Trang chủ > 057. Gia phả họ Nguyễn (ấp Tân Trạch, Bạch Đằng, Tân Uyên, Bình Dương)

057. Gia phả họ Nguyễn (ấp Tân Trạch, Bạch Đằng, Tân Uyên, Bình Dương)

20/08/2022 22:04:52

Gia phả họ Nguyễn ở ấp Tân Trạch, xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2010.

LỜI TỰA

Chim có tổ người có tông

Cây có cội nước có nguồn

Đó là những lời ông ta bà nhắc nhở con cháu phải biết cội nguồn dòng họ mình.

Anh em tôi được sinh ra và lớn lên trên quê hương bên ngoại. Đó là xã Bình Trị, huyện Dĩ An, tỉnh Biên Hòa (nay là xã Tân Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) – nơi có truyền thống cách mạng lâu đời. Cha - mẹ tôi theo cách mạng từ sau Cách Mạng Tháng Tám 1945 khi tuổi thanh xuân, và gặp nhau trong công tác, cả hai đã xả thân vì sự nghiệp cách mạng qua hai cuộc kháng chiến. Ông bà đã di chuyển ngược xuôi nhiều nơi trong công tác, bị bắt giam qua nhiều nhà tù, bị tra tấn dã man… Ra khỏi nhà tù của địch, cha lại vào chiến khu, mẹ tiếp tục hoạt động nội thành và phải luôn đối phó trước sự truy bắt của giặc thì còn đâu thời gian đưa anh em chúng tôi về quê nội. Anh em tôi lớn lên và học hành được bên ngoại chăm lo dạy dỗ nên không biết gì về quê hương và họ hàng bên nội.

Sau khi đất nước được giải phóng, hòa bình được lập lại trên quê hương ta, đất nước ta. Nhiều người đã ly hương vì chiến tranh lo tìm về tổ quán, tìm lại họ hàng, xây lại mồ mả ông bà, nhà thờ họ tộc. Anh em chúng tôi cũng vội vã tìm về quê nội và họ hàng bên nội.

Thật là mừng ! Chúng tôi đã tìm được tổ quán và họ hàng bên nội chúng tôi cùng mồ mả ông bà tổ nội của chúng tôi bên dòng sông Đồng Nai xinh đẹp, nước chảy hiền hòa.

Chúng tôi cùng họ hàng bên nội giúp sức xây nhà thờ họ để có một nơi thờ phượng tổ tiên và lập đồng mả của dòng tộc trên đất tổ để tập trung mộ của họ hàng về đây để cùng nhau chăm sóc và giỗ tổ. Chúng tôi có ghi họ tên ba đời tổ tiên đặt trên bàn thờ tổ nhưng việc lập gia phả cho cả dòng họ thì tôi chưa làm được và nguồn gốc tổ tiên chúng tôi chưa tỏ tường.

Ông bà ta dạy “nước có sử, nhà có phả”. Có sử để chúng ta biết lịch sử của dân tộc, để tự hào, để biết ơn tổ tiên đã dựng và giữ nước. Có phả để biết cội nguồn của dòng họ, biết được công lao dựng nghiệp của tổ tiên đối với con cháu, biết quan hệ thế thứ của những người trong họ biết truyền thống tốt đẹp của dòng họ mình để học tập và phát huy, biết mồ mả - giỗ chạp của tổ tiên để chăm sóc, phụng thờ và biết bà con họ hàng để khỏi vi phạm luân thường đạo lý. Dòng tộc chúng ta chưa có phả nên việc lập gia phả là việc làm cần thiết đối với họ ta. Do đó, tôi nhờ Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả lập bộ gia phả cho họ ta trước để tri ân tổ tiên sau để con cháu biết lịch sử dòng họ mình, biết những điều tốt để phát huy, điều chưa tốt để tránh, để thương yêu, giúp đỡ, giáo dục… để cùng họ tộc xây dựng dòng họ mình tốt hơn.

Tôi rất hoan nghênh sự hưởng ứng của bà con trong họ tộc, đã cung cấp thông tin chính xác và cũng chân thành cám ơn Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả giúp chúng tôi hoàn thành bộ gia phả này.

Dẫu có nhiều cố gắng song cũng sẽ không tránh khỏi thiếu sót. Mong bà con tiếp tục bổ sung.

Gia phả này được phổ biến rộng rãi.

Thành phố Biên Hòa, ngày … tháng … năm 2010

Cháu đời IV

Nguyễn (Lê) Minh Hải

tự Lê Hồng Phương 

 

PHẢ KÝ

I. TỔ QUÁN HỌ NGUYỄN

Từ Thành phố Hồ Chí Minh, theo quốc lộ 1K, đi thẳng qua khỏi cầu Hóa An khoảng 200m thì đến ngã tư Bữu Long, rẽ trái là con đường nhựa có hai hàng cây rợp bóng mát dẫn đến khu du lịch Bữu Long. Đó là con đường Huỳnh Văn Nghệ - tên nhà quân sự - nhà thơ lớn của miền Đông Nam Bộ. Theo con đường này, qua khỏi ngã tư Bến Cá, qua chùa cổ Kim Long độ 200m quẹo phải theo con đường nhựa ngoằn ngoèo của xã Lợi Hòa đến bến phà Lợi Hòa, qua phà sang bên kia sông Đồng Nai là cù lao Bạch Đằng. Từ bến phà này theo con đường nhựa đến ngã ba trại cưa, quẹo trái theo đường liên xã thẳng đến trường trung học cơ sở Huỳnh Văn Lũy. Đây là địa phận tổ 19, ấp Tân Trạch, xã Mỹ Qưới xưa - nay là xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, là tổ quán họ Nguyễn. Nhà thờ họ Nguyễn nằm đối diện bên hông trường trung học cơ sở Huỳnh Văn Lũy. Sau nhà thờ họ là đồng mả tộc họ Nguyễn. 

Ấp Tân Trạch hiện nay là một trong 6 ấp của xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, có quá trình hình thành lâu đời cùng với sự hình thành của vùng đất Đồng Nai. 

Hiện ấp có vị trí sau :

• Phía Bắc giáp ấp Điều Hòa.

• Phía Tây giáp ấp Tân Long.

• Phía Đông giáp sông Đồng Nai.

• Phía Nam giáp ấp An Chữ.

Ấp Tân Trạch nằm trên vùng đất cù lao Mỹ Qưới xưa - nay là xã Bạch Đằng – một rẻo đất phù sa nối tiếp như một con tàu bồng bềnh trên mặt nước sông Đồng Nai, tiềm ẩn bao di chỉ, hiện vật cổ xưa như Dốc Chùa, Gò Đá, cù lao Rùa… là những địa bàn sinh sống của người cổ cư trú cách đây từ 2000 đến 2500 năm. Vùng đất này được bao bọc và bồi đắp bởi sông Đồng Nai thành những giồng cao phù hợp với cây nông nghiệp và cây ăn quả.

