058. Gia phả họ Trương (xóm Dinh, Tân Đông, Gò Công Đông, Tiền Giang)
20/08/2022 22:14:37Gia phả họ Trương ở xóm Dinh, xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2010.
LỜI MỞ ĐẦU
Mỗi người sinh ra đều có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cũng như một dòng sông một con suối đều có ngọn nguồn của nó.
Cho nên ông bà đã dạy :
“Làm người phải biết tổ tông.
Như cây có cội, như sông có nguồn”.
Là để nhắc nhở ta luôn luôn phải nhớ đến cội nguồn. Vì vậy việc vấn tổ, tầm tông, chăm lo mồ mả ông bà, phụng thờ tổ tiên là những điều thiêng liêng không thể thiếu được của người Việt Nam.
Ông tổ họ Trương ta từ miền Trung xa xôi, đã thiên cư vào Nam sinh sống tại xóm Dinh, xã Long Thuận, huyện Tân Hòa tỉnh Gò Công (nay là xã Tân Đông huyện Gò Công Đông tỉnh Tiền Giang) đã gần 200 năm qua. Ông đã lao động khó nhọc, đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt và thú dữ để mưu sinh nhưng cũng không khỏi bị thú dữ sát hại khi tuổi đời còn rất trẻ. Các thế hệ nối tiếp của ông sống trên vùng đất tổ, noi gương ông lao động cần cù, dũng cảm kiên cường chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để bảo vệ quê hương đất nước. Cũng do đất nước có chiến tranh, con cháu họ Trương ta có kẻ thoát ly làm cách mạng, lăn lóc trên mọi chiến trường có người bám địa phương vừa lao đông vừa chiến đấu. Lúc đó, chưa ai có thời gian nghĩ đến việc lập gia phả.
Nay chiến tranh đã qua rồi, hòa bình lập lại trên đất nước ta hơn 30 năm qua, việc gặp gở dòng họ trong những ngày giỗ tổ, ngày tảo mộ làm cho chúng tôi cảm thấy vui và ấm áp tình thân tộc và tôi cũng muốn biết hết bà con xa gần để thăm viếng nhau, giúp đỡ nhau và cũng để xưng hô cho thông thuận. Do vậy nên chúng tôi muốn lập bộ gia phả cho dòng họ mình nhằm thắt chặt hơn nữa tình cảm giữa những người bà con ruột thịt để cùng nhau chia xẻ những vui buồn trong cuộc sống, giúp nhau trong lao động, trong học tập cũng như nhắc nhở con cháu về những điều tốt đẹp của dòng họ mình, qua đó làm hành trang cho mỗi thành viên của dòng họ trong cuộc sống. Cũng vì lẽ đó chú Trương Văn Hai (hậu duệ đời 6 chi II) và chú Trương Văn Khôi (hậu duệ đời 6 chi II) đã chịu khó gặp gỡ bà con thống kê hầu hết dòng họ từ đời 1 đến đến đời 10 của 3 chi thành lập một tập gia phả giản đơn. Tuy công phu nhưng chưa phải là cuốn gia phả hoàn chỉnh. Nay chúng tôi được biết có Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Thành phố Hồ Chí Minh chuyên lập gia phả cho các dòng họ nên tôi nhờ tổ chức này dựng bộ gia phả cho họ Trương ta.
Việc lập gia phả không có gia phả cổ là việc làm rất khó nhưng nhờ chú Hai bỏ công sức dẫn dắt các chuyên viên gia phả gặp gỡ từng gia đình trong dòng họ để lấy thông tin và truy tìm từng ngôi mộ của tổ tiên để lập bộ gia phả này.
Bộ gia phả gồm có cấu trúc sau :
• Lời tựa : Nêu lý do và mục đích dựng bộ gia phả.
• Phả ký : Tóm tắt lịch sử dòng họ qua diễn biến của lịch sử. Tổ quán và những truyền thống tốt đẹp của dòng họ.
• Phả hệ : Ghi tên tuổi hành trạng của các thành viên trong dòng họ kèm theo hình ảnh.
• Ngoại phả : vẽ phả đồ, việc thờ cúng, mộ táng, tiểu sử của những người nổi bật trong họ tộc.
