Trang chủ > 054. Gia phả họ Phan (ấp Tân Lập, Tân Thới Nhì, Hóc Môn, TP.HCM)

054. Gia phả họ Phan (ấp Tân Lập, Tân Thới Nhì, Hóc Môn, TP.HCM)

20/08/2022 21:44:17

Gia phả họ Phan ở ấp Tân Lập, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TP.HCM được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2011. 

LỜI NÓI ĐẦU

Bác Hồ khi nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên phong tại đền Hùng tỉnh Phú Thọ ngày 18 tháng 9 năm 1954 đã dặn dò bộ đội:

“Các vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta cùng nhau giữ lấy nước”

Đọc lại lịch sử nước nhà cho thấy các vua Hùng đã có công dựng nước Văn Lang. Dân tộc Việt Nam đến ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch long trọng giỗ tổ vua Hùng để tri ân người dựng nước.

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng Ba”

Trải qua 4000 năm, con cháu vua Hùng, trăm họ các thế hệ nối tiếp đã đổ xương máu, anh dũng chống giặc ngoại xâm giành độc lập tạo nên những trang sử vẻ vang cho dân tộc, đã mở rộng bờ cỏi xây dựng đất nước gấm hoa ngày càng cường thịnh, to lớn.

Dòng họ người Việt Nam có quyền tự hào về sự đóng góp của dòng họ mình cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Vì mỗi dòng họ là thành viên của đại gia đình dân tộc Việt Nam.

Sự thịnh suy của tổ quốc còn tùy thuộc vào nền nếp, kỷ cương của mỗi dòng họ. Trách nhiệm của các dòng họ đối với sự hưng thịnh của một quốc gia là cội nguồn sâu xa của tình yêu tổ quốc.

Cho nên nói “trong sử có phả, trong phả có sử là rất đúng”.

Sách xưa ghi: “Quốc hữu quốc sử, tộc hữu tộc phả”

Có nghĩa là: ‘Nước có sử, nhà có phả”

Sử ghi chép sự thịnh suy của các triều đại, các đời vua chúa… lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc qua từng thời đại để con cháu tự hào, tri ân tổ tiên và có trách nhiệm bảo vệ và xây dựng đất nước mình cường thịnh hơn.

Phả ghi từ lai lịch ông bà thủy tổ đến hành trạng của từng thành viên trong họ tộc cho đến thế hệ hôm nay, ghi chuyện làm ăn, chuyện thờ phụng tổ tiên, chuyện giỗ chạp, chuyện học hành, chuyện xây dựng và bảo vệ tổ quán, chuyện hay, chuyện chưa làm được của dòng họ.

Đọc gia phả để hiểu lịch sử của dòng họ, biết công lao của tổ tiên mình trong quá trình lập nghiệp và phát triển dòng họ, biết được về quan hệ thế thứ của những người trong họ, biết được những truyền thống tốt đẹp của dòng họ mình cũng như những điều chưa thực hiện được của những bậc tiền nhân để các thế hệ nối tiếp của họ tộc tiếp tục xây dựng dòng họ mình phát triển hơn nhằm góp phần vào việc xây dựng đất nước.

Ông tổ họ Phan từ miền Ngoài vào đất Gia Định, đến lập nghiệp tại Tây Thới thôn Tân Thới Nhì, huyện Bình Long, tỉnh Gia Định nay là ấp Tân Lập, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã lao động cật lực đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt và thú dữ, phát hoang, khai khẩn đất đai, tạo lập ruộng vườn xây dựng tổ quán cho dòng họ ta. Con cháu các chi hiện nay một số vẫn còn sống trên đất tổ.

Trải qua nhiều thế hệ, hậu duệ họ Phan ta cần cù lao động để sống, đã tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ góp phần vào việc giải phóng quê hương đất nước. Truyền thống đó đáng được ghi vào gia phả để các thế hệ mai sau học tập và phát huy.

Do chiến tranh và do việc làm ăn, công tác nên con cháu họ Phan ta đã có một số xa rời tổ quán, sống nhiều nơi từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh lân cận, một số định cư tại nước ngoài, ít liên hệ nhau. Con cháu từng chi chưa biết nhau hết. Việc giỗ chạp, phụng thờ tổ tiên mỗi gia đình tự lo, không qui tụ được hết họ hàng. Các bậc lão thành trong họ rồi cũng qua đời, một số hiểu biết về dòng họ cũng mai một. Do vậy, nếu không lập gia phả, con cháu sẽ xa dần cội nguồn, quan hệ thân tộc có nguy cơ phai nhạt, họ hàng không biết nhau không tránh khỏi việc sơ xuất trong giỗ chạp, thăm viếng, kết hôn.

Do đó việc lập gia phả cho dòng họ ta hiện nay là rất cần thiết.

Tôi được sinh ra và lớn lên trên quê hương bên ngoại là ấp Bàu Sim, huyện Củ Chi – vùng Đất Thép. Cha tôi hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp lúc tôi mới lên 3. Năm đó, mẹ tôi lao động khó nhọc rồi qua đời vì cơn bệnh nặng. Tôi trở thành đứa trẻ mồ côi. Tôi được ông bà ngoại nuôi, các chú, bác cán bộ cách mạng đóng ở nhà bà Ngoại dạy tôi làm cách mạng. Tôi thoát ly gia đình theo cách mạng rất sớm nên biết rất ít về quê nội và bà con bên nội.

Sau khi hòa bình lập lại, dù bận rộn nhưng tôi vẫn lo việc họ. Tôi có tìm hiểu biết được một số bà con bên nội, biết được mộ ông bà cố, cải táng mộ ông bà nội gần nhau, tìm mộ cha, còn việc lập gia phả thì chưa làm được.

Nay tôi biết có Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả chuyên dựng gia phả cho các dòng họ nên tôi nhờ tổ chức này dựng gia phả cho họ Phan để qua đó giúp con cháu biết được cội nguồn, quan hệ dòng họ, biết được truyền thống tốt đẹp của họ tộc để cùng nhau đoàn kết, thắt chặt tình thân tộc, cùng nhau xây dựng dòng họ mình tốt hơn và cũng để góp phần xây dựng quê hương đất nước.

Họ Phan ta không có phả gốc, không có tư liệu gì về dòng họ cho nên việc lập gia phả này rất khó khăn, song sự nhiệt tình cộng tác tích cực của bà con họ tộc nên bộ gia phả này cơ bản đã hoàn thành. Hiện còn một số người trong họ ta chưa tìm được hậu duệ, hành trạng, mong toàn thể bà con tiếp tục tìm hiểu để bổ sung cho hoàn chỉnh.

Bộ gia phả này có cấu trúc như sau:

- Lời tựa:Nêu lý do dựng gia phả.

- Phả ký: Ghi tóm tắt lịch sử của dòng họ từ khởi thủy đến nay và xác định tính ưu việt của dòng họ.

- Phả hệ: Ghi đầy đủ họ tên, năm sinh, năm mất, giỗ mộ (nếu đã qua đời) và hành trạng từng người của từng thế hệ.

- Ngoại phả: gồm những bài viết về tiểu sử một số nhân vật tiêu biểu, về việc thờ cúng tổ tiên, nhà thờ họ, đình, miếu v.v…

Tôi rất trân trọng sự nhiệt tình đóng góp của bà con trong họ tộc, ghi nhận công sức của bác Phan Hoàng Ngỡi (đời IV, chi I) đã có công sưu tầm một số tư liệu về dòng họ Phan ta. Chính những tư liệu này đã làm cơ sở cho việc truy tầm để hình thành bộ gia phả. Chúng tôi cũng ghi nhận công lao của ông Phan Văn Mảnh đã tích cực hướng dẫn chúng tôi đến với bà con và cung cấp nhiều thông tin quan trọng về dòng họ và bổ sung chỉnh sửa để bộ gia phả được hoàn chỉnh. Đại diện tộc Phan, tôi xin gởi lời cám ơn đến Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Thành phố Hồ Chí Minh đã hợp tác cùng dòng họ để dựng bộ gia phả này.

Gia phả này được sử dụng trong dòng họ song các nhà khoa học có thể dùng để nghiên cứu. 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày … tháng … năm 2011 

Hậu duệ đời V, chi III

Phan Trung Kiên

 

PHẢ KÝ

I. ẤP ĐỒN - TỔ QUÁN CỦA HỌ PHAN… NGÀY ẤY BÂY GIỜ

Theo lời kể của ông Phan Hoàng Ngỡi, người cao tuổi của chi I thuộc đời IV và nghiên cứu tư liệu của ông về họ Phan của mình thì được biết ông Tổ đời một của ông vào lập nghiệp tại ấp Đồn (nay là ấp Tân Lập), xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi gặp gỡ một số các vị lão thành trong tộc Phan cũng đều cho biết tổ quán của họ là ấp Đồn. Do vậy ấp Đồn hay ấp Nhị Tân (nay là ấp Tân Lập) là tổ quán họ Phan.  

