Trang chủ > 061. Gia phả họ Lê (ấp Trung, Tân Thông Hội, Củ Chi, TP.HCM)

061. Gia phả họ Lê (ấp Trung, Tân Thông Hội, Củ Chi, TP.HCM)

20/08/2022 22:44:50

Gia phả họ Lê ở ấp Trung, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2011. 

LỜI NGỎ

Về xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi đến ấp Trung bà con ta gặp MIẾU KIẾN HỌ LÊ. Đó là nơi thờ phụng ông bà tổ tiên trong kiến họ . Hằng năm, vào ngày 24 tháng 6 và 10 tháng chạp âm lịch, con cháu trong kiến họ ở khắp nơi tề tựu về giỗ Họ. Đó là ngày giỗ ông bà Tổ: LÊ VĂN LUÔNG và NGUYỄN THỊ TUYẾT. Biết rằng, những người về đây là cùng chung huyết thống, nhưng mối quan hệ ra sao? Cần phải lập phả mới tường tận. 

Gia phả họ tộc hay Tộc phả là quyển sách vàng ghi chép cội nguồn dòng họ. Những điều gia phả ghi lại, cho đời sau tỏ tường công lao, đức độ của ông bà đã tạo dựng và phát triển họ tộc, cho con cháu các thế hệ biết mối quan hệ họ hàng, những thành đạt, hoặc thất bại của chi họ. Từ hiểu rõ quá khứ, truyền thống tốt đẹp của dòng họ, các thế hệ nối tiếp phấn đấu giữ gìn và rèn luyện để ngày càng làm rạng danh cho bản thân, gia đình và họ tộc. 

Mộc bản thủy nguyên thiên cổ niệm

“Chim có tổ người có tông”, “Cây có cội, nước có nguồn”

Đó là quan niệm đạo lý của người Việt Nam lưu truyền bao đời nay dẫu cho xã hội có nhiều biến động, thay đổi. Mối ràng buộc trong thân tộc sâu đậm chính là quan hệ huyết thống, trong một họ tộc luôn gìn giữ tình cảm thiêng liêng ấy. 

Khi bắt đầu dựng nghiệp đến nay, tổ tiên họ Lê hết sức khó khăn trong cuộc sống, rồi chiến tranh, họ hàng quyến thuộc phân tán khắp nơi nên chưa dựng bộ gia phả. Để có điều kiện thắt chặt hơn nữa tình cảm giữa bà con ruột thịt, để có thể cùng nhau chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, cũng như nhắc nhở con cháu về truyền thống dòng họ. Gia phả cũng là niềm tự hào và sức mạnh tinh thần quí giá trong hành trang của mỗi thành viên dòng họ trên con đường lập nghiệp. Trong miếu tộc có ghi phả ý  từ Đời I đến Đời VI. Đây là tư liệu quí của dòng tộc, để con cháu biết mối quan hệ nội ngoại, nhưng chỉ ghi tên, không ghi rõ mối liên hệ từ đời nầy sang đời khác. 

Đã từ lâu, các vị cao niên trong tộc rất muốn tập họp tư liệu thân tộc, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu? Con cháu các thế hệ, kẻ nhớ người quên về mối quan hệ dòng họ. Tuy nhiên, muốn xây dựng một bộ gia phả hoàn chỉnh cần phải có thời gian, nhân lực và những chuyên môn nghiệp vụ nhất định. 

Thời may, Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thành phố Hồ Chí Minh mà Giám đốc là ông Võ Ngọc An, hưởng ứng Chương trình Xây dựng Nông thôn mới, phối hợp Ủy ban Nhân dân xã Tân Thông Hội dựng 10 bộ gia phả cho các dòng họ sinh sống lâu đời trong xã, trong đó có tộc Lê chúng ta. Khi được thông tin, trong tộc hết sức vui mừng, thông báo cho toàn tộc.

Ngày 2/4/20011 nhằm ngày 29 tháng 2 năm Tân Mão, Tổ thực hiện bắt đầu công việc sưu tầm đến từng gia đình Điều quan trọng chúng ta mong muốn là được ghi chép cội nguồn dòng họ. Trước là tìm những vị thời trước, về cách sống, tư tưởng và những công việc đã làm, sau là để biết thêm về bà con, họ hàng hiện giờ và cũng để lại cho thế hệ sau những tư liệu quí về dòng họ một cách có hệ thống. Tuy nhiên, trong tộc họ chưa có chuẩn bị, nên trước mắt trong chi thứ nhất lập phả  tiểu chi LÊ VĂN NHỊ – ĐỜI THỨ II, NHÁNH THỨ I – LÊ VĂN ĐẠO, con cháu người thứ 9: LÊ VĂN VẬN. Khi có điều kiện sẽ tiếp tục dựng phả đầy đủ.

