Trang chủ > 056. Gia phả họ Huỳnh (ấp Long Hưng, Long Thượng, Cần Giuộc, Long An)

056. Gia phả họ Huỳnh (ấp Long Hưng, Long Thượng, Cần Giuộc, Long An)

20/08/2022 21:57:49

Gia phả họ Huỳnh Ở ấp Long Hưng, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2011.

LỜI NÓI ĐẦU

“Nước có sử, nhà có phả”, đó là truyền thống của dân tộc từ ngàn xưa. “Sử” để ghi lại những sự kiện trọng đại của đất nước, của một triều đại; “phả” để ghi lại những thăng trầm của một họ tộc trong quá trình phát triển của dòng họ. Có thể nói, gia phả là cuốn lịch sử của dòng họ, ở đó cả những việc hay, việc không hay đều được ghi lại một cách trung thực để lớp hậu duệ chiêm nghiệm học tập theo gương sáng của cha ông, nhưng đồng thời cũng để rút kinh nghiệm tránh những sai sót, những điều không hay ngoài ý muốn. Tất cả đều với mục đích để dòng họ có thể phát triển một cách bền vững.

Gia phả gồm phả ký, phả hệ, phả đồ, phụ khảo và ngoại phả. Phả ký giúp chúng ta biết được gốc tích của dòng họ: Tổ phụ là ai, tổ quán ở đâu cùng sự phát triển của dòng họ từ Tổ phụ cho đến nay. Phả hệ ghi lại tất cả bà con dòng họ theo từng đời, lật giở từng trang phả hệ, chúng ta như sống lại với lịch sử của dòng họ, chúng ta sẽ biết được mối quan hệ bà con của mình, biết thứ thế, anh em, biết được từng cá nhân dòng họ làm nghề gì, ở đâu… Ngoại phả giúp chúng ta biết được những vấn đề liên quan đến dòng họ như mồ mả, việc cúng giỗ, những đóng góp của cá nhân và dòng họ đối với họ tộc, xã hội. Và phần phụ khảo là để biết thêm những việc chung, trong đó có liên quan đến bà con dòng họ như việc tế lễ ở đình làng, chùa chiền, truyền thống của địa phương…

Tuy nhiên đất nước chúng ta trong quá khứ đã trải qua hai cuộc chiến tranh, những làng quê vang rền tiếng súng đạn, bà con ly tán, có khi mồ mả xiêu lạc. Vì vậy mà mối quan hệ thân tộc bị nhạt phai, có khi biết là bà con nhưng không biết bà con như thế nào. 

Vì dòng họ Huỳnh chúng ta chưa có gia phả, nên mối quan hệ gia tộc chỉ tồn tại trong trí nhớ của mọi người. Những mối quan hệ xa xưa thì chỉ tồn tại trong ký ức của những bậc cao niên. Nhưng theo quy luật sinh tồn, những bậc cao niên rồi cũng sẽ lần lượt quy tiên. Nếu chúng ta không sớm ghi lại thì những mối quan hệ gia tộc cũng sẽ theo họ về chín suối. Vì vậy mà việc lập cuốn gia phả cho dòng họ Huỳnh chúng ta là rất cần thiết. Hơn nữa, ngày nay với sự phát triển của xã hội hiện đại, một số bà con chúng ta sinh sống và làm việc trên nhiều địa phương khác nhau, không còn quần cư ở làng quê tổ quán như ông cha chúng ta trước đây nữa, nên việc ghi lại gia phả lại càng cần kíp hơn.

Việc truy tầm bà con dòng họ, những người cùng chung huyết thống để đoàn kết tương trợ nhau trong cuộc sống, động viên nhau học tập những gương sáng của cha ông để phấn đấu xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, đó là điều có lẽ rất thuận lòng với đa số mọi người.

Được sự hợp tác của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả (Hội Sử học TP.HCM), từ tháng 4/2011 gia phả này đã được khởi dựng. Tổ thực hiện gia phả đã làm công tác điền dã tại xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An; xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh (nay là quận Bình Tân, TP.HCM); xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An; tại TP.HCM và một số địa phương khác để ghi lại toàn bộ bà con dòng họ Huỳnh chúng ta.

Ba anh em tôi (Huỳnh Văn Sái, Huỳnh Văn Minh và Huỳnh Thị Lũng) không được may mắn khi tuổi đời còn rất nhỏ thì cả cha và mẹ đều mất hết, được ông, bà nội đem về nuôi, đặc biệt còn có sự giúp đỡ rất nhiều của cô Năm (bà Huỳnh Thị Điền), thím Út (vợ của chú Út Huỳnh Văn Lê), chị Ba A (con của bác Hai Huỳnh Thị A) cùng nhiều bà con, anh chị khác trong và ngoài họ Huỳnh đã tham gia nuôi dạy. Đến khi anh em chúng tôi lớn lên lần lượt thoát ly gia đình, tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm nên không có điều kiện tới lui thăm hỏi bà con dòng họ. Sau ngày giải phóng đất nước thì chỉ còn có một mình tôi trở về (người anh và đứa em tôi đã hy sinh ở chiến trường - là liệt sĩ - hiện nay mộ ở Nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM).

