059. Gia phả họ Phạm (ấp Chánh, Tân Thông Hội, Củ Chi, TP.HCM)
20/08/2022 22:20:09Gia phả họ Phạm ở ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2012.
LỜI NÓI ĐẦU
Nước có sử, nhà có phả. Sử để chép lại những sự kiện quan trọng của đất nước, phả là để ghi lại những thăng trầm của một họ tộc.
Đã là người sinh ra ở trên đời, ai cũng có cha mẹ, tổ tiên, cội nguồn, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đó là những điều thiêng liêng mà mỗi người đều cất giữ trong lòng và luôn đau đáu về nó dù phải xa quê hương tổ quán…
Trong sự phát triển của xã hội hiện đại ngày nay, nhất là ở các đô thị lớn, con người bị cuốn vào công việc, việc viếng thăm quê cũ để thắt chặt tình thân gia tộc vì thế mà cũng ảnh hưởng, có phần phai nhạt. Cũng do điều kiện sống, ngày nay nhiều gia đình không còn quần cư trên quê hương đất tổ của mình nữa mà sống rải rác ở nhiều tỉnh thành. Việc truy tìm lại bà con dòng họ, tổ chức để bà con nhận biết anh em thứ thế và nhất là để ọn lại truyền thống tốt đẹp của gia tộc như một hành trang tinh thần vững chắc giúp con cháu vững bước trên đường tiến thân là việc rất cần thiết và gia phả sẽ giúp chúng ta một phần trong việc đó.
Gia phả thường gồm có 4 phần: Phả ký nói đến tổ quán, vị tổ phụ, quá trình hình thành và phát triển của họ tộc. Phả hệ là phần ghi chép những thành viên trong dòng họ theo thứ bậc từ cao đến thấp, từ vị tổ phụ cho đến con cháu đang hiện hành. Lật giở từng trang phả hệ, chúng ta như được sống lại với lịch sử của họ tộc, với những người đã quá vãng và cả người đang còn sống. Ngoại phả là những trang viết gắn liền với họ tộc mình như đồng mả, việc chôn cất, cúng bái, những ngày giỗ… Phụ khảo là những điều liên quan đến sinh hoạt của họ tộc trong chiều dài lịch sử của dòng họ như đình chùa, miếu mạo, truyền thống đấu tranh của địa phương…
Trong quá khứ, yếu tố gia đình và dòng họ đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ, trong việc xây dựng gia đình - tế bào của xã hội - vững mạnh.
Nhận thức được vấn đề đó, Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả (Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM) muốn góp một phần nhỏ công sức của Trung tâm vào “Đề án Xây dựng thí điểm nông thôn mới xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi giai đoạn 2009 - 2011” theo quyết định số 4564/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân TP.HCM do Phó Chủ tịch Nguyễn Trung Tín ký và ban hành ngày 2/10/2009.
Họ Phạm chúng ta là một trong 10 dòng họ tại xã Tân Thông Hội vinh dự được chọn để dựng bộ gia phả cho họ tộc mình, nhằm ôn lại truyền thống tốt đẹp của dòng họ, nhân dân xã Tân Thông Hội; thắt chắt tình đoàn kết bà con, làng xóm để cùng chung tay xây dựng thành công đề án nông thôn mới.
Thay mặt họ Phạm, chúng tôi chân thành cám ơn sự quan tâm của lãnh đạo địa phương và sự cộng tác giúp đỡ lớn lao của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM trong việc xây dựng bộ gia phả cho họ Phạm.
Chúng tôi cũng chân thành cám ơn tất cả bà con nội ngoại của họ Phạm đã hết sức giúp đỡ và cộng tác với Trung tâm để gia phả này bước đầu được hoàn thành.
Tuy nhiên, do điều kiện khách quan, gia phả sẽ không tránh được những khiếm khuyết, rất mong bà con chúng ta nhiệt tình góp ý và bổ sung để gia phả ngày càng hoàn chỉnh.
Xin gửi lời chào thân ái đến tất cả mọi người.