Từ nhà ông Phan Hoàng Ngỡi ở đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình đi thẳng ra ngã tư Bảy Hiền đi theo đường Trường Chinh ra Quốc Lộ 22, đi thẳng qua khỏi ngã tư Hóc Môn đến ngã tư Quốc Lộ 22 và đường Dương Công Khi, trước là ngã ba ấp Đồn (hay ngã ba Hồng Châu) mà nay là ngã tư, rẻ trái vào đường Dương Công Khi, đi thẳng độ 100m quẹo tay phải là vào địa phận ấp Tân Lập, chạy theo cua chữ S là địa phận đất của ông tổ. Một số hậu duệ của ông Phan Văn Ai, Phan Văn Nhi và ông Phan Văn Y vẫn sinh sống ở đó.

Ấp Đồn (nay là ấp Tân Lập) nằm trên vùng đất xã Tân Thới Nhì là một trong 12 xã và thị trấn Hóc Môn thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Ấp Đồn được hình thành rất sớm, từ thế kỷ 17 cùng với sự hình thành của xã Tân Thới Nhì và vùng đất Hóc Môn.

Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức thì Hóc Môn được hình thành cách đây 300 năm.

Đầu thế kỷ XVI, vùng này còn hoang vu chưa ai khai phá song đến đầu thế kỷ XVII đã có những người dân Việt từ vùng Thuận Quảng không chịu được chiến tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh – Nguyễn kéo dài gần 200 năm, làm cho nhân dân lầm than cơ cực. Họ là nông dân nghèo khổ, những người trốn sưu cao thuế nặng, những binh lính đào ngũ, những tù nhân bị lưu đày, những người giàu có nghe lời rủ rê đi tìm vùng đất mới để mở rộng cuộc sống.

“Đồng Nai gạo trắng như cò

Bỏ cha, bỏ mẹ xuống đò theo anh”

Những nông dân đầu tiên đến vùng đất này phải lao động gian khổ, phải đấu tranh chống thiên nhiên khắc nghiệt, chống thú dữ “dữ như cọp Vườn Trầu”, ra sức khai phá rừng rậm, bãi hoang, cuốc đất đắp bờ, trồng tỉa, chăn nuôi, tạo vùng đất hoang vu này trở thành vùng đất chuyên canh màu mở. Họ trồng lúa, trồng hoa màu rồi trồng cây ăn trái. Đặc biệt là trồng trầu, trầu cau Bà Điểm có tiếng ngon trong cả nước. Trầu thì lá nhỏ vàng tươi, còn cau thì dày, trắng và lớn ruột có mùi thơm ngon, không chát. Dần dần vùng đất Hóc Môn đã hình thành 18 thôn Vườn Trầu.

Từ năm 1698 đến năm 1731 theo Gia Định Thành Thông Chí ghi đã có 6 thôn Vườn Trầu đầu tiên được thành lập trong đó có thôn Tân Thới Nhì. Sáu thôn này là trung tâm của 18 thôn Vườn Trầu ở Hóc Môn. Như vậy, thôn Tân Thới Nhì là 1 trong 6 thôn được hình thành sớm.

Theo địa bạ Minh Mạng được lập năm 1836 thì thôn Tân Thới Nhì thuộc tổng Dương Hòa Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình.

Vị trí, giới hạn, diện tích được ghi như sau:

Tân Thới Nhì thôn ở xứ Hóc Môn – nơi có bảo Tây Hoa. 

- Phía Đông giáp địa phận hai thôn: Tân Thới Tam và Tân Thới Trung.

- Phía Tây giáp Tân Thới Đông, đường thiên lý rồi thôn Xuân Thới.

- Phía Nam giáp thôn Xuân Thới rồi thôn Tân Phú Trung.

- Phía Bắc giáp địa phận thôn Tân Thới Đông.

Thực canh ruộng đất: 31 mẫu, 9 sào, 6 thước chia ra như sau:

- Sơn điền: 28.9.6.0

- Đất vườn trầu: 6.0.0.0 (6 mẫu)

- Đất Bảo Tây hoa: nửa sở

- Gò đồi: 1 khoảnh

- Rừng già: 2 khoảnh

Phân canh cho các chủ điền: Lê Văn Tân, Phan Văn Diều, Đỗ Văn Phái, Lê Văn Thân, Trần Văn Nhi, Nguyễn Văn Định, Trương Văn Tề, Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Văn Thới.

Thôn trưởng: Lê Văn Hòa đóng dấu

Dịch mục: Nguyễn Viết Quang điềm chỉ

Qua địa bạ thôn Tân Thới Nhì xưa, nay là xã Tân Thới Nhì cho thấy vùng đất Tân Thới Nhì từ đầu thế kỷ XIX đã là một đơn vị hành chánh có tổ chức quy củ, có vị trí giới hạn rõ ràng và đất đã được phân loại cụ thể.

Diện tích đất có thay đổi song tên gọi vùng đất vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Từ năm 1836 đến 1841 thôn Tân Thới Nhì thuộc huyện Bình Long (do phần đất từ huyện Bình Dương tách ra), tổng Dương Hòa Thượng, phủ Tân Bình. Đến năm 1855 thì thuộc phủ Tây Ninh.

Từ năm 1862 khi thực dân Pháp chiếm ba tỉnh Miền Đông Nam Kỳ, đơn vị hành chánh vẫn giữ nguyên chỉ thay đổi quan lại cai trị. Huyện lỵ Bình Long vẫn đóng tại làng Tân Thới Nhì.

Từ năm 1888 (sau khởi nghĩa 18 thôn Vườn Trầu), huyện Bình Long đổi thành quận Hóc Môn, thì làng Tân Thới Nhì thuộc quận Hóc Môn.

Thôn Tân Thới Nhì từ thuở khai nguyên gồm cả phần đất chợ Hóc Môn, dinh quận và đình làng Tân Thới Nhì. Ranh giới phía Đông là con rạch chia thành địa phận Tân Thới Tam. Không có tài liệu nào liệt kê tên các ấp mà chỉ biết tên hai ấp là ấp Tây Thới và ấp Nam Thới nằm dọc quốc lộ. Năm 1859, khi thực dân Pháp kéo quân vào đánh thành Gia Định, rồi kéo quân lên Hóc Môn lập đồn binh ở ấp Tây Thới, bị quân của Trương Công Định do tri huyện Đặng Văn Duy (quê ở Bàu Sim) đánh đồn, giết chết tên quan ba chôn gần ngã ba gọi là mả thằng Tây, từ đó ấp Tây Thới mang địa danh ấp Đồn.

Dưới thời chính quyền cũ thời Ngô Đình Diệm, khi lập ấp Tân Sinh thì làng Tân Thới Nhì có 5 ấp: Dân Tiến, Nhất Trí, Dân Thắng, Nhị Tân và Thống Nhất. Ấp Đồn được đổi tên thành ấp Nhị Tân có diện tích 1.007ha16 dân số trên 25.000 người. Nhị Tân là tên ấp có tổ tiên họ Phan cư ngụ ban đầu. Những năm đầu thời kỳ chống Mỹ, một cô gái có nhan sắc tên Quan Thị Hồng Châu lập quán nước tại ấp Nhị Tân. Năm 1967, đế quốc Mỹ và tay sai lại lập đồn binh ở ngã ba ấp Nhị Tân, ta lại đánh sập lần nữa. Cô gái bán nước giải khát tên Quan Thị Hồng Châu bị trúng đạn của quân biệt động chết. Nhân dân ấp Đồn gọi nơi đây là ngã ba Hồng Châu. Địa danh này vẫn còn phổ biến đến nay.

Theo Quyết định số 80QĐ/UB ký ngày 4/5/1977 thị trấn Hóc Môn được thành lập và tách ra từ xã Tân Thới Nhì gồm một phần ấp Dân Thắng và một số ấp của xã Tân Hiệp và Thới Tam Thôn. Phía Tây xã Tân Thới Nhì có 3 ấp: Dân Thắng I, Nhị Tân và Thống Nhất. Sau 3 ấp này chia thành 6 ấp: Dân Thắng I, Dân Thắng II, Thống Nhất I, Thống Nhất II, Nhị Tân I và Nhị Tân II.

Từ năm 1999, hai ấp Nhị Tân I và Nhị Tân II tách lập thêm ấp Tân Lập cho đến ngày nay. Tổ quán họ Phan ta ở ấp Tân Lập. 

Đồn không còn, mả thằng Tây bị Việt Minh đập bỏ chỉ còn lại danh xưng như nhắc lại lịch sử một thời đấu tranh của nhân dân ấp Tân Lập cùng với nhân dân 18 thôn Vườn Trầu của quận Hóc Môn chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Vùng đất Tân Thới Nhì nói chung và ấp Tân Lập nói riêng do bàn tay lao động của nông dân và nhân dân lao động nghèo đã lao động cật lực tạo thành vùng đất màu mỡ có đồng ruộng phì nhiêu, vườn cây ăn trái ngọt ngào, những vườn rau xanh bát ngát, đặc biệt là những vườn trầu, cau xanh tươi nồng nàn rợp lá.

Trong lao động để sống, bà con đã đoàn kết, tương trợ nhau để xây dựng được tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, đùm bọc nhau trên quê hương mới. Rồi chiến tranh đã xảy ra trên quê hương này, khốc liệt nhất là hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đến cuối thế kỷ XX (1859 - 1975).