Đầu thế kỷ XVI vùng đất màu mở này còn hoang vu, vô chủ, chưa ai đến khai phá. Trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn đã phản ánh tình hình trên như sau : “Ở đất Gia Định Đồng Nai, từ biển Cần Giờ, Lôi (Soài) Rạp, cửa Đại, cửa Tiểu trở vào toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm”(1) 

Nhưng đến đầu thế kỷ XVII, vùng này trở nên sôi động với sự xuất hiện của lớp cư dân người Việt. Họ là lưu dân vùng Thuận Quảng, không chịu nổi chiến tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài 175 năm đã làm cho đời sống nhân dân vô cùng lầm than cơ cực. Tất cả nhân tài vật lực đã bị vơ vét cùng kiệt để ném vào cuộc chiến tranh. Vào thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1635 – 1648) dân vùng Quảng Bình – Thuận Hóa đã phiêu bạt xuống phương Nam. Chiến tranh càng khốc liệt thì làn sóng di cư ngày càng diễn ra liên tục, ồ ạt. Họ là những nông dân nghèo khổ, những người trốn sưu cao thuế nặng, những binh lính đào ngũ, những tù nhân bị lưu đày, những người giàu muốn đi tìm vùng đất mới để mở rộng cuộc sống. Họ đi bằng đường biển, dùng thuyền buồm hay ghe bầu. Rất ít người đi bằng đường bộ, vì đường bộ rất nguy hiểm. Họ đi lần hồi đến vùng Đồng Nai, ồ ạt nhất là sau khi chúa Nguyễn đã tạo ảnh hưởng đến vùng đất này vào cuối thế kỷ XVIII. Điểm dừng chân đầu tiên của di dân là Mô Xoài (Bà Rịa), vì vùng này nằm trên trục giao thông đường bộ từ Bình Thuận vào Nam lại nằm trên đường biển Ô Trạm rất thuận lợi cho thuyền bè cập bến. Từ Mô Xoài di dân theo thủy triều lên xuống đến vùng Đồng Nai. Những điểm định cư sớm nhất của cư dân là huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Bến Gỗ, Bàn Lân, cù lao Tân Chánh, cù lao Phố, cù lao Ngô, cù lao Tân Triều. Những vùng này thu hút đông đảo người Việt đến  định cư vì nơi đây có nước ngọt tiện cho việc sinh hoạt. Để có cuộc sống ổn định, lưu dân phải đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt đầy sơn lam chướng khí:

“Đồng Nai xứ sở hải hùng

Dưới chân sấu lội, trên rừng cọp um”

Như vậy, lịch sử đã ghi nhận cù lao Tân Chánh (còn gọi là cù lao 6 làng) trong đó có làng Tân Trạch là vùng dừng chân sớm nhất của những người di cư.

Khi xứ Đồng Nai tương đối đông người thì triều đình nhà Nguyễn cử Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính vào xây dựng tổ chức chính quyền, phân chia ranh giới để thành lập các dinh trấn phía Nam. Ông đã lấy đất Đồng Nai thành lập huyện Phước Long, lập dinh Trấn Biên, lấy vùng Sài Gòn – Gia Định lập huyện Tân Bình thuộc dinh Phiên trấn, rồi đặt ra phường, xã, thôn, ấp, định thuế đinh, thuế điền, lập đinh bạ, địa bạ.

Năm 1836, vua Minh Mạng cho lập địa bạ thì địa bạ thôn Tân Trạch được ghi như sau :

Tân Trạch thôn ở xứ Bồ lao Tân Trạch

• Đông giáp địa phận thôn Điều Hòa, có lập cột gỗ làm giới

• Tây giáp hai thôn Bình Chữ và Tân Trúc, có rạch nhỏ làm giới, lại giáp thôn Bình Chữ Trung, có lập cột móc làm giới.

• Nam giáp sông lớn lấy giữa lòng sông làm giới.

• Bắc giáp địa phận thôn Bình Hưng có cột mốc làm giới. 

Thực canh ruộng đất là 91.4.12.8

+ Điền tô : 64.4.0.3 (43 sở và các sư chùa Phước Điền ở thôn Bình Hưng đồng canh : 0.8.1.6.

+ Đất trồng dâu, mía 27.0.12.5 (122 sở)

+ Dân cư thổ : 2.5.0.0

+ Mộ địa một khoảnh

Qua địa bạ thôn Tân Trạch xưa, nay là ấp Tân Trạch cho thấy Tân Trạch từ thế kỷ XIX đã là một đơn vị hành chánh có vị trí giới hạn, diện tích rõ ràng. 

Thôn Tân Trạch tồn tại qua các thời kỳ lịch sử và thay đổi đơn vị hành chánh như sau :

- Từ năm 1863, là thời kỳ thuộc Pháp, Tân Trạch là một trong các làng thuộc tổng chánh Mỹ Trung, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long.

- Từ 1867 – 1876 Tân Trạch vẫn thuộc huyện Phước Chánh, tổng Chánh Mỹ Trung, hạt Biên Hòa.

- Năm 1889 hạt đổi thành tỉnh thì Tân Trạch thuộc tổng Chánh Mỹ Trung, huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa.

- Từ năm 1965 – 1975 cù lao Tân Chánh được chia là 2 xã Mỹ Hòa và Mỹ Qưới, làng Tân Trạch trở thành ấp, thuộc tổng chánh Mỹ Trung, xã Mỹ Qưới, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa. Năm 1977 hai xã Mỹ Hòa và Mỹ Qưới được nhập lại thành xã Bạch Đằng, thì ấp Tân Trạch đổi là ấp 2. Đến năm 2006 ấp 2 đổi lại là ấp Tân Trạch, thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Vùng đất xã Bạch Đằng nói chung và ấp Tân Trạch nói riêng do bàn tay lao động của những người nông dân và nhân dân lao động nghèo khó từ nhiều nơi đã tụ tập về đây, đã lao động cật lực biến vùng đất hoang vu thành vùng đất màu mở, đồng ruộng phì nhiêu, cây lành trái ngọt, cảnh quang xinh đẹp bên cạnh dòng sông Đồng Nai thơ mộng. Bà con đã xây dựng tình làng nghĩa xóm, đã bảo vệ cuộc sống và bảo vệ quê hương. Chiến tranh đã xảy ra liên miên trên vùng đất này, khốc liệt nhất là hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Năm 1862 khi ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường đã mất vào tay thực dân Pháp theo hòa ước Nhâm Tuất 1862 thì nhân dân 3 tỉnh nói chung và Biên Hòa nói riêng phải chịu dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Nhân dân cù lao Mỹ Qưới vô cùng cơ cực lầm than : nào là thuế má nặng nề, phi lý (thuế thân). Bọn tề nguỵ luôn hạch sách, cướp bóc của nhân dân. Bọn thực dân Pháp đàn áp, sát hại những người yêu nước một cách dã man.

Kế thừa truyền thống bất khuất, dũng cảm của những người đi tìm tự do, nhân dân Mỹ Qưới xưa – Bạch Đằng ngày nay trong đó có nhân dân ấp Tân Trạch không chịu cảnh nô lệ đã vùng lên đấu tranh đòi quyền sống.