Gia đình chúng tôi, Trương Mỹ Lệ - Trương Công Minh hậu duệ đời 7 chi I xin trân trọng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm của các thành viên của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả trong việc thực hiện bộ gia phả này. Chúng tôi cũng hoan nghênh chú Trương Văn Hai, chú Trương Văn Khôi và tất cả bà con họ tộc đã rất nhiệt tình hưởng ứng và tạo điều kiện cho các chuyên viên hoàn thành bộ gia phả họ Trương ta.
Dẫu có nhiều cố gắng nhưng chắc chúng tôi cũng không tránh khỏi thiếu sót. Rất mong bà con phát hiện và kịp thời bổ sung cho tập gia phả được hoàn chỉnh.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 2 tháng 4 năm 2009
Hậu duệ đời 7 chi I
Trương Mỹ Lệ - Trương Công Minh
PHẢ KÝ
Ông bà ta nói “Nước có sử, nhà có phả”. Sử ghi chép sự hưng vong của các triều đại, ghi chép từng thời kỳ chống ngoại xâm, giành độc lập của dân tộc. Phả ghi chép từ cội nguồn đến con cháu nhiều thế hệ của một dòng họ, ghi những phẩm chất tốt đẹp cũng như những sai lầm của dòng họ để con cháu học tập điều hay và tránh xa điều dỡ. Phả cũng ghi chuyện lao động, chuyện học hành, chuyện chiến đấu, chuyện thờ cúng tổ tiên, chuyện tình làng nghĩa xóm gắn liền với quê hương tổ quán.
Đọc lịch sử để biết sự thăng trầm của đất nước. Đọc gia phả để biết lịch sử của dòng họ. Sử và phả có mối liên hệ mật thiết nhau. Lịch sử dân tộc bao gồm lịch sử các dòng họ, cho nên sự thịnh vượng hay suy vong của một quốc gia là do sự thịnh vượng hay suy vong của nhiều họ tộc trong quốc gia đó.
Ông tổ họ Trương ta từ miền Trung xa xôi vào định cư tại xóm Dinh xã Tân Đông huyện Gò Công Đông tỉnh Tiền Giang. Ngay từ buổi đầu mới khai hoang ông đã lao động khó nhọc để kiếm sống, bị hổ dữ sát hại. Các thế hệ con cháu đã noi gương ông cần cù trong trồng trọt, xây dựng xóm làng, chiến đấu anh dũng để bảo vệ quê hương đất nước. Như vậy, lịch sử của họ Trương gắn liền với lịch sử xóm Dinh và lịch sử của dân tộc.
Việc tìm hiểu lịch sử họ Trương ta rất có ý nghĩa đối với con cháu.
I. Truy tìm “cội nguồn tổ tiên”, tìm hiểu sự phát triển của dòng họ
1. Truy tìm cội nguồn họ Trương
Họ Trương không có gia phả cổ, cũng không có di chúc hay các giấy tờ tương phân ruộng đất để có thể xác định ông tổ cao nhất của mình.
Qua khảo sát dòng họ ở Gò Công, chúng tôi phát hiện có hai cơ sở để xác định ông tổ họ Trương.
* Một là ngôn truyền của các hậu duệ về lai lịch ông tổ ăn khớp với nhau.
* Hai là khảo sát mồ mả tộc họ Trương thì được biết có mộ đất không có bia song đông đảo con cháu xác định là mộ ông tổ cao nhất của mình. Mộ được hậu duệ nhiều thế hệ nối tiếp nhau gìn giữ bồi đắp từ đầu và ngôn truyền về chủ nhân ngôi mộ từ thế kỷ XIX đến năm 2000 con cháu mua đất cất nhà mồ và xây mộ bằng đá hoa cương rất khang trang.
Theo ngôn truyền của hậu duệ các thế hệ truyền lại thì ông tổ họ Trương người miền Trung thiên cư vào Nam đầu thế kỷ XIX. Ông định cư tại xóm Dinh xã Long Thuận huyện Tân Hòa tỉnh Gia Định nay là xã Tân Đông huyện Gò Công Đông tỉnh Tiền Giang.