Thừa hưởng truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc, nhân dân ấp Tân Lập nói riêng và 18 thôn Vườn Trầu nói chung phải đấu tranh gian khổ với hai kẻ thù lớn mạnh, có vũ khí tối tân là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ hơn một thế kỷ, từ năm 1858 đến 30/4/1975 mới giải phóng được quê hương, đất nước

Từ khi hòa bình lập lại đến nay hơn 30 năm, nhân dân ấp Tân Lập đã không ngừng xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế xây dựng văn hóa. Ấp Tân Lập liên tục đạt danh hiệu là ấp văn hóa.

Hiện ấp có vị trí sau:

- Phía Bắc giáp xã Tân Hiệp

- Phía Đông giáp ấp Nhị Tân I

- Phía Tây giáp ấp Nhị Tân II

- Phía Nam giáp xã Xuân Thới Sơn.

Ấp có diện tích 391,3ha, dân số gồm 20.550 người.

Trong xã có các họ như: Phạm, Phan, Võ, Hà, Nguyễn, Đôn, Lê, Đặng, Huỳnh, Lý gắn bó trong việc xây dựng ấp. Hiện nay kinh tế chính là nông nghiệp, kinh tế phụ là tiểu thủ công nghiệp: tráng bánh, làm cơm cháy, trồng nấm... Trình độ đô thị hóa ấp nhanh. Hiện có 13 công ty xí nghiệp. Ấp không có đình, chùa, thánh thất, nhà thờ đạo Thiên chúa, chỉ có một tịnh thất ở nhà bà Võ Thị Trôi. Phần lớn dân theo đạo thờ cúng ông bà. 

Trong hai cuộc kháng chiến xã có 6 liệt sĩ. Trong ấp có hệ thống giao thông thủy bộ thuận lợi, đời sống tinh thần của ấp cũng được quan tâm xây dựng. Hiện ấp Tân Lập có một câu lạc bộ đờn ca tài tử, một đội bóng gồm 22 cầu thủ, 1 câu lạc bộ Cờ tướng, câu lạc bộ dưỡng sinh. Nhân dân trong ấp đoàn kết, thống nhất, phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách” tương trợ lẫn nhau quyết giữ vững danh hiệu là “ấp văn hóa”.

II. NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN DÒNG HỌ PHAN Ở ẤP ĐỒN

1. Nguồn gốc dòng họ

Họ Phan cũng như các dòng họ khác ở ấp Đồn (nay là ấp Tân Lập) là lưu dân từ miền Ngoài vào vùng đất mới Nam Bộ và không có gia phả gốc. Tổ tiên qua đời không để lại di chúc hay giấy tờ tương phân ruộng đất cho con cháu kế thừa. Do vậy việc truy tìm nguồn gốc ông Tổ tộc Phan chỉ dựa vào ký ức của con cháu trong họ tộc, khảo sát mồ mả và trích lục khai tử của đời II. 

Để khơi dậy ký ức của con cháu họ Phan, ngày 9 tháng 8 năm 2010 chúng tôi gặp ông Phan Hoàng Ngỡi – vị lão thành cách mạng – người hiểu biết nhiều về dòng họ Phan, họ bên nội của ông. Năm nay ông 89 tuổi, bị tai biến nhẹ, sức khỏe yếu nhưng trí nhớ còn minh mẫn, giọng nói do bị tai biến nên khó nghe. Ông cũng muốn lập gia phả từ lâu nên khi hòa bình lập lại sau 30/4/1975 được giải ngũ về nhà, ông vừa lo việc mưu sinh vừa đi tìm dòng họ ghi lại thành một tập tư liệu về họ nội (họ Phan), về họ ngoại (họ Trần). Tập tư liệu của ông Ngỡi đã giúp chúng tôi truy tìm dòng họ để dựng bộ gia phả này.

Qua tư liệu cũng như lời kể của ông Ngỡi thì ông chỉ biết ông nội ông là ông Phan Văn Ai và 3 em (2 trai, 1 gái) của ông là có hậu duệ liên tục đến đời thứ 7, thứ 8. Ông Ngỡi nghe mẹ ông (bà Trần Thị Nhản) kể lại thì ông cố ông là người cao tuổi nhất từ Đàng Ngoài vào, theo giúp Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn, đóng đồn ở nước Xiêm? Hết chiến tranh (không rõ năm nào) ông về vùng ấp Đồn lấy vợ rồi cùng bà khai hoang lập ấp, lập nên ruộng vườn để sinh sống, rồi sinh con, đẻ cái tạo nên dòng họ Phan. Con cháu đông đúc, qui mô rộng lớn đến 7, 8 đời. Chúng tôi gặp một số người lớn tuổi như bà Phan Thị Dơn (bà Sáu Lợi), bà Phan Thị Ngọn thì hai bà đều không ai biết ông tổ tên gì, chỉ biết ông ở miền Ngoài vào. Như vậy theo mẹ ông Ngỡi thì ông cố ông Ngỡi là người đầu tiên vào lập nghiệp ở Nam Bộ tạo ra dòng họ Phan, gốc ấp Đồn tạm gọi ông là ông Tổ đời một họ Phan.

Để biết tên ông Tổ, chúng tôi hỏi về mồ mả của ông thì được biết mồ mả ông ở ấp Đồn bằng đá ong, không có mộ bia, nay thất lạc con cháu không tìm được. Chúng tôi trích lục khai tử của ông Phan Văn Ai (con trai ông Tổ) hy vọng trong tờ khai tử có tên cha mẹ của người qua đời nhưng kết quả của việc trích lục ở Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh trả lời: “không tìm được tên và ngày chết của ông Phan Văn Ai trong sổ khai tử ở xã Tân Thới Nhì, Gia Định năm 1922”. Có thể lúc ông Phan Văn Ai qua đời, gia đình không đi khai tử hay ông Phan Hoàng Ngỡi cung cấp không đúng năm mất của ông Phan Văn Ai nên việc trích lục không có kết quả.

Như vậy ông tổ đời I của họ Phan khuyết danh.

Về tuổi của ông con cháu không biết nhưng có thể căn cứ theo tuổi con trai thứ năm của ông là ông Phan Văn Ai có ghi năm sinh trên mộ bia là năm 1839.

Theo cách tính của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thì cứ mỗi con cách nhau 2 năm, mỗi thế hệ cách nhau 25 năm, thì năm sinh của ông tổ được tính như sau:

Ông Phan Văn Ai sinh năm 1839, vậy con thứ hai của ông tổ có năm sinh là 1839 - 6 = 1833 và năm sinh của ông tổ là khoảng năm 1833 - 25 = 1808 (Gia Long năm thứ 6). Thời điểm lịch sử này đất nước đã thống nhất không còn chiến tranh.

Về nguyên nhân ông tổ vào Nam Bộ theo bà Trần Thị Nhản cung cấp là ông Tổ theo giúp Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn, đóng đồn ở Xiêm. Đó phải là giai đoạn lịch sử Nguyễn Ánh bị Tây Sơn truy nả nên cầu viện vua Xiêm, được vua Xiêm giúp 20 vạn quân kéo sang nước ta để đánh Nguyễn Huệ vào năm 1786. Trận đánh này bị Nguyễn Huệ đánh cho tan tác tại Rạch Gầm – Xoài Mút.

Từ trận Rạch Gầm – Xoài Mút nổ ra năm 1786 đến khi ông Tổ ra đời 1808 là một khoảng thời gian dài 22 năm. Sự kiện lịch sử xảy ra đến 22 năm sau ông Tổ mới ra đời thì không thể có mặt ở trận Rạch Gầm – Xoài Mút được.

Phải chăng có một thế hệ nữa trên ông Tổ mà con cháu không biết được? Như vậy, thời gian ông Tổ vào Nam chưa được xác định rõ.

Ông Tổ từ miền Ngoài vào hay cha mẹ ông sinh ra tại ấp Đồn thì con cháu ông không xác định được. Nếu theo thông tin ông Ngỡi là ông từ miền Ngoài vào thì ít nhất ông phải 20 tuổi mới thể hành trình vào Nam được và có mặt trong Nam khoảng năm 1808 + 20 = 1828 (Minh Mạng năm thứ 9). Đây là thời điểm nước ta có chủ quyền nhưng chính sách kinh tế đã lỗi thời, chính sách ngoại giao thiển cận “bế môn tỏa cảng”, không giao thiệp với các nước phương Tây. Đặc biệt là việc cấm truyền đạo Thiên chúa gắt gao, giết giáo sĩ phương Tây, tạo cơ hội cho các nước phương Tây đến xâm lược nước ta. Dậm chân một chỗ thì không tiến bộ. Đóng cửa mãi cũng sẽ có người mở cửa. Chính vì vậy mà năm 1858 liên quân Pháp và Tây Ban Nha đã nổ súng vào cửa bể Đà Nẳng mở đầu cho Pháp xâm lược Việt Nam. Thời Minh Mạng cũng có chính sách di dân vào phương Nam. Vua đã ra 15 chỉ dụ cho di dân từ miền Ngoài vào khẩn hoang lập nghiệp ở phương Nam. Ông tổ họ Phan ta đã vào Nam theo chính sách này chăng?

