Trang chủ > 055. Gia phả họ Nguyễn (khu phố 2, thị trấn Củ Chi, TP.HCM)

055. Gia phả họ Nguyễn (khu phố 2, thị trấn Củ Chi, TP.HCM)

20/08/2022 21:46:34

Gia phả họ Nguyễn ở khu phố 2, thị trấn Củ Chi, TP.HCM (trước đây là ấp Bàu Ông Nhẵm, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi) được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2011.

LỜI NÓI ĐẦU

“Nước có sử, nhà có phả”. Sử để ghi lại những sự kiện, những thăng trầm của quốc gia, phả là để ghi lại những con người, sự việc trong phạm vi của một họ tộc.

Đọc gia phả chúng ta sẽ biết được nguồn cội của mình, biết được thứ thế của anh em, chú bác.... Bà con họ Nguyễn chúng ta xuất phát từ ấp Bàu Ông Nhẵm, từ cái gốc đó mà gần 140 năm qua các bậc tiền nhân sinh con, đẻ cháu nuôi dạy lớp hậu sinh chúng ta khôn lớn trưởng thành như ngày hôm nay. 

Những ngày tháng gian nan trong chiến tranh cũng như trong cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn, hình như chúng ta ít có những phút thảnh thơi để nghĩ về nguồn cội của mình. Nhưng ngày nay chiến tranh đã qua đi, mảnh đất ngày xưa phải hứng chịu nhiều bom đạn nay ruộng đồng đã lên xanh, đường sá thênh thang, sạch sẽ, điện lưới quốc gia thắp sáng cả vùng, trẻ đi học, thanh niên làm việc ở các khu chế xuất, người làm nông cũng có phần thanh thản với ruộng vườn. Việc tìm lại bà con dòng họ, những người cùng chung huyết thống để thắt chặt tình máu mủ, nó như một nhu cầu tinh thần của cuộc sống.

Việc truy tìm bà con dòng họ sau thời kỳ mà khá nhiều người ly tán vì chiến tranh, vì hoàn cảnh sống, nếu chúng ta không kịp thời tiến hành, khi các bậc cao tuổi trong dòng họ quy tiên, họ mang theo cả ký ức về nơi chín suối, thật khó khăn để những người trẻ tuổi có thể sưu tầm đầy đủ bà con dòng họ mình. Chính vì thế mà chúng tôi mạnh dạn xin phép những bậc cao niên trong dòng họ được thực hiện bộ gia phả họ Nguyễn này.

Với sự hợp tác của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thuộc Hội Sử học TP.HCM, từ tháng 3/2011 công tác điền dã được chính thức bắt đầu. Qua quá trình điền dã ở Củ Chi và một số địa phương khác và với sự ủng hộ nhiệt tình của toàn thể bà con nội ngoại họ Nguyễn, nay cuốn gia phả của họ Nguyễn chúng ta bước đầu đã được hình thành.

Tuy nhiên, sức người có hạn và lần đầu tiên khởi dựng bộ gia phả, chắc chắn sẽ còn nhiều điều sơ suất, kính mong bà con họ Nguyễn chúng ta tiếp tục bổ sung, hiệu dính để cuốn gia phả ngày càng hoàn thiện.

Nhân dịp này, đại diện cho họ Nguyễn ở Bàu Ông Nhẵm, chúng tôi xin chân thành cảm ơn Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM đã hết lòng hết sức cùng chúng tôi thực hiện bộ gia phả này. 

Xin cảm ơn bà con nội ngoại của họ Nguyễn đã nhiệt tình hợp tác và giúp đỡ để cuốn gia phả có được như ngày hôm nay.

Trân trọng kính chào và mong rằng chúng ta luôn yêu thương, đoàn kết bên nhau để viết lên những trang sử đầy tự hào cho dòng họ Nguyễn Bàu Ông Nhẵm.