Vì vậy, tôi rất ít hiểu biết về mối quan hệ của ông, bà, cô, bác trong dòng họ Huỳnh chúng ta. Xuất phát từ sự mất mát lớn lao đó, từ suy nghĩ và tình cảm của mình, tôi đã tìm đến Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM nhờ giúp đỡ để hình thành cuốn gia phả này với hy vọng nó mang lại cho bà con chúng ta nhiều thông tin bổ ích và thú vị của dòng họ Huỳnh cho chúng ta hôm nay và con, cháu… của chúng ta mai sau.

Qua đây, tôi xin chân thành cảm ơn Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM, chân thành cảm ơn bà con nội, ngoại họ Huỳnh đã hết lòng cộng tác và giúp đỡ tổ thực hiện gia phả như cung cấp thông tin, hình ảnh… đặc biệt là anh Huỳnh Văn Lên (đời IV), cháu Huỳnh Văn Xướng (đời V), đã sát cánh cùng tổ thực hiện gia phả, đi đến cả những vùng xa xôi như ở lưu vực sông Vàm Cỏ Tây thuộc khu Đồng Tháp Mười (ấp Đình, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) để truy tầm bà con dòng họ.

Nay cuốn gia phả này đã hoàn thành, tôi xin trân trọng giới thiệu đến toàn thể bà con họ Huỳnh. Tuy nhiên, bước đầu thực hiện, cuốn gia phả này sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, kính mong toàn thể bà con chân tình góp ý bổ sung để gia phả họ Huỳnh chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn.

Xin gửi lời chào đoàn kết, thương yêu đến tất cả bà con và mong rằng chúng ta cùng nhau giữ gìn cuốn gia phả này như là một kỷ vật quý giá và không ngừng nỗ lực phấn đấu để viết nên những trang sử vẻ vang cho họ Huỳnh.

TP.Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 7 năm 2011

HUỲNH VĂN MINH

(Hậu duệ đời IV)

 

PHẢ KÝ

TỔ QUÁN HỌ HUỲNH

Nếu theo đường Quốc lộ IA từ hướng TP.Hồ Chí Minh đi Long An, đây là con đường huyết mạch nối TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam bộ. Tuy nhiên từ khi đường cao tốc được xây dựng, một số lớn xe cộ từ TP.Hồ Chí Minh về miền Tây đã lưu thông trên đường cao tốc này. Quốc lộ IA đoạn từ TP.Hồ Chí Minh đến ngả ba Trung Lương thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang đã giảm một lưu lượng đáng kể xe cộ. Ngang qua chợ Bình Chánh giờ đây đã bớt cảnh xe cộ tấp nập chen chúc nhau, ngả ba phía tay trái cách chợ Bình Chánh chừng vài chục mét là con đường nhựa mang tên Đinh Đức Thiện - xuôi theo con đường này chúng ta sẽ đến tổ quán của họ Huỳnh - ấp Long Hưng, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Tuy nhiên con đường này cũng khá đặc biệt, đoạn từ ngả ba Quốc lộ IA - Đinh Đức Thiện đi vào khoảng 2km thì đường Đinh Đức Thiện thuộc về xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh. Sau đó đoạn đường nối tiếp con đường Đinh Đức Thiện mang tên Tỉnh lộ 826 thuộc phần đất ấp Vĩnh Phước, xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc. Xuôi theo Tỉnh lộ 826 này khoảng 1,5km nữa thì có một ngả ba về phía tay trái, đó là con đường đất đỏ mang tên Tỉnh lộ 85B, con đường mà mùa nắng thì bụi mịt mù mỗi khi xe tải chạy qua, còn mùa mưa thì trơn trợt dễ té ngã. Đi vào Tỉnh lộ 85B này một đoạn khoảng hơn 1km là đến địa phận của ấp Long Hưng, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, nơi mà ông bà tổ phụ họ Huỳnh sinh cơ lập nghiệp, sanh đẻ hậu duệ lưu truyền cho đến ngày hôm nay. 

Hiện nay tại đồng mả ấp Long Hưng, một đồng mả khá rộng, có một phần tiếp giáp với ruộng lúa. Từ con đường đất nơi có nhà ông Huỳnh Văn Năm (hậu duệ đời IV) họ Huỳnh tọa lạc, đi băng qua khu ruộng khoảng vài mẫu đất, chúng ta thấy 2 ngôi mộ song hồn quét vôi màu vàng nhạt nằm sát bìa ruộng, đó là 2 ngôi mộ của ông bà tổ họ Huỳnh. Đa số con cháu họ Huỳnh nhiều đời nay sinh sống tại ấp Long Hưng và các ấp khác của xã Long Thượng. Có thể nói ấp Long Hưng thuộc xã  Long Thượng là tổ quán của họ Huỳnh.

Tuy nhiên, địa danh xã Long Thượng xuất hiện khá muộn màng, theo tư liệu lịch sử, từ năm 1698, khi Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý miền Nam, đặt ra phủ huyện cho đến đầu thế kỷ 20 chúng ta vẫn không tìm thấy cái tên Long Thượng.

Đến năm 1910, khi tỉnh Chợ Lớn có 11 tổng, 69 xã, trong đó tổng Phước Điền Thượng có 6 xã là: Hưng Long, Long Thượng, Phước Lý, Quy Đức, Tân Kim và Tân Quới Tây, đây cũng là lần đầu tiên thấy tên Long Thượng xuất hiện.

