Công Lễ, người duy nhất trong họ dùng chữ Công, còn các người khác vẫn dùng chữ Văn.
Các con ông Lễ (đời thứ 4) có hai trai, hai gái thì hai người trai lại dùng chữ “ Quang” tức là ông Trần Quang Tuyển và ông Trần Quang Mưu. Từ đó về sau, tất cả mọi người trong họ đều sử dụng chữ Quang cho đến đời thứ 11. Tất nhiên người giới nữ đều dùng chữ Thị. Ông Trần Quang Tấn (con ông Trần Quang Tề) khi chuyển về ở phường An Hưng mới đổi thành Trần Trọng Tấn. Từ đó cho đến nay lớp con cháu ngành ông Tấn đều dùng chữ đệm là Trọng. Còn các ngành khác vẫn giữ chữ Quang. Ông Hách có đặt tên cho hai con trai có chữ lót là “Đăng” (Trần Đăng Thọ, Trần Đăng Đàn) phải chăng có nhã ý muốn giữ mối quan hệ với bà con ở Gio Linh nơi đang có ngôi mộ Tổ và nhà thờ họ. Trần Đăng Đàn lớn lên đi học thích lót tên có chữ Trọng là Trần Trọng Đăng Đàn.
ĐẶT TÊN THEO BỘ THỦ
Theo nguyên bản, các đời đầu tiên tuy tên người luôn được đặt theo chữ Hán không ai dùng chữ Nôm, nhưng gặp đâu đặt đó không theo qui tắc nào. Qua đến đời thứ 8 có thể đã có một qui định chung trong họ tộc nên ta thấy cánh ông Trần Quang Nhượng và các con được dùng bộ “Ngôn”. Cánh ông Trần Quang Chính đặt theo bộ “Thủy”. Cánh ông Trần Quang Khiêm cũng dùng bộ “Ngôn”. Cánh ông Trần Quang Bái các con dùng bộ “Thủ”. Cánh con ông Trần Quang Tề dùng bộ “ Mịch” cho con trai và bộ “ Trúc” cho con gái , và một lọat tên 4 người con là Trâm - Anh - Tấn - Thân là cụm từ mang ý nghĩa “Cân, đai, trâm, hốt” . Đó là biểu tượng của con nhà gia giáo, có học thức thuộc hàng con nhà quan. Các con ông Trần Quang Anh đều dùng bộ “ Ngọc”. Con ông Trần Quang Tấn dùng bộ “ Hỏa”. Con ông Trần Trọng Hách thời cận đại dùng bộ” Mộc”. Đến hiện nay thì không dùng theo bộ Thủ của chữ Hán nữa.
(Bộ trong chữ Hán là một phần của chữ. Ví dụ cây có các giống loài khác nhau, nhưng là cây thì một phần của chữ đều có chữ “Mộc” bên cạnh. Mộc là cây).
VIỆC XÊP THẾ THỨ VÀ QUAN NIỆM NAM NỮ
Bản phả gốc được ấn hành vào năm 1892 trong bối cảnh nền Nho học đã suy tàn. Nhưng nếp xưa cũ hãy còn sâu đậm trong mọi người nên quan niệm trọng nam, khinh nữ xem ra còn khá nặng nề. Trong phả vẫn liệt kê đầy đủ tên, họ, ngày kị của các bà nhưng không viết gì về người chồng cùng các con và cũng không thấy kể là hàng thứ mấy trong gia đình. Đơn cử một ví dụ: Ông Trần Quang Khiêm cùng tồn tại với ba bà vợ, sinh ra 8 trai, 4 gái là:
Con bà 1:
- Trần Thị Lượng, sinh năm 1840
- Trần Quang Đàm, sinh năm 1844, là con trai thứ 1
- Trần Quang Đức, sinh năm 1848, là con trai thứ 3
- Trần Quang Thỉnh, không ghi năm sinh, là con thứ 8
Con bà 2:
- Trần Quang Luận, sinh năm 1844 là con trai thứ 2
- Trần Quang Tề, sinh năm 1848 là con trai thứ 4
- Trần Quang Lệ, sinh năm 1853 là con trai thứ 6
- Trần Quang Chĩnh, sinh năm 1858 là con trai thứ 7
Con bà 3:
- Trần Quang Đô, sinh năm 1849 là con trai thứ 5
- Trần Thị Cận, sinh năm 1861
- Trần Thị Lộc, sinh năm 1861
(Thị Cận và Thị Lộc song sinh)
- Trần Thị Đạo, không ghi năm sinh
Như vậy rõ ràng người phụ nữ không được tính vào hàng thế thứ. Người đàn ông cho dù là con bà lớn hay con bà kế, hễ ai sinh ra trước là anh, ai sinh sau là em. Do đó, người con trai có con nối dòng hay vô tự cũng đều ghi thành thứ tự chi phái. Cho đến đời thứ mười một trở về sau đã thấy thóang hơn. Cụ thể có ghi thêm người con gái ấy được gả chồng là ai? Về đâu? Con cái tên gì?
