052. Gia phả họ Võ (ấp Tây, Long Phước, TX Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
19/08/2022 21:02:50Gia phả họ Võ ở ấp Tây, xã Long Phước, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2011.
LỜI MỞ ĐẦU
Cùng với việc lập Từ đường, việc tôn tạo mồ mả, và việc lập gia phả là một việc nhằm tri ân Tổ tiên đồng thời cũng để giúp con cháu tìm về cội nguồn dòng Họ mình.
Ông bà ta dạy: Làm người phải biết Tổ tông.
Như cây có cội, như sông có nguồn.
Muốn tìm cội nguồn thì phải nhờ gia phả. Người Việt Nam coi việc lập gia phả là việc làm thiêng liêng không thể thiếu được của những người con hiếu thảo. Qua gia phả con cháu mới biết được nguồn gốc dòng họ, công lao của Tổ tiên, biết được danh tánh, thế thứ, ngày sinh, ngày mất, mồ mả, hành trạng của từng thành viên trong dòng họ cùng với việc thờ cúng giỗ chạp của những người đã quá vảng để đoàn kết giúp đỡ nhau làm cho dòng họ mình phát triển và cùng nhau phụng thờ Tổ tiên cho phước ấm được lưu truyền.
Ông Tổ họ Võ ta có mặt tại vùng đất Long Lập tỉnh Bà Rịa, nay là ấp Tây, xã Long Phước, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ đầu thế kỷ XIX. Ông đã lao động cật lực để xây dựng tổ quán cho họ Võ nhà ta và nuôi dạy con cháu nên người.
Trải qua nhiều thế hệ, con cháu họ Võ đã noi gương Tổ tiên lao động cần cù, tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ góp phần giải phóng quê hương đất nước. Truyền thống đó đáng được ghi vào gia phả để con cháu thế hệ sau tự hào và học tập.
Cũng do chiến tranh nên hầu hết con cháu họ Võ ta, một số phải lăn lộn nơi chiến trường, một số chiến đấu tại quê hương, một số phải lo mưu sinh dưới làn bom đạn của kẻ thù, một số phải rời xa tổ quán. Do vậy, mà nguồn gốc Tổ tiên con cháu không tỏ tường, dòng họ không biết nhau hết hoặc biết bà con, nhưng không biết mối quan hệ trong dòng họ. Do đó, nếu không lập gia phả thì các thế hệ con cháu ta xa dần nguồn gốc, họ hàng ít thân thiết nhau, nền tảng gia đình sẽ lung lay và cũng không tránh khỏi việc kết hôn với người trong họ. Do vậy việc lập gia phả họ Võ ta là cần thiết.
Tôi được sinh ra và lớn lên trên vùng đất Tổ. Khi quê hương mình chìm đắm trong khói lửa, bom đạn của đế quốc Mỹ. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi tham gia cách mạng ở địa phương từ ghế nhà trường rồi sau đó thoát ly gia đình vào chiến khu công tác suốt thời kỳ chống Mỹ.
Khi hòa bình lập lại, mặc dù bận rộn với công tác mới, song tôi cũng cố gắng cải tạo mồ mả ông bà cố và xây mộ cha mẹ, nhưng việc lập gia phả cho dòng họ thì chưa thực hiện được vì không biết cách làm.
Qua tìm hiểu của một số bạn bè, tôi được biết có Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Thành phố Hồ Chí Minh chuyên lập gia phả cho các dòng họ, nên tôi nhờ tổ chức này dựng gia phả cho họ ta, trước để dâng lên Tổ tiên như một lễ vật thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu và sau đó để con cháu hiểu được lịch sử dòng họ mình, gắn bó với dòng họ, học tập những truyền thống tốt đẹp của dòng họ để đoàn kết, giúp nhau xây dựng dòng họ mình tốt hơn nhằm góp phần xây dựng đất nước.
Bộ gia phả này được bố cục như sau:
- Lời nói đầu
- Phả ký
- Phả hệ
- Phả đồ
- Ngoại phả
- Phụ khảo
Tôi rất trân trọng sự nhiệt tình đóng góp của bà con trong họ cung cấp thông tin chính xác. Tôi tri ân cha tôi là ông Võ Văn Huê đã giữ lại những tờ cải chánh ruộng đất của dòng họ nhà ta từ nhiều đời trước. Nhờ đó mà chúng ta, biết được ông Tổ cao niên nhất của họ Võ. Tôi thật sự biết ơn sự đóng góp của chú Trần Văn Bồ và ghi nhận công sức của ông Võ Văn Dài (đời V chi II) đã để lại một số tư liệu về dòng họ qua cuốn hồi ký của ông. Chính những tư liệu của ông Dài và sự cung cấp thông tin của chú Bồ đã bổ sung rất nhiều cho bộ gia phả họ Võ ta. Dẫu đã có nhiều cố gắng song không tránh khỏi thiếu sót. Rất mong toàn dòng họ chân tình góp ý thêm để cho gia phả họ Võ ta ngày được hoàn chỉnh.
Thành phố Biên Hòa, ngày 10 tháng 6 năm 2011
Hậu duệ đời V
Võ Minh Quang
PHẢ KÝ
I. TỔ QUÁN HỌ VÕ, SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Từ nhà ông Võ Minh Quang ở thành phố Biên Hòa ra đến quốc lộ 51 đi thẳng về hướng Vũng Tàu, đến ngã ba có “cổng chào Bà Rịa”, rẽ trái vào cổng chào, chạy qua khỏi nhà tròn và ngã ba đường 27/4, lại rẽ trái vào đường Nguyễn Thanh Đằng, đi thẳng qua vòng xoay đường này - đi khoảng 7km tới ngã ba rẽ trái là địa phận ấp Tây, xã Long Phước là tổ quán họ Võ, đi tiếp khoảng 100 mét là phần đất và nhà bà Võ Thị A – người quản lý nhà thờ và đồng mả họ Võ.
Ấp Tây là 1 trong 6 ấp của xã Long Phước, thị xã Bà Rịa thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là tổ quán họ Võ.
Ấp Tây cách thị trấn Long Điền khoảng 5km về phía Nam, cách thị xã Bà Rịa 7km về hướng Tây Nam
Ấp có vị trí sau:
- Phía Bắc giáp ấp Bắc
- Phía Nam giáp xã Hòa Long
- Phía Đông giáp ấp Đông
- Phía Tây giáp ấp Phong Phú
Ấp Tây được hình thành và phát triển cùng với sự hình thành của xã Long Phước, tỉnh Bà Rịa.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xưa gọi là xứ Mô Xoài, là vùng đất mà những lưu dân người Việt đầu tiên đặt chân trong quá trình khai phá đất Nam Bộ.
Lâu nay có nhiều cách giải thích khác nhau về địa danh Bà Rịa. Một hướng nghiên cứu dựa vào thư tịch cổ giải thích vùng đất Bà Rịa bắt nguồn từ vương quốc Bà Lỵ, Bà Lịa, Bà Lợi xưa.
Trịnh Hoài Đức, một học giả hàng đầu nghiên cứu về Lục Tỉnh Nam Kỳ đã viết: “Bà Rịa ở địa đầu biên giới trấn Biên Hòa, là đất có danh tiếng, cho nên các phủ phía Bắc có câu ngạn rằng: “Cơm Nai – Rịa, cá Rí Rang” là lấy xứ Đồng Nai và Bà Rịa đứng đầu mà bao gồm cả Bến Nghé – Sài Gòn, Mỹ Tho, Long Hồ cũng ở vào trong đó”( ).