Sau 4 tháng nghiên cứu, truy tìm thân tộc họ Lê tại ấp Trung, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, gia phả đã cơ bản hoàn thành xin giới thiệu đến bà con dòng họ để chúng ta cùng tham khảo.

 Bộ Gia phả họ Lê  được dựng theo bố cục như sau:

Phần thứ nhứt : Phả ký.

Phần thứ hai  : Phả hệ.

Phần thứ ba  : Phả đồ.

Phần thứ tư : Ngoại phả.

Cội nguồn và công lao khó nhọc của tổ tiên chúng ta chỉ qua chuyện kể. Vì vậy, bước đầu tập hợp chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót, rất mong được sự thông cảm của bà con thân tộc.

Xin chân thành cảm ơn Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Tp.HCM và Tổ thực hiện đã giúp chúng tôi hoàn thành bộ gia phả này. Xin hoan nghênh sự hợp tác của rất nhiều bà con trong họ, đã dành nhiều thời gian quí báu trong quá trình sưu tầm tư liệu. Rất mong được sự đóng góp và bổ sung của các vị trong họ tộc để quyển gia phả nầy ngày càng hoàn chỉnh hơn

Tân Mão 2011

Hậu Duệ Đời VI

LÊ VĂN XÃ

 

PHẢ KÝ

Năm Quý Mùi 2004, ngày 24 tháng 6 âm lịch là ngày giỗ Tổ, giỗ Họ. Hậu duệ họ Lê, Đời thứ V, phát hành trong dòng tộc tập ghi chép SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÙNG MỘT SỐ QUY ƯỚC CỦA GIA TỘC HỌ LÊ. Trong các dòng mở đầu nêu rõ: Xuất phát từ nguyện vọng của bà con thân tộc, qua nhiều thời kỳ, nhiều thế hệ, mong muốn tìm lại nguồn gốc nơi đã sinh ra và tạo lập cho mình có cuộc sống ngày nay. Nhưng những mong muốn đó chưa được thực hiện do chiến tranh triền miên, kinh tế khó khăn, bà con sống lưu lạc khắp nơi, chưa có điều kiện tổ chức. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, cuộc sống bình yên, kinh tế ngày càng phát triển là điều kiện thuận lợi cho bà con tụ hội tìm lại nguồn gốc nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Nguyện vọng của bà con thân tộc họ Lê chúng ta là chính đáng. Từ MIẾU KIẾN HỌ LÊ, hằng năm con cháu tập họp và truyền nhau rằng người họ Lê đầu tiên đến đất Tân Thông Hội khai hoang lập nghiệp phát triển tộc họ đến ngày nay là ông LÊ VĂN LUÔNG, người gốc Quảng Bình, vào Nam lập nghiệp. Chưa biết vì lý do gì, ông phải rời quê cha đất tổ lưu lạc vào phương Nam, khi ấy còn là thanh niên trai tráng, cũng chưa biết ông đi với ai?, có cùng bà con thân thuộc không? Điều đó chưa lý giải được, nhưng con cháu các thế hệ xác định ông là người thứ nhứt trong tộc họ Lê đến nơi nầy sinh cơ, lập nghiệp, chọn Tân Thông Hội là Tổ quán, rồi lập gia thất với người địa phương sanh con đẻ cháu, đến nay là 7-8 thế hệ. Tính theo sự phát triển các Đời, ông là ông Tổ họ Lê nơi đây, là ĐỜI THỨ NHỨT của thân tộc. 

Khi ông đến nơi nầy, tên gọi địa phương là ấp Tân Thông Trung, làng Tân An Hội, tổng Long Tuy Hạ, tỉnh Gia Định. Con cháu cũng biết được, xưa kia, nơi đây là vùng hoang hóa, các bậc tiền bối chúng ta đã cần cù lao động với mong muốn gầy dựng cuộc sống và cho con cháu đời sau một tương lai rạng rỡ. Khi đến mảnh đất nầy khẩn hoang lập nghiệp, cho đến thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nơi đây chủ yếu chỉ vài nóc gia, dân số khoảng mươi người, đến nay phát triển khá đông. Điều đáng nói, là đất nước trải qua chiến tranh, các bậc tiền nhân và con cháu họ Lê chúng ta cùng góp phần đánh đuổi ngoại xâm. Tất cả điều đó là những tấm gương sáng để con cháu học tập, tiếp tục truyền thống của dòng họ phấn đấu xây dựng một cuộc sống ấm no hạnh phúc cho gia đình mình và góp phần xây dựng cộng đồng xã hội.

