Trang chủ > Lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa

Lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa

20/08/2022 20:41:54

Đảo Lý Sơn thuộc huyện đảo Lý Sơn, nằm cách đất liền 18 hải lý. Tại đây, hằng năm cứ vào tháng 2, tháng 3 Âm lịch, các tộc họ có người đi lính Hoàng Sa xưa như họ Võ, Phạm... đều tổ chức "Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa".

Theo những ghi chép để lại, vào thế kỷ XVII, chúa Nguyễn đã tổ chức tuyển chọn những trai tráng khỏe mạnh, bơi giỏi để sung vào đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ thu lượm sản vật, đo đạc hải trình, vẽ bản đồ... Vì nhiệm vụ nhiều rủi ro, bất trắc nên cư dân trên đảo Lý Sơn đã tổ chức buổi lễ “Khao lề thế lính Hoàng Sa” hàng năm để cầu bình an cho những người lên đường làm nhiệm vụ.

Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (năm 1776) có chép rằng: "Truớc kia họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 xuất, lấy nguời ở Vĩnh An điền vào chân ấy, thay phiên cứ hằng năm tháng 3 nhận giấy hành sai, phải mang lương 6 tháng, đem 5 chiếc thuyền câu nhỏ ra bể 3 ngày 3 đêm mới đến hải đảo" . Có thể thấy, hải trình thường kéo dài tới 6 tháng, nhiều nguy hiểm, nên mỗi người lính khi ra đi đều phải trang bị cho mình 1 đôi chiếu, dây mây, 7 cái đòn tre và 1 thẻ tre. Nếu gặp chuyện không may, đồng đội sẽ dùng chiếu để bó xác người ngã xuống, dùng đòn tre làm nẹp và lấy dây mây bó lại. Chiếc thẻ tre ghi rõ tên tuổi, bản quán, phiên hiệu đơn vị được cài kỹ trong bó xác, thi thể được thả xuống biển để dạt vào bờ tìm về quê quán nhưng thực tế chẳng có mấy thẻ tre trở về đất liền. Thế nên, ở Lý Sơn đã hình thành những câu hát dân gian như sau:

"Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn

Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây"

hay

"Chiều chiều ra ngóng biển xa

Ngóng ai đi lính Trường Sa chưa về"

Dâng lễ vật lên bàn thờ

Ở trong những ghi chép trong gia phả của các họ tộc có người đi lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn, có rất nhiều người ra đi không trở về, hình ảnh về những ngôi mộ gió của các tộc họ Phạm Quang, Phạm Văn, Võ Văn… là một minh chứng.

Từ những mất mát ấy, người dân Lý Sơn đã hình thành một nghi lễ mang tính nhân văn sâu sắc, chính là "Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa". Lễ được tổ chức định kỳ hàng năm, vào khoảng tháng 2, tháng 3 Âm lịch (trước ngày những người lính lên đường). Trong buổi lễ, người ta mô phỏng thuyền và hình nhân, mong muốn chiếc thuyền giả và hình nhân thế mạng kia sẽ chịu hết mọi rủi ro thay cho những người lính Hoàng Sa, tạo thêm niềm tin và ý chí cho những người lính có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ theo lệnh của nhà vua. Sau này, khi đội Hoàng Sa không còn nữa, các tộc họ có người đi lính Hoàng Sa vẫn tự tổ chức theo đúng nghi thức xưa ngay tại nhà thờ tộc họ mình nhằm tưởng nhớ và lưu giữ điều này thành một truyền thống đẹp, một dấu ấn đẹp trong văn hóa tâm linh trong đời sống của các thế hệ người dân Lý Sơn.

Hàng bài vị

Đây là một lễ hội lâu đời của cư dân trên đảo Lý Sơn, ra đời khi đội Hoàng Sa vẫn đang hoạt động. Theo lý giải, "khao lề" là lệ khao định kỳ hàng năm như hình thức cúng việc lề mà một số nơi vẫn còn lưu giữ, "thế lính" là nghi lễ mang nhiều yếu tốt phù phép của đạo giáo, dùng các hình nhân với kích thước bằng người thật để thế mạng cho người lính Hoàng Sa luôn phải đối diện với nguy hiểm trùng trùng ở phía trước (theo Sở Văn hóa thông tin Quảng Ngãi, 2006, Văn hóa cư dân đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, tr. 64). Như vậy, "Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa" tức là lễ cúng cầu an cho người người lính đội Hoàng Sa trước khi họ lên đường làm nhiệm vụ cho đất nước.

Về ý nghĩa của lễ, người dân của đảo Lý Sơn cho rằng lính Hoàng Sa được tế sống vì nhiệm vụ của họ quá nguy hiểm với tinh thần "Lính Hoàng Sa đi dễ khó về". Người dân làng An Vĩnh, An Hải (Lý Sơn) và nhiều nơi dọc ven biển Quảng Ngãi đều tổ chức "Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa" dành cho người sắp đi làm nhiệm vụ, còn nếu tưởng nhớ những người đã khuất thì dùng là "tế lính". Thường thì lễ này dành cho cả hai, "thế" cho người sống và "tế" cho người chết. Trong buổi tế, người dân làm những hình nôm bằng khung tre và dán giấy ngũ sắc để giả làm người, đem tế ở đình, tế xong họ đốt đi hoặc đóng thuyền bằng thân cây chuối, cho hình nộm lên và thả ra biển để hình nộm kia gánh chịu mọi nguy hiểm trên biển cũng như cầu cho người thân của họ được bình an trở về với gia đình.

Chắc có lẽ sẽ không có một nơi nào có một lễ hội vừa khao quân, vừa tế sống người sắp ra đi vừa tưởng nhớ những người đã khuất khi thực hiện nhiệm vụ cho đất nước như "Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa" nơi đây.

Người dân Lý Sơn từ xưa đến nay không quên những công lao của các bậc tiền nhân, để tưởng nhớ các họ tộc ở Lý Sơn hằng năm cứ vào tháng 2, tháng 3 Âm lịch đều tổ chức Lễ “Khao lề thế lính Hoàng Sa”. Qua đó, có thể giúp cho con cháu của họ biết được những công lao to lớn của tổ tiên, từ đó mà ghi nhớ và noi theo. Ngoài ra, Lễ “Khao lề thế lính Hoàng Sa” không chỉ mang ý nghĩa đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta mà còn góp phần không nhỏ cho việc nghiên cứu các cộng động cư dân ven biển Việt Nam.

Lễ “Khao lề thế lính Hoàng Sa” là một lễ hội chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, kết nối cộng đồng, giáo dục truyền thống và nhân văn sâu sắc. Buổi lễ được tổ chức với tất cả những kỳ vọng về một chuyến đi an toàn cho mỗi chuyến hải trình của đội binh phu ("thế lính"), đồng thời cũng là sự tri ân sâu sắc đối với những bậc tiền nhân đã hi sinh trong khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia ("tế lính"). Thông thường, một buổi lễ sẽ bao gồm cả 2 khía cạnh trên, mà ở khía cạnh nào cũng đầy ắp một tình yêu và trách nhiệm của công dân đối với đất nước.

Với ý nghĩa mà lễ đem lại, tháng 4/2013, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Cao Thị Ánh Nguyệt

(GP: 29-08-2020)