Mùa Xuân năm Nhâm Thìn - 2012
PHẠM VĂN THẺN
PHẠM VĂN TÀI
(Hậu duệ đời V)
PHẢ KÝ
TỔ QUÁN VÀ PHÁT TÍCH DÒNG HỌ
Từ TP.HCM xuôi theo QL 22 (nay là đường Xuyên Á) lên phía Tây Ninh, đi qua ngả ba Tân Phú Trung khoảng 5-6km, là đến địa phận xã Tân Thông Hội. Phía tay phải đường Xuyên Á là ấp Hậu, còn phía tay trái là ấp Tiền. Ấp Tiền là ấp giáp giới với xã Tân Phú Trung, cũng đi dọc theo đường xuyên Á, hết địa phận ấp Tiền là đến ấp Chánh. Ấp Chánh là quê hương tổ quán của họ Phạm chúng ta.
Ngày nay ấp Chánh thuộc xã Tân Thông Hội, nhưng Tân Thông Hội là tên xã mới sau ngày giải phóng được hình thành khi xã Tân An Hội được chia ra làm 3 đơn vị hành chánh: thị trấn Củ Chi, xã Tân An Hội và xã Tân Thông Hội.
Vì vậy tìm hiểu về nguồn gốc Tân Thông Hội phải gắn liền với sự hình thành xã Tân An Hội xưa.
Trong quá trình mở cõi phương Nam, dấu chân người Việt đã đặt chân trên Đồng Nai (Nam Bộ) từ cuối thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII đã tương đối đông người. Dần dần lượng người vào Nam ngày càng đông đảo nhất là từ khi chúa Nguyễn đã tạo ra ảnh hưởng của mình trên vùng đất này. Đối tượng ra đi là những nông dân nghèo khổ của vùng Ngũ Quảng do không chịu được cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài gần 200 năm. Họ còn là những tù nhân bị lưu đày, những binh lính đào ngủ kể cả những người nghe lời rủ rê của bạn bè vì:
Đồng Nai gạo trắng như cò
Bỏ cha, bỏ mẹ xuống đò theo anh!
Khi Đồng Nai tương đối đông người, năm 1689 triều đình cử Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam xây dựng tổ chức chính quyền, thiết lập bộ máy hành chánh, lấy vùng Đồng Nai làm dinh Trấn Biên, đặt huyện Phước Long, lấy đất Sài Gòn lập dinh Phiên Trấn, đặt huyện Tân Bình rồi lập ra thôn, xã, ấp.
Đến năm 1805, 74 thôn xã của tổng Dương Hòa Trung, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình đã thấy xuất hiện tên gọi địa danh ấp Chánh.
Năm 1836 vua Minh Mạng cho lập địa bạ 6 tỉnh Nam Bộ thì ở tổng Dương Hòa Trung có 21 xã, địa giới duyên cách rõ ràng.
Thời Pháp thuộc, năm 1931, làng Tân Thông, Tân Thông Tây, Tân Thông Trung và Vĩnh An Tây trong đó có khu thị tứ Củ Chi nhập lại thành làng Tân An Hội thuộc tổng Long Tuy Hạ, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định.
Năm 1957, chính quyền Sài Gòn ấn định lại các đơn vị hành chánh của tỉnh Gia Định lập ra quận Củ Chi thuộc tỉnh Bình Dương thì làng Tân An Hội thuộc quận Củ Chi, tỉnh Bình Dương.
Tân An Hội trong quá trình phát triển, từ thôn tới làng rồi xã, có lúc nhập vào, có lúc tách ra… người dân sống trên quê hương mới cũng không được yên ổn. Rồi chiến tranh cũng đã xảy ra trên vùng đất này: cuộc nội chiến đã xảy ra giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, khốc liệt nhất là hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Vốn mang trong người dòng máu bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc, nhân dân Củ Chi trong đó có hai xã Tân An Hội và Tân Thông quyết chiến đấu để bảo vệ quê hương mà họ đã dày công xây dựng.
Mở đầu là cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp.
Năm 1858 Pháp và Tây Ban Nha bắn vào cửa bể Đà Nẳng mở đầu cho cuộc xâm lược Việt Nam. Năm 1859, Pháp đã kéo vào Gia Định, có mặt ở Hóc Môn. Nhân dân Tân An Hội đã ủng hộ các phòng trào yêu nước như:
- Khởi nghĩa của Trương Định - Trương Quyền
- Đặng Văn Duy, đánh đồn Tây Thới (nay là ấp Đồn).