Con cháu không biết ông tên gì, năm sinh năm mất không ai rõ, vào Nam năm nào không ai biết; chỉ nghe truyền miệng là ông khẩn được 13 sào đất, ông sống bằng nghề nông ngoài việc trồng trọt hằng ngày ông vào rừng đốn củi kiếm sống. Cái chết thương tâm của ông được con cháu truyền miệng nhiều thế hệ như sau:
Một hôm ông cùng nhiều người láng giềng vào rừng ở xóm Tựu – Gia Thuận để đốn củi, đến khi đầy gánh củi rồi cùng nhau ra về, tới bìa rừng thì nghỉ mệt. Lúc đó ông phát hiện mình bỏ quên cái rựa (công cụ đốn củi) trong rừng nơi đốn củi. Ông tiếc vì đó là công cụ duy nhất của ông để kiếm sống, nên ông trở vào rừng nơi đốn củi để lấy.
Ông đi rồi, nhóm bạn chờ ông ở bìa rừng khá lâu không thấy ông ra nên họ bàn nhau rồi cùng đi trở vào rừng để kiếm ông. Khi vào đến nơi thì cảnh tượng hãi hùng hiện ra : một xác người không đầu, máu tươi ràn rụa. Mọi người đau xót biết ông bị cọp vồ mất đầu.
Vừa kinh hoàng, vừa thương tâm nhóm người cấp tốc mang thi thể ông ra ngoài bìa rừng, vội vàng đào huyệt chôn ông thật sâu, đắp mộ thật cao, chặt nhánh cây rừng phủ lên thật chắc chắn phòng khi cọp dữ có thể lại đến moi thây ông lên.
Ngôi mộ ông ở bìa rừng xóm Tựu (xã Kiểng Phước), được con cháu gìn giữ cho đến nay, hàng năm vào dịp 27/12 âm lịch hậu duệ các chi đến dẫy cỏ, đắp mộ từ đầu thế kỷ XIX mãi cho đến năm 2000, họ tộc cùng nhau mua đất cất nhà mồ xây mộ tử tế. Xưa mộ ở bìa rừng, nay trở thành cánh đồng lúa mênh mông bát ngát ở xóm Tựu, xã Kiểng Phước huyện Gò Công Đông.
Về năm sinh, năm mất thật của ông con cháu không ai biết rõ. Trên mộ bia của mộ mới xây năm 2000 ghi sinh khoảng năm 1800 mất khoảng năm 1821.
Vào đầu thế kỷ XIX con đường thiên lý đã được khai thống từ Huế vào Gia Định, di dân có thể vào Nam bằng đường bộ, đường biển nhưng đi bộ thì hiểm trở hơn, do đó di dân thường đi đường biển bằng ghe bầu hay bằng thuyền đến Đồng Nai, Tân Bình rồi về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vào cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên rồi lên định cư ở các giồng cao. Phải chăng ông tổ ta đi bằng cách này đến Gò Công.
Giỗ ông vào ngày 25/4 âm lịch. Hiện nay ông Trương Văn Sáu chi II đời 6 ở ấp Hưng Phú xã Long Hưng huyện Gò Công Đông cúng giỗ ông. Mộ ông vẫn ở xóm Tựu xã Kiểng Phước huyện Gò Công Đông, năm 2004 được xây lại bằng đá hoa cương và có nhà mộ khang trang. Hiện có người trông coi mộ.
Bà tổ không rõ họ tên gì ? Ở miền ngoài cùng đi với ông vào Nam ? hay quê ở Gò Công ? Khi ông mất bà gởi con trai mấy tháng tuổi cho bà con ở xóm Dinh rồi một mình nói đi Vũng Tàu. Mọi người ở xóm Dinh chờ mãi, chờ mãi cũng không thấy bà trở về. Không ai rõ lý do gì mà bà không trở lại với con. Bà có bị tai nạn gì chăng ? Bởi vì đường đi lúc đó rất gian nan, nguy hiểm mà bà có một thân một mình.
Ông bà có một con trai mấy tháng tuổi tên Trương Văn Nhiều. Đứa con trai mồ côi này được bà con xóm Dinh đùm bọc, nuôi dưỡng đến ngày lớn khôn. Không ai biết đích xác ai là ân nhân trực tiếp nuôi dưỡng ông Nhiều để con cháu đền ơn đáp nghĩa.