Đất này dựa lưng vào núi, quay mặt ra biển, rừng rậm, tre cao vẫn là địa hạt xung yếu thứ nhất. Tân Đường Thư nói: “Bà Lỵ ở ngay Đông Nam Chiêm Thành, từ Giao Châu đi ghe theo biển trải qua các nước Xích – Thố, Đan Đan rồi đến Đại địa Châu Đà Mã … phía Nam nước ấy có nước Thủ Nại. Sau niên hiệu Vĩnh Hưng đời Đường (651 – 655) bị Chân Lạp thôn tính”.
Ông còn chú thích: “Tra theo chánh văn thì chữ Lợi là lục địa tiết âm là “Lịa”. Vậy ghi chữ Bà Rịa tức là Bà Lợi thuở xưa”.
Theo sự mô tả của Đại Nam Nhất Thống Chí thì sông Xích Lam chính là sông Ray mà hạ lưu phía Đông của nó bao gồm các vùng Long Điền, Đất Đỏ ngày nay (trong đó có cả địa phận hai xã Hòa Long và Long Phước) nay thuộc thị xã Bà Rịa. Khu vực này xưa có nhiều bàu trủng với câu ca dao: “bao giờ Bưng Bạc hết sình, Bàu Thành hết nước chúng mình hết thương”. Vùng này được cải tạo thành cánh đồng lúa và tập trung 300 mẫu đất công ở đây.
Như vậy, theo các nhà nghiên cứu thì Bà Rịa là tên 1 nước.
Cách giải thích thứ hai về địa danh Bà Rịa là Địa phương chí Bà Rịa. Theo Địa phương chí thì địa danh Bà Rịa xuất phát từ tên một người phụ nữ có công khai hoang lập ấp. Sách này ghi rằng do chiến tranh Trịnh – Nguyễn kéo dài gần 200 năm rồi chiến tranh giữa Tây Sơn - Nguyễn Ánh, làm cho nhân dân Ngũ Quảng tiến xuống phương Nam để tìm đất sống. Trong số đó, có một người con gái tên Thị Rịa, không rõ họ. Năm 1789 Bà Rịa vào khẩn đất Mô Xoài, mở rộng vùng đất Mô Xoài và khai hoang phần ruộng Đồng Xoài (nay là ruộng Gò Xoài) ở An Nhất, huyện Long Đất ngày nay, phát triển ra đến Mỹ Khê, song vùng này đầm lầy nước đọng nên người khai hoang phải dời về vùng cao hơn như Gò Dầu (xã An Nhứt, huyện Long Đất ngày nay). Bà Rịa về vùng đất mới tiếp tục khai hoang lập nên xã Phước Liễu (Tam Phước, Long Đất). Năm 1803, Bà Rịa qua đời vì không có con cái nên 300 mẫu đất bà khẩn được sung vào công điền và chia cho người nghèo.
Cách giải thích thứ hai thì Bà Rịa là tên người, không rõ nguồn gốc đất.
Qua hai cách giải thích về địa danh Bà Rịa thì cách giải thích có tên nước là có cơ sở khoa học: bà Lỵ, Bà Lợi, Bà Lịa là đất của Tiểu vương người Châu Ro, Châu Mạ bị Chân Lạp thôn tính.
Năm 1620 Quốc vương Chân Lạp là Prea Chey Chetta cầu thân chúa Nguyễn (Chúa sải Nguyễn Phước Nguyên) xin cưới công chúa Ngọc Vạn. Khi Công chúa Ngọc Vạn về nhà chồng mang theo nhiều người Việt về kinh đô Oudong lập xưởng thợ, mở tiệm buôn. Chúa Nguyễn còn giúp vua Chân Lạp chống lại các cuộc xâm lấn của vua Xiêm, đổi lại vua Chân Lạp cho phép lưu dân Việt tới lập nghiệp trong mấy tỉnh thưa dân phía Đông Nam vương quốc. Chúa Nguyễn khuyến khích người Việt vào làm ăn, lập sở thuế ở Saigon, cử tướng lĩnh đến đóng đồn giữ gìn trật tự. Từ đó về sau do quan hệ triều đình Chân Lạp với chúa Nguyễn, đến năm 1756 chúa Nguyễn quản lý toàn bộ đất Nam Bộ. Vì vậy xứ Mô Xoài Bà Rịa được xem là địa đầu vùng Biên Trấn – nơi lưu dân Việt đầu tiên đặt chân khai phá vùng đất Nam Bộ.
Kể từ thời điểm, ấy các đợt Nam tiến ngày càng đông, khi chiến tranh Trịnh - Nguyễn ngày càng khốc liệt, lưu dân là những nông dân nghèo khổ, những người trốn sưu cao thuế nặng, những binh lính đào ngũ, những tù nhân bị lưu đày, hay những người giàu có nghe tiếng “Đồng Nai gạo trắng như cò” nên đi tìm vùng đất mới để xây dựng cuộc sống mới.
Năm 1698 chúa Nguyễn cử Chương cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long (dinh Trấn Biên). Khi ấy theo biên kê sổ đinh cả vùng Saigon Đồng Nai có 40 ngàn hộ, ước tính 200 ngàn dân xứ Mô Xoài (Bà Rịa), khi đó thuộc phủ Phước An, làng xã tương đối ổn định.
Năm 1836, triều đình nhà Nguyễn sai Trương Đăng Quế lập địa bạ thì thôn Long Lập (nay là xã Long Phước) đã có vị trí, giới hạn, diện tích các loại đất rõ ràng. Địa bạ ghi: “thôn Long Lập thuộc xứ Quán Tranh tổng An Phú Hạ, tỉnh Bà Rịa
- Phía Đông giáp địa phận thôn Long Hiệp, có suối nhỏ làm giới.
- Tây giáp hai thôn: Đại Thuận, Long Xuyên có sang cầu làm giới.
- Nam giáp hai thôn: Phước Long, Đại Thuận có suối nhỏ làm giới, lại giáp thôn Phước Liễu (Phước Hưng Thượng) lấy bờ ruộng làm giới
- Bắc giáp thủ Long An, gần phần rừng của Sách Hàng Man, Ba Hát có rạch nhỏ làm giới.
Thực canh ruộng đất: 203.2.6
+ Điền tô điền: 2.4.11.0
+ Đất trồng dâu, mía: 17.8.6.6
+ Mộ địa: 1 khoảnh
+ Đất gò, đồi, trong đó có nhà cửa 1 khoảnh
+ Rừng hoang: 1 khoảnh”
Qua địa bạ thì làng Long Lập xưa nay là xã Long Phước đã ra đời rất sớm từ thế kỷ XVII. Đến thế kỷ XIX Long Lập đã là một đơn vị hành chính ổn định. Năm 1930, chính quyền thực dân Pháp nhập 2 làng Phước Hiển và Long Lập thành làng Long Phước thuộc tổng An Phú Hạ nay thuộc thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Xã Long Phước là vùng trung du với độ cao từ 60 - 70m so với mặt biển chia làm 2 phần vùng: từ Tây Bắc xuống Đông Nam thuộc vùng đất đỏ bazan màu mở, phù hợp với cây trồng có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, điều và các loại cây ăn trái khác.