Mở đầu là những cuộc đấu tranh lẻ tẻ, tự phát với vũ khí thô sơ, tự tạo đánh thực dân Pháp theo lối du kích. Sau đó là phong trào thiên Địa Hội nổi lên. Các ông Năm Hy, Tư Hổ, Ba Hậu, Hai Lực là dân làng Tân Trạch tham gia tích cực vào tổ chức này. Các ông luyện tập võ nghệ, tích lũy lương thực đánh thành Sơn Đá của Pháp ở thành phố Biên Hòa. 

Nhóm thanh niên Tân Trạch thì phá khám lớn Sài Gòn. Dù phong trào này tồn tại không lâu song đã tạo được tiền đề cho những cuộc đấu tranh sau này. 

Từ khi có Đảng, nhân dân toàn xã Mỹ Qưới đấu tranh chống thực dân Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ông Nguyễn Văn Nghĩa là đảng viên đầu tiên của quận Tân Uyên được phân công về xã tuyên truyền vận động nhân dân theo đảng và cùng với ông Huỳnh Văn Lũy (đảng viên) tổ chức lực lượng thanh niên và huấn luyện quân sự cho thanh niên theo sự chỉ đạo của ông Huỳnh Văn Nghệ. Ông Lê Cao Đa làm đội trưởng đội Thanh niên Tiền phong ấp Tân Trạch.

Dưới sự chỉ đạo của ông Huỳnh Văn Nghệ, các đảng viên đầu tiên của địa phương đã phát động một phong trào chính trị rộng lớn, chuẩn bị lực lượng quân sự cùng với cả nước giành lại được chính quyền xã trong Cách Mạng Tháng Tám năm 1945. 

Nhưng nhân dân xã Mỹ Qưới hưởng độc lập không bao lâu thì ngày 22 tháng 10 năm 1945, Pháp được sự giúp sức của đồng minh, chiếm lại nước ta. Nhân dân cù lao Mỹ Qưới theo tiếng gọi của Hồ Chủ Tịch đứng lên dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng làm cuộc kháng chiến 9 năm đánh thực dân Pháp tái xâm lược.

Đây là khoảng thời gian mà nhân dân trong ấp Tân Trạch nói riêng và nhân dân xã nói chung chịu nhiều đau thương mất mát. Càng thất bại, chúng càng tăng cường xây đồn bót, điên cuồng sát hại nhân dân. Đình Tân Trạch bị thực dân Pháp chiếm, chúng bắt nhân dân làm xâu để xây dựng đình thành một căn cứ quân sự của chúng để kiểm soát gắt gao nhân dân trong ấp, trong xã và cũng để kịp thời dập tắt những cuộc đấu tranh của nhân dân ta.

Chúng còn xây bót Mỹ Qưới tại ấp Tân Trạch (nay là trường trung học cơ sở Huỳnh Văn Lũy). Bến đò Bót là nơi chứng kiến đầu lìa khỏi cổ của những người dân yêu nước và những người dân vô tội. Khi những tên Việt gian nhìn mặt gật đầu thì lập tức chúng cho cắt cổ thả trôi sông. Khét tiếng là thằng Tây Roi-dóc chuyên đánh người bằng roi đánh ngựa và hãm hiếp phụ nữ. Dân trong xã ai không chịu nổi thì bỏ xứ đi nơi khác làm ăn hoặc thoát ly gia đình vào chiến khu theo cách mạng. Người ở lại vừa sản xuất vừa chiến đấu, nuôi giấu ủng hộ cán bộ cách mạng.

Trong 9 năm kháng chiến hàng trăm người dân vô tội bị giặc sát hại, nhiều phụ nữ bị hãm hiếp, nhiều nhà cửa bị đốt, tài sản bị cướp bóc, nhiều nhà yêu nước bị giam cầm, bị tra tấn dã man. Song với lòng căm thù giặc, với lòng yêu nước nồng nàn lại được sự lãnh đạo của chi bộ, dưới sự chỉ đạo của nhà quân sự đại tài là ông Huỳnh Văn Nghệ và sự đoàn kết của toàn dân trong xã góp phần thắng lợi trong trận Điện Biên Phủ. Hiệp định Genève được ký kết vào năm 1954, mọi người trước tản cư nay vui mừng trở về quê cũ làm ăn.

Nhưng Hiệp định Genève ký chưa ráo mực thì Mỹ nhảy vào thay thế Pháp phá hoại Hiệp định biến Miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Nhân dân cả nước nói chung và xã Bạch Đằng nói riêng phải tiếp tục đấu tranh với kẻ thù lớn mạnh có vũ khí tối tân nhất thế giới lúc bấy giờ. Chúng dùng ấp chiến lược, thuốc khai hoang để truy lùng, tiêu diệt những người làm cách mạng.

Chúng tăng cường lực lượng quân sự, vũ khí tối tân thực hiện chiến tranh cục bộ hòng giành thắng lợi nhanh chóng. Với chủ trương giết lầm còn hơn bỏ sót, chúng gieo rắc sự chết chóc, gây khó khăn trong cuộc sống, trong chiến đấu của nhân dân trong xã. Nhưng không thế lực nào làm nhục ý chí đấu tranh của nhân dân ta để rồi sau 20 năm đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân trong xã cũng giải phóng được xã nhà góp phần thắng lợi chung với cả nước vào chiến dịch mùa xuân năm 1975.

Từ khi hòa bình lập lại đến nay hơn 30 năm, nhân dân ấp Tân Trạch đã khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước xây dựng ấp đạt danh hiệu là ấp văn hóa.

Ấp có diện tích là 178ha. Dân số 339 hộ gồm 1.409 nhân khẩu. Kinh tế chính của ấp là nông nghiệp và lập vườn trồng cây ăn trái. Bưởi là đặc sản của quê hương.

Hiện nay theo kế hoạch của xã là xây dựng thương hiệu bưởi Bạch Đằng. Nhân dân trong ấp chuyên canh trồng bưởi. Kinh tế phụ của ấp là làm dịch vụ và buôn bán nhỏ.

Ấp có một đình cổ là đình Tân Trạch, được xây dựng cách nay hơn 150 năm, được sắc phong của vua Tự Đức năm 1892. Đình được công nhận là di tích văn hóa của tỉnh.

Ấp có chùa Huê Lâm. Vào các ngày Tam Ngươn, Tứ quí dân trong ấp đến dự, cầu nguyện cho quốc thái dân an, không phân biệt người có đạo hay không có đạo. Ấp không có nhà thờ, Thánh thất, chỉ có một nhóm Tin lành. Nhân dân phần lớn theo đạo thờ ông bà.

Ấp Tân Trạch có trường trung học cơ sở Huỳnh Văn Lũy, có trạm y tế, có nước máy sạch, điện nước đầy đủ, giao thông thủy, bộ thuận tiện. Hiện nay ấp nằm trong kế hoạch của xã là xây dựng nông thôn mới.

II. NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG HỌ

1. Truy tìm nguồn gốc dòng họ  

Ông tổ họ Nguyễn có mặt tại ấp Tân Trạch bao giờ con cháu ông không ai biết. Dòng họ cũng không có tài liệu nào cho biết lai lịch của ông bà thủy tổ của mình, không có gia phả cổ hay di chúc để lại cho con cháu. Mộ ông bà tổ có bia song là mộ mới dựng, trên bia chỉ có họ tên, không có ngày tháng, năm sinh, năm mất.