- Ông Võ Văn Nhâm xã Phước Vĩnh An lập đội nghĩa dũng đánh Tây.
- Khởi nghĩa Nguyễn Ảnh Thủ, Phan Công Hớn, Phan Xích Long rồi hội kín Nguyễn An Ninh.
Dù các phong trào còn hạn chế về đường lối và phương pháp đấu tranh chưa thích hợp với mục tiêu đề ra nhưng thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân trong xã.
Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân xã Tân An Hội đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Giặc càng khủng bố tàn sát nhân dân Tân An Hội cùng nhân dân Củ Chi càng dũng cảm, sáng tạo trong đấu tranh.
Ngay từ khi Đảng mới được thành lập, nhân dân Tân An Hội cùng nhân dân Củ Chi tham gia biểu tình đòi giảm thuế thân, giảm giờ làm việc với số lượng khoảng 5.000 người vào ngày 4/6/1930 rồi 1/8/1930 nhân ngày quốc tế chống chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân nổi trống mỏ, tù và, đốt pháo tre biểu dương lực lượng nâng cao uy thế của ta làm cho làng, lính phải co giò chạy trốn. Phong trào 1930 -1931 thất bại, phong trào tạm lắng đến 1936 -1939 phong trào lại lên làm nên phong trào Đông Dương đại hội tô dậm thêm cho khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 - mà Tân Thông, Bến Đò bị tổn thất nặng nề nhưng thắng lợi cũng đến sau đó 5 năm.
Sau 30/4/1975, đất nước được thống nhất, huyện Củ Chi thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, xã Tân An Hội được chia ra làm ba đơn vị hành chánh:
- Thị trấn Củ Chi là trung tâm huyện Củ Chi.
- Xã Tân An Hội từ xóm Huế lên ấp Mũi Lớn, ấp Bàu Tre, ấp Cây Sộp và xóm Việt kiều Campuchia
- Xã Tân Thông Hội gồm 10 ấp: ấp Tiền, ấp Hậu, ấp Chánh, ấp Bàu Sim, ấp Tân Định, Tân Tiến, Tân Lập, Tân Thành, ấp Thượng, ấp Trung.
Xã Tân Thông Hội nằm phía Nam huyện Củ Chi, phía Tây Bắc TP.HCM. Phía Bắc xã Tân Thông Hội giáp xã Phước Vĩnh An; phía Đông giáp xã Tân Phú Trung; phía Tây giáp xã Tân An Hội và phía Nam giáp với huyện Hóc Môn và tỉnh Long An.
Con cháu họ Phạm xuất phát từ tổ quán ấp Chánh, nhưng ngày nay họ sinh sống đông đúc tại cả ấp Chánh và ấp Tiền thuộc xã Tân Thông Hội cùng một số địa phương khác.
Hai ngôi mộ của ông bà Tổ họ Phạm (ông bà Phạm Văn Tân) nằm trong khu đất của ông Bảy Hinh, bên cạnh đồng mả ấp Tiền. Ngày xưa ông bà Tổ ở tại khu đất ấp Chánh (nay thuộc ấp Tiền). Khu đất này ngày nay dùng làm đồng mả gia tộc, trong đó có hai ngôi mộ của ông bà đời II Phạm Văn Quờn. Điều đó cho chúng ta khẳng định rằng tổ quán của họ Phạm là ở ấp Chánh, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi.
Theo lời của hậu duệ họ Phạm, ông Tổ Phạm Văn Tân là người có gốc gác ở miền Trung, nhưng không biết rõ ràng là ở tỉnh nào. Ông vào đây vào thời điểm nào cũng không rõ. Nhưng nếu căn cứ vào cách tính năm của từng thế hệ, chúng ta cũng có thể phỏng đoán được thời điểm mà ông Tổ Phạm Văn Tân đặt chân tới ấp Chánh của vùng đất Củ Chi này.