Phía Đông Nam là vùng đất phù sa, sình lầy thấp dần theo hướng ra biển, có đồng ruộng trải dài giáp với các cánh đồng ở Long Điền, Đất Đỏ. Hướng này có suối Đá Bàng chạy từ Bắc xuống Nam là nguồn nước phục vụ cho tưới tiêu nông nghiệp.
Nhân dân Long Phước cần cù lao động, đã đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, đói rét, bệnh tật mới có được vùng đất mầu mở để an cư lạc nghiệp như hôm nay. Tính cần cù của nhân dân Long Phước đã hun đúc tinh thần đoàn kết tương thân tương trợ, gắn bó với xóm làng, gìn giữ quê hương chống giặc ngoại xâm.
Đất Long Phước mầu mở và có vị trí chiến lược quan trọng trên 3 mặt: kinh tế, chính trị, quân sự. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xã Long Phước là căn cứ địa của tỉnh Bà Rịa, là điểm xung yếu của khu vực tứ Long thời chống Pháp (Long Phước, Long Tân, Long Xuyên, Long Kiên) và khu vực tam Long thời chống Mỹ (Long Phước, Long Tân, Hòa Long). Long Phước là căn cứ hoạt động của khu ủy Miền Đông Nam Bộ, tỉnh ủy, huyện ủy, của bộ đội huyện, bộ đội tỉnh, của các lực lượng cách mạng, thị trấn Long Điền, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Với vị trí quan trọng như vậy nên xã Long Phước được xem như một “núm sửa” quan trọng của phong trào cách mạng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đối với kẻ thù, Long Phước nằm trên trục giao thông lộ 52 chạy dài từ Tây sang Đông nối liền lộ 23 đi Long Điền, Đất Đỏ lên Xuyên Mộc (căn cứ Xuyên - Phước - Cơ), liên tỉnh lộ 2 nối liền Xuân Lộc, thị xã Bà Rịa chạy qua xã. Kẻ thù giữ được xã Long Phước, sẽ tạo được vành đai trắng, án giữ các trục lộ, cắt đứt đường giao thông tiếp tế của cách mạng, phá được bàn đạp tiến công của ta, bảo vệ được các cơ quan đầu não của địch ở thị xã Bà Rịa và thị trấn Long Điền.
Do vị trí Long Phước quan trọng như vậy, nên trong hai cuộc chiến tranh xâm lược của giặc Pháp và giặc Mỹ chúng đã thực hiện chính sách hết sức tàn bạo là đốt sạch, giết sạch, chia cắt lực lượng cách mạng với nhân dân thông qua hệ thống khu trù mật, ấp chiến lược.
Trải qua nhiều thử thách gay go, ác liệt trước mưa bom, bão đạn của kẻ thù, người dân Long Phước vẫn quyết tâm một lòng theo Đảng, tham gia kháng chiến trên nhiều lĩnh vực khác nhau để cuối cùng giành được thắng lợi, giải phóng được quê hương. Trong 2 cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và 36 năm xây dựng cuộc sống mới, có phần đóng góp không nhỏ của nhân dân và bà con họ Võ ở ấp Tây, xã Long Phước. Hiện nay, ấp Tây vẫn là trung tâm hành chánh của xã. Đình, chợ cũng đóng trên địa bàn ấp Tây.
Diện tích toàn ấp là 239,69 ha có 1.214 nhân khẩu của 241 hộ. Kinh tế chính vẫn là nông nghiệp 80%, kinh tế phụ 7% là tiểu thủ công nghiệp, còn 13% mua bán. Ấp có 1 đình, 1 miếu, 2 trường học (1 trường cấp 1 và 1 trường cấp 2), không có chùa, có vài hộ đạo Thiên chúa. Ấp có 90 liệt sĩ, 1 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ấp luôn đạt danh hiệu là “ấp văn hóa”.
Nhân dân trong ấp phát huy truyền thống cần cù lao động, đoàn kết quyết tâm xây dựng quê hương mình giàu đẹp văn minh hiện đại.
II. TRUY TÌM ÔNG TỔ HỌ VÕ VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG HỌ
1. Ông Tổ cao niên nhất của họ Võ
Tổ tiên họ Võ ở ấp Tây, xã Long Phước từ Đàng ngoài vào không mang theo gia phả cổ. Các bậc cao niên trong họ lần lượt qua đời. Đồng mả gia tộc nằm trên đất nhà bà Võ Thị A và do bà quản lý, chăm sóc. Ngoài một số mộ có bia có tên người, còn một số mộ cổ bằng đá ong, có nóc lầu nhưng không có mộ bia, con cháu họ Võ hiện nay không biết mộ ai. Do đó việc truy tìm ông Tổ qua khảo sát mồ mả không thực hiện được.
Qua nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu không thấy có ghi đất đai họ Võ.
Ông bà qua đời không để lại di chúc cho các con, các con muốn thừa kế ruộng đất thì phải làm “tờ cải chánh” hoặc làm đơn xin “nhận bằng khoán” để được kế thừa. Do vậy việc tìm ông Tổ phải lần theo ký ức của những người trong họ, nghiên cứu giấy tờ cải chánh ruộng đất mà hậu duệ còn giữ lại, tìm hiểu miếu thờ họ Võ ở thị xã Bà Rịa.
a. Lần theo ký ức của hậu duệ họ Võ
Ngày 24/2/2010 chúng tôi gặp ông Võ Minh Quang để tìm hiểu về dòng họ Võ thì được ông cho biết người cao niên nhất trong dòng họ mà ông biết được là ông Võ Văn Lại – ông cố của ông, ông Quang còn dẫn chúng tôi đến mộ ông bà cố của mình trên đất nhà do em gái ông thừa kế, quản lý tại ấp Bắc, xã Long Phước, cách nhà bà Võ Thị A 3000m.
Ngày 26/3/2010 chúng tôi tiếp xúc với ông Trần Văn Bồ - người cao tuổi có quan hệ trong thân tộc với họ Võ ở ấp Tây, xã Long Phước thì được biết cha ông Võ Văn Lại là người cao tuổi nhất của họ Võ đã sống ở ấp Tây, có người em gái là bà cố ông Trần Văn Bồ. Hiện mộ bà cố ông Bồ còn nhưng mộ bà không có mộ bia nên con cháu không biết tên chỉ biết bà họ Võ. Vậy chúng ta tạm gọi cha ông Võ Văn Lại là ông Tổ đời một của họ Võ.
Ngày 15/4/2010 chúng tôi nghiên cứu số giấy tờ về ruộng đất mà ông Võ Văn Huê để lại cho con trai là ông Võ Minh Quang. Hiện ông Quang lưu giữ những tư liệu này. Trong những tư liệu ông Quang giữ, chúng tôi tìm được tờ “Làm tờ lãnh bằng khoán” làm tại làng Long Lập (nay là xã Long Phước) tổng An Phú Hạ, tỉnh Bà Rịa năm 1896. Nội dung tờ này như sau: Ông Võ Văn Lại và ông Võ Văn Dậy là hai con trai của ông Võ Văn Huỳnh. Ông Huỳnh có 2 sở đất ở làng Long Lập (nay là xã Long Phước). Ông đã qua đời nhưng không để lại giấy tờ cho hai con trai ông sở hữu 2 sở đất này. Do vậy, hai con ông làm đơn xin chính quyền làng Long Lập chịu đóng bách phần để được lãnh bằng khoán 2 sở đất của cha làm sở hữu của mình.