Ngày nay với quan niệm nam nữ bình đẳng nên việc viết hết đầy đủ cả nam lẫn nữ là điều cần thiết. Đối với cháu ngọai đã thay đổi theo họ cha nhưng có mẹ theo tộc họ nội cũng được ghi vào gia phả, cùng nhóm gia đình với mẹ.
CÔNG LAO GẦY DỰNG, PHÚC ĐỨC LƯU TRUYỀN
Theo phả gốc, việc nối dõi mười đời phải qua 300 năm. Từ đời thứ mười một đến nay đã hơn một thế kỉ. Cụ Tổ Trần Văn Bồng có ý thức chọn chúa để phò, đã từ Nghệ An vượt qua giới tuyến sông Gianh vào Đàng trong. Cụ đã lập công với chúa Nguyễn rồi sinh sống tại đây kế tục mấy đời. Từ đó xây dựng nên quê hương mới ở Gio Linh và Cam Lộ.
Trên vùng đất đỏ từ núi lửa phun lên, tuy được cho là thiên nhiên ưu đãi nhưng phải trải qua nhiều gian khổ, đầu tư nhiều công sức, dòng họ dần phát triển và có cuộc sống ấm no. Gia đình ta kể từ ông tú tài Trần Trọng Tấn và bà Thái Thị Trúc thuộc chi 2, phái 1, đời thứ mười một, đã đến cư ngụ ở phường An Hưng, tổng Cam Vũ, huyện Cam Lộ. Ông dạy học tại nhà, bà lo nội trợ. Cả gia đình sống với vườn tược, chăn nuôi heo, gà. Đến đời con là ông Trần Trọng Hách và vợ ông Hách là bà Nguyễn Thị Lăng mới có tham gia buôn bán. Năm 1940, con cái ông bà được học hành đến bậc trung học, cuộc sống khấm khá hơn. Đạt được cuộc sống như vậy phải mất khỏang 50 năm.
Nhìn vào sổ bất động sản các đời trước mua sắm cũng không nhiều. Chỉ có đất mà không có ruộng. Đất dùng để tương phân cho con cháu mai sau xây nhà để ở.
Cụ Tổ Trần Văn bồng là người có học và coi trọng việc học của con cháu. Đến đời ông Trần Quang Khiêm rồi Trần Quang Lễ đã có vốn chữ để có thể làm thông lại, lại mục. Với tinh thần hiếu học được truyền từ đời này sang đời khác nên gia đình nào có điều kiện khá hơn thì ráng cho con học lên cao hơn. Từ đó xuất hiện các vị tú tài Trần Quang Anh, Trần Trọng Tấn. Các vị này tiếp thu nền giáo dục nho học nên coi trọng việc giữ gìn đạo đức, nhân cách, coi trọng cuộc sống có tình, có nghĩa.
Khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời vào đầu năm 1930 nhóm lên ngọn lửa Xô viết Nghệ Tĩnh, cả họ tộc ta cuốn hút vào con đường đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ họat động bí mật đến công khai, cả họ tộc ta cùng với dân tộc Việt Nam đã góp sức vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, và hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Họ tộc ta cũng tự hào vì có những người con ưu tú đã tham gia làm nghĩa vụ quốc tế với dân tộc Lào, Cămpuchia, gắn chặt tình đòan kết ba nước ở Đông Dương.