Xét về cơ cấu xã hội nông thôn Nam Bộ thời Minh Mạng thì đây là vùng đất mới, lưu dân từ Đàng Ngoài vào khai hoang thì hầu hết sống bằng nghề nông, lập vườn trồng cây ăn trái và làm rẫy. Chắc có lẽ ông tổ cũng sinh sống theo cách này chăng?

Theo hiểu biết của ông Phan Hoàng Ngỡi, thì bà Tổ là người Nam Bộ. Họ tên, quê quán, nghề nghiệp, năm sinh, năm mất, ngày giỗ cũng như mộ phần của bà, con cháu bà không ai biết. Hiện nay trong họ tộc không ai biết ông bà mất về bệnh gì? Giỗ của ông bà là ngày nào? Vì vậy nên không có ai giỗ ông bà Tổ.

Căn cứ theo tài liệu ông Phan Hoàng Ngỡi ghi chép về tộc Phan và qua đi thực tế khảo sát dòng họ thì được biết ông bà có 9 người con như sau:

Thứ 2, 3, 4 và 7, 8, con cháu không biết tên, hậu duệ và hành trạng. Cũng có thể những người này chết nhỏ. Riêng 3 người con trai và 1 người con gái có hậu duệ là:

- Thứ năm : Phan Văn Ai (ông nội ông Phan Hoàng Ngỡi)

- Thứ sáu : Phan Văn Nhi 

- Thứ chín : Phan Văn Y (ông cố ông Phan Trung Kiên)

- Thứ mười : Phan Thị Lộc.

Người con gái được gả về họ Lê ở xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, con chuyển sang họ Lê, nối dòng cho họ Lê. 

Ba người con trai, lấy vợ lập ra ba chi ở ấp Đồn nay là ấp Tân Lập.

• Chi thứ nhất : Ông Phan Văn Ai

• Chi thứ hai : Ông Phan Văn Nhi

• Chi thứ ba : Ông Phan Văn Y

 Tất cả ba chi này truyền tử lưu tôn đến nay là đời thứ 7, 8.

2. Sự phát triển của dòng họ

Khảo sát ba chi của họ Phan để thấy được sự phát triển về số lượng, việc làm ăn, việc học tập của con cháu qua đó thấy được mặt tốt cần phát huy, mặt hạn chế cần được xây dựng lại.

• Chi thứ nhất: Trưởng chi là ông Phan Văn Ai. Ông lập gia đình với bà Liễu (không rõ họ) có được 9 người con. Hiện nay, con cháu chỉ biết được 5 người (3 trai, 2 gái) có tên và hậu duệ. Những người con thứ 2, 3, 4, 7, 8 không rõ đã chết nhỏ hay dòng họ không truy tìm được tông tích nên không biết tên và con cháu của những người này. Người con gái thứ hai và thứ mười lấy chồng có con nối dòng cho họ khác.

Ba người con trai nối dòng cho chi này là ông Phan Văn Sở, Phan Văn Sỏi và Phan Văn Lợi. Ông Phan Văn Sở kết hôn với bà Phan Thị Nương có hậu duệ đến đời thứ 7.

Ông Phan Văn Sỏi lấy bà Trần Thị Nhản có đông đúc con cháu, nối dòng đến đời thứ 8.

Riêng ông út Phan Văn Lợi có đất cha mẹ cho ở ấp Đồn, cưới bà Nguyễn Thị Lá ở An Nhơn Tây, ở với nhau được 8 người con thì bất hòa. Vợ ông về quê mẹ ở ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây, cùng với các con. Riêng ông sống ở ấp Đồn rồi sau đó bán đất cha mẹ cho, khi sống với anh chị (ông Phan Văn Sỏi) có lúc ở với con gái ở Bến Súc, Thanh An, tỉnh Bình Dương, bệnh hoạn rồi qua đời tại nhà anh chị (ông Phan Văn Sỏi và vợ).

Các con ông mỗi người một nơi, tự mưu sinh. Dòng họ hiện nay không liên lạc được nên không rõ con cháu ông đến nay là đời thứ mấy.

Qua khảo sát chi này cho thấy con cháu ngày càng phát triển, số lượng từng thế hệ ngày càng tăng thêm. Đông đảo nhất là đời thứ V, thứ VI. Đến đời thứ VII, số lượng giảm dần do sinh đẻ theo kế hoạch.

Toàn chi có 177 người, chết nhỏ 8 người, còn lại 169 người không kể dâu, rễ, cháu ngoại. Số qua đời là 36 (21 trai và 15 gái). Số còn sinh tiền là 133 người (56 trai và 77 gái). Mặc dù chi này chúng tôi chưa tìm được đầy đủ người nhưng quy mô rất lớn. Số lượng chi này phát triển do những nguyên nhân sau:

• Mỗi gia đình sinh rất đông con (từ 9, 10 người con)

• Có người có đến 3 bà vợ, có đến 3 dòng con gồm 17 người (ông Phan Văn Thảnh đời IV).

• Con trai cũng nhiều.

Đời sống kinh tế chi này còn nhiều khó khăn. Hậu duệ ông Phan Văn Sở hầu hết ở ấp Đồn, sống nghề ruộng rẫy. Con cháu ngày càng đông, không đủ đất để canh tác phải làm thuê, làm mướn. Đến đời thứ V, thứ VI một số phải xuống thành phố chạy xe xích lô máy, buôn bán nhỏ, đời sống không ổn định.

Con cháu ông Phan Văn Sỏi và bà Trần Thị Nhản đời sống có khá hơn vì bà có được 7 mẫu ruộng của cha mẹ cho và ông cũng thừa kế đất ở ấp Đồn của cha ông để lại. Đất đai của ông bà được chia cho các con. Các con của ông bà vừa làm công nhân đồn điền cao su vừa làm ruộng. Đến đời thứ V, số lượng tăng lên, chiến tranh ngày càng ác liệt, con cháu của ông bà vừa tham gia cách mạng vừa lao động, có người xuống thành phố làm thuê mướn, chạy xe lam, phụ bán vật liệu xây dựng để sống.

Đời sống ông Phan Văn Lợi và con cháu ông bấp bênh vì vợ chồng ông không sống với nhau trọn đời để lo cho con cái. Khi ông bà chia tay nhau, bà dắt 8 con về quê mẹ làm thuê mướn hoặc lưu lạc xứ người trong cuộc mưu sinh, không tha thiết đến dòng họ. 

Sau 30/4/1975, hòa bình lập lại đời sống toàn chi có khá hơn, con cháu mới có điều kiện học hành tốt hơn. Đời II, III, IV, V đa số không biết chữ.

- Toàn chi số tốt nghiệp Cao đẳng :3 

- Tốt nghiệp đại học : 7

- Trung cấp: 2 

Tiêu biểu chi này có:

* Ông Phan Hùng Vương (đời VI) làm Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Củ Chi.

* Ông Phan Văn Kiện (đời VI) Trung tá, Chủ nhiệm hậu cần đoàn 778, đơn vị Bù Gia Mập, Phước Long, Bình Phước thuộc Quân khu 7.

* Phan Văn Riệt (Hoàng Thanh Việt) Trưởng Công an phường 1 quận Bình Thạnh.

• Chi thứ hai: Trưởng chi là ông Phan Văn Nhi. Ông lập gia đình và có 9 con. Con cháu của ông chỉ biết 6 người (4 gái 2 trai) là có hậu duệ. Bốn người con gái của ông không ai rõ các bà lấy chồng ở nơi nào, con cái ra sao. Hiện nay trong họ hàng không ai liên lạc được.

Hai người con trai nối dõi cho chi này là ông Phan Văn Dời và ông Phan Văn Ky.

Ông Phan Văn Ky có vợ nhưng không có con. Vợ chồng ông có xin một đứa con trai làm con nuôi đặt tên là Phan Văn Hòn. Ông Hòn lấy vợ và có bao nhiêu con, dòng họ không ai biết các con ông ở đâu nên không ghi vào gia phả được.

Như vậy chi này chỉ có ông Phan Văn Dời có hậu duệ đến đời thứ VII nối dòng cho chi II.

Toàn chi có 59 người, chết nhỏ 7 còn lại 52 (26 trai, 26 gái). Số đã qua đời là 12, số còn sinh tiền là 40 (19 trai, 25 gái). Số lượng chi này ít vì con gái nhiều hơn con trai. Đến đời thứ IV chỉ có 1 một trai duy nhất của ông Phan Văn Dời là ông Phan Văn Kiểu nhưng ông này có đến hai vợ gồm 18 người con làm cho đời thứ V phát triển mạnh nối dòng cho đến đời thứ VII.

Đời sống chi II rất khó khăn. Bắt đầu từ đời thứ IV trở xuống. Nguyên nhân do ông Phan Văn Kiểu là con trai một, được cha mẹ cưng chiều không lo làm ăn chỉ lo bài bạc. Khi cha mẹ qua đời, ông bán hết ruộng vườn, nhà cửa để trả nợ vì cờ bạc thua. Ông đuổi con cái ra khỏi nhà để họ phải làm thuê làm mướn, tự kiếm sống. Ông có vợ khác, ở nơi khác tiếp tục làm thuê, làm mướn cho đến lúc qua đời.