Năm 1923 tỉnh Chợ Lớn có các quận: Cần Giuộc, Rạch Kiến, Đức Hòa và Trung Quận. Xã  Long Thượng trước đó thuộc tổng Phước Điền Thượng, thì năm 1923 xã  Long  Thượng thuộc quận Cần Giuộc.

Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy huyện Cần Giuộc (trong đó có xã Long Thượng) đã thuộc về những cơ cấu hành chính như sau:

Năm Mậu Dần 1698 Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý miền Nam đặt ra phủ huyện, thì lúc ấy đất đai hàng vạn dặm, đã có 4 vạn hộ người Việt là lưu dân miền Trung và cả miền Bắc vào khai phá vùng đất phì nhiêu nhưng thưa người Nam bộ ngày nay.

Nguyễn Hữu Cảnh đặt ra phủ Gia Định gồm huyện Phước Long (đất Đồng Nai) thuộc dinh Trấn Biên và huyện Tân Bình (đất Sài Gòn) thuộc dinh Phiên Trấn và đưa dân miền Ngũ Quảng vào ở.

Năm 1802 Gia Long đổi phủ Gia Định thành trấn Gia Định, cai quản cả 5 trấn Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên. 

Năm 1808 gọi là Gia Định Thành, huyện Tân Bình thăng lên thành Phủ Tân Bình có 4 huyện: Bình Dương, Tân Long, Phước Lộc và Thuận An.

Năm 1836 khi đổi Phiên An thành tỉnh Gia Định, cùng với Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên là Nam kỳ lục tỉnh. Gia Định lúc ấy có 2 phủ là Tân Bình và Tân An; Phủ Tân An có 2 huyện Tân Hòa và Phước Lộc. Huyện Phước Lộc có 4 tổng: Phước Điền Thượng, Phước Điền Trung, Lộc Thành Thượng và Lộc Thành Trung. Đến năm 1910 tỉnh Chợ Lớn có 11 tổng, trong đó có tổng Phước Điền Thượng gồm 6 xã là: Hưng Long, Long Thượng, Phước Lý, Quy Đức, Tân Kim và Tân Quới Tây. Đây là lần đầu tiên ta thấy xuất hiện cái tên xã Long Thượng - tổ quán họ Huỳnh.

Ấp Long Hưng, xã Long Thượng thuộc huyện Cần Giuộc từ sau Cách mạng tháng 8 cũng  có khá nhiều thay đổi về cơ cấu hành chính.

Theo website của tỉnh Long An thì sau Cách mạng tháng 8/1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập ở Nam bộ 3 khu: 7, 8, 9. Cần Giuộc là một quận nằm trong tỉnh Chợ Lớn thuộc khu 7. Tỉnh Chợ Lớn lúc này gồm 4 quận: Đức Hòa, Trung Quận, Cần Giuộc, Cần Đước. Tháng 7 năm 1957, Liên Tỉnh ủy Tân An - Chợ Lớn hợp nhất hai tỉnh thành tỉnh Long An, tách Mộc Hóa ra thành lập tỉnh Kiến Tường.

Cuối năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm nhập tỉnh Chợ Lớn với tỉnh Tân An, chia thành hai tỉnh Long An, Kiến Tường theo địa giới mới. Hai huyện Cần Giuộc, Cần Đước thuộc tỉnh Long An, được đổi tên là Thanh Đức và Cần Đức. Cuối năm 1963, khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, hai huyện trở lại với tên cũ.

Năm 1967, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tách 8 xã của huyện Cần Đước, nhập thêm một phần huyện Cần Giuộc gồm xã Phước Lý, ấp Thuận Tây (của xã Thuận Thành), ấp Long Đức, ấp Phước Thuận (của xã Phước Lâm), ấp Long Giêng (của xã Phước Hậu), thành lập quận Rạch Kiến.

Sau năm 1975, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hợp nhất hai tỉnh Kiến Tường và Long An thành tỉnh Long An. Huyện Cần Giuộc thuộc tỉnh Long An, gồm 16 xã (trong đó có xã Long Thượng) và 1 thị trấn như hiện nay.

Xã Long Thượng nằm ở phía Tây huyện Cần Giuộc: phía Nam giáp xã Mỹ Lộc và xã Phước Hậu huyện Cần Giuộc, xã Long Trạch huyện Cần Đước, phía Tây giáp xã Phước Lý, phía Đông giáp xã Quy Đức huyện Bình Chánh, phía Bắc giáp xã Hưng Long huyện Bình Chánh.

Xã Long Thượng hiện nay gồm 4 ấp: Long Hưng, Long Thới, Long Thạnh, Tân Điền. Diện tích: 17,972 km2, dân số: 8.913 người. Dân cư xã Long Thượng chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng lúa, trồng hàng bông.