Việc truy tìm cội nguồn họ Nguyễn phải dựa vào thông tin truyền ngôn của dòng họ hay người lớn tuổi trong ấp, khảo sát mồ mả, nghiên cứu thêm giấy tờ thuận phân đất do bà tổ để lại.

Việc truy tìm dòng họ được tiến hành như sau :

a. Gặp gở dòng họ 

Để có được thông tin từ dòng họ, ngày 4/10/2009, tổ lập gia phả chúng tôi được ông Nguyễn (Lê) Hồng Phương (hậu duệ đời IV, chi I) người đại diện dòng họ đứng ra lập gia phả này, đưa về nhà thờ họ tộc tại ấp Tân Trạch, xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương để gặp gỡ hậu duệ các chi của họ Nguyễn. Tại đây chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Thức (hậu duệ đời IV, chi III) là người cao tuổi nhất trong họ, hiểu biết nhiều về dòng họ mình. Ông Thức nói về ông bà tổ mình như sau “Chúng tôi chỉ biết tên ông tổ chúng tôi là Nguyễn Văn Điện nhưng không biết ông từ đâu đến đây lập nghiệp. Còn bà tổ thì chúng tôi được nghe nói lại là người ở tại ấp Tân Trạch, có nhiều đất đai ở ấp này. Bà tên là Nguyễn Thị Thạnh tự Nhì. Năm sinh năm mất của bà không ai biết, con cháu chỉ biết ông mất sớm lúc bà mới 38 tuổi”. Nhìn lên bàn thờ tổ, chúng tôi thấy trên tấm liễn thờ có ghi tên phả hệ tộc Nguyễn 3 đời : tên ông tổ là Nguyễn Văn Điện và bà tổ là Nguyễn Thị Thạnh (tự Nhì) ở trên cùng – Bên dưới ông bà tổ là họ tên hậu duệ đời II và III. Như vậy con cháu họ Nguyễn đã xác nhận ông tổ của mình là ông Nguyễn Văn Điện.

Để chính xác hơn chúng tôi khảo sát mộ ông bà tổ.

b. Khảo sát đồng mả họ tộc

Chúng tôi ra thăm đồng mả họ tộc phía sau nhà thờ họ. Theo hướng dẫn của ông Nguyễn Văn Thức chúng tôi đến mộ ông bà tổ, thì thấy trên mộ bia ông tổ, tên ông được ghi là Nguyễn Văn Điện và bà tổ Nguyễn Thị Thạnh tự Nhì. Năm sinh, năm mất trên mộ bia không có ghi. Như vậy, qua thông tin của dòng họ, qua khảo sát mồ mả họ tộc và bản tóm tắt gia phả ba đời họ Nguyễn đều xác định người cao nhất của dòng họ Nguyễn ở ấp Tân Trạch là ông Nguyễn Văn Điện và vợ ông là Nguyễn Thị Thạnh tự Nhì nên tạm gọi ông là ông tổ đời một. Chúng tôi muốn tìm đời cao hơn nên nghiên cứu thêm tờ “Thuận phân đất” do ông Nguyễn Hữu Thoại hậu duệ đời IV chi IV cung cấp.

c. Nghiên cứu tờ “Thuận phân đất”

Qua luật thừa tự đất đai chúng ta có thể biết được đời cao hơn người thừa tự. Do vậy chúng tôi nghiên cứu tờ “Thuận phân đất” do con cháu ông Nguyễn Văn Lai thực hiện năm 1957 để tìm người cha của ông Nguyễn Văn Điện.

Qua tờ “Thuận phân đất” thì chủ sở hữu đất là ông Nguyễn Văn Lai – cha của bà Nguyễn Thị Thạnh tự Nhì. Con cháu ông Nguyễn Văn Lai đứng ra chia đất của ông ở ấp Tân Trạch thành các phần bằng nhau cho các con. Bà Nguyễn Thị Thạnh được một phần có diện tích là 0,560ha. Bà Thạnh qua đời để lại cho con trai trưởng là ông Nguyễn Văn Trà. Ông Trà qua đời để cho con trai đầu lòng là ông Nguyễn Văn The. Ông The bán lại cho ông Nguyễn Văn Mít (đời III chi IV). Ông Mít qua đời để lại cho con là ông Nguyễn Hữu Thoại. Hiện nay ông Thoại cất nhà sinh sống trên mảnh đất này. Như vậy đất này bà tổ thừa kế của cha mình không phải ông Nguyễn Văn Điện thừa kế của cha mình. Do vậy, qua tờ “Thuận phân đất” này không tìm được đời cao hơn ông Nguyễn Văn Điện, nên tạm chấp nhận ông Điện vẫn là ông tổ đời một của họ Nguyễn ở ấp Tân Trạch. Sau này, con cháu có điều kiện sẽ tìm lên trên ông tổ mình.

Ông tổ từ đâu đến ấp Tân Trạch sinh cơ lập nghiệp hay ông được sinh ra trên đất Tân Trạch thì con cháu ông không ai biết được. Có thông tin cho rằng ông có người vợ thứ nhất đã qua đời, mộ còn ở Tân Trạch nhưng kiểm tra lại thông tin này thì không có cơ sở.

Tân Trạch là một vùng đất được hình thành sớm. Người Việt từ Đàng Ngoài vào khai khẩn vùng này từ thế kỷ XVII. Tổ tiên ông Điện có thể từ vùng đất Quảng vào đất Đồng Nai đã định cư đâu đó trên đất cù lao Mỹ Qưới hay cù lao Tân Triều hoặc ở huyện Nhơn Trạch hay Bến Gỗ là những vùng đất có người Việt định cư sớm ! Rất tiếc ông qua đời sớm nên con cháu không ai biết được nguồn gốc ông tổ mình.

Vì không biết năm sinh, năm mất của ông nhưng tính theo cách tính của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thì có thể biết được ông được sinh ra trong bối cảnh nào của lịch sử dân tộc. Theo các tính của Trung tâm thì mỗi con cách nhau 2 năm, mỗi thế hệ cách nhau 25 năm. Căn cứ vào năm sinh của ông Nguyễn Văn Trà ghi trên mộ bia là năm 1885 là con trai thứ năm thì năm sinh của ông tổ vào khoảng năm 1853 (Tự Đức thứ 5). Nếu ông tổ ở nơi khác đến Tân Trạch lấy vợ và định cư ở đây thì ít nhất ông cũng phải 20 tuổi, vào khoảng năm 1873 (thời Tự Đức thứ 26). Đây là thời điểm lịch sử mà triều đình Tự Đức đã thừa nhận chủ quyền của 6 tỉnh Nam Kỳ cho thực dân Pháp và thực dân Pháp một mặt khai thác, bóc lột nhân dân miền Nam, một mặt tìm cách đưa quân ra đánh miền Bắc.