Hằng năm, vào ngày 24 tháng 6 âm lịch, con cháu các thế hệ trong họ Lê về cúng Cửu huyền thất tổ, là ngày giỗ Họ, bà con đến dự đều có mối quan hệ thân tộc. Nhưng những người trong họ chỉ biết đến đời ông nội, có người nhớ được tên ông, có người nhớ tên bà, nhưng đến đời ông cố thì không ai nhớ được tên và hành trạng. 

Do bận trăm công nghìn việc, trong họ không có điều kiện gom góp ký ức, hệ thống những sự kiện liên quan đến xác định tổ quán, phát tích dòng họ. 

Phần phả ký này chủ yếu đề cập đến các vấn đề sau:

- Xác định tổ quán và  thủy tổ họ Lê.

- Quá trình hình thành, phát triển của dòng họ.

- Những đặc điểm của dòng họ và mối quan hệ của dòng họ đối với xã hội.

- Phương hướng xây dựng dòng họ trong tương lai.

A. TỔ QUÁN TỘC LÊ: ẤP TRUNG, XÃ TÂN THÔNG HỘI, HUYỆN CỦ CHI, TP.HCM

Ấp Trung, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM ngày xưa là thôn Tân Thông Trung, làng Tân An Hội, tổng Long Tuy Hạ, tỉnh Gia Định.

Tìm hiểu thông tin về tổ quán và vị thủy tổ của dòng họ Lê, qua các tư liệu lịch sử khảo cứu, và trưởng lão trong thân tộc, chúng ta có thể ghi nhận các sự việc như sau:

Qua Miếu kiến họ Lê, được biết ông Tổ: Lê Văn Luông là người họ Lê đầu tiên từ Quảng Bình đến Tân Thông Hội khai hoang, lập nghiệp. Theo ghi nhận trên mộ chí, ông sanh năm 1785, đến nơi nầy mới lập gia thất với bà Tổ Nguyễn Thị Tuyết, người địa phương, phỏng tính phải qua năm 1800, thuộc thế kỷ thứ 19. Thời kỳ nầy, theo lịch sử thuộc triều đại nhà Nguyễn với chủ trương đưa dân vào mở rộng vùng đất phương Nam, theo lịnh  chúa Nguyễn Phước Chu chiêu mộ người dân từ Bố Chánh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn vào Nam khẩn hoang. Tân Thông Trung nói riêng và toàn miền Nam gọi là xứ Đàng Trong, dân cư còn quá thưa thớt. Lúc đầu, chỉ có một số quan chức, lưu dân (là những người dân ly tán bỏ làng bỏ xóm, bỏ quê hương tha hương làm ăn). 

Thời ấy, việc đi lại rất khó khăn, phải dùng xuồng ghe vì đường bộ chưa được chú ý mở mang. Từ sau khi chúa Nguyễn chính thức đặt bộ máy cai trị ở vùng đất mới, hệ thống đường bộ bắt đầu được xây dựng mà quan trọng nhất là các đường bộ từ thành Gia Định đi các hướng Bắc, Nam, Đông, Tây gọi là đường Thiên Lý hay Thiên Lý Cù cũng gọi là đường Sứ,  được đắp từ Thành Qui tức thành Bát Quái đi  Bà Quẹo, Hóc Môn lên thẳng Trảng Bàng đến địa giới Campuchia. Con đường này do ông Lê Văn Duyệt trong lúc làm Tổng Trấn Gia Định thành, chỉ huy dân phu đắp. Sau này người Pháp mở rộng trải đá tráng nhựa gọi là đường Thuộc địa số 1 (R.Colonial N01). 

Lưu dân miệt ngoài vào Bến Nghé lần hồi theo đường Thiên lý tìm lên các vùng đất phía Bắc Gia Định vốn còn hoang vu khai canh, định cư. Họ đặt tên cho xóm làng, lấy vùng bưng trước mặt – bưng Tràm Lạc làm mặt tiền nên mới có  “ấp Tiền, “ấp Hậu” bây giờ.

Từ nội thành, thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, theo quốc lộ 22, qua khỏi cầu An Hạ  cách  khoảng 4km  là Tân Thông Hội. Cuộc sống bà con nơi đây gắn liền với địa phương, con người xã hội và cuộc sống. Đây là Tổ quán của tộc Lê đến định cư gần 200 năm.

Về mặt địa lý, thổ nhưỡng, Tân Thông Hội, Tân An Hội  là điểm cuối cùng của vùng đất gò phù sa cổ Đông Nam Bộ với những bưng Vườn Điều, Tràm Lạc, Giồng Ông Hòa ở phía Nam thuộc vùng đất chua phèn của đồng bằng sông Cửu Long. 