TRUYỀN THỐNG CỦA TỔ QUÁN VÀ DÒNG HỌ

1. Truyền thống của Tổ quán

Huyện Cần Giuộc trải qua những thăng trầm cùng lịch sử dân tộc đã để lại khá nhiều truyền thống văn hóa, truyền thống lao động, đấu tranh của con người nghĩa khí nơi đây. Có lẽ mỗi một chúng ta ít ai không biết đến bản Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nổi tiếng của nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

Từ năm 1859 đến 1861 khi Nguyễn Đình Chiểu về ở quê vợ tại làng Thanh Ba, xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc, ông lấy chùa Tôn Thạnh làm nơi dạy học, làm thơ và bốc thuốc giúp dân nghèo. Cũng tại chùa Tôn Thạnh này, một trong ba cánh của nghĩa quân Cần Giuộc vào đêm Rằm tháng 11 năm Tân Dậu (tức 16/12/1861) đã tập kích đồn Tây Dương tại chợ Trường Bình. Nghĩa quân đã chém rơi đầu tên quan hai Phú Lang Sa, nhưng trong trận đánh này thì 27 nghĩa quân Cần Giuộc đã hy sinh. Cảm khái tinh thần chiến đấu ngoan cường của 27 nghĩa binh, tại chùa Tôn Thạnh, Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác áng văn tế nổi tiếng.

Cần Giuộc cũng là nơi có Chi bộ Đảng Cộng sản khá sớm. Tháng 4 năm 1930 đồng chí Hồ Văn Long và một số đồng chí khác từ Bà Điểm về Phước Lâm hoạt động và thành lập Chi bộ Đảng, đánh dấu một bước chuyển biến của phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương. Ngay sau khi thành lập, Chi bộ đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh đốt phá nhà hội Thuận Thành (1/5/1930) và tham gia cuộc biểu tình ở Gò Đen.

Năm 1941 trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, những người con Cần Giuộc lại nổi lên chống giặc, nhưng bị bắt và bị xử tử tại sân banh thị trấn Cần Giuộc vào ngày 4/5/1941 (gồm Nguyễn Thị Bảy và 4 đồng chí của mình).

Thời chống Mỹ, tháng 9/1961 lần đầu tiên 20.000 người biểu tình suốt 2 ngày đêm buộc quận trưởng Cần Giuộc phải chấp nhận những yêu sách của nhân dân như: chấm dứt việc bắn phá, dồn dân lập ấp, dỡ nhà, bắt gà, vịt của nhân dân.

Di tích khu vực Rạch Bà Kiểu ở ấp Lũy, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc hiện nay là nơi ghi dấu chiến công chói lọi của quân dân Cần Giuộc trong cuộc chiến chống Mỹ vào năm 1967. 18 ngày đêm chiến đấu anh dũng, du kích đã tiêu diệt 200 giặc Mỹ, thu 15 súng, bắn rơi 2 trực thăng và có 5 người được tuyên dương danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.

Phát huy truyền thống đấu tranh, nhân dân Cần Giuộc tiếp tục cống hiến những người con ưu tú của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Đặc biệt ấp Long Hưng - tổ quán họ Huỳnh - là nơi đã đóng góp nhiều chiến công hiển hách trong sự nghiệp chung của nhân dân Cần Giuộc và cả nước.

Riêng trong kháng chiến chống Mỹ, quân dân xã Long Thượng đã diệt “800 tên địch, 30 lính Mỹ, bắn rơi và cháy 4 máy bay, xe tăng, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Nhưng cũng trong cuộc chiến tranh này cán bộ, nhân dân Long Thượng đã hy sinh máu xương của hơn 400 liệt sĩ, thương binh và người có công. Xã có 8 mẹ Việt Nam Anh hùng, xã được Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam tặng một Huy chương và một Huân chương Giải phóng. Ngày 28/5/2010 quân dân Long Thượng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân”.

2. Truyền thống của dòng họ

Trong chiến công của nhân dân xã Long Thượng và nhân dân huyện Cần Giuộc nói chung, có phần đóng góp của con cháu dòng họ Huỳnh. Những người con họ Huỳnh sinh sống ở tổ quán đã tham gia kháng chiến như ông Huỳnh Văn Hai (đời IV, hy sinh), ông Huỳnh Văn Ba (đời IV) là du kích huyện Cần Giuộc, ông Huỳnh Ngọc Năm (đời IV) tham gia cách mạng rồi vào bộ đội hoạt động ở huyện Nhà Bè…

Những người con họ Huỳnh thuộc cánh ông Huỳnh Văn Bộ (đời II), người đã tìm đến vùng đất Tân Tạo, huyện Bình Chánh (nay thuộc quận Tân Phú) lập nghiệp. Họ là những nông dân nghèo, không có ruộng đất phải lìa xa nơi chôn nhau cắt rốn để kiếm kế sinh tồn. Có lẽ trong hoàn cảnh đó mà họ cảm thông với cách mạng, những người đấu tranh cho độc lập dân tộc, cho dân nghèo. 

Các con ông Huỳnh Văn Bộ như: Vợ chồng ông Huỳnh Văn Sanh (đời III), bà Huỳnh Thị Điền (đời III), tham gia nuôi giấu cán bộ cách mạng, tiếp tế nhu yếu phẩm cho những người kháng chiến… Đã nhiều lần bị bắt, bị giam tù nhưng họ vẫn một lòng ủng hộ kháng chiến. Ông Huỳnh Văn Nhiều (đời III) thì thoát ly gia đình đi chiến đấu, ông Huỳnh Văn Lê (đời III) cũng thoát ly gia đình chiến đấu và hy sinh, được phong tặng liệt sĩ. Ông Huỳnh Văn Lô (đời IV) cũng thoát ly đi vào bộ đội. Ông Huỳnh Văn Sái đời IV, liệt sĩ, ông Huỳnh Văn Minh (đời IV) thoát ly hoạt động cách mạng, là thương binh, bà Huỳnh Thị Lũng (đời IV), liệt sĩ…