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Thức (hậu duệ chi III đời IV) thì trong thời kỳ này ông bà tổ sống bằng nghề trồng mía, nấu đường, làm ruộng. Ông bà có lò đường trên đất nhà. Cuộc sống tương đối ổn định. Trong quá trình làm ăn, sinh sống ông bà có dư giả, mua thêm đất cho các con ở ấp Tân Trạch. Sau này ông mất, bà chia đều đất đã mua cho các con, mỗi người 9 sào. Ông mất không rõ năm nào. Hài cốt được chôn trên đất nhà ở ấp Tân Trạch, cách đất đồng mả gia tộc hiện nay 100 mét.

Bà tổ tên Nguyễn Thị Thạnh tự Nhì, quê quán tại làng Tân Trạch. Bà cùng ông quản lý lò đường và lo nội trợ trong gia đình. Khi ông qua đời một mình bà quản lý hết việc nấu đường, làm ruộng, sắm ghe cho con chở đường, đậu phộng đi xuống miền Tây mướn nhân công tại chỗ làm kẹo đậu phộng bán rồi mua gạo về quê bán cho bà con trong xã. Bà mất năm nào, con cháu không rõ, chỉ biết ông qua đời bà mới 38 tuổi. Bà ở vậy thủ tiết thờ chồng nuôi dạy và dựng vợ gã chồng cho các con tử tế. Bà mất vì bệnh già. Mộ bà cạnh mộ ông tại đất nhà ở Tân Trạch. Đất này sau bán lại cho người khác nên năm 2003 các cháu hốt cốt ông bà về thờ nơi nhà thờ họ. Năm 2005, cốt ông bà được táng xuống đồng mả của gia tộc sau nhà thờ họ và xây mộ ông bà khang trang. Giỗ ông bà trước kia do ông Nguyễn Văn Quài (hậu duệ đời III chi IV) giỗ. Ông Quài qua đời con là ông Nguyễn Văn Mít giỗ. Hiện nay con cháu tập họp lại nhà thờ họ vào ngày giỗ ông là 25/5 âm lịch, ngày giỗ bà 12/12 âm lịch để giỗ ông bà. Ông Nguyễn (Lê) Hồng Phương (hậu duệ đời IV, chi I) đại diện dòng họ khấn vái trong ngày giỗ. Sau đó hậu duệ các chi lần lượt đến thắp hương. Ông bà có 8 người con, chết nhỏ 3 người con đầu, còn 5 người gồm 4 trai và 1 gái theo thứ tự sau :

Thứ hai : chết nhỏ.

Thứ ba : chết nhỏ

Thứ tư : chết nhỏ

Thứ năm : Nguyễn Văn Trà

Thứ sáu : Nguyễn Văn Đọt

Thứ bảy : Nguyễn Văn Chi

Thứ tám : Nguyễn Văn Lành

Thứ chín : Nguyễn Thị Thặng

Người con gái được gả chồng, sinh con chuyển sang họ khác. Bốn người con trai lấy vợ lập ra 4 chi :

• Chi Thứ nhất: Nguyễn Văn Trà có hai đời vợ có 7 người con và 1 con gái ngoài giá thú. Tất cả gồm 5 con trai và 3 con gái

• Chi Thứ hai : Ông Nguyễn Văn Đọt, có hai đời vợ có 2 dòng con gồm 3 người : 2 trai và 1 gái.

• Chi Thứ ba : Ông Nguyễn Văn Chi lấy vợ có 3 con gồm 2 trai và 1 gái.

• Chi Thứ tư : Ông Nguyễn Văn Lành có 4 con trai

Tất cả 4 chi truyền tử lưu tôn đến nay là đời thứ VI.

2. Sự phát triển của dòng họ 

Phân tích bốn chi họ Nguyễn để thấy được sự phát triển của dòng họ từng chi về số lượng, về kinh tế gia đình về việc học tập của con cháu ngỏ hầu phát huy được mặt tốt và mặt hạn chế cần được xây dựng.

• Chi thứ nhất : trưởng chi là ông Nguyễn Văn Trà. Ông có 2 đời vợ, có 2 dòng con và 1 con ngoại hôn. Tất cả gồm 5 trai và 3 gái. Người con trai đầu lòng là Nguyễn Văn The có một con gái, không có con trai nối dõi. Người con trai thứ tư là Nguyễn Văn Chè và con trai thứ năm là Nguyễn Văn Đậm thì vô tự. Nối dòng cho chi này chỉ có ông con trai thứ ba là Nguyễn Văn Thé và người con trai thứ sáu là Nguyễn Văn Thang. Ông Thé lấy vợ có hậu duệ đến nay là đời thứ VI. Còn ông Thang – cha ông Nguyễn (Lê) Hồng Phương là người dựng gia phả này, ông có hai đời vợ. Hiện nay chỉ biết hậu duệ của ông đến đời V. Ông và vợ đời 2 tham gia cách mạng suốt hai thời kỳ kháng chiến và cuộc đời cách mạng được thể hiện trong quyển hồi ký : “Giặc đến nhà” rất sinh động.

Toàn chi có 46 người chết nhỏ 1 còn lại 28 trai và 17 gái, số qua đời là 10 người (8 trai và 2 gái). Số còn sinh tiền nối dòng song số lượng chi này khá đông. Hậu duệ ông Thé là những người nông dân, người buôn bán nhỏ, những công nhân, đời sống tạm ổn định. Trình độ học vấn không cao, không có ai tốt nghiệp đại học. Hậu duệ ông Thang đời sống có khá hơn. Con cháu dòng lớn, cuộc sống khá ổn định. Đa số con dòng lớn sống về nghề khai thác đá. Con dòng thứ hai là những cán bộ cao cấp của đảng và Nhà nước ở tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh, có điều kiện học hành nên tất cả đều tốt nghiệp Đại học (6 người). 

• Chi thứ hai : Ông Nguyễn Văn Đọt là trưởng chi. Ông phải đi lính cho Pháp sang Châu Phi (thuộc địa của Pháp) để đánh Đức trong chiến tranh Thế chiến thứ II (1939 – 1945). Sau khi mãn hạn, ông được Pháp đưa về Việt Nam rồi về quê tham gia kháng chiến 9 năm. Cho nên dù ông có hai đời vợ song số con cũng chỉ có 3 người : 2 trai trai, 1 gái. Hai con trai ông là Nguyễn Văn Trăm và Nguyễn Văn Thiên, lập gia đình tạo hậu duệ cho chi II. Ông Nguyễn Văn Trăm không có cháu nội trai nên không có người nối dòng (phạp tự). Ông Nguyễn Văn Thiên có hậu duệ đến đời thứ VI. Toàn chi có 28 người trong đó có 13 trai và 15 gái. Số người qua đời là 6 (5 trai, 1 gái). Số còn sinh tiền là 22 người (14 gái, 8 trai). Tuy số lượng chi ít song đến đời V thì kinh tế khá hơn, con cháu có điều kiện học hành tốt hơn. Đời V đa số tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm dạy học, làm công nhân, làm việc ở công ty xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Thiên tham gia cách mạng đã hy sinh. Vợ thủ tiết thờ chồng chăm lo nuôi dạy con. 