Củ Chi, ngày 29 tháng 6 năm 2011

NGUYỄN HỮU PHƯỚC
NGUYỄN VĂN LIÊM
NGUYỄN VĂN HIỆP
NGUYỄN ĐỨC THUẬN

 

PHẢ KÝ

Họ Nguyễn ở khu phố 2 thị trấn Củ Chi (TP.HCM) tồn tại đến nay được 6 đời. Ở huyện Củ Chi có nhiều họ Nguyễn, nếu so về quy mô (số lượng con người) thì họ Nguyễn ở khu phố 2 thuộc loại trung bình. Với khá nhiều dòng họ ở khu vực Nam bộ nói chung, việc truy tìm tên tuổi, xác định mồ mả hoặc gốc tích của người tổ phụ gặp khá nhiều khó khăn, nhất là những dòng họ nông dân. Đó là những trường hợp dòng họ không có gia phả gốc hoặc bảng phả đồ tông chi, mồ mả thường không có bia, chiến tranh rồi bà con ly tán, có khi mồ mả xiêu lạc vì bom đạn… Những bậc cao tuổi lần lượt quá vãng mang theo cả những ký ức tổ tiên mình về nơi chín suối. 

Nhưng với họ Nguyễn ở khu phố 2, thị trấn Củ Chi hiện nay thì biết rõ tên họ, mồ mả, ngày giỗ của ông bà tổ, địa danh ông bà tổ sống thuở sinh thời.

TỔ PHỤ VÀ TỔ QUÁN

Ngày nay, tại khu phố 2 thị trấn Củ Chi, phía sau vườn nhà của các ông Nguyễn Hữu Phước, Nguyễn Đức Thuận (đời IV), còn một khu đất khá rộng khoảng gấp 3, 4 lần một sân vận động, đây là một vùng đất trũng, mùa mưa thì ngập nước. Đó là dấu tích còn sót lại của địa danh Bàu Ông Nhẵm - tổ quán của họ Nguyễn. 

Bàu Ông Nhẵm là một bàu nước mà thuở vùng đất này còn hoang sơ, cọp thường xuống đây để uống nước, nhìn những dấu chân dẵm đạp của cọp mà nhân dân gọi bàu nước này là Bàu Ông Nhẵm và vùng đất chung quanh bàu này được gọi là ấp Bàu Ông Nhẵm, sau đó đổi lại là ấp Đông thuộc xã Tân An Hội, huyện Củ Chi. Sau ngày giải phóng, khi thị trấn Củ Chi được thành lập, ấp Bàu Ông Nhẵm là khu phố 2 của thị trấn.

Trong khu đất Bàu Ông Nhẵm hiện nay có một cái hồ cũng khá sâu, nhưng hồ này được hình thành là do thời gian vài chục năm gần đây, cư dân lấy đất đắp nền nhà, chứ không phải có từ ngày xưa.

Ông bà tổ phụ họ Nguyễn đã sinh sống, lập nghiệp tại ấp Bàu Ông Nhẵm này, ngày nay có khá nhiều hậu duệ họ Nguyễn còn sinh sống tại nơi đây. Khu đất mà ông bà tổ tạo dựng, ngày nay con cháu ông Nguyễn Văn Được (đời IV) sinh sống. Khu đất này nằm ở góc ngả tư đường Nguyễn Giao và đường Nguyễn Văn Tỷ, nay thuộc khu phố 2, thị trấn Củ Chi.

Nguyễn Giao là con đường rẻ phải, nếu đi từ Quốc lộ 22 (đường Xuyên Á) theo hướng từ TP.HCM lên tỉnh Tây Ninh, ở con đường Nguyễn Giao này có quán ăn Xuân Đào với những món chế biến từ bò nổi tiếng được nhiều người biết đến.

Ấp Bàu Ông Nhẵm trước khi là khu phố 2 thị trấn Củ Chi, nó thuộc xã Tân An Hội. Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy cái tên Tân An Hội cũng xuất hiện khá muộn màng trong lịch sử vùng đất Củ Chi. Từ sau  năm 1931 khi có nhiều thay đổi ở cấp xã, làng. Làng Tân An Hội  là một làng khá rộng lớn do sự sáp nhập các làng Tân Thông, Tân Thông Tây, Tân Thông Trung và Vĩnh An Tây. Và làng Tân An Hội là 1 trong 4 làng của tổng Long Tuy Hạ (gồm: Thái Lũy, Phước Hiệp, Trung Lập và Tân An Hội).