2. Sự phát triển của dòng họ về số lượng
Như vậy ông Trương Văn Nhiều là đời thứ 2.
Ông Nhiều lập gia đình tạo ra đời thứ 3. Không ai rõ ông có bao nhiêu con, có lẽ ông có ít nhất 7 người con nhưng chỉ biết 3 con trai là thứ tư, thứ bảy và thứ tám.
Ba người con trai lấy vợ lập ra ba chi :
* Chi thứ nhất : người con thứ tư – không rõ tên. Ông là ông cố trực hệ của ông Trương Văn Đẩu, con ông Đẩu – bà Trương Mỹ Lệ và ông Trương Công Minh là người đứng ra lập gia phả này.
Ông lấy vợ sống tại xóm Dinh.
* Chi thứ hai : Người con trai thứ bảy tên Trương Văn Diều lập gia đình, sống ở ấp Xóm Dinh xã Tân Đông huyện Gò Công Đông.
* Chi thứ ba : Người con trai thứ tám tên Trương Văn Phi. Lấy vợ sinh sống tại xóm Nò xã Tân Tây huyện Gò Công Đông.
Tất cả ba chi này truyền đến nay là đời thứ 9, thứ 10. Đa số sống ở xóm Dinh và các xã lân cận trong vùng đất Gò Công. Một số ở cù lao giữa sông cửa Đại và sông cửa Tiểu, ở Bình Dương, Cần Giờ và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là dòng họ có quy mô lớn.
Họ Trương ta bắt đầu đời thứ ba đến đời thứ sáu, gia đình nào cũng rất đông con, từ 6 đến 10 con, cả trai lẫn gái song chết nhỏ cũng nhiều. Đến từ đời thứ 7 trở đi số con ít lại do các gia đình sống theo kế hoạch về dân số.
Chi 1 đời 5 có ông Trương Văn Giác không có con trai nối dòng.
Đến đời thứ 7, một số gia đình chỉ có hai con nên cũng không có con trai. Nhìn chung thì các chi đều có đầy đủ con trai nối dòng, con cháu thường xuyên gặp gỡ nhau những ngày giổ tổ.
II. Quá trình sinh sống của họ Trương và sự đóng góp của dòng họ qua hai cuộc kháng chiến
1. Tổ quán họ Trương
Ấp xóm Dinh là 1 trong 8 ấp của xã Tân Đông huyện Gò Công Đông của tỉnh Tiền Giang là tổ quán của họ Trương ta ngày nay.
Từ Thành phố Hồ Chí Minh theo Quốc lộ 50 đến thị xã Gò Đông thẳng tới Ngã tư Cầu Huyện (có Cây Xăng) theo đường “thị xã Gò Công đi Bình Ân, Tân Điền”, xe chạy trên địa phận xã Long Thuận. Gần tới Cầu Đúc (Cầu Xóm Sọc) rẽ vào phía trái là xóm Dinh. Đi thêm 1 km tới con kinh, qua cầu rẽ trái cặp theo bờ kinh chừng 100 mét là nhà ông Trương Văn Do (hậu duệ đời 6), chi 1 hiện đang phụng thờ tổ tiên họ Trương thay cho ông Trương Văn Đẩu đã qua đời. Từ đây đi thêm 500 mét thì đến nhà thờ tộc Trương đã bị giặc Mỹ đốt cháy năm 1963 vì đó là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng.
Xóm Dinh xưa thuộc phủ Tân An, huyện Tân Hòa, xã Long Thuận tỉnh Gia Định trước đây. Về sau khi lập tỉnh Gò Công thì thuộc huyện Tân Hòa tỉnh Gò Công.
Đất Gò Công thuở ấy còn hoang vu, sông rạch chằng chịt, rừng ngập mặm um tùm, nhiều thú dữ và sơn lam chướng khí. Nơi rạch cùn bùn lầy nước đọng, sinh nhiều muỗi mòng. Ở giữa thế đất có những gò rất cao ráo, có mạch nước. Ông tổ ta chọn vùng đất tốt có sông Tra nối qua sông Vàm Cỏ để làm nơi định cư khai hoang. Đấy chính là xóm Dinh. Nơi đây cũng là địa bàn trú quân của những cuộc Nam tiến. Xóm Dinh xưa có vị trí sau :
- Phía Bắc giáp chùa Đất Đỏ xã Tân Đông.