Các thôn Tân Thông là vùng đất triền, hướng tây-bắc nghiêng dần về phía đồng bưng Mỹ Hạnh (Đức Hòa) và Mũi Lớn (Tân An Hội) vốn là các vùng đất phèn chua, nước mặn (sau này ta gọi là đồng bưng Tam Tân); phía đông-nam giáp với cánh đồng Tân Phú Trung chuyên trồng lúa, chen với những vạt đất triền trồng rau, đậu phọng, tre trúc, thuốc lá. 

Đường Thiên lý, tức quốc lộ 1, cắt ngang các thôn Tân Thông, Tân Thông Trung, Tân Thông Tây nối mạch giao thông từ Bến Nghé với Trảng Bàng, Tây Ninh đã đem lại sự trù phú cho vùng thị tứ chợ Củ Chi và xóm ấp chung quanh, đồng thời cũng là tuyến đường quân sự mà giặc Pháp đã hành quân nhanh chóng lên Tân Phú, Tân Thông bố ráp, bắn giết người vô tội sau vụ khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940. 

Người dân nơi đây số đông theo đạo thờ cúng ông bà. 

Gắn liền với sinh hoạt đặc trưng của nền văn hóa Nam Bộ, trong vùng có nhiều ngôi đình: lớn nhất là đình Tân Thông, nơi cộng đồng cư dân xây dựng đình, miếu thờ phụng tưởng nhớ những người đi trước ra công khai sơn, phá thạch, giữ gìn bờ cõi Tổ quốc. Dân trong vùng hằng năm đều có lệ cúng đình vào ngày rằm tháng 2 cúng thần nông và cúng Kỳ Yên vào ngày 16 tháng 10 âm lịch. Mọi người quanh vùng tề tựu đông đủ mang mâm xôi, thịt đến đình hương khói cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa. 

Miếu Kiến họ Lê, ở ấp Trung, mỗi năm theo lệ giống như cúng Đình làng: Ngày 7 tháng Giêng cúng Khai hạ, ngày 16 tháng 8 lễ cầu Bông. Miếu có hai ngày cúng chánh: Ngày 24 tháng 6 âm lịch giỗ ông (Ông Lê Văn Luông), ngày 10 tháng chạp âm giỗ bà (bà Nguyễn Thị Tuyết).

Ngày nay, theo quy hoạch của Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi, xã Tân Thông Hội chỉnh trang 2 khu dân cư: gồm: 4 ấp nông thôn phía Nam của xã : ấp Thượng, ấp Trung, ấp Chánh, ấp Tiền với diện tích 1.100 ha và Khu vực từ kênh N46 trở ra tiếp giáp huyện Hóc Môn và tỉnh Long An diện tích 600 ha, là Quy hoạch khu đô thị Tây Bắc của thành phố Hồ Chí Minh. Khu  vực nhà nông thôn gắn với khuôn viên nhà vườn từ kênh N46 trở vào Quốc lộ 22 gồm 500ha. 4 ấp đô thị hóa với diện tích 250ha quy hoạch vào khu dân cư thị trấn huyện lỵ của huyện. 2 ấp nông nghiệp diện tích 438,4ha quy hoạch Khu dân cư Tân Thông 1 nằm trên địa bàn ấp Hậu, khu dân cư Tân Thông 2 và Khu Tái định cư  của Huyện.

 Ủy ban Nhân dân xã rất quan tâm đến việc khai thác mạng lưới điện tại xã 100% nhân dân sử dụng điện, phát triển trường học với 4 trường mầm non, 2 trường Tiểu học, 2 trường Trung học cơ sở và 1 trường Trung học Phổ thông. Trong xã có một chợ trung tâm với 350 tiểu thương và 1.136 điểm hoạt động thương mại dịch vụ trong toàn xã. Hiện nay xã Tân Thông Hội đã được phê duyệt Đề án Xã Nông thôn mới.   

Gia phả họ Lê chúng ta được lập trong Chương trình dựng 10 gia phả tiêu biểu trên đất xã Tân Thông Hội.

B. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN DÒNG HỌ

I. SỰ PHÁT TRIỂN CÁC ĐỜI

ĐỜI I

Qua Miếu kiến họ Lê, được biết ông Tổ: Lê Văn Luông là người họ Lê đầu tiên đến Tân Thông Hội khai hoang, lập nghiệp. Theo ghi nhận trên mộ chí, ông sanh năm 1785, đến nơi nầy mới lập gia thất với bà Tổ Nguyễn Thị Tuyết, người địa phương. Ông bà Tổ sanh được 8 người con, người thứ hai và thứ ba mất lúc còn nhỏ, còn lại 6 người: 3 nam và 3 nữ.

ĐỜI II

THỨ TƯ : LÊ VĂN NHỊ.

THỨ NĂM : LÊ THỊ NHƯ.

THỨ SÁU : LÊ VĂN CHAY.

THỨ BẢY : LÊ THỊ DẦU.

THỨ TÁM : LÊ THỊ MINH.