Trên bia mộ của ông Phạm Văn Ổn (đời III) có ghi năm sinh là 1850. Ông Phạm Văn Ổn là cháu nội của ông Tổ Phạm Văn Tân (con thứ 3 của ông Phạm Văn Thông). Nếu tính mỗi thế hệ cách nhau 25 năm và anh em liền kề sinh cách nhau 2 năm, chúng ta có thể năm sinh của ông Tổ Phạm Văn Tân như sau:
- Ông Phạm Văn Ổn (con thứ ba) sinh năm 1850, suy ra người anh hai của ông Phạm Văn Ổn (tức ông Phạm Văn Yên) sinh năm 1848.
- Ông Phạm Văn Yên (đời III) cách ông Tổ Phạm Văn Tân (đời I) 2 đời, vì vậy năm sinh của ông Phạm Văn Tân là: năm 1848 – (2 x 25 năm) = năm 1798.
Theo cách tính trên thì ông Phạm Văn Tân sinh vào khoảng năm 1798, và giả sử ông Tân khi trưởng thành (khoảng 20 tuổi) thì đi vào Nam lập nghiệp, có thể nói ông đã đến ấp Chánh, Củ Chi vào khoảng năm 1818 (lấy năm 1798 + 20 năm). Đây là thời điểm nằm trong triều đại của vua Gia Long (1802-1820), trước thời điểm địa bạ Minh Mạng được xác lập.
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA HỌ PHẠM QUA CÁC THỜI KỲ
Nêu tính thời điểm ông Tổ Phạm Văn Tân đặt chân đến ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, Củ chi là vào khoảng năm 1818 như đã nói trên. Cho đến nay họ Phạm đã trải qua gần 300 năm, truyền nối đến đời thứ IX.
Hai ông thuộc đời II: Phạm Văn Thông và Phạm Văn Quờn sinh con, đẻ cháu và hình thành 2 nhánh lớn của họ Phạm ngày nay.
Ông Phạm Văn Thông và Phạm Văn Quờn mỗi người có 4 con trai để nối dõi. Như vậy nếu đời III có 8 người con trai thì đời IV có 10 người con trai và đời V có đến 42 người con trai. Có thể nói đời V (trong giai đoạn chống Pháp và chống Mỹ) và tiếp đến đời VI là cột mốc đánh dấu sự phát triển đông đúc con cháu của họ Phạm.
Hiện nay, họ Phạm chúng ta đã có đời IX hiện diện và nếu chỉ tính đến đời VII (trong đó có một số con cháu ở xa chưa thống kê được) họ Phạm có tổng cộng 402 con cháu nội, trong đó có 204 người con trai (chi ông Phạm Văn Thông có 87 trai và chi ông Phạm Văn Quời có 117 trai).
Đây là một dòng họ có quy mô lớn so với các dòng họ khác ở xã Tân Thông Hội nói riêng và ở huyện Củ Chi nói chung.
Trong sự phát triển về số lượng của dòng họ, đời V và đời VI là giai đoạn có sự phát triển lớn nhất, gia đình nào cũng đông con, khá nhiều gia đình có 9-10 người con.
Hiện nay, do điều kiện phát triển của xã hội, một số con cháu họ Phạm sinh sống khá nhiều tỉnh thành khác nhau. Nhưng nhìn chung từ đời II đến đời VI, con cháu họ Phạm sống quần cư nơi quê hương tổ quán của mình là ấp Chánh và một số ấp lân cận như ấp Tiền, ấp Hậu…
Đời IV, một con cháu của họ Phạm di cư lên phía Bắc lập nghiệp như: ông Phạm Văn Hộ (con ông Phạm Văn Ổn, đời III), ông Phạm Văn Tảng (con ông Phạm Văn Thăng đời III) lên khai phá lập nghiệp tại xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Riêng ông Phạm Văn Hộ khai phá được 30 mẫu đất rồi chia sẻ, tạo điều kiện cho một số anh em mình ở Củ Chi lên lập nghiệp. Ông Phạm Văn Đeo (con ông Phạm Văn Dận đời III) lên lập nghiệp tại cuối xã Trung Lập Thượng, giáp ranh với huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh… tạo nên một lực lượng họ Phạm có gốc ở ấp Chánh, Củ Chi tại tỉnh Tây Ninh.
Nếu nhìn theo yếu tố địa lý, họ Phạm từ tổ quán ấp Chánh “bành trướng” theo một vệt dài đến Trung Lập Thượng (Củ Chi) vắt qua huyện Trảng Bàng, huyện Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh).