Con cháu ông là nông dân lại không có đất nên đời sống bấp bênh, thất học.

Con cháu chi này không có liên lạc nhau. Giỗ chạp phân công nhau giỗ sơ sài không qui tụ bà con. 

• Chi thứ ba: Trưởng chi là ông Phan Văn Y. Ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Bông quê ở ấp Bàu Chứa, xã Nhuận Đức. Ông bà có 9 người con, chết nhỏ 2 còn 7 người gồm 3 trai, 4 gái.

Ba người con trai nối dòng cho chi này là: Phan Văn Tề, Phan Văn Tất và Phan Văn Khoan.

Ông Phan Văn Tề qua đời khi còn độc thân. Ông Tất có 4 đời vợ có 4 dòng con. Ông Khoan có 3 đời vợ, có 2 dòng con. Hai ông nối dòng cho chi III đến đời thứ VII, thứ VIII.

Toàn chi có tất cả 86 người chết nhỏ 1 còn 85 (41 trai, 44 gái). Trong số này qua đời là 18 (12 trai, 6 gái). Số còn sinh tiền là 67 (38 trai, 29 gái).

Số lượng chi này đứng thứ hai sau chi I. Đời V, VI số lượng phát triển mạnh mẽ. Đến đời VII thì giảm dần vì sự hạn chế sinh đẻ. Quy mô chi này lớn là do:

- Gia đình đông con (mỗi gia đình từ 8 – 10 con)

- Đàn ông có nhiều vợ

- Số con trai đông hơn con gái.

Đời sống kinh tế chi này ổn định. Số ở ấp Đồn, Phước Vĩnh An thì làm ruộng rẫy, trồng cao su. Bà con ở Nhuận Đức thì làm công nhân sở cao su, số ở Sài Gòn thì làm nhân viên nhà nước, bán thuốc tây. Sau giải phóng thì đời sống khá hơn, con cháu ông Phan Văn Phụng (con trai trưởng của ông Phan Văn Tất) phần lớn ở Pháp, Mỹ, Đức, Úc.

Việc học hành, chi này được quan tâm từ đời thứ IV bắt đầu từ ông Phan Văn Phụng, nên đa số đều tốt nghiệp lớp 12, trình độ cao hơn thì có: 

- Tốt nghiệp Cao đẳng: 3 người

- Tốt nghiệp đại học: 7 người 

- Học vị Thạc sĩ : 1 người (Phan Xuân An con gái ông Phan Trung Kiên). 

Con cháu ông Phan Văn Tất có đóng góp rất lớn trong việc nâng cao trình độ và việc bảo vệ đất nước. Tuy ông bất hạnh trong việc lập gia đình, đã 4 lần cưới vợ (bà vợ này qua đời, ông tục huyền với bà khác) nhưng ông quan tâm đến việc cho con ăn học. Chính ông đã cho con đầu lòng là ông Phan Văn Phụng xuống Sàigòn học và làm việc để ông Phụng nuôi các em và các con ông tiếp tục ăn học. Cũng chính ông Tất đã cho con đi theo cách mạng và con cháu ông đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng, qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Tiêu biểu chi này là: ông Phan Văn Lượng, tham gia bộ đội Tô Ký, hy sinh, sinh ra ông Phan Trung Kiên đời V Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông đã làm rạng danh dòng họ.

Toàn thể 3 chi gồm 322 người không kể dâu rể, cháu ngoại. Chết nhỏ 16, còn lại 306 người. Số qua đời là 66. Số còn sinh tiền là 244 trong đó 113 trai và 121 gái. Tất cả là một cộng đồng khỏe mạnh, lao động trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội để tồn tại và góp phần vào bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước.

Đây là dòng họ có qui mô rất lớn, sống tập trung tại ấp Đồn (nay là ấp Tân Lập). Một số sống ở quê mẹ ấp Gò Nổi, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi. Một số ở Bàu Tròn, Bàu Chứa, xã Nhuận Đức. Một số ở xã Thanh An, huyện Bến Súc. Xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Một số mưu sinh ở Bình Phước. Một số ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng có người định cư tại Pháp, Mỹ, Úc, Đức. Dù ở đâu con cháu cũng học tập, lao động và nhớ về quê cha đất tổ.

III. HÔN NHÂN VÀ GIÁO DỤC GIA ĐÌNH TỘC PHAN

Dòng họ được hình thành là do quan hệ hôn nhân giữa họ tộc này với họ tộc khác. Trải qua nhiều thế hệ con cháu họ Phan tạo ra cộng đồng người có cùng huyết thống, gắn bó nhau bằng tình cảm thiêng liêng ruột thịt, hòa huyết trong tổ chức xã hội là đồng bào.

Từ khi chế độ phong kiến Việt Nam được xác lập vào thế kỷ thứ XV trở đi, nho giáo được lấy làm quốc giáo với nội dung cơ bản là tu thân, tề gia đưa gia đình vào khuôn phép được coi là chân lý ngàn đời thì xã hội Việt Nam đại thể được phân ra ba loại gia đình.

- Loại thứ nhất : gia đình bình dân là loại gia đình của nông dân, thủ công và các từng lớp lao động khác, được xây dựng theo mặt tích cực lễ giáo phong kiến nhưng có phần chối bỏ sự khắt nghiệt của nho giáo về hôn nhân mà quan tâm xây dựng gia đình hòa thuận, đồng vợ đồng chồng không tán thành chế độ đa thê. Vợ chồng, anh em biết nhường nhịn nhau…

- Loại thứ hai: gia đình kẻ sĩ (gia đình nhà nho)

- Và loại thứ ba: gia đình quý phái.

Ông tổ đời I của họ Phan đã đến lập nghiệp ở ấp Đồn từ đầu thế kỷ XIX, đã lao động cật lực để sống và xây dựng tổ quán. Con cháu ông đã quan hệ hôn nhân với nhiều họ tộc khác nhau như họ : Nguyễn (24 cuộc), họ Trần (14 cuộc), họ Lê (8 cuộc), họ Huỳnh (4 cuộc), họ Phan (3 cuộc), họ Bùi (2 cuộc), họ Đỗ (2 cuộc), họ Lý (2 cuộc) và các họ khác nhau nữa như: họ Trương, Lâm, Giáp, Hà, Đinh, Lữ, Dương, Thân ở ấp Đồn (nay là ấp Tân Lập), xã Tân Thới Nhì và các xã lân cận của huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh . Các tỉnh khác như Bình Dương, Bình Phước và một sốt ít người nước ngoài đã tạo ra dòng họ Phan có qui mô lớn, gồm nhiều thành phần trong xã hội như trung nông, bần nông, tiểu thương, tiểu chủ, thợ thủ công, trí thức, cán bộ nhà nước, quân đội, công an v.v… Không có địa chủ và tư sản.

Như vậy con cháu họ Phan đời I, II, III, IV từ năm 1826 – 1945 được xem là loại “gia đình bình dân” là những gia đình được xây dựng theo mặt tiến bộ của lễ giáo phong kiến và ngày nay. Hầu hết, hôn nhân họ Phan vẫn do cha mẹ định đoạt nhưng không phải môn đăng hộ đối. Khi cha mẹ qua đời thì quyền huynh thế phụ, anh thay cha mẹ lo dựng vợ gả chồng cho em. Việc chọn dâu vẫn còn tư tưởng trọng nam kinh nữ. Con dâu phải giỏi lao động, có sức khỏe tốt và nết na, hiền thục để đảm đang việc nhà, việc đồng áng, việc sinh đẻ “con đàn, cháu đống” để nối dỏi nhà chồng. Hôn nhân ít dựa trên tình yêu nam nữ.

Sau cách mạng Tháng Tám, năm 1945, phụ nữ bước ra hoạt động xã hội, sinh hoạt đoàn thể có điều kiện tiếp xúc nhiều tư tưởng tiến bộ nên các bậc sinh thành cũng giảm khắt khe khi chọn dâu, kén rễ.

Bà Nguyễn Thị Tư vợ ông Phan Văn Tỉa chi II, đời V do ông nội chồng (ông Phan Văn Dời) chọn và đứng ra cưới hỏi vì bà siêng năng, hiền hậu, lễ phép, nết na. Bà về làm dâu ông nội chồng hơn 20 năm, quán xuyến mọi việc trong gia đình chồng, phụ chồng lo việc ruộng nương cho ông nội chồng. Bà sinh được nhiều con trai nối dòng cho nhà chồng. Bà được lòng bên gia đình chồng. Bà Phan Thị Hiệp (đời IV, chi III), cha mẹ qua đời, anh là ông Phan Văn Phụng đứng ra gả chồng cho bà.

Cũng có vài trường hợp mang nặng tư tưởng “trai năm thê bảy thiếp” như ông Phan Văn Thảnh (đời IV, chi I) có đến ba bà vợ. Hai bà vợ thứ nhất và thứ nhì sống chung một nhà. Hai bà “phải sống” hòa thuận nhau.

Cũng chính vì còn nặng tư tưởng phong kiến nên tình yêu giữa ông Phan Văn Lượng (đời IV, chi III) và bà Huỳnh Thị Rơm không được cha mẹ bà chấp nhận, vì vậy, bà Rơm phải chấp nhận gian khổ ra khỏi nhà cha mẹ để sinh con và bảo vệ tình yêu của mình.