THỨ CHÍN  :LÊ VĂN TRƯỢNG.

Ba người con trai: Ông LÊ VĂN NHỊ lập gia thất với bà NGUYỄN THỊ NGA, ông LÊ VĂN CHAY lập gia thất với bà VÕ THỊ TRUNG, ông LÊ VĂN TRƯƠNG lập gia thất với bà VÕ THỊ SÁNG, lập nên 3 chi họ Lê tiếp nối Đời III.

Các bà LÊ THỊ NHƯ, lập gia thất với ông NGÔ VĂN VINH, bà LÊ THỊ DẦU, lập gia thất với ông NGÔ VĂN PHO, bà LÊ THỊ MINH lập gia thất với ông HUỲNH VĂN HUẤN là con cháu ngoại, mang họ khác. 

Như vậy từ Đời I đến Đời II, trong họ ta có 6 ông bà, trong đó có 3 nam và nữ. Đến Đời thứ III, lập Phả lần nầy, chúng ta tập trung chi ông LÊ VĂN NHỊ.

II. HỌ LÊ TỪ ĐỜI III ĐẾN ĐỜI VI – CHI ÔNG LÊ VĂN NHỊ

ĐỜI III

Ông Lê Văn Nhị lập gia thất với bà Nguyễn Thị Nga, sanh 9 người con:

Thứ hai: Lê Văn Đạo.

Thứ ba : Lê Thị Văn.

Thứ tư : Lê Văn Kinh.

Thứ năm : Lê Thị Thông.

Thứ sáu : Lê Văn Quy.

Thứ bảy : Lê Văn Bổn.

Thứ tám : Lê Văn Tánh.

Thứ chín : Lê Văn Xưa.

Thứ mười : Lê Văn Mười.

Trong tộc họ ghi nhận: Hiện nay chưa có thông tin về bà  Lê Thị Văn, ông Lê Văn Kinh, ông Lê Văn Bổn, Lê Văn Tánh. 

III. TIỂU CHI ÔNG LÊ VĂN NHỊ 

- NHÁNH THỨ NHỨT-LÊ VĂN ĐẠO

ĐỜI IV: Ông Lê Văn Đạo con thứ hai ông Lê Văn Nhị, ông kết duyên với bà Nguyễn Thị Tiền sanh 10 người con:

Thứ hai : Lê Thị Đồn.

Thứ ba : Lê Thị Mai.

Thứ tư : Lê Văn Giỏi (mất lúc còn nhỏ).

Thứ năm : Lê Thị Quá (mất lúc còn nhỏ).

Thứ sáu : Lê Thị Ngợi.

Thứ bảy :Lê Thị Đào.

Thứ tám : Lê Thị Thới.

Thứ chin :Lê Văn Vận.

Thứ mười : Lê Thị Châu.

Mười một : Lê Văn Liên.

Theo nguyện vọng của dòng họ, thống nhất, trong Gia phả nầy ghi chép tiểu chi ông LÊ VĂN NHỊ nhánh thứ nhất (con ông Lê Văn Nhị): LÊ VĂN ĐẠO. Tập trung người con thứ chÍn là ông LÊ VĂN VẬN. 

ĐỜI V:

Ông Lê Văn Vận lập gia thất với bà Nguyễn Thị Chiến sanh 8 con:

Thứ hai : Lê Văn Sẳng.

Thứ ba : Lê Văn Thời (mất lúc còn nhỏ).

Thứ tư : Lê Thị Giờ.

Thứ năm : Lê Văn Dậu.

Thứ sáu : Lê Văn Oanh.

Thứ bảy : Lê Văn Khóai

Thứ tám : Lê Thị Thẩm.

Thứ chin : Lê Văn Sắng.

Theo cung cấp của gia đình, ĐỜI V đến ĐỜI X  đi vào chi tiết hành trạng của: Ông thứ hai: Lê Văn Sẳng, ông thứ năm Lê Văn Dậu. Bà thứ tám: Lê Thị Thẩm, ông thứ chin: Lê Văn Sắng

C. ĐẶC ĐIỂM DÒNG HỌ

Họ Lê  là một họ có nhiều người trong cả nước. Đi đến vùng nào đều gặp người họ Lê. Theo thống kê của thành phố Hồ Chí Minh tháng 3 năm 2011, toàn thành phố Hồ Chí Minh có 620.855 nhân khẩu họ Lê, trong đó có 292.792 nam và 328.062 nữ. Họ Lê chiếm tỷ lệ 8,668% tổng số  nhân khẩu, xếp thứ ba danh sách “Họ” trên địa bàn thành phố. 

 Khi xưa, tộc Lê trong vùng sinh sống bằng nghề nông trồng lúa, tỉa đậu, trồng thuốc lá, tre trúc, lúc nông nhàn, bà con đan lát, làm bánh tráng..