- Phía Nam giáp Giồng Nâu có đầm Vạn Thắng.
- Phía Đông giáp Tân Bình điền.
- Phía Tây giáp Gò Tre nơi Võ Tánh đưa quân đánh Tây Sơn.
Do chán ghét chiến tranh cốt nhục tương tàn thời Trịnh Nguyễn phân tranh, do bị đày ải cuộc sống nghèo khó hoặc theo chính sách khẩn hoang của chúa Nguyễn – Người dân các họ tộc đã phải rời quê hương thân yêu thiên cư vào Nam lập quê hương mới để có cuộc sống tốt hơn.
Kinh tế chính là nông nghiệp, trồng hoa màu trên giồng. Ngoài trồng lúa người dân còn đốn củi cày thuê cấy mướn thêm mới đủ sống.
Năm 1987, chính quyền địa phương sắp xếp lại đơn vị hành chánh thì xóm Dinh thuộc xã Tân Đông huyện Gò Công Đông tỉnh Tiền Giang.
- Phía Bắc giáp xóm chùa Đất Đỏ Tân Đông.
- Phía Nam giáp xã Long Thuận.
- Phía Đông giáp ấp Kinh Trên xã Bình Ân.
- Phía Tây giáp Gò Tre.
Diện tích chung là 45,5 ha có 115 hộ, 90% dân sống bằng nghề nông.
Kinh tế chính cũng vẫn là nông nghiệp và chăn nuôi. Xóm Dinh 9 năm liền đạt danh hiệu là xóm Tiên tiến. Ngày 8/9/2000 được công nhận là ấp Văn hóa.
Ấp có 2 miếu : một thờ bà Chúa Xứ và miếu thờ Võ Tánh. Xóm Dinh không có chùa, nhân dân phần lớn tu tại gia.
Qua thời kháng chiến chống Pháp. Nhà ông Trương Văn Sương (ông nội bà Trương Mỹ Lệ, Trương Mỹ Hoa) là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng đã bị giặc đốt. Nay con cháu mua lại nền đất cũ cất lại nhà thờ họ.
Ấp có 32 gia đình có công cách mạng, 16 liệt sĩ, 1 bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Hiện nay nhân dân trong ấp phát huy truyền thống cách mạng quyết tâm xây dựng xóm ấp giàu đẹp, văn minh hiện đại.
2. Quá trình sinh sống của họ Trương
Vào đầu thế kỷ XIX (1811) là lúc Gia Long lên ngôi được 9 năm. Ông đã đang xây dựng đất nước, nhiều chính sách khẩn hoang đã được thực hiện. Ông tổ ta có mặt trong thời gian này và đã qua đời sớm. Các thế hệ sau tiếp nốI ông đã trưởng thành cũng là lúc thực dân Pháp mở đầu cuộc xâm lược và cai trị đất nước ta rồi đến đế quốc Mỹ thay thế thực dân Pháp.
Họ Trương ta hầu hết là bần nông. Ông tổ đời một của ta đã phải lao động cật lực. Từ đời 2 đến đời 7, sáu đời con cháu họ Trương ta là những người lao động nghèo sống dưới sự áp bức bóc lột của thực dân phong kiến và trong hai cuộc chiến tranh khốc liệt, không ai có đủ ruộng đất để sống, phải đi lĩnh canh bị địa chủ phong kiến thực dân bóc lột, đến nay tâm lý còn căm thù địa chủ, thực dân.