• Chi thứ III : Trưởng chi là ông Nguyễn Văn Chi. Ông lập gia đình với bà Phạm Thị Phải, có 3 con : 2 trai và 1 gái. Hai con trai là ông Nguyễn Văn Trí và Nguyễn Văn Độ lập gia đình tạo hậu duệ cho chi III. Ông Trí có đến 4 con trai, tạo ra hậu duệ đông đảo đến đời VI. Hậu duệ ông Độ chỉ mới đến đời thứ V.

Toàn chi có 60 người, chết nhỏ 3 còn 57 người (30 trai và 27 gái) Số qua đời là 10 người (9 trai, 1 gái). Số còn lại là 47 người (21 trai, 26 gái). Đây là chi có số lượng đông nhất trong các chi. Hậu duệ ông Trí phát triển mạnh mẽ về số lượng trong các chi. Vợ chồng ông Trí chăm lo nuôi dạy con nên các con học lực hầu hết tốt nghiệp lớp 12, có nghề nghiệp tử tế. Hậu duệ ông Độ chết nhỏ nhiều, đời sống kinh tế khó khăn, ít học do gia đình không quan tâm đến việc học hành và hướng nghiệp cho con.

• Chi thứ IV : trưởng chi là ông Nguyễn Văn Lành. Ông lập gia đình với bà Đỗ Thị Huê, có 4 con trai. Con trai út là ông Nguyễn Văn Dừa thoát ly gia đình theo cách mạng và đã hy sinh khi còn độc thân nên không có con nối dòng. Ba người con trai lập gia đình nối dòng cho chi này. Ông Nguyễn Văn Quài và ông Nguyễn Văn Kính lập gia đình có hậu duệ đến đời thứ VI. Riêng ông Nguyễn Văn Mít – con trai áp út lập gia đình có hậu duệ đến đời thứ V.

Toàn chi IV có 59 người : chết nhỏ 8, còn lại 51 người (22 trai và 29 gái). Số qua đời là 10 (9 trai, 1 gái), còn sinh tiền là 41 người trong đó có 28 gái và 11 trai. 

Lực lượng chi này đông đảo sau chi III, nhưng chết nhỏ cũng nhiều. Con gái nhiều hơn con trai.

Hậu duệ ông Quài và ông Kính có đời sống khó khăn. Hậu duệ ông Mít bắt đầu đời IV kinh tế gia đình phát triển. Ông Nguyễn Hữu Nhiệm nhờ biết cần kiệm, có ý chí quyết tâm làm giàu bằng lao động chân chính, biết kết hợp những bài học ở trường vào cuộc sống, biết đúc rút kinh nghiệm và sáng tạo trong lao động vượt qua chính mình để nâng cuộc sống mình khá hơn đồng thời tương trợ nhau trong gia đình và tạo điều kiện để các con học hành tốt hơn. Chi này có 3 người tham gia cách mạng : ông Nguyễn Văn Đọt, Ông Nguyễn Văn Mít và ông Nguyễn Văn Đức (Nguyễn Thanh Hải).

Trong 4 chi, chi nào cũng có con trai nối dòng. Phát triển về số lượng đông nhất là chi III (60 người) tiếp đó là chi IV. Chi I và chi II số lượng ít do chết nhỏ nhiều, không có con trai nối dõi và vô tự.

Toàn bốn chi có 199 người, chết nhỏ 12, qua đời 41, hiện còn sinh tiền là 146 người trong đó có 97 con trai và 89 con gái. Tất cả tạo thành một cộng đồng khoẻ mạnh, lao động trong nhiều lãnh vực xã hội, không ai mắc bệnh hiểm nghèo.

Đây là dòng họ có quy mô trung bình. Đa số hậu duệ các chi sống tập trung tại tổ quán là ấp Tân Trạch và các ấp lân cận trong xã Bạch Đằng. Một số gia đình làm việc ở thành phố Biên Hòa, thành phố Hồ Chí Minh và một số gia đình lập nghiệp ở Tân Lập, Thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Dù ở đâu con cháu cũng hướng về tổ quán và bà con của quê mình, gặp nhau trong những ngày giỗ tổ và thăm hỏi nhau lúc ốm đau, bệnh tật. 

III. HÔN NHÂN VÀ XÂY DỰNG THÂN - THÍCH 

Hôn nhân là quan hệ giữa vợ chồng sau khi đã kết hôn. Hôn nhân tạo ra gia đình là nơi con người được sinh ra và lớn lên để có các thế hệ nối tiếp, tạo ra dòng họ duy trì sự tồn tại và phát triển xã hội.

Qua khảo sát họ Nguyễn ở ấp Tân Trạch từ thế hệ thứ I đến thế hệ thứ V thì được biết họ Nguyễn đã quan hệ hôn nhân với họ Nguyễn, họ Phạm, họ Lê, họ Hà, họ Ngô, họ Đỗ, họ Võ, họ Huỳnh, họ Phan, họ Cao, họ Thiều, họ Trương, họ Lưu đã tạo ra các thế hệ huyết thống gồm 199 người là một lực lượng lao động gồm nhiều thành phần trong xã hội từ trung nông, bần nông, tiểu thương, tiểu chủ, công nhân, trí thức, cán bộ của đảng và nhà nước. Nhìn chung những gia đình họ Nguyễn là những gia đình bình dân, tiếp thu lễ giáo phong kiến như tinh thần đạo đức của dân tộc.

Quan hệ hôn nhân đời 1, 2, 3 theo lễ giáo phong kiến nhưng không khắt khe như gia đình nho học nệ cổ. Hôn nhân họ Nguyễn ở các thế hệ này do cha mẹ định đoạt. Bà tổ đời I đứng ra dựng vợ gả chồng cho các con nhưng không yêu cầu phải môn đăng hộ đối, không phân biệt thành phần giai cấp. Chính sự thông thoáng trong hôn nhân đã đưa đến trường hợp con ngoại hôn (con ông Nguyễn Văn Trà) và cũng có trường hợp có người thay đổi đến 3 lần vợ (ông Nguyễn Văn The).

Đến đời thứ IV và thứ V trưởng thành thì phụ nữ được giải phóng. Quan hệ hôn nhân họ Nguyễn là tự nguyện, tiến bộ. Hôn nhân dựa trên tình yêu chân chính được luật pháp bảo vệ quyền kết hôn và ly hôn nhưng cũng có vai trò tích cực của cha mẹ và người thân, có cưới hỏi đàng hoàng.

Hầu hết các con dâu họ Nguyễn gốc nông dân và nhân dân lao động, một số thuộc gia đình cách mạng. Các cô dâu họ Nguyễn biết lo xây dựng gia đình mình, biết phụng thờ gia đình nhà chồng, lo ma chay giỗ chạp nhà chồng đàng hoàng. Tiêu biểu là bà tổ đời một. Ông tổ mất sớm lúc bà 38 tuổi, bà thủ tiết thờ chồng, ở vậy nuôi con, quản lý lò đường, hướng dẫn các con làm ăn, dạy dỗ và dựng vợ gã chồng cho con tử tế !