Đặc biệt con cháu của bà Huỳnh Thị Lượng, là con cháu ngoại của dòng họ Huỳnh cũng đã có những đóng góp to lớn cho phong trào đấu tranh cách mạng tại huyện Thạnh Hóa, khi bà Huỳnh Thị Lượng cùng chồng về đây lập nghiệp. Những người con của bà như Hồ Văn Xê, Hồ Văn Miêng, Hồ Văn Tràng đều tham gia kháng chiến, có người là liệt sĩ. Trong đó bà Hồ Thị Xàm (con gái bà Huỳnh Thị Lượng) và bà Nguyễn Thị Dừa (con dâu bà Huỳnh Thị Lượng) được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dòng họ Huỳnh đã có những đóng góp công lao và xương máu đáng kể cho sự nghiệp chung của dân tộc.

TỔ PHỤ VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG HỌ HUỲNH

1. Tổ phụ

Vấn đề Tổ phụ của họ Huỳnh ở ấp Long Hưng, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An tương đối đơn giản. Con cháu biết được họ tên của ông tổ, đó là: ông Huỳnh Văn Quợt, tên của bà Tổ là Nguyễn Thị Chác. Dòng họ không có bảng tông chi, mộ của ông bà hiện nay được con cháu tôn tạo khá khang trang nhưng nguyên thủy đó là 2 mộ đất, không có bia nên những thông tin về ông bà như năm sinh, năm mất… là không có.

Con cháu hiện nay cũng không thể biết ông từ đâu tới, ông bà cùng đến ấp Long Hưng hay chỉ một mình ông đến và nên duyên với bà tại đây. Tuy nhiên theo phương pháp tính tuổi thường áp dụng khi làm gia phả, chúng ta có thể ước đoán năm sinh của ông Tổ và thời điểm mà ông đặt chân đến ấp Long Hưng.

Giả sử mỗi anh em sinh cách nhau 2 năm và mỗi đời cách nhau 25 năm, căn cứ vào năm sinh của ông Huỳnh Văn Bộ (đời II), con  thứ năm của ông Tổ ta có thể ước tính năm sinh của ông Tổ Huỳnh Văn Quợt như sau:

- Ông Huỳnh Văn Bộ (con thứ năm) sinh năm 1893, thì người anh hai của ông Huỳnh Văn Bộ là Huỳnh Văn Ngàn sinh khoảng năm 1887 (mỗi anh em sinh cách nhau 2 năm).

Ông Huỳnh Văn Ngàn (đời II) sinh năm 1887 thì thì ông Tổ Huỳnh Văn Quợt (đời I) sẽ sinh năm 1862 (1887 - 25 = 1862). Và giả sử ông Tổ đến tuổi trưởng thành (18 tuổi) mới vào lập nghiệp tại tổ quán, thì thời điểm ông đặt chân đến ấp Long Hưng vào vào khoảng năm 1880 (1862 + 18 = 1880). Thời điểm này nằm trong triều đại của vua Tự Đức (1847-1883). Đó cũng là thời điểm mà vùng đất Nam bộ đã được xác lập hơn 150 năm, đã lập xong địa bạ Minh Mạng và thời điểm mà đất nước lâm vào cảnh dầu sôi lửa bỏng trước sự xâm lấn của người Pháp.

2. Sự phát triển của họ Huỳnh qua các thời kỳ

 Ông Tổ Huỳnh Văn Quợt có 7 người con trong đó có 6 người con trai:

- Thứ hai : Huỳnh Văn Ngàn

- Thứ ba : Huỳnh Văn Dặm

- Thứ tư : Huỳnh Văn Giỏi

- Thứ năm : Huỳnh Văn Bộ

- Thứ sáu : Huỳnh Văn Nghĩa

- Thứ bảy : Huỳnh Văn Trượng

- Thứ tám : Huỳnh Thị Lượng

Trong 6 người con trai của ông tổ Huỳnh Văn Quợt, người con thứ tư Huỳnh Văn Giỏi chỉ có 1 người con gái, ông thứ sáu Huỳnh Văn Nghĩa không có con. Hai người này xem như không có người “nối dõi tông đường”. Trong 4 người con trai còn lại thì ông thứ bảy Huỳnh Văn Trượng chỉ có 2 con trai, nhưng nhà nghèo, con cháu xiêu lạc, chỉ có người con Huỳnh Văn Tư (con ông Trượng) có con cháu.

Họ Huỳnh với 3 nhóm con cháu của các ông Huỳnh Văn Ngàn, Huỳnh Văn Dặm và Huỳnh Văn Bộ là phát triển số lượng đông đảo nhất.

Nếu đời II họ Huỳnh có 7 người (cả trai cả gái), thì đời III có 28 người (trong đó có 10 người con trai). Đời IV có 62 người (trong đó có 24 con trai). Đời V cũng có 62 người (nhưng có đến 31 trai). Hiện nay lác đác có xuất hiện đời VI. Có thể nói đời IV và đời V là hai thế hệ phát triển số lượng đáng kể nhất của họ Huỳnh.