Qua nội dung tờ đơn này cho thấy ông Võ Văn Lại và Võ Văn Dậy là hai anh em ruột, con ông Võ Văn Huỳnh. Ông Huỳnh là cha ông Lại cao hơn ông Lại 1 đời. Do vậy ông Võ Văn Huỳnh là người cao tuổi trong dòng họ Võ ở ấp Tây. Không rõ ông Huỳnh mua đất hay thừa kế của cha? Hiện nay không rõ là 2 sở đất này là đất nào trong họ nên không trích lục được nguồn gốc để có thể tìm được đời cao hơn ông Huỳnh (nếu đất này ông Huỳnh được thừa kế).
Do vậy tạm gọi ông Võ Văn Huỳnh là ông Tổ đời 1.
Đầu tháng 5/2010 chúng tôi đọc được “gia phả” ông Võ Văn Dài (đời V, chi II) của dòng họ Võ. Nói là cuốn “gia phả” nhưng thật sự đó là những ghi chép về họ nội và họ ngoại của ông Võ Văn Dài. Cuốn gia phả này không thể hiện hết dòng họ Võ. Chúng tôi được mấy trang photo về họ Võ mà ông Dài ghi thì được biết quan hệ từ ông Dài chỉ lên đến ông nội ông là ông Võ Văn Chợ (đời III) còn trên nữa thì ông không biết, nhưng ông có viết ở trang 1 như sau: “Tổ tiên họ Võ từ miền Bắc vào từ thế kỷ XVII,… có miếu thờ ở thị xã Bà Rịa”.
Ngày 24/7/2010 chúng tôi đến miếu thờ họ Võ ở thị xã Bà Rịa, gặp và trao đổi với ông Võ Ngọc Ấn (thư ký của Ban quản lý miếu) thì được biết miếu mới cất lại từ năm 1936 còn trước nữa thì ông Ấn không biết. Miếu được cất kiểu 1 gian 2 chái, mái lợp ngói móc, cột gỗ, nền gạch bông. Trong miếu có 1 bàn thờ ở gian giữa có bài vị.
Gian bên phải và trái có 2 đôi liễn”
Qua nội dung trên cho thấy bài vị chỉ thờ các tông chi của các thế hệ họ Võ, chứ không phải thờ ông Tổ họ Võ. Ông Võ Ngọc Ấn đưa cho chúng tôi 2 tông chi họ Võ được tộc trưởng tặng để thờ ở miếu này.
● Một tông chi họ Võ có qui mô rất lớn có ông Tổ là Võ Đình Ngang từ phủ Quảng Ngải, huyện Bình Sơn, thôn Tân Minh đến Gia Định mưu sinh năm 1808. Tông chi này gồm 12 đời. Nghiên cứu thật kỷ, chúng tôi không thấy có mối liên quan nào với gia phả họ Võ ở ấp Tây, xã Long Phước.
● Tông chi thứ 2 là tông chi của cụ Võ Tánh gồm 10 đời, Cụ Tổ đời I là Võ Tôn Hậu, Võ Tánh đời IV. Tông chi họ Võ này cũng được để thờ ở miếu. Chúng tôi dò hết 10 đời cũng không thấy có liên quan đến họ Võ ở ấp Tây, xã Long Phước. Do vậy tạm gọi ông Võ Văn Huỳnh là ông Tổ đời I của họ Võ ở ấp Tây.
Ông Võ Văn Huỳnh từ đâu đến Long Phước và đến từ bao giờ để lập nghiệp thì con cháu ông không ai biết; chỉ biết ông và em gái có mặt và có đất đai ở ấp Tây. Không rõ ông từ Đàng ngoài vào hay được cha mẹ sinh ông tại Nam Bộ. Qua tông chi ghi ngày 26 tháng 3 năm 1939 trên tờ giấy cải chánh ruộng đất của ông Võ Văn Hiện số 77609 tại tỉnh Bà Rịa kèm tuổi của từng người thì tuổi bà Võ Thị Hiệu (con đầu ông Võ Văn Hiển và là chị của ông Võ Văn Hiện) là 41 tuổi thì năm sinh của bà Võ Thị Hiệu là 1939 – 41 = 1898.
Theo cách tính tuổi của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thì cứ mỗi thế hệ cách nhau 25 năm, mỗi con cách nhau 2 hoặc 3 năm. Vậy năm sinh của ông Võ Văn Hiển (đời III) khoảng 1898 - 25 = 1873 và năm sinh của ông Võ Văn Lại (đời II) khoảng 1873 - 25 = 1848. Như vậy ông Võ Văn Huỳnh (đời I) năm sinh khoảng 1848 - 25 = 1823 (Minh Mạng thứ 4). Nếu ông từ miền Ngoài vào thì ít nhất ông phải 20 tuổi mới có mặt tại làng Long Lập (nay là Long Phước) năm 1823 + 20 = 1843 (Thiệu Trị thứ 3).
Ông Huỳnh làm nghề gì con cháu không rõ song căn cứ vào “tờ lãnh bằng khoán” của hai con ông: ông Võ Văn Lại và ông Võ Văn Dậy thì ông có 2 sở đất tổng cộng diện tích là 0h99a00ca, có thể ông sống bằng nghề nông, làm ruộng rẫy?
Bà Tổ tên họ gì? năm sinh, năm mất, giỗ, mộ ở đâu con cháu không ai rõ.
Không rõ ông bà có bao nhiêu con, song căn cứ vào “Làm tờ lãnh bằng khoán” của hai con trai ông thì ông bà có hai người con trai:
Thứ hai: Võ Văn Lại
Thứ ba: Võ Văn Dậy
Hai người con trai này lập gia đình tạo ra hai chi và truyền nối đến nay là đời thứ 7. Hầu hết con cháu đều gắn bó với việc bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.
2. Sự phát triển của dòng họ
Để biết được qui mô của dòng họ Võ ở ấp Tây, phải khảo sát sự phát triển của hai chi:
● Chi thứ nhất: Trưởng chi là ông Võ Văn Lại. Ông lập gia đình với bà Trần Thị An tạo ra đời III gồm 4 người con: 3 trai và 1 gái. Con gái út là Võ Thị Mon được gả chồng, có con chuyển sang họ khác. Ba người con trai ông là Võ Văn Hiển, Võ Văn Don và Võ Phúc Vinh nối dòng cho chi I. Ông Vinh có con gái, không có con trai nên dừng lại ở đời IV. Nối dòng chi này chỉ có hậu duệ ông Hiển và ông Don. Nhưng ông Võ Văn Để con nuôi ông Võ Văn Truyện, hy sinh khi chưa lập gia đình và ông Võ Văn Bờm (hậu duệ ông Dậu) bị Tây bắn khi ông còn độc thân nên ông Truyện và ông Dậu không có con nối dòng, chỉ dừng lại ở đời V.
Nối đến đời VII của chi này, chỉ có ông Võ Văn Hiện, ông Võ Văn Huê (con ông Võ Văn Hiển) và ông Võ Văn Nguyệt, Võ Văn Xủng (con ông Võ Văn Don).
Toàn chi có 84 người, chết nhỏ 7 người, còn lại 33 trai và 44 gái. Hiện chi này còn sinh tiền là 44 người trong đó 21 gái và 23 trai. Mặc dù chi này được tìm đầy đủ song số lượng không đông vì gia đình ít con, lại chết nhỏ nhiều, con gái ít hơn con trai. Tuy số lượng ít, nhưng có đông con trai nối dòng. Số lượng phát triển đông là đời IV và V. Đời VI, VII giảm dần vì thực hiện sinh đẻ theo kế hoạch.