Cần biết thêm rằng 4 làng được sáp nhập để thành làng Tân An Hội nói trên, trước đây thuộc tổng Dương Hòa Trung, Phủ Tân Bình, tỉnh Phiên An. Mà Phiên An là 1 trong 6 tỉnh của lục tỉnh Nam kỳ thay thế cho tổng trấn Gia Định vào năm 1832.

Theo sách Công văn lược lục, tổng Long Tuy Hạ là 1 trong 4 tổng của quận Hóc Môn và quận Hóc Môn là 1 trong 4 quận của tỉnh Gia Định. Xa hơn nữa chúng ta còn tìm thấy cái tên tổng Long Tuy Hạ thuộc tỉnh Gia Định từ năm 1889 khi mà nhà cầm quyền Pháp đổi tên gọi các “địa hạt” thành “tỉnh”.

Năm 1956, Tân An Hội (trong đó có ấp Bàu Ông Nhẵm) là một xã của quận Củ Chi, thuộc tỉnh Bình Dương. Đến năm 1963, khi chế độ Sài Gòn cũ thành lập tỉnh mới Hậu Nghĩa, quận Củ Chi của tỉnh Bình Dương lại thuộc về tỉnh Hậu Nghĩa. Sau năm 1975, huyện Củ Chi là một huyện ngoại thành của TP.HCM trên cơ sở sáp nhập quận Củ Chi thuộc tỉnh Hậu Nghĩa cũ và quận Phú Hòa thuộc tỉnh Bình Dương cũ.

Bàu Ông Nhẵm (nay là khu phố 2 thị trấn Củ Chi) ngày xưa là một vùng đất hoang vu, nhiều rừng rậm, cư dân vùng đất này thưa thớt và sống chủ yếu bằng nghề ruộng rẫy.

Ông bà tổ phụ của họ Nguyễn đã sinh cơ lập nghiệp nơi đây, khu đất mà thuở sinh thời ông bà cất nhà vẫn còn đó, mồ mả còn lưu dấu. Ông tổ có tên là Nguyễn Văn Chữ và bà tổ là Nguyễn Thị Địch.

Mộ ông Nguyễn Văn Chữ và mộ bà Nguyễn Thị Địch tọa lạc tại đồng mả Sân Chim thuộc ấp Xóm Huế (cùng xã Tân An Hội với ấp Bàu Ông Nhẵm). Tuy nhiên đây không phải là hai ngôi mộ song hồn. Hai ngôi mộ của ông bà tổ được làm bằng đá ong, loại vật liệu khá phổ biến ngày xưa, mộ không có bia.

Ông bà tổ làm ruộng rẫy, khai phá đất hoang, tuy không nhiều lắm, theo truyền ngôn thì con cháu cho rằng ông từ miền Trung vào. Tuy nhiên đó cũng chỉ là phỏng đoán chung chung, bởi tất cả các dòng họ hình thành trên đất Nam bộ đều có nguồn gốc từ miền Trung. Vì vậy, với ông bà tổ của họ Nguyễn, con cháu không biết được ông tổ xuất phát từ nơi nào ở miền Trung khi vào lập nghiệp ở vùng đất Củ Chi này.

Do không có gia phả gốc, hoặc bảng ghi tóm tắt kiểu tông chi, và do hai mộ đá ong của ông bà tổ không có bia, nên ngày nay con cháu không thể biết được chính xác ông bà tổ sinh năm nào, đặt chân đến Bàu Ông Nhẵm để lập nghiệp là năm nào?

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào người cháu nội của ông bà tổ, chúng ta cũng có thể phỏng đoán được năm sinh của ông tổ, theo phương pháp ước tính mỗi đời cách nhau 25 năm.

Người con đầu lòng của ông bà tổ là ông Nguyễn Văn Bển, sinh năm 1880. Nếu theo cách ước tính mỗi đời cách nhau 25 năm thì ông tổ sinh vào khoảng năm 1855 (1880 - 25 = 1855). Nếu so sánh với niên biểu lịch sử Việt Nam thì ông sinh ra vào đời vua Tự Đức trị vì đất nước (1848-1883). Và nếu giả sử lúc trưởng thành (18 tuổi) ông tổ đặt chân đến vùng đất mới để lập nghiệp thì có thể phỏng đoán ông đến Bàu Ông Nhẵm vào khoảng năm 1873 (nếu sinh năm 1855 thì năm ông tổ 18 tuổi là năm 1873), lúc mà vùng đất Nam bộ tồn tại với 7 Hạt tham biện, chưa đổi thành các tỉnh.