Nhìn chung về quy mô dòng họ, với tổng cộng 160 con cháu họ nội (cả trai lẫn gái) từ đời I đến đời V. Với số lượng này, có thể nói họ Huỳnh ở ấp Long Hưng, xã Long Thượng huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An là một dòng họ có quy mô số lượng tương đối vừa.

Tuy nhiên xã Long Thượng (tổ quán họ Huỳnh) đất ruộng tương đối ít. Thời phong kiến lại tập trung vào tay một số điền chủ, địa chủ. Theo những bậc cao niên tại xã Long Thượng kể lại, đất đai của xã Long Thượng khoảng vài chục mẫu, nhưng thời trước chủ yếu tập trung vào ba điền chủ: Trương Văn Lợi, thầy Tư Đại và ông Chủ Diễn. Cả ba người này đều ở tại chợ Long Thượng. Có lẽ cũng chính vì vậy mà các ông Huỳnh Văn Ngàn, Huỳnh Văn Dặm (đời II) có hậu duệ sinh sống tại Long Thượng không có nhiều đất đai. Ông Huỳnh Văn Bộ (đời II) cùng hai người em trai Huỳnh Văn Nghĩa và Huỳnh Văn Trượng phải tìm qua Tân Tạo, Bình Chánh để khai hoang, lập nghiệp. 

Ông Huỳnh Văn Bộ ban đầu đi một mình, khai hoang, dựng nhà rồi dần dần mới đưa vợ con từ xã Long Thượng sang. Ông khai hoang được khoảng 3 mẫu đất, rồi có điều kiện làm ăn tích góp mua thêm khoảng 3 mẫu đất nữa, làm ăn sinh sống và để lại cho con cháu sau này. Con cháu ông Huỳnh Văn Bộ sinh con đẻ cháu trên vùng đất Tân Tạo, xem đây như quê hương mới của mình. Tân Tạo thời trước thuộc tỉnh Hậu Nghĩa, sau giải phóng thì thuộc huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh và trong khoảng 2004-2005 một phần đất của quận Tân Bình được sáp nhập với một phần đất của huyện Bình Chánh để hình thành quận mới Bình Tân thuộc TP.Hồ Chí Minh.

Hai người em của ông Huỳnh Văn Bộ là Huỳnh Văn Nghĩa và Huỳnh Văn Trượng cũng đến Tân Tạo lập nghiệp, nhưng hai ông này không khai hoang, theo nghề ruộng rẫy mà chỉ đi buôn. Các ông đi mua khoai lang, khoai mỳ ở Vườn Thơm rồi đem về bán lại ở các chợ. Vì vậy mà hai người này không có ruộng đất.

Cho đến nay, các cánh của họ Huỳnh chủ yếu vẫn sống nơi mà những người đời II sinh sống. Con cháu ông Huỳnh Văn Ngàn và Huỳnh Văn Dặm, chủ yếu sống ở xã Long Hưng, huyện Cần Giuộc, con cháu các ông Huỳnh Văn Bộ, Huỳnh Văn Trượng chủ yếu sống ở Tân Tạo.

Trong kháng chiến chống Mỹ, một số tham gia cách mạng rồi khi hòa bình lập lại làm cán bộ công tác ở các tỉnh thành, hoặc sau ngày đất nước thống nhất, một số con cháu lên học đại học tại TP.Hồ Chí Minh, nhưng cũng không đáng kể.

Hiện nay một số lớn con cháu họ Huỳnh ở Tân Tạo làm việc cho các công ty, xí nghiệp ở khu công nghiệp Tân Tạo hoặc các khu công nghiệp lân cận.

3. Về việc nhận họ của bà con ở Thạnh Hóa, Long An

Khi khởi dựng bộ gia phả này, một số ý kiến cho rằng tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An cách đây khoảng chục năm, một số bà con ở huyện Thạnh Hóa đã trở về tổ quán xã Long Thượng để nhận bà con và bốc cốt ông bà về trên đó. 

Trên thực tế có đoàn bà con về bốc cốt ông bà nhưng không phải ông bà thuộc họ Huỳnh. Đoàn đi bốc cốt là những người đang sinh sống tại ấp Đình, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Đây là một vùng quê thuộc Đồng Tháp Mười.

Ngày 5/6/2011 đoàn dựng gia phả đã cùng ông Huỳnh Văn Lên (hậu duệ đời IV) đi xuống xã Thạnh Phước để tìm lại bà con họ Huỳnh nơi đây.

Từ xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc xuôi về TP Tân An, đến Tân An có con đường rẻ phải để đi về huyện Thạnh Hóa. Tính từ xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc đi khoảng 50-60km thì đến chợ Tân Thạnh của huyện Thạnh Hóa. Con kênh 12 nằm sát cạnh chợ được xem là con đường thủy chính mà nhân dân nơi dây dùng để đi vào các ấp của xã Thạnh Phước. 

Kênh 12 từ chợ Tân Thạnh đi khoảng 1km thì rẻ vào rạch Đá Biên (thuộc ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước). Đi khoảng 9km thì đến ngả ba sông Vàm Cỏ Tây, qua khỏi ngả ba sông Vàm Cỏ Tây khoảng 500m là đến địa phận của ấp Đình, xã Thạnh Phước. Nhưng phải đi 4-5km nữa mới đến nơi mà con cháu họ Huỳnh sinh sống.