Bà Lê Thị Não (vợ ông Nguyễn Văn Thang hậu duệ đời III, chi I) có 5 con, vừa làm cách mạng, vừa tảo tần ngược xuôi mua bán để nuôi mình, nuôi dạy con, nuôi chồng làm cách mạng, lúc bị tù, chăm sóc chồng lúc lâm bệnh và chôn cất chồng trong tình huống khó khăn. Sau khi hòa bình lập lại, bà nhắc nhở con tìm về quê nội và họ hàng bên nội và cúng giỗ cha mẹ chồng.

Trong hoàn cảnh thoát ly làm cách mạng, bà luôn quan tâm đến việc dạy dỗ con, cho con ăn học đàng hoàng. Bà Lê Thị Khánh, vợ ông Nguyễn Văn Thiên (hậu duệ đời IV, chi II), chồng thoát ly làm cách mạng bị thực dân Pháp giết lúc bà mới mang thai con thứ tư và đứa con thứ ba mới 5 tuổi. Bà tảo tần buôn gánh bán bưng ngược xuôi từ chợ Bến Cá đến Lợi Hòa rồi Mỹ Qưới để nuôi con ăn học tử tế.

Con trai út của bà là ông Nguyễn Hữu Phước, đỗ tú tài II, hiện là Hiệu phó trường trung học cơ sở Huỳnh Văn Lũy tại ấp Tân Trạch. Thời đó, góa chồng mà cho con đi học là rất hiếm! Bà Cao Thị Côi (vợ ông Nguyễn Văn Minh Châu đời IV chi III, chồng mất sớm bà ở vậy thờ chồng nuôi con ăn học, dựng vợ gã chồng cho con tử tế. Bà Võ Thị Sang, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Đức (tự Nguyễn Thanh Hải hậu duệ đời V chi IV) ông thoát ly theo cách mạng lúc bà có thai được 4 tháng. Ông hy sinh năm 1967, lúc con gái 5 tuổi, bà ở vậy nuôi con khôn lớn, gã chồng cho con gái. Hiện giờ già yếu bà vẫn ở một mình thờ chồng, tự lao động kiếm sống, tới lui thăm con gái và cháu ngoại. Đó là một số người dâu tiêu biểu của các chi.

Hầu hết các cô dâu họ Nguyễn đều là dâu hiền. Các chú rể là những người rể thảo, đối xử tử tế với bên vợ. Họ Nguyễn không ai sùng bái một tôn giáo nào, chỉ coi trọng đạo hiếu, chăm lo việc thờ cúng tổ tiên, lập đồng mả cho gia tộc. Mỗi năm đến ngày giỗ ông bà tổ con cháu họp mặt tại nhà thờ tổ để giỗ. Hằng ngày có sự phân công trong con cháu đến dọn dẹp, hương khói cho ông bà tổ tại nhà thờ họ. Mỗi gia đình đều có bàn thờ gia tiên thờ ông bà nhà mình, có sổ ghi các ngày giỗ để con cháu giỗ cho đúng ngày. Ngày tết, ngày thanh minh con cháu lo dẫy mả và cúng tổ tiên mình nghiêm túc.

Dòng họ Nguyễn không có ai khoa bảng, không ai đỗ đạt làm quan. Đời II có người biết chữ nho nhưng không nhiều. Việc giáo dục con cái theo mặt tích cực của nho giáo như dạy con biết hiếu thảo với cha mẹ biết kính trên nhường dưới, xây dựng gia đình hòa thuận. Gia đình cách mạng thì bồi dưỡng tư tưởng cách mạng cho con. Việc khuyến học, khuyến tài mỗi gia đình tự lo lấy, chưa tổ chức được cho cả dòng họ. Cần quan tâm xây dựng dòng họ văn hóa, tổ chức khuyến học, khuyến tài cho cả dòng họ.

IV. QUÁ TRÌNH SINH SỐNG CỦA HỌ NGUYỄN VÀ SỰ ĐÓNG GÓP CỦA DÒNG HỌ QUA HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN

1. Việc sinh sống của họ Nguyễn qua các thế hệ

Sự trưởng thành của ông bà tổ đời I ở ấp Tân Trạch vào cuối thế kỷ XIX (1873) thì vùng đất Nam Bộ đã dưới ách thống trị trực tiếp của thực dân Pháp rồi tiếp theo đó là đế quốc Mỹ thay thế. Chính sách cai trị bóc lột của thực dân cũ và sự thâm độc của chính sách thực dân kiểu mới rồi hai cuộc chiến tranh diễn ra ác liệt trên vùng đất này làm cho nhân dân vô cùng điêu đứng. Ông bà tổ đời I và các thế hệ 2, 3, 4 phải vừa lao động vừa chiến đấu để tồn tại và phát triển.

Ông bà tổ đời I và các con đời II sống bằng nghề mía ruộng. Tuy lao động có vất vả song cuộc sống khá ổn định. Ông bà còn mua thêm cho các con mỗi người được 9 sào kể cả con gái.

Đời III và IV con cháu đông hơn cuộc sống con cháu có khó khăn hơn. Một số tiếp tục nghề mía ruộng, một số đi ghe chở cát, buôn bán, một số làm mướn quanh năm. Đời V trưởng thành thì hòa bình lập lại, con cháu có điều kiện học hành tốt hơn. Con cháu họ Nguyễn làm nhiều nghề khác nhau : có người vẫn làm mướn, có nhiều người làm công nhân, có người dạy học, có người làm tài xế hay khai thác đá, làm thợ hồ hoặc chăn nuôi heo, trồng rừng hay làm y tá, có người là cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước con ông Thang, (đời IV). Nhìn chung hầu hết con cháu họ Nguyễn đều có công ăn việc làm, không ai làm gì có hại đến uy tín và danh dự của dòng họ. Một số lao động ở nông thôn cũng có chút rượu trà. Song đó cũng là đặc điểm cuộc sống của người nông dân Nam Bộ.

2. Sự đóng góp của dòng họ cho quê hương đất nước 

Dưới sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp, đời I, II của họ Nguyễn là nhân chứng của lịch sử vừa là nạn nhân của chế độ thực dân chịu thuế má sưu dịch nặng nề, làm bia đở đạn cho thực dân Pháp. Ông Nguyễn Văn Đọt (đời II) bị thực dân Pháp bắt phải đi lính sang tận Châu Phi (thuộc địa của Pháp) đánh Đức trong thế chiến thứ II (1939 – 1945). Đời III và IV trưởng thành thì cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Chi thứ I ông Nguyễn Văn Chè cùng em là Nguyễn Văn Thang (tự Nhàn) tham gia kháng chiến từ năm 1945. Riêng ông Thang (tự Nhàn) thoát ly làm cách mạng qua hai cuộc kháng chiến và hy sinh năm 1974 được công nhận liệt sĩ.