Nhìn chung, đời sống kinh tế chi này ổn định, nhưng không đều. Từ đời I đến đời VI phần lớn sống về nghề nông, làm rẫy, chăn nuôi.
Đời III và IV kinh tế có phát triển, nhưng đất nước ta dưới ách đô hộ của thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ (1858 - 1975) nên hầu hết con cháu họ Võ đều tham gia cách mạng cả dâu, lẫn rể. Một số thoát ly gia đình theo cách mạng. Số còn lại hoạt động ở địa phương dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Nhà bị đốt, trâu bò bị bắt, bị dồn dân, lập ấp, bà con phải lao động khổ nhọc. Sau giải phóng, con cháu có điều kiện lao động và học hành tốt hơn. Có người là cán bộ của Đảng và Nhà nước cấp tỉnh, có người làm công nhân ở các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư doanh, có người tổ chức kinh doanh buôn bán, làm thợ máy, tài xế, có người làm Hải quan, giám đốc công ty.
Người có nhiều ruộng đất nhất là ông Võ Văn Lại. Qua tờ trích lục “địa bộ số 5 và số 14” năm 1888 thì ông đã sở hữu 16 ha đất chưa kể ông đã cùng em trai là Võ Văn Dậy kế thừa của cha là Võ Văn Huỳnh 2 sở đất gần 1ha (0ha99a00ca). Do vậy, đời sống ông được ổn định. Không rõ ông chia đất cho con ông thế nào, không có tư liệu gì để lại, nên không biết hết đất đai của các con ông. Hai người đất ruộng nhà cửa nhiều, sau ông là ông Võ Văn Hiển (đời III), con trai trưởng của ông và ông Võ Văn Hiện (đời IV) cháu nội của ông.
Ông Võ Văn Hiển cùng em là ông Võ Văn Don kế thừa của cha mình 1 sở đất có diện tích 1ha12a00ca. Ông Hiển còn mua thêm của ông Dương Văn Thể ở làng Long Lập 1ha01a00ca (18/6/1896). Ngày 18/1/1904 mua của ông Nguyễn Văn Cẩn 2ha60a00ca ruộng. Ông còn mua của bà Đỗ Thị Cao 0ha27a60ca. Ngoài ra, ông Hiển còn sở hữu 5ha27a84ca ruộng theo tờ cải chánh của ông Võ Văn Hiện. Ngày 13/7/1910 ông mua của Lê Quách 1ha60a00ca đất. Ngày 24/10/1927 mua 1 căn 2 gian 2 chái của ông Nguyễn Văn Nhân.
Qua tài sản trên thì đời sống ông Hiển khá giả. Ông chia cho con như thế nào cũng không rõ chỉ biết con trai trưởng ông là ông Võ Văn Hiện xin cải chánh để chủ quyền 5ha27a84ca ruộng lúa. Số ruộng này ông Hiện cùng anh chị em luân phiên nhau mỗi người làm 1 năm, con trai cũng như con gái. Ông Hiện cũng mua thêm đất và nhà, tổng cộng 2ha26a70ca. Tuy thuộc thành phần khá giả nhưng ông phải nuôi em, lo cưới vợ và cho em ra riêng, rồi lo ủng hộ cách mạng. Đất của ông còn bị bọn Úc ủi làm vành đai căn cứ quân sự ở Núi Đất nằm phía Tây Bắc xã Long Phước, không canh tác được, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của gia đình ông.
Số lượng nhân khẩu chi này khá đông. Hậu duệ ông Hiển đời sống kinh tế vững vàng vì ông có nhiều ruộng đất, nhà ngói chia cho các con nhưng hầu hết con cháu (đời IV, V) đều tham gia cách mạng. Những người còn sinh sống trên quê hương thì phải lao động cật lực trong hai cuộc chiến tranh ác liệt vừa sống, vừa để ủng hộ cách mạng. Người không tham gia cách mạng thì phải tản cư đi nơi khác để mưu sinh, đến sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mới trở về xây dựng lại quê hương và cuộc sống mới.
Tiêu biểu chi này là ông Võ Minh Quang (hậu duệ đời V) con ông Võ Văn Huê. Ông nguyên là Thường Vụ Tỉnh ủy, trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Đồng Nai. Vợ ông là Ủy viên Ban chấp hành Phụ nữ tỉnh Đồng Nai. Ông bà thoát ly gia đình theo cách mạng từ nhỏ. Sau giải phóng ông bà vừa công tác vừa làm kinh tế gia đình. Ông không nhận đất của cha mẹ chia mà vợ chồng ông tích tiểu thành đa cho đến khi ông bà về hưu thì có được cửa hàng lương thực lớn ở Thành phố Biên Hòa. Các con ông được học hành tử tế. Ngoài hai con trai lớn tốt nghiệp 12, người thứ tư tốt nghiệp đại học (Võ Minh Cường). Con gái út có bằng Thạc sĩ (Võ Thị Hồng Vân). Ông bà lo nhà cửa, công ăn việc làm cho từng đứa con.
● Chi thứ hai: Trưởng chi là ông Võ Văn Dậy. Không rõ ông lập gia đình với họ nào, có được 8 người con chết nhỏ 1 còn 7 người. Hiện nay chỉ tìm được 3 người con trai có hậu duệ nối dòng cho chi II. Ba người con trai ông là:
Thứ ba: Võ Văn Chợ
Thứ năm: Võ Văn Mật
Thứ chín: Võ Văn Mè
Ông Võ Văn Mè có 3 người con: 1 chết nhỏ còn lại 2 gái, không có con trai nối dòng. Ông Võ Văn Mật chỉ có hậu duệ đến đời thứ V.
Riêng ông Võ Văn Chợ có hậu duệ nối đến đời thứ VII.
Chi thứ II có tổng cộng là 88 người, chết nhỏ 8, số còn lại là 80 trong số đó có 48 trai và 32 gái. Tổng số đã qua đời là 29. Số còn sinh tiền là 51 người (31 trai và 20 gái). Mặc dù chi này 3/8 người đời III là tìm được hậu duệ, song số lượng đông hơn chi I. Nếu tìm được đầy đủ đời III thì số lượng chi này là một lực lượng lao động đông đảo.
Đời sống chi II phần lớn khó khăn. Đa số là những nông dân nghèo khổ, thiếu đất phải cày thuê, cấy mướn. Mùa khô phải lên rừng phát hoang trồng trọt vì không có ruộng như gia đình ông Võ Văn Chợ (đời IV) vợ, con trai và con dâu ông. Làm lụng cực nhọc, thiếu ăn, bệnh đau không thuốc thang nên qua đời sớm (ông Võ Văn Phúc đời IV và vợ). Một số người thấy được nguyên nhân nghèo khổ là do kẻ thù xâm lược gây ra nên tham gia cách mạng triệt để như ông Võ Văn Củi, Võ Văn Hiếm (đời IV) và con ông (đời V), ông Võ Văn Dài (đời V).
Sau giải phóng 30/4/1975, đời sống và việc học hành của con cháu chi này có phát triển hơn.