Ngoài ra còn có ông Phạm Văn Chữ (đời IV) về lập nghiệp tại xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An (quê của ông ngoại) tạo nên một nhóm con cháu họ Phạm hiện sinh sống tại đây.
ĐẶC ĐIỂM HỌ PHẠM
1. Truyền thống lao động
Thời điểm ông Tổ Phạm Văn Tân vào đất Củ Chi, vùng đất này còn là vùng đất hoang sơ, thưa người, cũng giống như bao lưu dân khác, khi đến vùng đất mới, họ phải khai hoang, dựng nhà, lao động cần cù để có được đời sống no ấm.
Ông Tổ Phạm Văn Tân có 2 người con trai là Phạm Văn Thông và Phạm Văn Quờn. Đến đời II, ông Phạm Văn Quờn có khá nhiều đất đai, hiện nay con cháu ở ấp Chánh và ấp Tiền đa số sinh sống trên đất đai được thừa hưởng từ ông Phạm Văn Quờn, trong đó một dải đất rộng lớn ở ấp Chánh dọc theo đường Xuyên Á là đất của ông Phạm Văn Quờn để lại mà ngày nay các ông Phạm Văn Thẻn, Phạm Văn Hữu, Phạm Văn Hùng (đời V) đang sinh sống.
Ông Phạm Văn Thông (đời II) cũng có khá nhiều đất đai để lại cho con cháu. Ngày nay tại khu mộ gia đình ở ấp Tiền có 2 ngôi mộ của vợ chồng ông Phạm Văn Yên (đời III) là 2 ngôi mộ đá xanh, bia cũng bằng đá xanh rất đẹp. Điều đó cho thấy rằng gia đình phải thuộc vào hàng khá giả, bởi ở thời kỳ này các ngôi mộ trong đồng mả ấp Tiền (Tân Thông Hội) đa số là mộ đất hoặc mộ đá đỏ.
Nói như vậy để thấy rằng, đến đời II, những người con họ Phạm đã có một sự phát triển đáng kể về kinh tế và điều đó cũng nói lên rằng ở đời I, ông Tổ đã xây dựng một nền tảng gia đình vững chắc để con cái mình có điều kiện vươn lên.
Ở một vùng nông thôn như Củ Chi, lấy nghề ruộng rẫy làm chính, người khá giả có nhiều đất đai không có gì ngoài việc phải cần cù lao động, chí thú làm ăn, biết tích góp lo xa… Đó cũng chính là truyền thống mà những bậc tiên nhân họ Phạm có được và truyền nối đến con cháu ngày nay.
Nhìn chung trong bà con họ Phạm hiện nay, đa số đều khá giả, đủ ăn, con cái được nuôi dạy nên người, đó là truyền thống mà con cháu họ Phạm cần giữ gìn và phát huy.
2. Truyền thống đấu tranh cách mạng
Trên vùng đất thép thành đồng Củ Chi với truyền thống cách mạng triệt để, con cháu họ Phạm cũng đã đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nêu Một vài ví dụ như: ông Phạm Văn Đeo (đời IV) tham gia chống Pháp tại xã Trung Lập Thượng; ông Phạm Văn Chảnh (Nguyễn Hữu Minh) tham gia chống Pháp, là Phó Chủ tịch xã Tân An Hội (nay là Tân Thông Hội); ông Phạm Văn La (đời IV) tham gia kháng chiến chống Mỹ; bà Phạm Thị Nến (đời V), ông Phạm Văn Dạng đời (V), Phạm Văn Đực (đời V) là những liệt sĩ thời chống Mỹ…
Đặc biệt có ông Phạm Chí Tân (Nguyễn Hữu Đức) là người tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, giữ những chức vụ quan trọng trong ngành công an. Ông sinh năm 1936, năm 12 tuổi đã thoát ly gia đình hoạt động ở HCH Thiếu nhi quận Hóc Môn. Sau đó học trường Thiếu sinh Quân Gia Định (1951-1954) rồi hoạt động bí mật bảo vệ cho Tỉnh ủy Gia Định. Ông lần lượt giữ các chức vụ: Trưởng Công an quận Gò Môn (168-1974); Phó CÔng an tỉnh Gia Định (1975); Từ 1976 tại Công an TP.HCM ông giữ các chức vụ: Hiệu trưởng trường Công an, Trưởng phòng Phong trào, Trưởng phòng Chính trị, Trưởng phỏng Bảo vệ nội bộ… Ông nghỉ hưu năm 1998 hiện ở Củ Chi.