Chi thứ II, chi IV có ông Nguyễn Văn Thiên, Nguyễn Văn Mít, Nguyễn Văn Dừa thoát ly theo cách mạng. Ông Thiên, ông Dừa hy sinh, riêng ông Dừa được công nhận liệt sĩ. Ông Mít bị bệnh được tổ chức cho về hoạt động tại địa phương qua hai cuộc kháng chiến. Ông Thiên bị giặc giết mất xác, không tìm được người xác nhận quá trình công tác. Nguyễn Văn Đức (Nguyễn Thanh Hải) tham gia chống Mỹ và đã anh dũng hy sinh trở thành liệt sĩ. Cháu bà Nguyễn Thị Thặng (đời II) là bà Lê Thị Tố Nga cũng trở thành liệt sĩ chống Mỹ.

Khi hòa bình lập lại, con cháu có điều kiện lao động xây dựng quê hương. Ông Nguyễn Hữu Nhiệm đã có nhiều sáng tạo trong lao động trong công việc chăn nuôi heo, trồng rừng cho tỉnh nhà. Ông Nguyễn (Lê) Hoàng Quân, ông Nguyễn (Lê) Hồng Phương, Nguyễn Minh Hùng là cán bộ tốt đóng góp cho việc xây dựng đảng và chính quyền ở tỉnh và Thành phố, quan tâm đến việc tu bổ đình làng ở quê nhà.

III. ĐẶC ĐIỂM CỦA DÒNG HỌ

Ông tổ họ Nguyễn đã lập nghiệp ở ấp Tân Trạch, xã Mỹ Qưới, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) truyền tử lưu tôn đến nay là đời VI đã tạo được một cộng đồng họ Nguyễn gần 200 người. Qua quá trình lao động và chiến đấu chống ngoại xâm và xây dựng đất nước đã hình thành những phẩm chất đạo đức như sau:

- Con cháu họ Nguyễn là những người nông dân, nhân dân lao động cần cù, có lối sống giản dị nên dù ở cương vị nào cũng giữ được sự chân thật, vui vẻ, hiếu khách giữ được tình làng nghĩa xóm, chia sẻ kịp thời với bà con ở quê mình những khó khăn trong cuộc sống, trong xây dựng quê hương, trong việc tu sửa đình làng, con cháu dù bận rộn, dù ở xa song việc cúng đình không thể thiếu mặt. Đó là những điều đáng quý cần duy trì.

Một đặc điểm nữa là việc giữ gìn đạo hiếu. Con cháu họ Nguyễn dù ở hoàn cảnh nào vẫn coi trọng việc phụng thờ tổ tiên, hướng về cội nguồn. Trong chiến tranh một số con cháu có cha mẹ làm cách mạng sống xa tổ quán, không rõ cội nguồn, dòng họ như anh em ông Nguyễn (Lê) Hồng Phương. Nhưng khi hòa bình lập lại lo tìm về quê cha đất tổ, vấn tổ tầm tông để cùng dòng họ xây nhà thờ họ, lập đồng mả họ tộc, quy tụ mồ mả tổ tiên và những người trong họ đã qua đời trong chiến tranh phải chôn nhiều nơi, nay cải táng về trên đất họ tộc để tiện việc chăm sóc.

Việc giỗ chạp tổ tiên trong thời chiến tranh cũng như hòa bình vẫn tiến hành nghiêm túc, quy tụ được con cháu xa gần đến đông đủ và nay lập gia phả cho dòng họ mình. Đó là nét đẹp văn hóa của dòng họ.

Một đặc điểm nổi bật nữa là tinh thần cách mạng triệt để của một số con cháu theo cách mạng. Hầu hết các chi đều có con cháu tham gia qua hai cuộc kháng chiến có người đã hy sinh anh dũng trở thành liệt sĩ khi tuổi thanh xuân như ông Nguyễn Văn Đọt, Nguyễn Văn Đức (Nguyễn Thanh Hải), có người bị giặc giết mất xác nay vẫn còn là chiến sĩ vô danh. Có người lăn lóc trong công tác như ông Nguyễn Văn Thang (tự Nhàn) bị tù đày, bị tra tấn dã man vẫn không ngã lòng, vẫn một lòng với cách mạng. Trong công tác cách mạng dù ở hoàn cảnh nào cũng giữ được khí tiết của người Cộng sản. Bà con ở tại quê nhà thì ủng hộ cách mạng, một số bị bắt đi quân dịch chế độ cũ, có người thì đi lính kiểng. Không có ai gây nợ máu với nhân dân.

Khi hòa bình lập lại thì nhiệt tình cách mạng vẫn không đổi : các con ông Thang (tự Nhàn) là những cán bộ đảng viên hết lòng trong công tác đảng và chính quyền góp phần xây dựng đất nước.

Trong việc làm kinh tế, con cháu họ Nguyễn đã có người vượt qua chính mình từ người nông dân nghèo khó đã trở thành người làm kinh tế giỏi trong thời kỳ đổi mới như ông Nguyễn Hữu Nhiệm đã trở thành nông dân tiêu biểu đóng góp nhiều kinh nghiệm trong việc trồng rừng, chăn nuôi cho tỉnh nhà.

Đây là những truyền thống tốt đẹp của dòng họ Nguyễn đáng được con cháu tự hào học tập và phát huy.

Với gia phả này con cháu họ Nguyễn có trách nhiệm phổ biến nguồn gốc tổ tiên, biết lịch sử dòng họ, bảo quản kỷ lưỡng và không ngừng bổ sung.

V. PHƯƠNG HƯỚNG XÂY DỰNG DÒNG HỌ VĂN HÓA

Kế thừa và phát huy ưu điểm và khắc phục những hạn chế của dòng họ để xây dựng dòng họ văn hóa là việc làm cần thiết của con cháu ở ấp Tân Trạch hiện nay.

Họ Nguyễn đã có những truyền thống tốt đẹp như : cần cù, lao động, sáng tạo, có lòng yêu quê hương đất nước, có tinh thần cách mạng, biết phụng thờ tổ tiên. Đó là những đức tính đáng quý.

Bên cạnh đó cũng còn có những gia đình khó khăn trong cuộc sống ở các chi họ, việc học hành của con cháu còn rất hạn chế, cần được họ tộc giúp đỡ. Hội đồng gia tộc họ Nguyễn nên có kế hoạch xây dựng dòng họ văn hóa, cụ thể gồm việc khuyến học, khuyến tài, khuyến nghiệp... Dòng họ nên vận động lập qũy khuyến học, khuyến tài để hỗ trợ cho các cháu hiếu học mà gặp hoàn cảnh khó khăn không tiếp tục được, có điều kiện học đến nơi đến chốn và khen thưởng các cháu học giỏi, xuất sắc, để phát huy tài năng cống hiến cho đất nước, làm vinh danh dòng họ. Việc khen thưởng nên tổ chức vào ngày giỗ tổ để khuyến khích dòng họ hưởng ứng và khích lệ con cháu phấn đấu học tốt hơn.

Việc tích cực giúp đỡ con cháu có công ăn việc làm cũng là việc thiết thực để giúp bà con vượt khó khăn trong cuộc sống và dòng họ gắn bó nhau hơn.

Hiện nay trong dòng họ cũng còn cục bộ, nên xóa bỏ những tị hiềm thương yêu đoàn kết nhau hơn.

Tôn kính tri ân tổ tiên, con cháu họ Nguyễn có trách nhiệm phải xây dựng dòng họ mình tốt đẹp hơn.