Thành đạt chi II là ông Võ Văn Dài (Võ Ngọc Hải). Ông là đứa con trai mồ côi cha mẹ từ lúc 8 tuổi, được ông nội (ông Võ Văn Chợ) cho đi học đến hết tiểu học. Ông nội qua đời, ông Dài lở việc học chữ song ông được học nghề ở trường Mỹ nghệ rồi giác ngộ, thoát ly theo cách mạng trước năm 1945. Ông đem hết nhiệt tình cống hiến trọn đời mình, cho hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, rồi tiếp theo là bảo vệ biên giới Tây Nam. Vợ chồng ông quan tâm nuôi dạy con nên ba con trai đều tốt nghiệp đại học. Hai con đầu Võ Hoài Bắc, Võ Hoài Trung làm ở Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh. Con trai út là Võ Hoài Nam lập công ty riêng làm Giám đốc.
Nhìn chung, cả hai chi những người thành đạt đều nhờ được trui rèn trong cách mạng.
Tổng số 2 chi gồm 172 người, còn sinh tiền là 95 người trong đó có 52 trai và 43 gái là những người họ Võ đang học tập và lao động (không kể dâu, rể cháu chắt ngoại). Nếu tìm được đầy đủ người thì qui mô dòng họ này rất lớn.
Đây là dòng họ có qui mô trung bình. Bà con hai chi sống ở tổ quán. Con gái lấy chồng ở các xã lân cận. Một số do công tác rồi lập nghiệp ở Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, vài người sống ở nước ngoài (ở Đức, Mỹ, Anh), dòng họ không liên lạc được. Dù sống nơi nào con cháu đều hướng về quê hương đất tổ.
III. QUAN HỆ HÔN NHÂN VÀ VIỆC GIÁO DỤC GIA ĐÌNH CỦA HỌ VÕ
1. Quan hệ hôn nhân
Hôn nhân là quan hệ vợ chồng giữa họ này với họ khác sau khi đã kết hôn. Hôn nhân tạo ra gia đình là nơi con người được sinh ra và lớn lên tiếp tục kết hôn với họ khác để tạo ra dòng họ. Hôn nhân là sự liên kết thân thiết giữa các dòng họ, là sự hòa huyết trong đồng bào mở rộng tình nghĩa thiêng liêng trong dân tộc.
Họ Võ ở ấp Tây, xã Long Phước đã hình thành và phát triển đến nay được 7 đời. Ngoài ông Tổ đời I Võ Văn Huỳnh, con cháu không biết ông quan hệ hôn nhân với họ nào nhưng bắt đầu từ đời II đến đời VI, họ Võ quan hệ hôn nhân với họ Trần, Đỗ, Lê, Đoàn, Nguyễn, Võ, Đinh, Châu, Trang, Phan, Mai, Bùi và Hoàng, đã tạo ra một cộng đồng huyết thống gồm 172 người, là một lực lượng lao động khỏe mạnh gồm nhiều thành phần trong xã hội: từ trung nông, bần nông, tiểu thương, tiểu chủ, doanh nhân, công nhân, trí thức, từ lao động thành thị cho đến cán bộ của Đảng và Nhà nước thuộc cấp tỉnh. Nhìn chung những thành phần lao động này tạo họ Võ thành những gia đình bình dân, đã tiếp thu những tiến bộ của lễ giáo phong kiến trong hôn nhân và trong việc giáo dục gia đình.
Từ đời II, III, IV quan hệ hôn nhân họ Võ do cha mẹ hoặc anh (nếu cha mẹ qua đời) định đoạt nhưng không đòi hỏi phải môn đăng hộ đối. Đến đời IV ông Võ Văn Hiện thuộc thành phần khá giả, đi cưới vợ cho em là ông Võ Văn Huê (vì cha mẹ qua đời sớm) thuộc thành phần nông dân nghèo. Đời V, VI trưởng thành thì quan hệ hôn nhân đã tiến bộ, vì phụ nữ được giải phóng khỏi sự trói buộc khắt khe của phong kiến lỗi thời. Hôn nhân ở thế hệ thứ V, VI của họ Võ dựa trên tình yêu chân chính, được luật pháp bảo vệ quyền kết hôn và ly hôn song cha mẹ vẫn có vai trò tích cực trong việc cưới hỏi. Có những trường hợp kết hôn trong chiến khu cũng dựa trên tình yêu chân chính như bà Võ Thị Trừ và ông Nguyễn Văn Cỏn; bà Võ Thị Cấn và ông Lê Nhị Thành; bà Võ Thị Thận và ông Năm Văn Sinh; ông Võ Minh Quang và bà Trần Thị Thu; ông Võ Văn Lân (Võ Thế Minh) và bà Trần Thị Phụng. Các cuộc hôn nhân trên do tổ chức cách mạng thay cha mẹ đứng ra làm lễ tuyên bố.
Hầu hết các con dâu và rể của họ Võ có nguồn gốc nông dân, công nhân và nhân dân lao động, biết lo xây dựng gia đình mình, biết lo phụng thờ Tổ tiên nhà chồng. Các chú rể là những người rể thảo, biết kính trọng và đối xử tốt với gia đình bên vợ, chăm lo lao động kiếm sống và dạy dỗ con cái trong gia đình.
2. Việc giáo dục gia đình họ Võ
Họ Võ đời II, III có người biết chút ít chữ nho, không đủ để đỗ đạt làm quan, không xây dựng gia đình theo tư tưởng phong kiến nệ cổ mà giáo dục con cái theo mặt tích cực của tư tưởng nho giáo: như dạy con biết hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, biết kính trên, nhường dưới, anh em hòa thuận nhau, vợ chồng chung thủy nhau.
Việc thờ phụng Tổ tiên được coi trọng. Việc học hành của con cái mỗi gia đình tự lo lấy nên phát triển không đều.
IV. SỰ ĐÓNG GÓP CỦA DÒNG HỌ TRONG CUỘC GIẢI PHÓNG DÂN TỘC VÀ QUA HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN BẢO VỆ TỔ QUỐC
1. Trước khi có Đảng
Sự có mặt của ông Tổ đời I và hậu duệ đời II, III, IV họ Võ ở làng Long Lập (nay là ấp Tây, xã Long Phước, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vào đầu thế kỷ XIX thì toàn cõi Nam Kỳ lục tỉnh đã vào tay thực dân Pháp. Các ông là nhân chứng lịch sử của chế độ áp bức bóc lột thực dân Pháp và sự suy yếu của chính quyền thực dân phong kiến triều Nguyễn. Một số gia đình là trung nông (ông Võ Văn Lại (đời II), Võ Văn Hiển (đời III), Võ Văn Hiện (đời IV) có tinh thần yêu nước, ủng hộ cách mạng, tạo điều kiện cho con cháu tham gia cách mạng, đã có nhiều đóng góp cho hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Ông Võ Văn Chợ (đời III) tham gia Thiên Địa hội. Khi tổ chức này thất bại, ông giáo dục con cháu lòng yêu nước, căm thù để con cháu đứng vào hàng ngũ của Đảng, dũng cảm chiến đấu để giải phóng quê hương.