Sau giải phóng chính sách của nhà nước ta là chia lại ruộng đất cho nông dân nên họ Trương có thêm đất cuộc sống có khá hơn. Con cháu họ Trương là những người cần cù lao động. Ngoài việc ruộng rẫy còn làm nhiều nghề khác nhau. Từ cán bộ cao cấp của Nhà nước (bà Trương Mỹ Hoa – nguyên Phó Chủ Tịch nước), của Đảng (ông Trương Minh Nhựt – Vụ trưởng Ban Tuyên Giáo trung ương Đảng), rồi đến cán bộ địa phương (ông Trương Văn Khôi – nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Long Hưng), doanh nhân, hiệu trưởng, giáo viên, công nhân, thợ may, thợ mộc, thợ bạc, thợ hồ, nhân viên văn phòng, công nhân điện lực, cán sự điều dưỡng, quản lý thị trường, bán cơm, bán trái cây, bán nước giải khát … ai cũng có công ăn việc làm.
Nhìn chung con cháu họ Trương ai cũng cần mẫn siêng năng có trách nhiệm, sáng tạo trong lao động không ai làm gi có phương hại đến danh dự gia đình và xã hội.
III. Những đóng góp của họ Trương qua hai cuộc kháng chiến
Năm 1858 thực dân Pháp mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam. Năm 1859 thực dân Pháp vào Gia Định – Trương Định lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Căn cứ là đám lá tối trời ở Gò Công. Đến đời thứ 5 trưởng thành thì cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Nhà ông Trương Văn Sương nhà thờ họ tộc từng là nơi làm việc của Tỉnh ủy Gò Công, là nơi đùm bọc, nuôi dưỡng cán bộ đảng viên thời chống Pháp bị địch đốt cháy rụi. Con trai ông là Trương Văn Đẩu và vợ là Nguyễn Thị Tư tham gia cách mạng từ Tiền khởi nghĩa. Ông bà đã tham gia cướp chính quyền ở xã Bình Ân trong Cách Mạng tháng Tám 1945. Sau đó ông thoát ly làm cách mạng cho đến năm 1954 tập kết ra Bắc. Vợ ông tiếp tục hoạt động tại Gò Công. Bà bị bắt và sau khi ra tù thì đưa các con lên Saigon vừa lao động kiếm sống vừa tham gia cách mạng. Các con bà Trương Mỹ Lệ, Trương Mỹ Hoa, Trương Công Minh, Trương Minh Nhựt, Trương Nhật Quang, Trương Thị Hiền đều hoạt động trong phong trào sinh viên học sinh Khu Saigon – Gia Định, đóng góp rất lớn cho hoạt động của Thành Đoàn. Cả nhà ông Trương Văn Đẩu gồm vợ chồng, 5 con, 2 rể, 1 cháu ngoại đã bị địch bắt tù đày tính chung là 48 năm.
Ở quê nhà các ông Trương Văn Mạnh, Trương Văn Vạng, Trương Văn Lôi, Trương Văn Trì, Trương Văn Xi, Trương Thành Đô vừa lao động vừa chiến đấu với nhiều hình thức như làm liên lạc, đi du kích, đi bộ đội, làm công an.
Đã có người là thương binh như ông Trương Thành Đô, có người là liệt sĩ như ông Trương (Nguyễn) Văn Xi, Trương (Nguyễn) Văn Mi. Cũng có bà mẹ Việt Nam anh hùng Trương Thị Thêm, Võ Thị Sảnh.
Đa số lao động cần cù dưới làn bom đạn của kẻ thù, cũng có người sống trong vùng địch nên bị bắt đi lính chế độ cũ – nhưng sau giải phóng trở về lao động bình thường không ai gây nợ máu với nhân dân.
Những đóng góp trên đáng được con cháu tự hào.