3. Lá lành đùm lá rách
Sinh trưởng ở vùng đất Nam bộ, con cháu họ Phạm cũng như nhiều người dân ở vùng đất mới khai phá này: cởi mở, chân thành và hiếu khách. Bà con dù có những hoàn cảnh khác nhau, nhưng luôn thương yêu đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn.
Đặc biệt những người có điều kiện khá giả biết giúp đỡ bà con hoặc cán đáng những công việc chung của gia tộc.
Ông Phạm Văn Hộ làm nghề lục lộ, đi nhiều nơi, sau khi thành duyên với người con gái ở xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầy, Tây Ninh đã chọn nơi đây lập nghiệp rồi ra sức khai phá được 30 mẫu đất đem lại cuộc sống khá giả cho gia đình. Sau đó giúp đỡ cho một số anh em ở Củ Chi lên đây lập nghiệp ông đã san sẻ bớt một phần đất mình cho bà con để tạo điều kiện thuận lợi bước đầu cho họ.
Ông Phạm Chí Tân là người có địa vị trong xã hội, có điều kiện kinh tế đã về bàn bạc cùng an hem ở quê nhà, rồi người góp công người góp của đứng ra tôn tại lại mồ mả các bạc tiền nhân. Ngoài mồ mả cha mẹ, ông Tân còn lo kinh phí để xây cất lại mộ ông bà tổ Phạm Văn Tân, đặc biệt là mộ ông bà Phạm Văn Quờn (đời II) được xây cất khang trang, nhà mộ đổ mái bằng bê-tông kiên cố. Trước khi đình Tân Thông Hội được Thủ tướng Phan Văn Khải chủ trì xây dựng đồ sộ như ngày nay, ông Phạm Văn Tân cũng đã từng giúp vật liệu để cải tạo lại đình.
4. Vấn đề hôn nhân
Như trên đã nói, chỉ tính đến đời VII, con cháu nội họ Phạm khoảng hơn 400 người. Sự phát triển nòi giống của dòng họ vững mạnh là nhờ vào nền tảng hôn nhân vững chắc. Sự kết hợp hôn nhân với các dòng họ khác chưa thấy có trường hợp nào làm cho dòng họ “sang” lên, nhưng cũng không có trường hợp nào làm cho thanh danh dòng họ suy giảm. Nghĩa là sự kết hợp hôn nhân bảo đảm cho sự phát triển bền vững.
Cũng do số lượng đông đảo nên sự kết hợp hôn nhân của họ Phạm rất đa dạng. Thống kê cho thấy trong quá trình phát triển của mình, họ Phạm đã kết hợp hôn nhân với 29 họ khác. Đó là các họ: Lê, Đỗ, Nguyễn, Bùi, Võ, Trần, Huỳnh, Ngô, Mai, Phan, Đinh, Phạm, Đào, Dương, Đoàn, Đặng, Giao, Vương, Lâm, Trương, Mang, Lý, Thái, Dư, Bùi, Hồ, Châu, Hứa, Chóng. Trong số những họ này có 3 họ kết hợp hôn nhân với họ Phạm nhiều nhất theo thứ tự là: Nguyễn, Trần và Lê. Có một số họ rất ít gặp như: Giao, Mang, Thái, Dư, Châu, Hứa, Chóng.
MỘT SỐ ĐIỀU LƯU Ý
Trong quá trình điền dã để thực hiện cuốn gia phả này, tổ thực hiện đã gặp một số vấn đề gần như đi vào bế tắt, rất ít ai biết. Sau thời gian cùng ông Phạm Văn Tài và Phạm Văn Kẻn (đời V) miệt mài tìm hiểu những người cao tuổi. Xin nêu ra để con cháu cùng nắm rõ.
1. Hai người con thứ bảy và hai người thứ tám của ông Phạm Văn Quờn (đời II)
Ông Phạm Văn Quờn có tổng cộng 12 người con. Trong đó có hai người thứ bảy là Phạm Thị Xuyến và Phạm Thị Soi và hai người thứ tám là Phạm Văn Mực và Phạm Thị Gương.