2. Sau khi có Đảng: đời IV, V trưởng thành
● Chi thứ nhất: Con cháu ông Võ Văn Hiển phần lớn khá giả nhưng con cháu trai, gái đều tham gia chống Pháp, chống Mỹ như ông Võ Văn Hiện (đời IV) làm xã trưởng cho chế độ cũ, song ông ủng hộ cách mạng hết lòng về lương thực, thuốc men. Con trai duy nhất của ông bà là ông Võ Văn Lân (Võ Thế Minh) tham gia cách mạng tại địa phương từ phong trào thanh niên. Năm 1961, ông tham gia đấu tranh chống bầu cử Ngô Đình Diệm bị bắt cầm tù ở Bà Rịa. Ra tù (1963) ông thoát ly đi bộ đội. Năm 1968, ông là đảng viên Cộng sản Việt Nam. Sau giải phóng ông tiếp tục công tác đến năm 1990 thì nghỉ hưu.
Ông Võ Văn Truyện (đời IV) cùng vợ là Võ Thị Ngày, hết lòng ủng hộ cách mạng. Ông có 3 con gái, nên phải xin đứa cháu làm con nuôi, đổi họ Võ để nối dòng. Tất cả 4 người con đều tham gia cách mạng. Bà Võ Thị Trừ, Võ Thị Thận và ông Võ Văn Để (con nuôi) đều là liệt sĩ. Riêng bà Võ Thị Cấn là thương binh, chồng là cán bộ miền Bắc đi B. Ông nguyên là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, nguyên là Khu ủy viên dự khuyết miền Đông Nam Bộ, nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh và Bí thư Đặc Khu ủy Vũng Tàu – Côn Đảo.
Bà Võ Thị Ngày là bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Ông Võ Văn Huê cùng vợ là Văn Thị Tư là một gia đình nông dân chất phác nhưng có tinh thần ủng hộ cách mạng. Con gái ông bà là Võ Thị Hoa còn có tên là Võ Thị Sẹo, tham gia cách mạng tại địa phương, là đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam. Bà hy sinh năm 1968 khi tuổi còn thanh xuân chưa có gia đình. Bà được công nhận liệt sĩ.
Ông Võ Minh Quang là con trai duy nhất của ông Võ Văn Huê, đã giác ngộ tham gia cách mạng từ năm 1957 ở ghế nhà trường. Năm 1961, ông thoát ly gia đình làm công tác thanh niên. Năm 1962, ông làm Bí thư Đoàn thanh niên huyện Châu thành, tỉnh Bà Rịa. Từ đó đến ngày miền Nam được giải phóng, ông trải qua nhiều công tác, nhiều chức vụ.
Sau giải phóng năm 1976 - 1978 ông được cử đi học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Hà Nội, về làm Phó giám đốc Trường đảng, Tỉnh ủy viên, Phó ban Tuyên giáo, Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai, rồi Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Đồng Nai, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa II, III, IV. Năm 2003, ông đã nghỉ hưu, tiếp tục làm Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam dioxin tỉnh Đồng Nai. Vợ ông bà Trần Thị Thu cũng thoát ly theo cách mạng từ năm 16 tuổi. Bà nguyên là Ủy viên Ban Chấp Hành tỉnh hội Phụ nữ tỉnh Đồng Nai.
Bà Võ Thị Hượt (đời IV) cùng chồng cũng tham gia cách mạng. Bà có 3 người con (2 trai 1 gái tham gia cách mạng) và 2 người con rể tham gia kháng chiến chống Mỹ, có 1 đứa con trai là Trần Xuân Quyết hy sinh khi làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia.
Con cháu ông Võ Văn Don: là Võ Văn Xủng đã tham gia cách mạng năm 1945 là công nhân công binh xưởng sản xuất vũ khí. Con ông Võ Văn Nguyệt (đời IV) là Võ Văn Công, Võ Văn Danh tham gia cách mạng. Riêng ông Võ Văn Danh là đảng viên Công sản hy sinh năm 1968 được công nhận liệt sĩ. Ông Võ Văn Dậu có 3 con gái có chồng đều tham gia cách mạng, và ba con rễ là Nguyễn Văn Thức (chồng bà Võ Thị Giỏi), Lê Văn Cà (chồng bà Võ Thị Gòn) và Nguyễn Văn Ngưu (chồng bà Võ Thị Bé) là liệt sĩ.
● Chi thứ II: con cháu ông Võ Văn Chợ đều là chiến sĩ cách mạng, rất dũng cảm.
Ông Võ Văn Hiếm tham gia chống Pháp và chống Mỹ. Ông đã hy sinh năm 1962 trong thời chống Mỹ, được công nhận liệt sĩ có tên trên bia tưởng niệm của xã và 3 con ruột là Võ Văn Thành (tự là Thức), Võ Hoàng Long, Võ Thị Linh và dâu - vợ của Võ Văn Thành tham gia chống Mỹ. Võ Hoàng Long đã hy sinh được công nhận là liệt sĩ.
Ông Võ Văn Dài (Võ Ngọc Hải) đời V, mồ côi cha mẹ lúc 4 tuổi. Ông tham gia cách mạng năm 1944 trong phong trào vận động học sinh ở thị xã Bà Rịa.
Ngày 23/9/1945, ông gia nhập lực lượng vũ trang chiến đấu chống Pháp, rồi chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc biên giới Tây Nam. Ông nghỉ hưu năm 1991 với cấp bậc đại tá.
Ông vào đảng năm 1948.
Ông trải qua nhiều công tác quan trọng:
- Chính trị viên đại đội, tiểu đoàn chủ lực miền Đông Nam Bộ.
- Chính trị viên tiểu đoàn 3, lữ đoàn 338.
Năm 1965-1972: ông là Chánh ủy Trung đoàn xe Tăng 202, chánh ủy Bộ Tư lệnh Tăng – Thiết giáp B2, rồi Cục phó cục Chính trị Quân khu 7, Thành ủy viên Thành phố Hồ Chí Minh khóa 3, 4. Phó Chỉ huy trưởng về chính trị Bộ chỉ huy quân sự Thành phố Hồ Chí Minh.
Khảo sát dòng họ qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho thấy đông đảo con cháu họ Võ đều tham gia đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc. Chiến tranh kết thúc, con cháu họ Võ trên nhiều lĩnh vực khác nhau lại tiếp tục lao động góp phần xây dựng quê hương đất nước.
V. ĐẶC ĐIỂM CỦA DÒNG HỌ
Qua gần 200 năm lập nghiệp ở phương Nam từ ông Tổ đời I đến con cháu họ Võ đã truyền tử lưu tôn đến nay được 7 đời, tạo ra hậu duệ đông đúc ở làng Long Lập, tổng An Phú Hạ, tỉnh Bà Rịa nay là ấp Tây, xã Long Phước, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Qua quá trình lao động và chiến đấu chống giặc ngoại xâm, họ Võ đã hình thành được những phẩm chất đạo đức của dòng họ mình như sau:
● Họ Võ là dòng họ cần cù lao động. Con cháu họ Võ gốc nông dân, có dáng người trung bình, khỏe mạnh, cần mẫn, siêng năng lao động, kiên nhẫn và lạc quan trong cuộc sống.
Con cháu họ Võ hầu hết sống bằng nghề nông, người có nhiều đất, ít đất hay không có đất đều trực tiếp lao động. Từ ông Tổ đời I Võ Văn Huỳnh, đời II Võ Văn Lại, đời III Võ Văn Hiển và đời IV Võ Văn Hiện là những người có nhiều đất đai, tự tổ chức canh tác, không phát canh thu tô. Người không có đất ruộng thì cày thuê cấy mướn, lên rừng phát hoang làm rẫy cụ thể như ông Võ Văn Chợ (đời III), vợ chồng ông Võ Văn Phúc (đời IV) là thợ cấy giỏi. Ông bà gặp nhau trong những lần đi cấy thuê. Ông Võ Văn Thậm (đời IV) quanh năm cấy thuê gặt mướn. Ông bà Võ Văn Huê (đời IV) giỏi lao động, hai lần giặc đốt nhà, 2 lần dời nhà. Ông bà lao động đầu tắt mặt tối gầy dựng lại.