Sau khi đất nước được độc lập, thống nhất, hòa bình, thế hệ kế tiếp của họ tộc ta vẫn đang cố gắng góp sức vào sự nghiệp giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vẫn tiếp bước truyền thống họ tộc, yêu nước, quí dân, thương người.
Đến nay, trong họ tộc đã có người từng là thành viên ban lãnh đạo các đoàn thể, Ủy ban mặt trận cấp huyện, tỉnh, thành phố và Trung ương. Có người là đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch cấp huyện, là công chức Nhà nước. Nhiều người có bằng đại học trong và ngòai nước, là kĩ sư, dược sĩ, bác sĩ… Một số là Phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cán bộ nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học, học viện, trường Đảng cao cấp… Tham gia lực lượng quân đội, công an đã có các sỹ quan cấp úy, thượng tá, đại tá, tỉnh đội trưởng. Có người đã công tác trong Ban liên lạc đình chiến ở khu giới tuyến quân sự tạm thời tại Vĩnh Linh theo Hiệp nghị Quốc tế ở Giơ Ne Vơ năm 1954. Có người công tác trong Ban Liên hiệp quân sự hai bên ở Lộc Ninh và Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) theo Hiệp nghị Quốc tế ở Paris năm 1973.
Dòng họ ta có nhiều người là đảng viên của Đảng cộng sản Đông dương, Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt có người trở thành cán bộ cốt cán của Đảng ở cương vị Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Đối với nghĩa vụ quốc tế được Đảng giao phó, họ tộc ta cũng được vinh dự tham gia. Có người đã hóa thân thành người Lào để giúp cách mạng Lào. Có người nhiều năm là Ủy viên Ban lãnh đạo các đòan chuyên gia giúp bạn ở Cămpuchia.
Nhiều người trong họ tộc từng bị địch bắt giam, tra tấn tù đày và đã đấu tranh anh dũng trong các nhà tù tại Quảng Trị, Sài Gòn, Chuồng cọp (Côn Đảo).
Làm gia phả cốt để khẳng định nguồn gốc, tổ tiên, dòng họ với mối quan hệ bà con máu mủ. Làm gia phả còn để hiểu được truyền thống tốt đẹp của dòng họ, mong các thế hệ kế tiếp phấn đấu vươn lên noi gương sáng, theo điều hay, tránh điều dở, làm tròn nghĩa vụ người con hiếu thảo trong gia đình, người công dân tốt ngòai xã hội. Từ đó ra sức phấn đấu để góp được những bậc hiền tài cho đất nước, làm rạng danh cho gia tộc.
Các tin cũ
- » 050. Gia phả họ Cao (xã Thái Mỹ; xã Phước Hiệp, Củ Chi, TP.HCM & xã An Tịnh, Trảng Bàng, Tây Ninh) 19/08/2022 20:25:32
- » 049. Gia phả Họ Trần (xã Tân Hạnh, TP Biên Hòa & xã An Phú, Thuận An, Bình Dương) 19/08/2022 20:15:16
- » 048. Gia phả họ Vi (ấp Bình Hưng, Bạch Đằng, Tân Uyên, Bình Dương) 19/08/2022 20:04:19
- » 047. Gia phả họ Lê (ấp Xóm Lớn, xã Mỹ Hương, Mỹ Tú, Sóc Trăng) 19/08/2022 18:49:43
- » 046. Gia phả họ Sầm (khu phố 1, phường 2, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) 19/08/2022 18:24:56
- » 045. Gia phả họ Đặng (xã Đức Lập, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) 19/08/2022 17:58:11
- » 044. Gia phả họ Nguyễn (thôn Vĩnh Tú, Vĩnh Trường, Vĩnh Linh, Quảng Trị) 19/08/2022 17:38:58
- » 043. Họ Phạm (Sơn Cao, Xã Thái Hòa, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) 19/08/2022 17:21:59
- » 042. Gia phả họ Lê (ấp 2, Bình Lợi, Vĩnh Cửu, Đồng Nai) 19/08/2022 11:24:01