Hiện nay, con cháu trong tộc họ Lê – Tân Thông Hội, phần đông làm nghề nông, một số người làm việc tại các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân. Mồ mả ông bà còn lưu lại nơi đây cũng đã chứng minh điều này, các đời sau do chiến tranh và bận việc mưu  sinh  nhiều mộ ông đời thứ I đến đời thứ IV không tập trung. Khu mộ hiện nay, là các bậc trưởng lão III, đời VI, đời V. Con cháu thuộc chi Lê Văn Nhị sinh sôi nối nghiệp cho đến nay là đời VI và Đời VII. 

Đặc điểm của dòng họ: 

1. Truyền thống giữ gìn đạo hiếu và nhân nghĩa.

Tổ tiên, con cháu họ Lê luôn tôn trọng đạo hiếu, biết ơn tổ tiên ông bà và các thế hệ tiền bối đã sinh thành nuôi dưỡng răn dạy con cháu thành người. Tất cả mọi người trong dòng tộc đều rất tự hào về họ Lê và luôn hướng về Miếu thờ Kiến Tộc Lê, luôn sống có tâm, có đức, có lòng hướng thiện, luôn đề cao chữ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Trong họ không có người làm điều gì trái với truyền thống dòng họ, làm thân tộc phiền muộn, những trường hợp xử thế không phải đều được bà con khuyên răn.

Ngày Giỗ Họ Lê và việc chăm sóc mộ phần:         

Hằng năm vào ngày 24 tháng 6 Âm lịch, là ngày Giỗ Họ,con cháu họ Lê các chi tề tựu cúng Cửu huyền thất tổ, cúng giỗ ông Lê Văn Luông, đặc biệt, trong họ rất kính thờ tổ Bà Nguyễn Thị Tuyết. Giỗ Tổ Bà cũng trang trọng như giỗ Tồ Ông. Giỗ Bà vào ngày 10 tháng Chạp âm.Việc cúng  do con cháu các đời tự nguyện đóng góp. Tại Miếu có Ban Quản lý trông coi giữ gìn mã Tổ và Miếu thờ. Các nhà trong thân tộc đều lập bàn thờ ông bà, cha mẹ. Điều đáng nói, là con cháu họ Lê dẫu đi khắp nơi vẫn tìm đến tổ quán, nhớ ngày giỗ họ về đốt nhang viếng ông bà, tổ tiên và gắn bó tình cảm trong thân tộc.

Ngoài giỗ Họ, trong thân tộc rất tôn trọng việc thờ phụng ông bà. Mỗi nhà đều lập bàn thờ: ông bà, cha mẹ, và những người độc thân đã khuất, nhiều nhà cúng giỗ đến đời ông Cố. Từ ông Sơ trở lên đưa vào giỗ Họ.

Tất cả những điều trên cho thấy lòng hiếu thảo của con cháu với tổ tiên. Đó cũng là sự giáo dục thiết thực các thế hệ sau, luôn quan tâm đến người đã khuất, cố gắng học tập, làm việc tốt rạng danh dòng họ.

2. Truyền thống cần cù trong lao động

Xuất thân từ nông dân và sống chủ yếu ở nông thôn, Họ Lê có truyền thống cần cù trong lao động. Nghề chính tại địa phương cũng như trong gia tộc là làm ruộng, làm thợ may, dạy học,  trồng hoa màu: mía, đậu phọng, mở lò bún nghề phụ là đan đệm cói, đan lờ, làm bánh tráng,. Ngày nay, bà con trong họ phần lớn chuyển sang các hoạt động kinh doanh, dược, điều dưỡng, vi tính, giáo viên, dịch vụ, làm việc các cơ quan nhà nước và công nhân các công ty, làm tài xế, thầu xây dựng, thợ mộc, thợ hồ, trồng hoa lan... Tuy chưa có sáng kiến độc đáo, nhưng bà con bằng sức lao động đã tạo cuộc sống khấm khá, nhiều nhà tường, xây kiên cố khang trang, thay cho nhà vách, mái lá xưa kia. 