Ngoài nghề ruộng rẫy, con cháu còn làm thợ may, làm tài xế, làm công nhân, hớt tóc, kinh doanh, không có ai lười lao động hoặc làm nghề gì có phương hại đến danh dự dòng họ. Dù ở địa vị nào con cháu cũng giữ được lối sống bình dân, giản dị. Thật đáng quý!
● Điểm nổi bật là tinh thần cách mạng triệt để. Qui mô họ Võ không lớn song hầu hết con cháu cả hai chi không kể dâu rể đều tham gia cách mạng. Gia đình chỉ có con trai duy nhất để nối dòng, song cha mẹ cũng cho tham gia cách mạng như ông Võ Văn Lân (con trai duy nhất của ông Hiện), ông Võ Minh Quang (con trai một của ông Huê), ông Võ Văn Để (con trai nuôi ông Truyện). Tất cả đều tham gia ở địa phương và sau đó thoát ly gia đình suốt thời kỳ chống Mỹ.
Có gia đình có 4 con đều là đảng viên, thì 3 con là liệt sĩ như gia đình ông Võ Văn Truyện. Bà Võ Thị Cấn, trong quá trình công tác bị bắt 2 lần, bị địch tra tấn dã man vẫn giữ được khí tiết của người cộng sản.
Ông Võ Văn Hiếm tham gia hai thời kỳ kháng chiến. Năm 1962, ông bị địch bắn bị thương đem về đồn đánh đập dã man nhưng ông không khai báo, ngang nhiên mắng vào mặt kẻ thù. Địch bắn chết ông. Đồng chí, đồng đội ca ngợi tinh thần dũng cảm của ông.
Cũng có người đã hy sinh khi tuổi còn thanh xuân, như bà Võ Thị Hoa (Võ Thị Sẹo), Võ Hoàng Long, Võ Văn Để, Võ Văn Danh. Những người con anh dũng này chưa có gia đình.
Riêng ông Võ Văn Dài tham gia cách mạng từ lúc 14 tuổi, trước Cách mạng tháng 8/1945. Ông lăn lộn khắp chiến trường qua hai cuộc kháng chiến, rồi đến bảo vệ biên giới Tây Nam, có nhiều đóng góp trong binh chủng Tăng – Thiết giáp.
Qua hai cuộc kháng chiến, con cháu họ Võ đã có 25 liệt sĩ, 1 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đây là truyền thống quý báu của họ Võ.
Con cháu có quyền tự hào về dòng họ mình trong việc bảo vệ và xây dựng quê hương, Tổ quốc.
● Con cháu họ Võ coi trọng việc thờ phụng Tổ tiên. Dù ở hoàn cảnh nào, con cháu cũng coi trọng việc giỗ chạp, việc chăm sóc mồ mả. Nhà nào cũng có bàn thờ để thờ ông bà mình. Việc giỗ chạp trong họ có phân công thực hiện nghiêm túc. Việc chăm sóc mồ mả hàng năm được con cháu coi như bổn phận thiêng liêng không thể thiếu được. Hằng năm, cứ đến ngày 25 tháng Chạp âm lịch, con cháu các nơi đều dẫy mả của Tổ tiên, ông bà mình và nay thì lập gia phả cho dòng họ.
Đó là nét đẹp của văn hóa dân tộc cần giữ gìn.
VI. PHƯƠNG HƯỚNG XÂY DỰNG DÒNG HỌ
Họ Võ đã có những truyền thống tốt đẹp như cần cù lao động, biết phụng thờ Tổ tiên, có lòng yêu quê hương, đất nước và tinh thần cách mạng triệt để. Đó là những đức tính quý báu, cần được gìn giữ và phát huy.
Bên cạnh những truyền thống tốt đẹp đó, con cháu họ Võ cũng nên lập quỹ khuyến học, khuyến tài để hỗ trợ các cháu hiếu học có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội vượt khó học đến nơi đến chốn và khen thưởng những cháu học giỏi, xuất sắc để phát huy tài năng làm vinh danh dòng họ và phục vụ Tổ quốc.
● Đời sống của con cháu cũng còn khó khăn, dòng họ cũng nên giúp nhau trong việc làm ăn để cải thiện đời sống tốt hơn.
● Hiện nay giỗ ông Tổ đời I (Võ Văn Huỳnh), con cháu không biết ngày, dòng họ nên chọn ngày cúng rồi phân công người giỗ, tập họp con cháu các chi về gặp nhau trong ngày giỗ để cùng nhau nhắc đến công lao của Tổ tiên cho con cháu biết và qua đó khen thưởng sự học tập của các cháu.
● Hiện nay dòng họ còn riêng lẻ, chưa biết nhau nên phổ biến rộng rãi gia phả này cho người trong họ để dòng họ biết nhau, tăng cường sự thăm viếng lúc ốm đau để tình thân tộc gắn bó nhau hơn.
Còn một số mộ bị bom đạn của chiến tranh làm hư hỏng và giặc Úc san bằng. Đó là nỗi xót xa của con cháu họ Võ. Con cháu nên hướng tìm để cải táng, tu bổ lại, thể hiện tấm lòng hiếu thảo của mình đối với người đã khuất.
Trong gia phả còn một số người chưa tìm được, con cháu nên tiếp tục truy tìm để gia phả được hoàn chỉnh.
Tôn kính và tri ân Tổ tiên, con cháu họ Võ nguyện gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của Tổ tiên để làm vẻ vang dòng họ.
Các tin cũ
- » 051. Biệt phả họ Trần nhánh II, đời 11 (Gio Linh, Cam Lộ, Quảng Trị và ở TP.HCM) 19/08/2022 20:44:23
- » 050. Gia phả họ Cao (xã Thái Mỹ; xã Phước Hiệp, Củ Chi, TP.HCM & xã An Tịnh, Trảng Bàng, Tây Ninh) 19/08/2022 20:25:32
- » 049. Gia phả Họ Trần (xã Tân Hạnh, TP Biên Hòa & xã An Phú, Thuận An, Bình Dương) 19/08/2022 20:15:16
- » 048. Gia phả họ Vi (ấp Bình Hưng, Bạch Đằng, Tân Uyên, Bình Dương) 19/08/2022 20:04:19
- » 047. Gia phả họ Lê (ấp Xóm Lớn, xã Mỹ Hương, Mỹ Tú, Sóc Trăng) 19/08/2022 18:49:43
- » 046. Gia phả họ Sầm (khu phố 1, phường 2, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) 19/08/2022 18:24:56
- » 045. Gia phả họ Đặng (xã Đức Lập, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) 19/08/2022 17:58:11
- » 044. Gia phả họ Nguyễn (thôn Vĩnh Tú, Vĩnh Trường, Vĩnh Linh, Quảng Trị) 19/08/2022 17:38:58
- » 043. Họ Phạm (Sơn Cao, Xã Thái Hòa, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) 19/08/2022 17:21:59