Đến đời thứ V, VI trưởng thành thì quyền bình đẳng nam nữ được hiến pháp công nhận, quan hệ hôn nhân dựa trên tình yêu chân chính, được luật pháp bảo vệ, quyền kết hôn và ly hôn. Cha mẹ và người thân có vai trò tư vấn và tổ chức cưới hỏi tùy theo từng hoàn cảnh gia đình.

Hầu hết con dâu họ Phan, gốc nông dân và nhân dân lao động là dâu hiền biết lo cho gia đình mình và lo phụng thờ nhà chồng. Bà Trần Thị Nhản vợ ông Phan Văn Sỏi (đời IV, chi I) ông bệnh và qua đời sớm (ông mất khoảng 51 tuổi), bà Nhản ở vậy thờ chồng, nuôi con và lo giỗ quảy tổ tiên nhà chồng, nuôi dạy con và cho con đi làm cách mạng.

Ông Phan Văn Ngẫm (chi I, đời IV) hy sinh khi mới 39 tuổi, bà Trần Thị Cơ, vợ ông Ngẫm không tái giá, làm thuê mướn nuôi con. Trong chiến tranh chống Mỹ ác liệt, bà phải dẫn con chạy càn liên tục, nuôi các con khôn lớn. Sau 30/4/1975, nhà nước cho khẩn đất, bà Cơ cùng các con khẩn đất trồng cao su. Hiện nay, bà đã chia đất cho các con cất nhà và trồng cao su. Cuộc sống con bà đã ổn định.

Bà Nguyễn Thị Tư vợ ông Phan Văn Tỉa (đời IV, chi II) làm dâu ông nội chồng hơn 20 năm (đã nêu ở phần trên) được lòng ông bà nội chồng và em chồng quý mến, xứng đáng là dâu thảo.

Bà Huỳnh Thị Nga vợ ông Phan Trung Kiên là một cán bộ giỏi, có năng lực, gặp lúc gia đình gặp khó khăn, bà xin nghỉ việc để chăm sóc bà ngoại chồng bệnh già, nằm một chỗ nhiều năm. Bà nuôi con nhỏ (bốn đứa) và làm kinh tế (nuôi mấy chục con heo) để cải thiện đời sống gia đình trong thời kỳ bao cấp để chồng bà yên tâm công tác. Bà lo giỗ chạp tổ tiên nhà chồng, thủ trưởng của chồng (ông Tư Dò) và cùng chồng lo cải táng mộ ông bà nội chồng, tìm mộ cha chồng – chăm lo nuôi dạy con thành đạt. Bà xứng đáng là vợ hiền dâu thảo.

Các chú rể họ Phan cũng là rể thảo, đối xử tốt với gia đình bên vợ.

Họ Phan không khoa bảng, không ai đỗ đạt làm quan, không ai biết chữ nho nhưng việc giáo dục con cái trong gia đình ít nhiều ảnh hưởng mặt tích cực của nho giáo như dạy con biết hiếu thảo với ông bà cha mẹ, biết kính trên nhường dưới, vợ chồng chung thủy, anh em biết thương yêu giúp đỡ nhau.

Việc phụng thờ tổ tiên được coi trọng.

IV. HỌ PHAN SỐNG CHIẾN ĐẤU ĐỂ BẢO VỆ QUÊ HƯƠNG, XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC

1. Việc làm ăn sinh sống của họ Phan

Sự có mặt của ông bà Tổ đời I của họ Phan ở ấp Đồn vào đầu thế XIX (1826) thì vùng đất Nam Bộ dưới sự cai trị của triều đại phong kiến Minh Mạng. Đây là thời kỳ nước ta còn chủ quyền. Cuộc sống của nhân dân 18 thôn Vườn Trầu đã ổn định với những vườn cây ăn trái ngọt ngào, những thửa ruộng phì nhiêu, những liếp trầu, những luống rau xanh tươi trong không khí thanh bình của vùng nông thôn Nam Bộ.

Nhưng bắt đầu từ năm 1858 khi tiếng súng của liên quân Pháp và Tây Ban Nha vào cửa bể Đà Nẳng mở đầu cho thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Đến năm 1867 thì vùng đất Nam Bộ đã bị đặt dưới ách thống trị của thực dân Pháp rồi đến năm 1954 thì đế quốc Mỹ thay thế. Hai cuộc chiến tranh diễn ra ác liệt giữa nhân dân ta với hai kẻ thù lớn mạnh đã làm cho đời sống của nhân dân ta vô cùng điêu đứng, khổ sở. Dòng họ ta đã chịu nhiều mất mát đau thương qua hai cuộc chiến tranh này. Ông bà tổ họ Phan và các thế hệ nối tiếp đến đời thứ IV, thứ V phải vừa lao động kiếm sống vừa chiến đấu gian khổ để giải phóng quê hương đất nước.

Ông Tổ đời I và con cháu đời II, III sống bằng nghề nông, trồng hoa màu và trồng cây ăn quả. Đến đời thứ IV, thứ V, con cháu sinh sôi nảy nở đông hơn, chiến tranh lại nổ ra nên cuộc sống các thế hệ này bắt đầu khó khăn.

Con cháu ở ấp Đồn và xã Phước Vĩnh An còn đất đai thì chia nhau tiếp tục sống theo nghề nông: làm ruộng, trồng rẫy, đươn giỏ, chăn nuôi heo, bò. Số người không có đất thì làm thuê làm mướn, đời sống bấp bênh.

Đông đảo con cháu ở ấp Gò Nổi, xã An Nhơn Tây, ấp Bàu Chứa, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi có nhiều đất đai hơn nên đời sống khá hơn, vừa làm công nhân cạo mũ cao su vừa làm ruộng và làm thêm nghề thủ công truyền thống như đươn bồ lúa, đươn giỏ. Một số ít xuống Sàigòn học hành làm việc ở thành phố. Nhưng do chiến tranh cuộc sống con cháu cũng lao đao vì phải lao động dưới bom đạn của kẻ thù vừa phải chiến đấu chống lại chúng.

Sau khi hòa bình lập lại, đời sống và việc học hành của chi này có điều kiện tiến bộ hơn. Đã có người làm thẩm phán, luật sư, có người là công nhân trong các công ty, xí nghiệp, có người làm thợ may, có người trồng nấm, dạy học, lái xe nhưng cũng có người làm thuê mướn sống qua ngày. Một số người định cư tại nước ngoài cũng lao động, cuộc sống khá giả hơn, một số sống trong quân đội ăn lương nhà nước.

Nhìn chung con cháu họ Phan ai cũng có công việc làm ăn chính đáng, không ai làm gì có hại đến uy tín và danh dự của dòng họ.

2. Việc chiến đấu để bảo vệ quê hương

Năm 1867, khi Nam Kỳ lục tỉnh đã trở thành xứ thuộc địa của thực dân Pháp, thì ông Tổ đời I, II vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng của sự áp bức, bóc lột của thực dân Pháp. Các ông phải chịu sưu cao thuế nặng. Không rõ, các ông bà có đứng trong hàng ngũ nghĩa quân của Trương Định hay trong cuộc khởi nghĩa 18 thôn Vườn Trầu không? Việc này chưa có tư liệu để xác địng rõ.

Bắt đầu thế hệ thứ IV, thứ V trưởng thành thì con cháu nội, ngoại, dâu, rể của ba chi đều tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam.

Người tham gia cách mạng sớm nhất là ông Phan Hoàng Ngỡi (đời IV, chi I) tiếp theo ông là ông Phan Văn Ngẫm.

Ông Ngỡi là công nhân cao su sở cao su ở Gò Nổi từ năm 14 tuổi và giác ngộ cách mạng trong hàng ngũ công nhân. Năm 1938, ông thoát ly gia đình theo cách mạng qua hai cuộc kháng chiến. Năm 1947, ông vào đảng. Ông tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 rồi tham gia cướp chính quyền ở Sàigòn 25/8/1945 đến 9 năm kháng chiến và suốt trong thời kỳ đánh Mỹ. Tháng 8/1976, ông về hưu và tích cực tham gia công tác địa phương. Ông là một vị lão thành cách mạng của họ Phan.

Ông Phan Văn Ngẫm tham gia cách mạng ở ấp Gò Nổi. Ông là cán bộ thông tin xã An Nhơn Tây. Đến năm 1954, ông được chọn đi tập kết ra Bắc song bà nội đau nặng, ông xin ở lại công tác. Ông nhập ngũ và đơn vị chuyển lên xã Thanh An, Bình Dương. Năm 1968 ông hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân được tổ quốc ghi công.

Bà Phan Thị Ngọn con gái đầu lòng của ông Phan Văn Lợi (đời IV) có chồng về xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Trong quá trình sinh sống bà cùng chồng là ông Nguyễn Văn Quế và các con tham gia kháng chiến chống Mỹ. Vợ chồng bà nuôi giấu cán bộ cách mạng, ủng hộ lương thực, thực phẩm. Hai con trai bà là Nguyễn Văn A, Nguyễn Văn Xe đã hy sinh được công nhận là liệt sĩ khi còn độc thân. Gia đình bà được nhà nước tặng “Bảng vàng danh dự”. Bà có huy chương kháng chiến hạng II. Hiện nay, bà trên 100 tuổi, ở nhà tình nghĩa, hưởng chế độ liệt sĩ của con.