Từ chợ Tân Thạnh cách gần 15km đường sông, nhưng nhiều người biết nhà bà Hồ Thị Xàm, Nguyễn Thị Dừa họ thường gọi thân mật là bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Tại nhà bà Nguyễn Thị Dừa (đã qua đời), nay là người con Hồ Ngọc Rẫy ở, đại diện những người bà con họ Huỳnh đã tề tựu khá đông đủ.

Chính những người nơi đây kể rằng, lúc lên xã Long Thượng bốc cốt là bốc cốt cha mẹ chồng của bà Huỳnh Thị Lượng, tức cha mẹ ruột của ông Hồ Văn Bộ (chồng bà Lượng). Bà con họ Huỳnh hiện ở ấp Đình, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An là những người cháu ngoại, con cháu của bà tám Huỳnh Thị Lượng thuộc đời II họ Huỳnh.

Đoàn bốc cốt gồm: Ông Hồ Văn Xê, Hồ Thị Đựng, Hồ Thị Lẹ (3 người này là con của bà Huỳnh Thị Lượng), ông Hồ Ngọc Hải, Hồ Văn Rong (con ông Xê), vợ chồng Hồ Thị Nga - Lê Văn Phước (con ông Hồ Văn Miêng), Hồ Văn Minh (con bà Hồ Thị Lẹ) và Võ Minh Tấn (con bà Hồ Thị Đựng). Sau khi bốc cốt về ấp Đình, bà con họ Hồ làm cúng giỗ lớn. Vì vậy nhân tiện về quê hương ở xã Long Thượng bốc cốt và thăm bà con. Những người cháu ngoại họ Huỳnh mời bà con họ Huỳnh về thăm và dự đám giỗ, nhưng đây là đám giỗ ông họ Hồ chứ không phải họ Huỳnh.

Nói chung bà Huỳnh Thị Lượng (đời II) theo chồng là Hồ Văn Bộ về lập nghiệp ở Thạnh Hóa, con cháu bà Lượng (tức các cháu ngoại họ Huỳnh) ở dưới này. Còn mồ mả cha mẹ bà Huỳnh Thị Lượng (tức ông bà Tổ) thì vẫn ở ấp Long Hưng như chúng ta đã biết.

Tuy nhiên, khi tiếp xúc với các cháu ngoại họ Huỳnh nơi đây, lại phát hiện ra những điều mà ngay cả những người họ Huỳnh đang sống tại tổ quán ấp Long Hưng, xã Long Thượng cũng không biết.

Ông Võ Minh Tấn, con bà Hồ Thị Đựng cho biết, lúc bà còn sống bà đã đọc để ông ghi lại bà con bên ngoại của mình, đến với đoàn làm gia phả, ông Tấn mang theo quyển sổ ghi chép này. Trong đó người con thứ tư, thứ sáu và thứ bảy của ông tổ họ Huỳnh ở ấp Long Hưng, xã Long Thượng có tên là: thứ tư Huỳnh Văn Giỏi, thứ sáu Huỳnh Văn Nghĩa, thứ bảy Huỳnh Văn Trượng. Trong lúc các bậc cao niên họ Huỳnh tại ấp Long Hưng hoàn toàn không biết 3 người này và cho rằng những người này đã chết nhỏ, vì hiện nay không thấy con cháu của họ. 

Ông Hồ Thanh Việt, cháu nội bà Huỳnh Thị Lượng còn biết cả nơi mà con cháu của 3 ông này sinh sống. Cũng nhờ đó mà đoàn thực hiện gia phả có điều kiện truy tìm làm cho phần phả hệ đầy đủ hơn. Và đây cũng là một “phát hiện” cho những người họ Huỳnh ở tổ quán về những người bà con thân thích của mình.

4. Vấn đề hôn nhân của dòng họ 

Họ Huỳnh tồn tại đến ngày nay đã trải qua thời gian dài khoảng hơn 150 năm (tính từ lúc ông Tổ đặt chân đến ấp Long Thượng vào năm 1862 như đã nêu trên). Con cháu họ Huỳnh ngày nay phát triển khá đông đúc là nhờ vào sự kết hợp hôn nhân với các dòng họ khác.

Theo lịch sử của gia tộc, họ Huỳnh đã kết hợp hôn nhân với khoảng 22 dòng họ khác nhau. Đó là các họ: Nguyễn, Trần, Lê, Lưu, Hồ, Phạm, Phan, Lại, Trịnh, Thái, Lư, Trương, Võ, Đoàn, Văn, Quách, Đỗ, Ngô, Lý, Lương, Cái và cả họ Huỳnh (chi họ Huỳnh khác với họ Huỳnh tại tổ quán). Trong đó, kết hợp hôn nhân nhiều nhất là với họ Nguyễn, sau đó đến các họ Lê, Trần. Trong số 160 thành viên mang họ Huỳnh tính từ đời I đến đời V thì có đến 35 người lấy chồng hoặc vợ là họ Nguyễn.

Những dòng họ này chủ yếu là ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc và xã Tân tạo, huyện Bình Chánh (nay là Bình Tân) và những xã lân cận, những nơi có đông đảo hậu duệ họ Huỳnh sinh sống.