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA HỌ NGUYỄN QUA CÁC THỜI KỲ

Sự phát triển về số lượng nhân khẩu

Nếu cho rằng ông tổ đặt chân đến tổ quán Bàu Ông Nhẵm khoảng vào năm 1873 như đã nói trên, tính đến nay dòng họ Nguyễn tồn tại gần 140  năm. 

Ông tổ Nguyễn Văn Chữ có 6 người con trong đó người thứ tư chết nhỏ, thứ sáu và thứ bảy là hai người con gái. Ba người con trai của ông tổ là: thứ hai Nguyễn Văn Bển, thứ ba Nguyễn Văn Tân và thứ năm Nguyễn Văn Khai, những người sẽ sinh ra hậu duệ họ Nguyễn tồn tại cho đến ngày nay. Xét trên khía cạnh sự phát triển về số lượng con cháu dòng họ là khá khiêm tốn: đời III có 7 người con trai, đời IV có 12 người con trai và đời V có 14 người con trai. Toàn bộ con cháu nội (cả trai lẫn gái) của họ Nguyễn tính đến hết đời V là 82 người (hiện nay lác đác có xuất hiện hậu duệ đời VI).

Con cháu ông hai Nguyễn Văn Bển và ông năm Nguyễn Văn Khai chủ yếu sống tại tổ quán Bàu Ông Nhẵm và các vùng phụ cận. 

Ông ba Nguyễn Văn Tân chỉ có 2 người con trong đó có 1 con trai là Nguyễn Văn Vô. Ông Vô thời chiến tranh tản lạc lên vùng Lái Thiêu, Bình Dương có 2 gái và 1 trai. Người con trai của ông Vô là Nguyễn Văn Oanh, có gia đình nhưng chết sớm, chỉ có 1 người con là Nguyễn Văn Lân. Sau này người cháu gái nội của ông Nguyễn Văn Tân là Nguyễn Thị Huyện về bốc cốt ông Tân lên Phú Mỹ Hưng, Củ Chi. Cánh ông Nguyễn Văn Tân rất ít con cháu so với 2 cánh của ông Nguyễn Văn Bển và Nguyễn Văn Khai.

Đặc điểm dòng họ

Cũng như nhiều người dân khác ở vùng đất Củ Chi, thời mà cọp còn về làng uống nước, rừng cây rậm rạp, mọi người chủ yếu là khai hoang và làm ruộng rẫy. Thời Pháp thuộc, một số đầu quân vào các đồn điền cao su làm công nhân cạo mủ. Ngày nay, con cháu họ Nguyễn cũng chủ yếu sống bằng nghề ruộng rẫy, một số thanh niên làm việc ở các khu công nghiệp tại Củ  Chi, Trảng Bàng… Một số ít con cháu dòng họ trong thời chiến tranh đến sinh sống một số tỉnh, TP.HCM… Ngày nay, hậu duệ họ Nguyễn cũng có những người tốt nghiệp đại học (là kỹ sư, bác sĩ)… nhưng số lượng cũng còn khiêm tốn.

Bà con họ Nguyễn cũng mang những đặc điểm chung của những cư dân vùng đất Nam bộ: hiền lành, chất phát, cởi mở, hiếu khách. Tuy ngày nay họ Nguyễn chưa có nhà thờ tộc, chưa có ngày giỗ tổ quy tụ bà con dòng họ hàng năm, nhưng mồ mả ông bà, tổ tiên được chăm sóc chu đáo. Qua thời gian chiến tranh và vì điều kiện sinh sống mà bà con không còn quần cư ở tổ quán, nên mối dây liên lạc giữa các chi họ không được chặt chẽ. Đây là điều mà dòng họ cần khắc phục. Cần có một nhà thờ tộc, một ngày giỗ tổ hoặc dẫy mả chung để con cháu ở xa tổ quán có dịp đoàn tụ, tìm về nguồn cội của mình. Cần có một nơi để họ đến thắp một nén nhang trong dịp hồi hương và là dịp để mọi người gặp gỡ, nhận biết nhau nhằm thắt chặt hơn nữa tình thân gia tộc.