3. Truyền thống hiếu học

Họ Lê -Tân Thông Hội  là một họ rất hiếu học, con cháu các thế hệ đều được cắp sách đến trường, trường Tiểu học và Trung học Tân Thông Hội là nơi khai sáng bao con cháu họ Lê. Trong họ, đời thứ VI, nhánh ông Lê Văn Vận có nhiều người tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế, cử nhân Nông nghiệp, cử nhân Sư phạm... Tốt nghiệp Đại học và Cao Đẳng Sư phạm được nhiều người quan tâm học và làm việc bằng nghề cao quý này: Đời thứ VI có ông Lê Văn Thặng, Lê Vân, Lê Văn Sáu, Lê Phan Hồng Vân, Lê Văn Trường,  Lê Ngọc Dung; Hiệu trưởng trường Mâm Non Tân Thông Hội 3: Lê Thị Sậu;  Làm việc ngành Hải quan: Lê VănThanh, Kế tóan Lê Thu Hường; ngành Dược: bà Lê Thị Trơn, học sinh Gia Long, sau làm việc tại bịnh viện Điện Biên Phủ; Điều dưỡng:Lê Thị Hồng Loan , kinh doanh bất động sản: Lê Văn Triều. Trong họ có ông Lê Văn Bảy con ông Lê Văn Sẳng là Đại biểu HĐND xã Tân Thông Hội, ông Lê minh Trí con ông Lê Văn Thặng là Phó Chủ tịch UNND thành phố Hồ Chí Minh. 

Tộc Lê, đến đời thứ VI khi địa phương được đô thị hóa, đất đai thu hẹp, các bậc cha mẹ xác định: chỉ đầu tư kiến thức, nghề nghiệp cho con cháu mới là điều thiết thực trong cuộc sống, nên nhiều thanh niên đời VI-đời VII, VIII… được đi học nhiều ngành nghề phù hợp, đóng góp chuyên môn cho công cuộc xây dựng tổ quốc.

4- Truyền thống yêu nước và cách mạng

Được tổ tiên giáo dục, các thế hệ con cháu trong dòng họ luôn có tinh thần yêu nước sâu sắc. Bao nhiêu thế hệ con cháu theo cách mạng đã chiến đấu để bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc.

Tham gia kháng chiến trong thân tộc có các ông bà: Thời kỳ chống Pháp: Ông Lê Văn Triệu tham gia năm 1945; Thời kỳ chống Mỹ có ông Lê Văn Thặng vừa dạy học vừa họat động nội tuyến. Bà Lê Thị Hà là thương binh, bà Lê Thị Thẩm. Liệt sĩ có ông Lê Minh Triều với chiến công: đánh 44 trận, bắn rơi 1 máy bay, diệt 50 tên giặc, khi hy sinh là Đại Đội trưởng. 

5. Hôn phối trong tộc Lê

Hậu duệ họ Lê, nhánh ông Lê Văn Vận trưởng thành số đông lập gia đình với các họ ở Tân Thông, Tân Phú Trung, Phước Vĩnh An; cũng có người lấy vợ ở Tân An Hội là thị trấn sát bên làng Tân Thông; hoặc Long An, thành phố Hồ Chí Minh;  có người được gả theo chồng, hoặc đi làm ăn xa gặp người vừa ý tiến tới hôn nhơn. 

Họ Đặng, họ Nguyễn, họ Lê, họ Huỳnh, họ Phạm, họ Võ, họ Phan, họ Thái, họ Hà, họ Châu, họ Lý, họ Linh, họ Kiều,  họ Trần, họ Trương, là các họ thông gia với họ Lê, hoặc cưới dâu, hoặc chọn rễ. 

Con cháu họ Lê khi gả chồng, hoặc cưới dâu, luôn lấy quê chồng làm quê mình, một mực lo lắng cho nhà chồng, trên kính dưới nhường, nuôi dạy con cái, thờ phượng tổ tiên nhà chồng chu đáo. Đó là nét văn hóa gia đình đẹp đẽ mà con cháu họ Lê có được từ nếp sống và sự giáo dục của cha mẹ, ông bà.

Con trai họ Lê lấy vợ cậy trông được việc nhà, việc chăm sóc mồ mả, giỗ chạp ông bà đều biết lo toan, lại sanh được nhiều con trai nối dõi tông đường, nhiều người dâu họ Lê quan tâm biết rõ nguồn gốc dòng tộc bên chồng, nhớ rõ ngày kỵ giỗ của ông bà cha mẹ.

Được sự hỗ trợ của Trung Tâm nghiên cứu Gia phả TP. Hồ Chí Minh và UBND xã Tân Thông Hội dựng 10 bộ Gia phả các tộc họ sanh sống lâu đời và tiêu biểu là một việc làm thiết thực và rất có ý nghĩa, trước hết là để thắt chặt tình cảm bà con trong dòng họ, để con cháu có điều kiện hướng về cội nguồn, tìm hiểu, chiêm nghiệm những lối sống cao đẹp, sự cống hiến cho xã hội và tinh thần lao động cần cù của cha ông trong quá khứ, đó cũng là phương cách giáo dục con cháu một cách hữu hiệu, giúp cho thế hệ ngày hôm nay tin tưởng, tự hào về truyền thống của tổ tiên mình để sống có ích cho gia đình và cho xã hội. Con cháu họ Lê sẽ viết tiếp những trang phả đầy tự hào của dòng họ trong tương lai. 