IV. Những phẩm chất tốt đẹp của dòng họ
Qua gần 200 năm, từ ngày ông tổ đời một định cư ở xóm Dinh đã truyền tử lưu tôn đến nay là đời thứ mười – đã thành một họ tộc đông đúc ở vùng đất Gò Công. Qua lao động và chiến đấu chống ngoại xâm, họ Trương đã hình thành được những phẩm chất tốt đẹp như sau :
° Điểm đáng quý của họ tộc Trương là tính cần cù lao động, lối sống giản dị trong sáng của người nông dân Nam Bộ. Họ Trương ta đa số là nông dân nghèo cần mẫn siêng năng. Trước giải phóng không ai có đủ ruộng để canh tác, phải lĩnh canh bị địa chủ bóc lột, bị tô thuế nặng nề, phải lao động trong khói lửa chiến tranh ác liệt. Cuộc sống rất cơ cực nhưng họ Trương ta vẫn cày thuế cấy mướn thêm để tồn tại. Ngoài nghề nông con cháu họ Trương ta còn làm nhiều nghề khác nhau, ai cũng tận tụy trong việc của mình, không ai phải ăn bám. Dù ở địa vị cao trong xã hội nhưng con cháu vẫn giữ được tình thân thuộc trong họ tộc, tình làng nghĩa xóm, không phân biệt sang hèn, địa vị cao thấp. Trong bà con thân tộc ai có chuyện vui buồn đều đến với nhau kịp thời, chia sẽ giúp đỡ nhau, làm việc trong cơ quan Nhà nước thì vẫn giữ được cuộc sống trong sạch. Đó là điểm đáng quý cần phải duy trì.
Đặc điểm nổi bật là tinh thần cách mạng triệt để. Gia đình ông Trương Văn Sương (hậu duệ đời 5) nhà ông nuôi giấu cán bộ cách mạng. Tiếp nối ông là con trai Trương Văn Đẩu và con dâu Nguyễn Thị Tư rồi tất cả cháu nội của ông đều một lòng theo cách mạng. Dù bị tù đày, bị tra tấn dã man vẫn không khai, không nhận bảo vệ cơ sở đến cùng. Bà Trương Mỹ Lệ bị bắt, bị tra tấn dã man lúc có mang thai và sanh con trong tù. Khi ra tù gởi con đi hoạt động trở lại; bà Trương Mỹ Hoa bị địch đóng đinh trên 10 đầu ngón tay nhưng bà vẫn ca hát và đấu tranh trong tù. Khi ra tù vẫn móc nối cơ sở hoạt động trở lại. Các ông hoạt động ở địa phương khi bị địch theo dõi thì có những hoạt động che mắt địch như giả say hay có ông bị bắt tìm cách ra tù để gắn bó trở lại với cách mạng. Tuổi thanh niên rất dũng cảm gan dạ … có người hy sinh một cách anh dũng khi tuổi còn thanh xuân như ông Trương (Nguyễn) Văn Mi hy sinh khi còn độc thân.
° Một phẩm chất tốt đẹp nữa là việc giữ gìn đạo hiếu. Con cháu họ Trương không ai sùng bái một tôn giáo nào, chỉ theo đạo thờ cúng ông bà giữ gìn đạo hiếu. Dù ở hoàn cảnh nào việc phụng thờ tổ tiên vẫn được coi trọng. Việc giỗ chạp ông bà luôn luôn được thực hiện nghiêm túc, quy tụ được con cháu xa gần về dự đông đủ, cũng là một dịp để thăm hỏi nhau. Ông tổ đời một mất gần 200 năm qua, hằng năm con cháu vẫn về dẫy cỏ, đắp mộ vào ngày 27 tháng chạp (khi còn là mộ đất). Từ năm 2000 con cháu cất nhà mồ xây mộ lại bằng đá hoa cương, con cháu xa gần dù bận trăm công nghìn việc vẫn sắp xếp về thắp hương cúng tổ rồi cùng nhau về đồng mã xóm Dinh thăm đồng mả gia tộc đông như ngày hội. Nhiều người đem cả gia đình, vợ chồng con cháu về thăm mộ. Giỗ Cửu huyền thất tổ cũng là ngày 27 tháng chạp âm lịch không phải chỉ một nhà ông Trương Văn Do mà còn có những nhà khác nữa cũng cúng giỗ. Con cháu xa gần tự nhớ ngày về không phải mời gọi. Đó là nét văn hóa đẹp cần được duy trì.