Tiếp bước thế hệ đi trước, đông đảo thế hệ thứ V cùng nhau đánh Mỹ.

Ở ấp Đồn có ông Phan Văn Tốt làm giao liên cho ông Trần Văn Trà, sống hợp pháp. Em ông là Phan Văn Hùng đã rải truyền đơn bị bắt cùng với tư liệu, bị địch bỏ tù, tra tấn đến bệnh hoạn. Khi ra tù, ông chữa không khỏi bệnh nên đã qua đời.

Đông đảo nhất là ở ấp Gò Nổi, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, ba người con gái, con rể và cháu ngoại ông Phan Văn Rảnh là những người có công cách mạng, những liệt sĩ chống Mỹ: bà Phan Thị Lặc cùng chồng ủng hộ cách mạng. Con gái bà là Trương Thị Dễ đã nhập ngũ tháng 1 năm 1966, trong đơn vị đoàn 83 cục Hậu cần Miền. Trong công tác bà đã hy sinh khi tuổi còn thanh xuân, chưa có gia đình.

Bà Phan Thị Đăng có chồng là Nguyễn Văn Lia đều có huy chương kháng chiến chống Mỹ vì ông là du kích xã An Nhơn Tây, bà có công nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực cho cách mạng.

Riêng bà Phan Thị Re (em kế bà Đăng) đã theo cách mạng khi chưa lập gia đình. Trong công tác bà gặp ông Lê Văn Thả, trưởng ban nông hội ấp Gò Nổi được tổ chức làm lễ tuyên bố tác hợp nên vợ nên chồng. Năm 1966, ông đã hy sinh. Con gái ông bà là Lê Thị Khuya làm công dân hỏa tuyến, đã hy sinh năm 1968, là liệt sĩ. Hai cha con đều là liệt sĩ.

Ông Phan Văn Thảnh bị địch bắn chết, năm người con ông (4 trai và 1 gái) theo cách mạng đánh Mỹ ở Gò Nổi, An Nhơn Tây.

Ông Phan Văn Vẻn là con cả ông Thảnh thoát ly từ năm 1959 làm y tá ở chiến khu Dương Minh Châu, sau chuyển công tác qua ngành quân báo thuộc Trung ương Cục. Trong đơn vị có người chiêu hồi. Sợ bị điềm chỉ, ông phải xuống Sàigòn phụ người cô bán vật liệu xây dựng đồng thời để lánh mặt nên bị mất liên lạc. Đến giải phóng, ông trở về Gò Nổi tiếp tục công tác. Ông có huân chương kháng chiến hạng III. Ông Phan Văn Tứ (em thứ bảy của ông Vẻn) cùng vợ là Trần Thị Rép, tham gia đánh Mỹ ở ấp Trung Hưng, xã Trung Lập, huyện Củ Chi. Ông làm quân báo. Trong công tác bị thương tật 53% được xếp loại thương binh 13/4 được đưa ra Bắc chữa bệnh. Đến năm 1973 về Nam ông tiếp tục công tác cho năm 1978, ông được điều sang Campuchia trong công tác bảo vệ biên giới Tây Nam. Vợ ông làm giao liên, làm bàn đạp cho Thành đoàn. Bà là cơ sở của bà Sáu Hòa.

Ông Phan Văn Mảnh (con đầu của bà vợ thứ 2 của ông Thảnh), là Bí thư xã An Nhơn Tây năm 1966. Năm 1968, ông được điều về tổ quân báo. Năm 1969, người chỉ huy ông chiêu hồi. Ông xuống Sàigòn chạy xe lam và bị đứt liên lạc cho đến ngày giải phóng.

Ông Phan Văn Mão (em ông Mảnh) là Tiểu đội trưởng đội trinh sát thuộc đơn vị phía Bắc Củ Chi, đã hy sinh năm 1968, là liệt sĩ. Em gái ông Mão là Phan Thị Tể, làm du kích xã An Nhơn Tây, sau chuyển qua làm y tá. Trong công tác, bà đã hy sinh, được công nhận liệt sĩ.

Trong hai cuộc kháng chiến, toàn chi I có 8 liệt sĩ (3 họ Phan, 1 rể và 4 cháu ngoại), 1 gia đình vẻ vang và nhiều gia đình có công cách mạng.

Chi thứ II. Đây là chi có số lượng thấp nhất, đời sống kinh tế khó khăn, con cháu không có liên lạc nhau nhưng ông Phan Văn Tỉa cũng là giao liên, du kích xã.

Chi thứ III. Con cháu ông Phan Văn Tất lập được nhiều thành tích là vẻ vang cho dòng họ qua hai cuộc kháng chiến.

- Ở ấp Bàu Chứa, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi có ba con trai ông Phan Văn Tất tham gia chống Pháp và một cháu nội chống đế quốc Mỹ.

- Ông Phan Văn Tuần (Hành) cùng em là ông Phan Văn Độ tham gia cách mạng rất sớm từ thời tiền khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám năm 1945, họat động trong Chi đội 12 của ông Tô Ký. Hai ông bị địch bắt và cùng bị giết một lượt cùng với 14 người tại Cầu Xáng, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn năm 1947.

Em ông là ông Phan Văn Lượng thoát ly năm 1940, công tác võ trang tuyên truyền, hoạt động trong Chi đội 12. Ông Lượng giỏi chiến đấu, làm công tác kinh tài rất tốt, làm ra lúa gạo để nuôi quân cho Chi đội 12. Ông hy sinh năm 1947, là liệt sĩ chống Pháp.

Con trai ông Phan Văn Lượng là ông Phan Trung Kiên. Cha hy sinh, mẹ qua đời sớm. Được ông bà ngoại nuôi, nhân dân Củ Chi đùm bọc. Mới lên 10 tuổi ông đã làm thông báo viên, liên lạc viên. Năm 19 tuổi, ông đã biết đặt mìn diệt ác ôn ở ấp Bàu Sim, xã Tân Phú Trung, rồi làm chiến sĩ biệt động, luôn lập thành tích xuất sắc gây nổi kinh hoàng cho địch để rồi trở thành người chỉ huy quân sự từ cấp úy đến nay là Thượng tướng.

Vợ ông là bà Huỳnh Thị Nga cũng đã thoát ly theo cách mạng từ năm 1960, công tác tại quân y Gò Môn cho đến năm 1981 mới xin nghỉ để chăm sóc gia đình cho chồng yên tâm công tác.

Toàn chi III có 3 liệt sĩ, trong suốt 2 thời kỳ kháng chiến, song có nhiều đóng góp cho cuộc giải phóng quê hương đất nước, làm vinh danh dòng họ.

Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ con cháu ba chi họ Phan đem hết nhiệt tình cách mạng trong công cuộc đấu tranh để giải phóng quê hương đất nước.

Toàn dòng họ đã có 11 liệt sĩ, trong đó có 3 thời chống Pháp, 8 thời chống Mỹ, 3 thương binh và 1 mất tích.

Khi hòa bình lập lại con cháu họ Phan học tập, lao động trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội để cải thiện cuộc sống và góp phần xây dựng đất nước.

 V. ĐẶC ĐIỂM CỦA DÒNG HỌ

Ông tổ họ Phan đã định cư lập nghiệp ở ấp Đồn (nay là ấp Tân Lập) từ đầu thế kỷ thứ XIX đến nay gần 200 năm, đã truyền tử lưu tôn đến nay là đời thứ VIII, đã tạo ra hậu duệ đông đúc với quy mô rất lớn. Qua quá trình lao động, chiến đấu chống ngoại xâm và xây dựng đất nước, họ Phan đã hình thành được những phẩm chất đạo đức của dòng họ mình như sau:

• Tính cần cù lao động : con cháu họ Phan hầu hết cần mẫn siêng năng lao động, sống giản dị, chân thật.

 Người có đất thì trực tiếp canh tác: trồng lúa, trồng hoa màu, chăn nuôi. Người làm công nhân cạo mũ cao su thì tranh thủ đươn bồ đựng lúa, đươn giỏ bán để kiếm thêm thu nhập, không lúc nào rảnh tay. Người không có đất như ông Phan Văn Mảnh thì mướn ruộng để làm rồi tranh thủ cấy thuê, gặt mướn và làm cách mạng. Khi được phân công công tác ở nội thành thì xoay qua nghề chạy xe lam. Hiện nay, ông đã cao tuổi nhưng vẫn còn ngồi may gia công cả ngày và tích cực làm công tác khu phố.

Khi chiến tranh diễn ra ác liệt thì một số bà con chạy xuống thành phố làm phu khuân vác, bán vé số (bà Phan Thị Ven), chạy xe xích lô máy (ông Phan Văn Tốt) và hiện nay con cháu ông Phan Văn Kiểu vẫn làm thuê, mướn sống qua ngày. Cháu nội ông Phan Văn Cội vẫn đươn giỏ bội kiếm được đồng lương ít ỏi để nuôi mẹ già bị mù. Đó là điểm đáng quý đáng trân trọng.