IV. PHÁT HUY XÂY DỰNG DÒNG HỌ

Truyền thống tốt đẹp của tộc họ 

Nhìn chung, họ Lê cho đến ngày hôm nay là một dòng họ mang bản chất nông dân. Các bậc tiền hiền là những nông dân chất phát, chịu khó làm ăn và có chí tiến thủ, gắn bó cùng quê hương xóm làng. Tuy trong thực tế có một số người sau này  thành đạt trong các lãnh vực, nhưng vẫn giữ nguyên sự bình dị, chất phát, mộc mạc - bản chất nông dân của dòng họ. Cho đến đời thứ VI người họ Lê tiếp tục có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp chung của dân tộc, cho quê hương Tân Thông Hội nói riêng và đất nước nói chung. Thế hệ con cháu hiện nay phấn đấu học tập với các ngành nghề chuyên sâu, tiếp tục truyền thống của cha ông góp phần dựng xây đất nước

Tính từ lúc khởi đầu lập nghiệp tại đất, khoảng năm 1860, đến nay năm 2009 là 150 năm,  Họ Lê với đời thứ V sanh sống ở  Tân Phú Trung, Tân Thông Hội và các xã lân cận. Đời VI và Đời  VII còn nhỏ được sanh ra trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến nay.

Ngày đầu đến lập nghiệp chỉ có ông bà Tổ Lê Văn Luông, Đời II có 6 người con sang Đời III cộng cả 5 chi được 32 người. 

Các Đời IV, Đời VII họ Lê (chỉ tính chi 1) có sự phát triển mau chóng về số lượng trong khoảng thời gian 1910-1940. Nhiều gia đình sanh trên mười người con, số ít là ba bốn người, không tính số con sanh ra chết nhỏ. Đời thứ tư của tiểu chi 1 là 71 người, đời thứ năm tăng lên 169 người, được nêu danh trong Gia phả nầy là 295 người.. 

Trong thân tộc cứ mỗi chi hoặc tiểu chi hay gọi là một “phồn”. Tuy nhiên, mỗi phồn không phân biệt là chi, tiểu chi hay nhánh, do đó trong gia phả chúng ta thống nhất các tên gọi. Đời I, Đời II, Đời III, Đời IV, Đời V, Đời VI, Đời VII. Trong các Đời, chúng ta gọi là Tiểu chi.

Có GIA PHẢ, NGÀY GIỖ HỌ trước khí thiêng MỒ MẢ ÔNG BÀ cho phép bộ gia phả đề ra phương hướng xây dựng dòng họ tộc Lê  như sau:

1. Con cháu các thế hệ cùng phấn đấu gìn giữ truyền thống lao động, yêu nước quý báu của dòng họ: sửa sang phần mộ tổ tiên, duy trì việc thờ cúng ông bà là đạo lý  của người Việt Nam

2. Xây dựng dòng họ vẹn toàn trong ấm, ngoài êm. Mỗi chi, nhánh, mỗi gia đình phát huy những mặt tích cực đóng góp, xây dựng quê hương giàu đẹp trong đó có họ tộc chúng ta.

3. Trong họ tộc cùng chăm lo:

- Giỗ họ nghiêm túc.

- Mồ mả khang trang.

- Bộ gia phả hoàn chỉnh. 

5./ Trong ngày Giỗ Họ nên tổ chức nhiều hoạt động như: Liên kết họ Lê trong vùng nhằm mở rộng vòng tay thân tộc, kết nối quan hệ bàng họ Lê trong vùng. Xây dựng quỹ giúp đỡ gia đình gặp khó khăn, quỹ học bỗng cho con cháu học giỏi và chúc thọ các cụ lớn tuổi…Tất cả những việc làm có ích sẽ gắn bó thân tộc trong mái nhà chung, làm cho dòng họ mãi mãi trường tồn, vinh danh.

Trong Gia phả, toàn tộc xin lưu ý:

- Trên phả đồ chỉ thể hiện tên người họ LÊ, con gái họ LÊ, có chồng sanh con mang họ khác, các con không có tên trong phả đồ.

- Trong phả hệ, những người con gái họ LÊ được thể hiện các chi tiết đến đời con, cháu  nhưng không tách chi.

Bộ Gia phả nầy hoàn thành vào Tân Mão 2011, để luôn cập nhật thông tin thân tộc, cứ 5 năm một lần, con cháu các thế hệ tiếp tục cung cấp diễn biến và phát triển từng chi, nhánh,  bổ sung kịp thời vào Gia phả. Gia phả tộc Lê chủ yếu lưu truyền trong dòng họ. Trường hợp đặc biệt, những nhà nghiên cứu lịch sử cũng có thể sử dụng tư liệu, sau khi trao đổi với gia tộc.