° Một đặc điểm nữa là tinh thần hiếu học : trong chi một (đời 6) có ông Trương Văn Đẩu dù nhà nghèo nhưng ông trì chí theo đuổi việc học và ông học rất giỏi. Sau khi tốt nghiệp trường Mỹ Nghệ, ông tham gia cách mạng, tập kết ra Bắc vẫn tiếp tục học đổ thêm hai bằng kỹ sư điện và cơ khí. Các con noi gương cha phấn đấu học hành. Sau giải phóng, dù bận nhiều công tác nhưng vẫn sắp xếp thời gian để học như ông Trương Minh Nhựt đã tốt nghiệp Cử nhân Luật, cử nhân Kinh tế chính trị, cử nhân Ngữ văn, Tiến sĩ Khoa học Lịch sử. Bà Trương Thị Hiền có học vị Tiến sĩ. Ông Trương Văn Hai, Trương Văn Khôi (đời 6) dù nhà nghèo, chiến tranh diễn ra ác liệt ở quê hương nhưng các ông vẫn kiên trì học hành. Ông Khôi đổ Tú tài 2. Ông Hai vừa dạy vừa học thêm lên đến đại học. Thời ấy hiếm người nghèo học được như vậy.
Sau hòa bình, đời 7, 8, 9 con cháu đều có điều kiện học, nhiều người đã có bằng Cao đẳng, Đại học, thạc sỉ, tiến sỉ, đi du học có học bổng ở nước ngoài. Con cháu họ Trương không có ai là không biết chữ.
Một đặc điểm nữa đáng quý của họ Trương là tinh thần đoàn kết nhau trong họ tộc. Trong việc giỗ chạp, cưới gả, tang ma hay có khó khăn trong cuộc sống, con cháu họ Trương không phân biệt sang, hèn vẫn cùng nhau đến với nhau, kịp thời chia sẽ vui buồn, hay giúp nhau vượt qua khó khăn. Còn những việc chung trong họ như việc xây mộ ông Tổ, con cháu cũng rất quan tâm. Đến ngày xây mộ ông Tổ, con cháu ở các nơi đều về cùng nhau lao động, kẻ dẩy cỏ, người đào đất đắp mộ. Cảm động nhất là những cụ già cũng bưng đất đắp mộ ông Tổ mình.
Trên đây là những truyền thống tốt đẹp của họ Trương cần được gìn giữ và phát huy tốt hơn. Với gia phả này sẽ giúp con cháu họ Trương biết được cội nguồn, dòng họ ta nên có kế hoạch xây dựng dòng họ văn hóa, tổ chức khuyến học, khuyến tài để làm rạng danh cho dòng họ.
Con cháu họ Trương hãy giữ gìn bộ gia phả này, có trách nhiệm phổ biến, viết nối tiếp đễ gia phả ngày càng hoàn chỉnh và cũng cần nên xây nhà thờ họ để những ngày giỗ Tổ đời 1, đời 2, con cháu có một nơi tập họp để giỗ tổ tiên mình, đồng thời thăm hỏi nhau, khen thưởng trong học tập.
Lớp hậu duệ xin thành kính dâng lên tổ tiên lòng tri ân, hiếu thảo, nguyện đời xứng đáng là con cháu họ Trương ở xóm Dinh, xóm Bà Phù, xóm Nò,… ở Gò Công - Tiền Giang.
Các tin cũ
- » 057. Gia phả họ Nguyễn (ấp Tân Trạch, Bạch Đằng, Tân Uyên, Bình Dương) 20/08/2022 22:04:52
- » 056. Gia phả họ Huỳnh (ấp Long Hưng, Long Thượng, Cần Giuộc, Long An) 20/08/2022 21:57:49
- » 055. Gia phả họ Nguyễn (khu phố 2, thị trấn Củ Chi, TP.HCM) 20/08/2022 21:46:34
- » 054. Gia phả họ Phan (ấp Tân Lập, Tân Thới Nhì, Hóc Môn, TP.HCM) 20/08/2022 21:44:17
- » Lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa 20/08/2022 20:41:54
- » Hành trình tìm về nguồn cội của hậu duệ dòng họ Lý gốc Việt tại Hàn Quốc 20/08/2022 20:24:07
- » 053. Gia phả họ Ngô (ấp Ông Vui, Trung Lập Thượng, Củ Chi, TP.HCM) 19/08/2022 21:17:41
- » 052. Gia phả họ Võ (ấp Tây, Long Phước, TX Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) 19/08/2022 21:02:50
- » 051. Biệt phả họ Trần nhánh II, đời 11 (Gio Linh, Cam Lộ, Quảng Trị và ở TP.HCM) 19/08/2022 20:44:23