Trong tương lai dòng họ cũng nên nghĩ đến một quỹ khuyến học, nhằm giúp con cháu có khả năng vươn ra khỏi “bờ tre, đường làng quanh co” hòa nhập mạnh mẽ hơn nữa vào sự phát triển chung đang rất nhộn nhịp của xã hội. Cần có nhiều hoạt động nhằm tích cực hỗ trợ nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng khu phố văn hóa của thị trấn Củ Chi hiện nay.

Vấn đề hôn nhân của dòng họ

Họ Nguyễn trong quá trình phát triển của mình cũng đã kết hợp hôn nhân với nhiều dòng họ khác như: họ Trần, Lê, Hà, Nguyễn, Đào, Trịnh, Mai… Cụ thể với những đôi vợ chồng như: Ông Nguyễn Văn Bển - bà Trần Thị Mai (đời II), ông Nguyễn Văn Khai - bà Lê Thị Buôn (đời II), ông Nguyễn Văn Tiềm - bà Hà Thị Này (đời III), ông Nguyễn Văn Suyển - bà Nguyễn Thị Mựng (đời III), ông Nguyễn Văn Trả - bà Nguyễn Thị Buôn, ông Nguyễn Hữu Phước - bà Đào Thị Đem (đời IV)…

Nhìn chung về sự kết hợp hôn nhân, chủ yếu là với các dòng họ ở cùng xã Tân An Hội, các xã cùng huyện Củ Chi và một số thuộc huyện Trảng Bàng của tỉnh Tây Ninh - vùng đất lân cận với xã Tân An Hội. Đặc điểm chung của cư dân những dòng họ nơi các làng quê là hiền lành chất phát của người nông dân, nên trong vấn đề hôn nhân có sự hòa hợp bảo đảm cho hạnh phúc gia đình và sự duy trì nòi giống.

Bản thân họ Nguyễn đa số là nông dân đủ ăn đủ mặc nên sự “môn đăng hộ đối” trong hôn nhân cũng thể hiện khá rõ, không có những đột biến về “giai cấp”.

Trường hợp của bà sáu Nguyễn Thị Phương (đời III) cháu nội của ông tổ Nguyễn Văn Chữ, sự kết hợp hôn nhân của bà Phương tuy chỉ đem lại cho dòng họ những người cháu ngoại, nhưng lại là điều khá đặc biệt. 

Bà Nguyễn Thị Phương tham gia kháng chiến chống Pháp cùng chồng. Chồng bà là ông Nguyễn Đức Hòa (quê quán Quảng Ngãi), là một trong những cán bộ cách mạng hoạt động rất sớm ở vùng Củ Chi, Hóc Môn. Bà có một người con trai duy nhất là ông Nguyễn Đức Thuận, người đã từng giữ những trọng trách xã hội khá quan trọng như: Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, Phó Văn phòng UBND TP.HCM, Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Sài Gòn là người có uy tín trong dòng họ hiện nay và cũng là niềm tự hào của dòng họ. Ông Nguyễn Đức Thuận là một người rất quan tâm đến dòng họ - tuy là cháu ngoại - là người chủ xướng và tham gia dựng bộ gia phả họ Nguyễn này.

***

Qua gần 140 năm tồn tại, những bậc tiền nhân họ Nguyễn với tinh thần lao động cần cù, chí thú làm ăn, đã gây dựng nên cơ nghiệp họ Nguyễn từ vùng đất hoang vu, điều kiện thiên nhiên khá khắc nghiệt. Tuy chưa có những thành tựu “hiển hách”, nhưng các bậc tiền nhân và con cháu sống có đạo lý, không làm những điều sai trái và là một trong những dòng họ có uy tín trong vùng. Cuộc sống thanh bạch “áo rách giữ lầy lề” có lẽ đó là điều đáng nói nhất của dòng họ Nguyễn. Vì vậy hậu duệ họ Nguyễn ngày nay phải sống làm sao để khỏi tủi hỗ vong linh tổ tiên nơi chín suối, đồng thời không ngừng phấn đấu trong lao động học tập để có thể làm rạng danh dòng họ của mình.