Theo giải thích của vài người cao tuổi trong dòng tộc, họ cho rằng bốn người này là con của hai bà vợ khác nhau. Hai người thứ bảy: một người là con của bà chánh thất và một bà là con của bà thứ thất, nhưng do sinh cùng năm nên đều gọi là thứ bảy. Trường hợp hai người thứ tám cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên điều này không thuyết phục, vì sinh cùng năm thì cũng có người sinh trước, người sinh sau, không thể hai người cùng sinh một thời điểm, vì thế sẽ không có chuyện hai người cùng thứ bảy hoặc cùng thứ tám. Và trong bốn người này, hai người nào là con của ông Phạm Văn Quờn với người chánh thất và hai người nào là con với bà thứ thất, cũng có những ý kiến trái chiều nhau. Và trước đây cũng không ai biết bà thứ thất tên là gì?
Tổ thực hiện gia phả cùng ông Phạm Văn Tài và Phạm Văn Thẻn đã tìm và gặp được ông Phạm Văn Bốn (đi kháng chiến đổi tên thành Đoàn Văn Bốn), khi đó mọi chuyện mới được sáng tỏ.
Bà thứ thất của ông Phạm Văn Quờn có tên là Lê Thị Điếu, hiện có mộ ở ấp Tiền. Ông Phạm Văn Bốn gọi bà Lê Thị Điếu bằng cố nội. Nếu xét ra thì ông Phạm Văn Bốn không chung huyết thống với họ Phạm, vì ông thuộc con cháu của người chồng trước của bà Lê Thị Điếu, sở dĩ mang họ Phạm là do các người con của bà Điếu với người chồng trước làm giấy khai sinh trễ. Sau khi chồng bà Điếu qua đời, bà Điếu đến với ông Phạm Văn Quờn và lúc làm giấy khai sinh cho 4 người con thì lấy theo họ Phạm của người chồng sau.
Bà Điếu và người chồng trước có với nhau đến người con thứ năm. Con của bà Điếu và ông Phạm Văn Quờn có ba người và tính tiếp thứ thế theo con riêng của bà Điếu là:
- Thứ sáu: Chết nhỏ
- Thứ bảy: Phạm Thị Soi
- Thứ tám: Phạm Thị Gương
Như vậy bà bảy Gương và tám Soi được xác định là con của ông Phạm Văn Quờn với bà thứ thất Lê Thị Điếu. Còn bà bảy Xuyến và ông tám Mực là con của ông Phạm Văn Quờn với bà chánh thất.
2. Về việc đổi họ Phạm thành họ Nguyễn
Đây là trường hợp đối với ông Phạm Văn Chảnh (đời IV) con của ông Phạm Văn Thép.
Bà Phạm Thị Rui (Nguyễn Thị Rui, đời V) kể rằng: ông nội của bà là Phạm Văn Thép khi sinh người con thứ mười là cha của bà - Phạm Văn Chảnh. Ông Chảnh được vợ chồng ông Nguyễn Văn Thiết và bà Trần Thị Thại xin về làm con nuôi. Ông Chảnh được cha mẹ nuôi đặt tên họ trong giấy tờ hộ tịch theo họ người cha nuôi là Nguyễn Hữu Minh. Ông Nguyễn Hữu Minh có năm người con là:
- Thứ hai: Nguyễn Thị Kiết
- Thứ ba: Nguyễn Văn Nhựt
- Thứ tư: Nguyễn Thị Kích
- Thứ năm: Nguyễn Thị Rui
- Thứ sáu: Nguyễn Hữu Đức
Ông Nguyễn Hữu Đức chính là ông sáu Tân (Phạm ChíTân), dù đời cha của ông Tân đã đổi sang họ Nguyễn, các anh chị ông Tân cũng đều mang họ Nguyễn, bản thân ông Tân cũng mang họ Nguyễn, nhưng ông còn lấy thêm một tên khác là Phạm Chí Tân, như để nhớ về nguồn cội của mình. Và cũng chính ông là người đã lo kinh phí để xây dựng lại mồ mả khang trang cho ông Tổ Phạm Văn Tân và ông cố Phạm Văn Quờn (đời II) của mình.