• Một đặc điểm là những người trong họ sống ly tán, không liên lạc nhau, không biết nhau hết. Đặc điểm này do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trước hết là do con trai họ Phan theo về quê vợ như ông Phan Văn Sỏi (đời III, chi I) về ấp Gò Nổi, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi vì bà Trần Thị Nhản vợ ông được cha mẹ cho 7 mẫu đất. Ông bà về đó để canh tác và lập nghiệp ở đó sinh con đẻ cháu đông đảo ở Gò Nổi.

Cũng có người theo về quê mẹ vì cha mẹ bất hòa như ông Phan Văn Tất và em là Phan Văn Khoan đời III, chi III theo mẹ về xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi. Riêng ông Phan Văn Ngẫm (đời V, chi I) đi bộ đội đóng quân ở xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương rồi lập gia đình sinh con đẻ cháu và hy sinh ở đó. Con cháu ông Phan Văn Phụng (đời V, chi III) học hành và làm việc ở Sài Gòn. Sau giải phóng ra nước ngoài (nước Pháp) công tác. Con gái thì lấy chồng ngoại quốc sống ở Anh, Pháp, Đức. Con cháu ông Phan Văn Lợi (đời III, chi I) do nghèo phải tha phương cầu thực ở Bình Dương, Sông Bé không tha thiết đến dòng họ.

Riêng ông Phan Trung Kiên do sớm mồ côi cha mẹ, ở với ông bà ngoại ở xã Tân Phú Trung học hành và hoạt động cách mạng nên ít biết bà con bên nội. Một nguyên nhân nữa là việc giỗ ông bà tổ tiên họ Phan, gia đình nào nấy lo, không có điều kiện tập trung họ hàng. Họ Phan không có nhà thờ tổ hay nhà từ đường, không có giỗ tổ nên con cháu các chi không gặp nhau, lại không có gia phả nên không biết nhau. Hy vọng khi có gia phả, họ hàng sẽ biết nhau và gắn bó nhau hơn để chăm lo việc họ. 

• Một điểm đáng quý nữa của họ Phan là tấm lòng hiếu thảo đối với tổ tiên. Dù không có nhà thờ tổ nhưng hầu như nhà nào cũng có bàn thờ để thờ ông bà mình. Nhà ông Phan Trung Kiên bàn thờ tổ tiên được đặt trang nghiêm nơi gian giữa, có cả bàn thờ thủ trưởng của ông. Ông còn cất nhà thờ, lập bàn thờ để thờ ông bà ngoại ở ấp Bàu Sim. Việc giỗ quảy của cha mẹ, ông bà nội, ngoại, vợ chồng ông lo nghiêm túc.

Việc chăm sóc, cải tạo mồ mả tổ tiên được coi như bổn phận thiêng liêng của con cháu.

Ngoại trừ mộ ông bà Tổ đời I bị thất lạc nên con cháu không có chăm sóc. Riêng hậu duệ các chi đều lo cúng giỗ và chăm sóc, cải tạo mồ mả ông bà mình chu đáo. Mộ ông Phan Văn Ai và bà được con cháu dựng mộ bia bằng đá xanh. Mộ bà Nguyễn Thị Bông vợ ông Phan Văn Y (đời II) ở Bàu Chứa được dời về ấp Đồn để gần ông. Ông Phan Trung Kiên đã đưa mộ bà nội về nghĩa trang ấp Bàu Chứa để được gần ông nội là ông Phan Văn Tất và tìm mộ cha ông và xây bia cho hai bác ở gần ông bà nội.

Ngày 25 tháng Chạp âm lịch, con cháu dù bận mấy cũng sắp xếp để viếng mộ ông bà, cha mẹ, dãy cỏ, thắp hương, cúng mộ. Đó là nét đẹp của nền văn hóa dân tộc cần được giữ gìn.

• Một đặc điểm nửa của dòng họ là sự đoàn kết, thương yêu của các anh em cùng cha khác mẹ. Ông Phan Văn Thảnh (chi I, đời IV) có ba bà vợ, có ba dòng con nhưng các con thương nhau, không phân biệt khác mẹ. Ông Phan Văn Tất (chi III, đời III) có bốn đời vợ, bốn dòng con nhưng con đầu lòng dòng lớn là ông Phan Văn Phụng chăm lo việc học hành cho các em không phân biệt khác dòng và đứng ra dựng vợ gả chồng cho các em khi cha mẹ qua đời (ông gả chồng cho bà Phan (Huỳnh) Thị Hiệp em con dòng thứ ba). Đó là điểm tốt của việc giáo dục gia đình.

• Điểm nổi bật của họ Phan là tinh thần cách mạng triệt để. Hầu hết con cháu họ Phan đời IV, V cả ba chi dù thoát ly gia đình hay hoạt động tại chỗ đều quyết tâm theo Đảng làm cách mạng triệt để. Họ chấp nhận gian khổ, nguy hiểm, hy sinh, mất mát chiến đấu đến cùng để giải phóng quê hương bảo vệ đất nước, không bỏ hàng ngũ để theo địch. Ông Phan Hoàng Ngỡi giác ngộ cách mạng rất sớm từ thời tiền khởi nghĩa, trải qua hai thời kỳ kháng chiến công tác dù có lúc khó khăn cũng không nản lòng. Ông Phan Văn Mảnh (đời V chi I) hoạt động cách mạng tại ấp Gò Nổi, bị địch bắt quân dịch. Khi được về phép ông chặt 3 ngón tay và báo cáo với địch là bị chém nên được giải ngũ, về tìm cách liên lạc để tiếp tục công tác nhưng không được…

Tuổi trẻ họ Phan đã có người tình nguyện làm du kích, đi bộ đội, làm dân công… và chiến đấu dũng cảm, đã hy sinh khi tuổi còn thanh xuân như : bà Phan Thị Tể, Phan Văn Mạo, Trương Thị Dễ, Lê Thị Khuya, Nguyễn Văn A, Nguyễn Văn Xe…

Người thề suốt đời theo đảng làm cách mạng lấy sự chiến đấu và hoạt động cách mạng làm lẽ sống là ông Phan Trung Kiên (đời V, chi III). Trong chiến đấu ông vượt qua nhiều khó khăn gian khổ: 7 tháng nằm hầm không thấy mặt trời, chịu ngột ngạt, nóng bức, mụn nhọt mọc đầy mình, đầu óc căng thẳng để theo dỏi địch ông vẫn không nản lòng thoái chí, vượt qua chính mình để đem hết tài năng, sức lực cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Hòa bình lập lại, thì nhiệt tình vẫn không đổi, ông tiếp tục cống hiến cho cách mạng quyết đến hơi thở cuối cùng như ông đã thề lúc vào đảng.

VI. XÂY DỰNG DÒNG HỌ VĂN HÓA

Bên cạnh những ưu điểm trên, họ Phan cũng còn những tồn tại cần chung tay xây dựng những vấn đề sau:

Hiện nay dòng họ Phan sống ở nhiều nơi chưa biết nhau hết, chưa có sự đoàn kết gắn bó nhau trong họ tộc.

Đời sống trong họ phát triển không đồng đều. Có người còn gặp khó khăn trong việc mưu sinh.

Việc học hành các cháu trong họ tộc còn nhiều hạn chế, có gia đình không quan tâm đến việc học hành của các cháu vì còn quá khó khăn.

Điều cần quan tâm của cả dòng họ là:

• Tiếp tục tìm tên ông bà Tổ đời một, chọn ngày giỗ tổ vì hiện nay con cháu không ai biết ngày giỗ của ông bà và không có giỗ.

• Để xây dựng dòng họ mình tốt hơn, con cháu họ Phan cùng nhau phổ biến gia phả này đến bà con trong họ tộc để biết quan hệ họ hàng cùng nhau xây dựng nhà thờ tổ chọn ngày giỗ tổ qua đó tập hợp con cháu lại để cùng nhau ôn lại những truyền thống tốt đẹp của dòng họ mình.

• Con cháu nên lập hội đồng gia tộc để chăm lo việc họ như:

- Tiếp tục thờ cúng tổ tiên chu đáo, tạo phúc đức cho con cháu.

- Vận động bà con trong họ lập quỹ khuyến học để hỗ trợ các cháu hiếu học có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục học lên.

- Tổ chức khen thưởng những cháu học giỏi nhằm phát huy tài năng để cống hiến cho đất nước nhằm vinh danh dòng họ.

- Liên hệ với những bà con còn ở nước ngoài gắn bó với dòng họ để luôn nhớ đến cội nguồn.

- Quan tâm đến việc thăm viếng nhau lúc ốm đau, chúc thọ cho người cao tuổi trong họ.

Việc giúp nhau trong công ăn việc làm là rất cần thiết vì hiện nay cuộc sống của những người trong họ còn rất bấp bênh.

- Nhắc nhở con cháu chấp hành luật pháp Nhà nước và tôn kính và tri ân tổ tiên, con cháu họ Phan nguyện gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dòng họ, cùng nhau học tập và lao động để chung tay với các dòng họ khác trong việc xây dựng đất nước làm vinh danh dòng họ.