Nhìn chung sự kết hợp hôn nhân chưa mang lại những đột biến, nghĩa là chưa làm cho dòng họ “sang” lên, có điều kiện để một vài cá nhân phát triển thuận lợi mang lại vinh quang cho dòng họ. Cũng không có trường hợp ngược lại, nghĩa là làm cho dòng họ mang tiếng xấu.

Sự kết hợp hôn nhân trong thời gian vừa qua đã bảo đảm được sự duy trì nòi giống lành mạnh, các dòng họ cũng phù hợp với họ Huỳnh, hiền hòa, chất phát, mến khách, cần cù lao động, chí thú làm ăn, các cặp vợ chồng chia ngọt sẻ bùi, vượt qua những khó khăn của cuộc sống… Nghĩa là bảo đảm yếu tố cơ bản cho sự phát triển bền vững.

ĐẶC ĐIỂM DÒNG HỌ VÀ LỜI KẾT

- Tổ quán ở ấp Long Hưng, xã Long Thượng không phải là nơi ruộng đồng thẳng cánh cò bay, vì vậy đến đời II, một số con cháu họ Huỳnh phải tìm vùng đất mới để sinh tồn. Các ông Huỳnh Văn Ngàn, Huỳnh Văn Dặm ở lại quê hương, nhưng ông Huỳnh Văn Giỏi lưu lạc lên tận quận 8 của Sài Gòn. Các ông Huỳnh Văn Bộ, Huỳnh Văn Nghĩa và Huỳnh Văn Trượng thì đi qua vùng đất kế cận với Long Thượng - xã Tân Tạo, Bình chánh - để lập nghiệp. Bà Huỳnh Thị Lượng có chồng người cùng xã Long Thượng thì cũng theo chồng về tận huyện Thạnh Hóa thuộc vùng Đồng Tháp Mười để lập nghiệp. Sự “ly tán” của những người đời II họ Huỳnh cộng với thời gian chiến tranh đã phần nào làm  sự “đoàn tụ” của dòng họ không thuận lợi như một số dòng họ khác.

- Nhìn chung họ Huỳnh là những con người chất phát, hiền hòa và hiếu khách như đặc điểm chung của cư dân Nam bộ. Những người con họ Huỳnh có tình yêu với đồng bào cùng cảnh ngộ, họ xuất thân là những nông dân nghèo nên tinh thần cách mạng khá cao, nhiều người tham gia vào 2 cuộc kháng chiến. Một số ở tại ấp Long Hưng thì giả đi vào chùa tu để trốn lính, cũng có một số người vì hoàn cảnh, thời cuộc mà tham gia vào quân đội, chính quyền thuộc chế độ Sài Gòn cũ.

Một số ít con cháu họ Huỳnh nắm giữ chức vụ quan trọng trong xã hội, trong đó tiêu biểu có thể kể đến ông Huỳnh Văn Minh (đời IV), tham gia cách mạng từ lúc 18 tuổi, từng giữ những chức vụ như: Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, TP.HCM, Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn… Hiện nay ông là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM.

- Trong chiến tranh thì hy sinh vì nước, hòa bình lập lại thì xây dựng quê hương. Mồ mả ông bà cũng được những người con họ Huỳnh có điều kiện kinh tế trở về tu sửa, tôn tạo. Mồ mả của ông bà Tổ trước đây chỉ là 2 cái mả bằng đất, nay được tôn tạo khang trang. Việc truy tìm bà con và để con cháu biết được gốc tích của mình, biết được gương phấn đấu vượt qua những khó khăn của cuộc sống để xây dựng gia đình no ấm, cũng được chú trọng. Việc dựng bộ gia phả này là thực tiễn nói lên điều đó.

- Tuy nhiên, hiện nay họ Huỳnh ở ấp Long Hưng, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc chưa có nhà thờ tộc, chưa có ngày giỗ Tổ. Điều này cũng hạn chế một phần sự thiêng liêng của dòng họ. Phải cố gắng có một nơi, một dịp trong năm để con cháu tha phương trở về thắp một nén nhang nhằm nhớ về Tổ tiên, cội nguồn, nó như một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con cháu trên bước đường lập nghiệp đầy cam go hiện nay.

- Nhìn chung những con cháu họ Huỳnh ở tại tổ quán còn gặp nhiều khó khăn, nếu có một quỹ khuyến học, hoặc quỹ hỗ trợ làm ăn để bà con có thể tương trợ nhau trong cuộc sống, tạo điều kiện tốt hơn cho thế hệ trẻ họ Huỳnh có thể học hành vươn ra xã hội nhằm viết thêm những trang sử vẻ vang cho dòng họ.

- Những bậc tiền nhân đời II họ Huỳnh đã cần cù lao động, vượt qua những khó khăn, khắc nghiệt của cuộc sống, đã đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp chung của dân tộc, dù ở quê nhà hay ra đi đến vùng đất mới để lập nghiệp như các ông Huỳnh Văn Bộ, bà Huỳnh Thị Lượng… Đó là những tấm gương sáng để con cháu noi theo và biết sống tốt để khỏi tủi hỗ vong linh ông bà nơi chín suối.

Hậu duệ họ Huỳnh chúng ta nguyện học tập gương sáng của cha ông, phấn đấu xây dựng gia đình bền vững, góp phần xây dựng xã hội vững mạnh và để góp vào lịch sử gia tộc với những trang sử hồng đáng tự hào trong tương lai…