Bà Nguyễn Thị Rui, chị ruột của ông Sáu Tân là người nằm trong Ban Quý tế của đình Tân Thông Hội hiện nay.
3. Về ông mười Phạm Văn Lâm (đời III)
Hiện nay tại khu mộ gia đình họ Phạm nằm sát bên cạnh đồng mả ấp Tiền, có một ngôi nhà đang tọa lạc trong khu đất này. Đó là hậu duệ của ông mười Phạm Văn Lâm.
Theo ông năm Phạm Văn Tài (đời V), thì ông Phạm Văn Lâm là con của người bạn của ông Phạm Văn Quờn (đời II). Ông Quờn nhận con bạn làm con nuôi, rồi cho làm nhà trong khu đất này để ở. Khu đất này cũng chính là khu đất mà ông Phạm Văn Quờn làm nhà ở lúc sinh thời. Khi ông bà Phạm Văn Quờn qua đời, ông Phạm Văn Lâm và sau đó là con cháu ông Lâm tiếp tục ở tại đây.
KẾT LUẬN
Nhìn lại lịch sử của họ Phạm có tổ quán tại ấp Chánh, xã Tân An Hội (nay là Tân Thông Hội), huyện Củ Chi, với gần 300 năm tồn tại và phát triển. Với hai bàn tay trắng từ miền ngoài vào lập nghiệp trên vùng đất hoang vu, ông Tổ họ Phạm và các bậc tiền nhân đã nhanh chóng gầy dựng sự nghiệp, tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển của dòng họ.
Lao động cần cù, chí thú làm ăn, truyền thống khắc phục rừng rậm, thú dữ, truyền thống đấu tranh cách mạng để tạo dựng nên một họ Phạm đông đúc và có uy tín trong vùng. Đó là tấm gương sáng để con cháu hôm nay noi theo. Nỗ lực lao động xây dựng gia đình hạnh phúc, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đất nước, không làm những điều xấu, tủi hổ đến vong linh ông bà nơi chín suối.
Họ Phạm hiện nay có một miễu thờ nằm ở ấp Chánh, ven đường Xuyên Á. Tuy chưa được khang trang, nhưng đây được xem như nhà thờ tộc, hàng năm cúng miễu vào ngày 6/3 Âm lịch (ngày giỗ Tổ) con cháu hội tụ khá đông đúc để thắp nén nhang tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân. Đồng thời cũng là dịp bà con nội ngoại gặp gỡ, chuyện trò cùng sẻ chia nhau những ngọt bùi trong cuộc sống.
Những gì tốt đẹp mà các bậc tiền nhân đã gầy dựng cho dòng họ, đó cũng là sức mạnh tinh thần trong hành trang của hậu duệ trên đường lập nghiệp để viết tiếp những trang sử đáng tự hào của dòng họ mình.
Các tin cũ
- » 058. Gia phả họ Trương (xóm Dinh, Tân Đông, Gò Công Đông, Tiền Giang) 20/08/2022 22:14:37
- » 057. Gia phả họ Nguyễn (ấp Tân Trạch, Bạch Đằng, Tân Uyên, Bình Dương) 20/08/2022 22:04:52
- » 056. Gia phả họ Huỳnh (ấp Long Hưng, Long Thượng, Cần Giuộc, Long An) 20/08/2022 21:57:49
- » 055. Gia phả họ Nguyễn (khu phố 2, thị trấn Củ Chi, TP.HCM) 20/08/2022 21:46:34
- » 054. Gia phả họ Phan (ấp Tân Lập, Tân Thới Nhì, Hóc Môn, TP.HCM) 20/08/2022 21:44:17
- » Lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa 20/08/2022 20:41:54
- » Hành trình tìm về nguồn cội của hậu duệ dòng họ Lý gốc Việt tại Hàn Quốc 20/08/2022 20:24:07
- » 053. Gia phả họ Ngô (ấp Ông Vui, Trung Lập Thượng, Củ Chi, TP.HCM) 19/08/2022 21:17:41
- » 052. Gia phả họ Võ (ấp Tây, Long Phước, TX Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) 19/08/2022 21:02:50